Nắng nóng, mất điện: Rất nguy hiểm cho trẻ em và người già!

Hà Nội : Khốn khổ vì nắng nóng, cúp điện

Hà Nội : Khốn khổ vì nắng nóng, cúp điện
TP - Nóng hầm hập trên 40 oC, nhiều khu vực tại Hà Nội bị cúp điện suốt đêm đến 4 giờ sáng, khiến người già, trẻ nhỏ không ngủ được, vật vã ngoài đường hứng gió. Nhiều gia đình có con nhỏ đổ xô đi thuê nhà nghỉ, hoặc tìm nơi có điện.

>> Dùng quạt để giải cứu các trạm biến áp
>> Phát ốm vì mất điện

Đêm, vật vã ngoài đường

Ba ngày trở lại đây, các tuyến phố Hà Nội như Xã Đàn 2, Tôn Thất Tùng, Yên Hòa (Cầu Giấy), Khương Thượng... mất điện liên tục. Trời nóng hầm hập, buổi tối, người dân kéo nhau ngồi la liệt vỉa hè, phành phạch quạt tay. Đêm về, họ ngủ vạ vật ngoài hè hay ban công. Những nhà có trẻ con, người lớn thay nhau quạt, bế, lau mồ hôi, xách quần áo, chai nước…

Vợ chồng chị Trà, ở ngõ 22 Tôn Thất Tùng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, có con nhỏ hai tuổi. Sau ba đêm thức trắng, bế con nhông nhông ngoài ngõ để tránh nóng, chị Trà phờ phạc, mệt mỏi.

Liên tục ba đêm nay, cứ khoảng 22 giờ là khu vực nhà chị Trà mất điện mà không được báo trước. Nếu sớm thì đến một, hai giờ sáng hoặc muộn như đêm qua, tới tận bốn, năm giờ sáng mới có điện trở lại. Vợ chồng chị Trà người bế, kẻ quạt cho con suốt đêm ngoài đường. Sức khỏe của cả gia đình chị, đặc biệt là cháu nhỏ, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hà Nội : Khốn khổ vì nắng nóng, cúp điện ảnh 1
Người già, trẻ nhỏ đổ xô ra công viên tránh nóng vì cúp điện. Ảnh: Đỗ Hợp

Tại khu vực Nam Đồng, nóng nực thế mà ngày nào cũng mất điện. Khổ nhất nhà nào có trẻ em và người già, điện không có chỉ còn biết kêu trời. Cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn.

Ba ngày nay mất điện từ chiều đến một giờ sáng, chị Đặng Lan Phương ở số nhà 168, Xã Đàn 2, nóng không chịu được, đành phải thuê nhà nghỉ: “Cố đợi đến 12 giờ đêm vẫn chưa có điện, phải thuê nhà nghỉ mất đứt 200 nghìn/đêm. Cứ thế này, tiền đâu mà đêm nào cũng ngủ ở nhà nghỉ”.

Lùng nhà nghỉ

Một nhân viên tổng đài 1080 tại Hà Nội cho biết qua điện thoại, mấy hôm nay, cứ đến ca trực đêm là tổng đài liên tục bị quá tải vì khách hàng hỏi số điện thoại nóng của Điện lực Hà Nội và điện lực các quận để truy vấn và “trút giận”, khi khu vực của họ bị cúp điện không báo trước.

Khảo sát của phóng viên Tiền Phong cho thấy, các số điện thoại nóng 22222000 của Cty Điện lực Hà Nội, 22203600 của Điện lực Đống Đa luôn bận và hầu như không thể gọi được trong suốt các đêm 8,9 và 10/6.

Nguồn tin từ Điện lực Hà Nội cho biết, riêng đêm 10/6, tổng đài 22222000 ghi nhận trên 1.000 cú điện thoại của người dân gọi tới chất vấn.

Điều đáng nói, việc ngừng cung cấp điện đúng vào đợt nắng nóng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của dân.

Song, trên website của Cty Điện lực Hà Nội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, không thấy bất cứ một dòng thông báo nguyên nhân hay xin lỗi của Cty này gửi các khách hàng của họ. 

Chị Phương cũng cho biết, mấy hôm nay, nhà nghỉ cháy phòng và giá tăng nhanh chóng. Nhờ mối quen biết, chị mới thuê được với giá 200 nghìn đồng/đêm.

“Năn nỉ mãi, người ta mới cho thuê vì nhà có con nhỏ, chứ không, người ta cho thuê theo tiếng thì nhiều tiền hơn”.

Chị Phương than thở: “Có nhà cửa đàng hoàng giữa thủ đô mà phải đi thuê nhà nghỉ để ngủ, từ bé đến giờ tôi mới gặp phải cảnh tượng này”.

Nhà có hai con nhỏ nên khi mới mất điện, chị Phương và chồng thay phiên quạt cho con: “Đêm nào cũng quạt sái cả tay, trẻ con vật vã, người lớn cũng muốn xỉu. Mấy đêm nóng quá, tôi không ngủ được nên sáng nay có điện phải ngủ bù” - chị Phương nói giọng mệt mỏi.

Khi được hỏi “nếu cứ mất điện thế này thì gia đình nhà chị có biện pháp gì không?”, chị Phương lắc đầu: “Chắc chỉ còn nước chạy sang bà ngoại ở nhờ, chứ tiền đâu mà thuê nhà nghỉ suốt. Nếu bên đó cũng mất điện thì đành bó tay”.

Bác Nguyễn Đức Sử, tổ trưởng tổ dân phố 64, Xã Đàn 2, cho hay, ba ngày nay, nhà bác có thêm bốn cháu ở Khương Thượng tá túc: “Cả phòng bé tý mà 10 người nhà tôi chen chúc nhau”.

Bác cũng cho biết, nhiều nhà ở khu bác ở phải thuê nhà nghỉ, có nhà phải chạy sang ở nhờ anh em, người quen, nhà nào có tiền thì mua máy nổ, quạt tích điện...

Cúp điện không báo

Bác Nguyễn Thị Lương, số nhà 15, tổ 23, Khương Thượng, có cháu nhỏ mới bốn tháng tuổi, một cháu sáu tháng tuổi. Mấy hôm mất điện, cuộc sống cả nhà bị đảo lộn: “May mà mất điện vào buổi tối thôi, chứ nếu mất vào buổi sáng, mà chỉ một bà, một cháu thì mệt đứt hơi”.

“Hai hôm mất điện, hai đứa trẻ quấy lắm. Dù có hai chiếc quạt tích điện nhưng chỉ dùng được hai tiếng là hết, phải chuyển sang dùng quạt nan. Mất điện đến người lớn còn khổ, huống chi là trẻ con” - bác Lương cho biết.

Cùng chung nỗi khổ vì mất điện mà không được báo trước, chị Kim Liên, ở khu tập thể văn công Cầu Giấy, bức xúc: “Ba hôm nay, chỗ tôi mất điện từ sáng đến đêm. Con tôi cứ phải nấu cơm từ bốn giờ chiều.

Bảy giờ, chưa ăn cơm xong, đã bị cắt bụp điện. Cả khu văn công chỗ tôi ở như vùng sâu, vùng xa. Cứ nóng lên là cúp điện mà không được thông báo gì cả.

Tôi chỉ mong có điện đủ để thắp sáng và chạy chiếc quạt cho đứa con ôn thi cuối cấp mà cũng không được. Thà thiếu điện thì cứ nói thiếu chứ khăng khăng nói đủ là sao? Đủ sao cứ cắt điện liên tục?”.

Chị Liên cũng cho biết, chị gọi điện đến đường dây nóng của ngành điện lực, chỉ nhận được nhõn câu: “Do quá tải”.

Không chỉ có người dân, sinh viên cũng rất bi đát: “ba ngày nay rồi, cứ tối đến, chỗ em mất điện, không thể làm được gì mà cũng không thể ngủ nổi” - Hoàng Anh Vũ - sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, trọ ở Yên Hòa, Cầu Giấy than thở.

Trong những ngày mất điện, những thí sinh lên thủ đô ôn thi đại học cũng nếm mùi khốn khổ. Sáng đi học thêm, tối về ôn luyện bài nhưng mấy hôm nay không học được. Mất điện, họ tốn nhiều tiền hơn vì đốt vào quán nước: “Nóng và khát không thể chịu được, đành ra ngoài ngồi quán trà đá đến khi có điện mới về” - Danh Cương, trọ ở Yên Hòa cho biết.

Nắng nóng, mất điện: Rất nguy hiểm cho trẻ em và người già!

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc - Nguyên Phó Giám đốc Viện nhi T.Ư: Thời tiết nắng nóng như mấy ngày qua mà bị cúp điện sẽ rất nguy hiểm cho trẻ em, do cơ thể trẻ nhỏ chưa điều nhiệt tốt, không thải được nhiệt, dẫn đến sốt cao hay cảm nóng.

Mất điện, các thiết bị hỗ trợ làm mát như quạt hay điều hòa không hoạt động, gây ra hiện tượng mất nước ở trẻ vì ra mồ hôi nhiều, nghiêm trọng hơn còn làm cô đặc máu, tuần hoàn máu sẽ không tốt.

Tôi nghĩ, ngành điện cần hạn chế tối đa việc cúp điện trong những ngày này để đảm bảo sức khỏe cho các cháu nhỏ.

Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Hoàng Dương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Người già thường mắc các chứng bệnh kinh niên như tăng huyết áp, tiểu đường, thiểu năng tuần hoàn não... Việc cúp điện trong những ngày nóng bức này sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh tật của họ.

Dễ thấy nhất là hiện tượng mất nước, rối loạn điện giải (mất muối Na, K…), làm tăng bệnh vốn có, tăng huyết áp và dễ gây tai biến hơn.

Ngoài ra, thời tiết nóng, cộng với việc bị cúp điện, rất dễ gây kích thích thần kinh, bực bội, khó chịu cho người già, dẫn đến tâm lý ức chế dễ gây tai biến.

Nóng bức cũng làm người già bị mất ngủ, không tạo ra được giấc ngủ sinh lý, giảm bài tiết nước tiểu, khiến chất độc không thải ra ngoài được, rất nguy hiểm.

Ở cả người già và trẻ em đều dễ bị nhiễm khuẩn do hiện tượng hơi nước dưới da bị bốc hơi do nắng nóng, đặc biệt bệnh viêm đường hô hấp cũng sẽ gia tăng.

Trên thực tế, trong những ngày nắng nóng này, bệnh nhân là người già và trẻ nhỏ có xu hướng tăng đột biến.

Gây thiệt hại cho bên mua, bên bán điện phải bồi thường

Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải bảo đảm điện áp, tần số dòng điện phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng.

Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, tần số dòng điện, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng đã ký mà gây thiệt hại cho bên mua điện thì bên bán điện phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.

(Trích điều 26, Luật Điện lực).

Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp do sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được… thì đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý và trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại.

Trường hợp đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trái các quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.

(Trích điều 27, Luật Điện lực).

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Lê Thu Hà, Email: ...60vn@yahoo.com

Kính gửi tòa soan, hôm qua tôi cũng đã có bài gửi tới quý tòa, nhưng không được đăng tải, bức xúc vô cùng. Hôm nay lại gửi lại với thông điệp là tối qua lại mất điện từ 22:00, nhưng dân chúng tôi không thể chịu được và đã kéo đến điện lực Cầu Giấy và sau khoảng 15 phút là có điện ngay.

Chúng tôi mong có câu trả lời từ điện lực Cầu Giấy và Hà nội. Hai đêm rồi, thứ hai (08/06/09) và thứ 3 (09/06/09) khu tập thể Đồng Xa, Mai Dịch của chúng tôi bị mất điện từ 22 giờ đến 1:30 sáng ngày hôm sau.

Mất điện biết là "bệnh chung của xã hội" thời bây giờ. Nhưng khổ một nỗi là khi khách hàng chúng tôi gọi điện đến điện lực Cầu Giấy để tìm một câu trả lời an ủi rằng "Khách hàng chịu khó một chút chúng tôi đang cố gắng khắc phục sự cố" thi đã đành, đằng này máy điện thoại của điện lực liên tục "number busy" suốt thời gian chúng tôi gọi đến suốt từ 22 giờ đêm đến 1:30 sáng ngày 09/06/09.

Chúng tôi thực sự bức xúc vì mấy ngày qua nóng đến khủng khiếp nhất là về đêm, trẻ con quấy khóc ầm ĩ, thế mà các bạn có thể tưởng tượng không điện bị cắt từng ấy giờ, hỏi rằng có thể phát điên được không? Nhà điện cũng không có câu trả lời, phải chăng nhà điện là người bán điện, nên họ có quyền cho điện hoặc không cho điện, nhưng chúng tôi cũng là khách hàng mua điện sòng phẳng lắm, trong biên lai nói bao nhiêu tiền là chúng tôi phải trả đủ, không thiếu một xu.

Vậy tối nay liệu chúng tôi còn bị tra tấn như thế nữa hay không? Mong nhà điện lực Cầu Giấy cho câu trả lời và vui lòng đừng gác máy khi chúng tôi gọi đến.

Phạm Anh Tuấn, Email: ...tongia@yahoo.com

EVN - Hãy xin lỗi trước mỗi lần "ông" tìm đến cầu dao !

...Trong kinh tế, độc quyền Nhà nước hay Tư nhân đều nguy hại như nhau. Muốn xuất hiện một thị trường điện lành mạnh điều cần thiết là phải xẻ "ông EVN" ra thành nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn hoạt động độc lập.

Giá thành thật một KW điện trung bình tại Việt nam là bao nhiêu ? Dân chúng không thể biết được. Kinh tế thị trường nửa mùa kiểu thị trường điện chỉ mang lại thiệt thòi cho người tiêu dùng và trên đó nữa là toàn bộ nền kinh tế, xã hội.

Chính phủ hãy cổ phần hoá ngành điện đi và hãy làm cho minh bạch. Hãy bóc EVN theo cả chiều dọc và chiều ngang và các doanh nghiệp với nhau chỉ nên ràng buộc bằng hợp đồng kinh tế.

EVN dù "ông" là ai thì chúng tôi vẫn là người nộp thuế, chúng tôi vẫn là người trả tiền. Chúng tôi cần được đối xử với một sự tôn trọng dù là tối thiểu. Bởi kinh doanh cũng cần có văn hoá kinh doanh. Hãy thoả thuận với chúng tôi cùng với một lời xin lỗi trước mỗi lần "ông" tìm đến cầu dao.

BT Nghi, Email: ...hibt@yahoo.com.vn

Một kiểu bán điện cửa quyền có một không hai trên thế giới

Gia đình tôi ở Giáp Nhất - Nhân Chính, đã 4 đêm liên tục mất điện từ 20h đến 1h sáng hôm sau; mất điện vào đúng những ngày nóng nhất từ đầu năm đến nay-gây không ít khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Thế nhưng không nhận được bất cứ một thông báo nào của ngành điện ở khu vực? Tôi cũng tích cực xem thông tin trên các phương tiện xem có thông báo không nhưng cũng không có.

Một kiểu bán điện cửa quyền có một không hai trên thế giới: thích thì cấp điện không thích thì cắt-giá độc quyền thích thì tăng. Trong khi Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền cho ngành điện, hàng chục nghìn tỷ trái phiếu cho điện-nước sông Đà không thiếu mà điện vẫn cắt.

Đề nghị Nhà nước sớm phá độc quyền mua bán điện như phá độc quyền ngành viễn thông trước đây để người dân được nhờ. Những ngày qua nhiều người dân Hà Nội sợ các Ông Điện lắm rồi!

Nguyễn Sinh Sự, Email: ...nds@yahoo.com.vn

Nóng vì mất điện!

Quá bức xúc với ngành điện, từ năm ngoái đến nay tôi vẫn chưa hoàn chỉnh được "những câu vần" về những sai trái, tắc trách của ngành điện lực với khách hàng. Sợ lại bị lỡ tôi gửi vài vần để nhờ quý báo gửi dùm đến ông "Độc Quyền" giúp.

Mồ hôi chảy, ướt đầm cả chiếu giường, “Nation” hết tre, nay không người sản xuất./ Chẳng còn ai ăn trầu, nên cũng chẳng có quạt Mo/ Cây quạt điện cơ, ba cánh lặng như tờ/ Bé đầy tháng khóc hờn, vì trời nóng quá! /Ẵm con ru hời, hai cái nóng nhân đôi! /Nín đi con, Nóng! mẹ cũng hết hơi rồi!

Cầu dao ngắt, cái nóng, đâu có riêng mình mẹ!/ Cái ngành Điện "độc quyền" đang gây bao bức xúc /Đòi tiền điện tăng, mỗi khi mùa nóng nực! / Sáng kiến của Ngành, là phải cắt điện luân phiên! / Đặt atômat để không cần thông báo trước! /Không báo trước, Cắt! các doanh nghiệp kêu rên! Hàng xuất khẩu, Hợp đồng đang quá hẹn!

Quạt muốn quay, ngắt cầu dao lấy đâu ra điện? /Tiền điện tăng rồi EVN ơi! hỡi Ông ngành điện! /Xin lỗi ông EVN, từ nay xin ông đừng Nguỵ Biện!

Nhan Dan, Email: ykienguoidan@gmail.com

Ở VN chưa có ai đứng ra bảo vệ người tiêu dùng, khổ thật đấy. Bên bán cứ kêu quá tải, song nếu người dân dùng điện không trả tiền thì bị cắt ngay lập tức, thế tại sao không thấy điện lực phải bồi thường khi không cung cấp đủ cho nhân dân theo đúng hợp đồng.

Đúng là độc quyền không bao giờ hết khổ. Hãy học tập ngành bưu chính,như thế nhân dân mới sướng.

Ngo Hanh, Email: h...gminh@yahoo.com.vn

Ngành điện là ngành độc quyền mà, góp ý cũng bằng thừa mà thôi. Hợp đồng cũng chỉ là hợp đồng , không có tác dụng gì cho người sử dụng điện cả . Cách tốt nhất là : Hãy quan tâm đầu tư đúng mức vào ngành điện và có kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 2015 - 2030.

Bây giờ chỉ có vắt chân lên cổ cũng chẳng kịp với tốc độ tăng dân số và thiết bị sử dụng điện của người dân ngày càng nhanh. Chỉ có suy nghĩ tốt nhất là : thông cảm mà thôi cho khỏi đau đầu .

Tu, Email: ...tuyetginh@yahoo.com

Trời nắng nóng mà lại cúp điện như vậy thì làm sao chịu nổi, rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ và người già !

Nguyen Van Thanh, Email: ...hanh@gmai.com

Ở nước mình thì phải chịu thế.Quen như thế rồi!

Ha Thinh, Email: ...2005@yahoo.com

Đây có lẽ là một giải pháp để hạn chế người nhập cư vào Hà Nội. Thật khốn khổ khi sống ở Hà Nội vào mùa nóng nhưng... mất điện.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG