Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường !

Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường !
TPO - Liên quan tới dự án xây dựng chợ 19/12 thành trung tâm thương mại 17 tầng, Nhà sử học Dương Trung Quốc vừa có thư ngỏ gửi  “Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo-Chủ tịch UBND TP Hà Nội”.

>> Chủ tịch Hà Nội : Thành phố đang lắng nghe ý kiến nhân dân !
>> Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Nên chuyển thành một vườn hoa
>> KTS Hoàng Đạo Kính : Hãy trả lại cho con phố vai trò từng có
>> KTS Trần Thanh Vân: Hà Nội đã mở rộng, sao vẫn 'qui hoạch xen cấy'
>> PCT Tổng Hội xây dựng VN : Phản khoa học về đô thị !
>> Khu đất chợ 19-12 : Giá thuê đất chưa đầy 1USD/m2/tháng

Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! ảnh 1
Cảnh ngột ngạt, chen chúc thường thấy tại Thủ đô do mật độ xây dựng quá lớn, thiếu đường giao thông... Ảnh : Phạm Yên

Ông Dương Trung Quốc cho biết ngày 4/12/2008, ông được mời lên nói chuyện tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh về chủ đề “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm” và thực sự ấn tượng khi đến khu trung tâm thành phố Bắc Ninh nơi có Quảng trường đặt tượng đài Đức Lý Thái Tổ, sừng sững hai công trình văn hoá mới xây dựng là Thư viện và Bảo tàng tỉnh.

“Vị trí trang trọng, không gian hoành tráng và kiến trúc quy mô, lại đặt đối xứng với trụ sở những cơ quan quyền lực cao nhất (Tỉnh uỷ và UBND) cho thấy quan điểm và tầm nhìn của lãnh đạo Bắc Ninh quan tâm đến sự nghiệp văn hoá như thế nào. Những người tôi tiếp xúc đều nhắc tới tên ông như một trong những người chịu trách nhiệm cao nhất cũng là người có đóng góp quan trọng nhất đối với những công trình này khi Ông còn là Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh” - Nhà sử học viết.

Con đường tồn tại một thế kỷ

Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! ảnh 2
Nơi đây sẽ lại mọc lên thêm 1 cao ốc ngay cạnh 2 cao ốc cũ (Tháp Hà Nội và Khách sạn Melia) ? Ảnh : flickr.com

Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! ảnh 3 Cảm xúc một lần được thấy các công trình văn hoá của thành phố Bắc Ninh làm tôi chạnh lòng  mà mong rằng Hà Nội sẽ được như tỉnh bạn. Và tôi lại tin rằng những gì ông đã đóng góp cho quê hương của Đức Lý Công Uẩn sẽ được phát huy vào công cuộc lãnh đạo để xây dựng Thủ đô của quốc gia mà Đức Lý Thái Tổ đã đặt nền móng. Kính chúc Chủ tịch thành đạt trong trọng trách của mình . Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! ảnh 4

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Ông Dương Trung Quốc viết tiếp: “Nghĩ vậy mà khi trở về Thủ đô, nơi ông đang đảm nhận trách nhiệm là Chủ tịch Thành phố tôi cảm thấy bức xúc muốn lưu ý ông đến với một công trình đang gây dư luận trong xã hội. Đó là việc lãnh đạo Hà Nội đã cho phép xây dựng trên nền Chợ tạm 19-12 một toà nhà 17 tầng làm văn phòng và các hoạt động dịch vụ thương mại.

Dư luận đã nêu, đơn từ của nhân dân đã gửi đến, nhưng quan trọng hơn là với con mắt nghề nghiệp của một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch ông đủ hiểu những bất hợp lý về công trình này. Nó đã làm mất đi một con đường đã tồn tại ngót một thế kỷ tạo nên sự hoàn chỉnh về quy hoạch đô thị khu vực xung quanh một kiến trúc có công năng cần đến sự uy nghi và uy nghiêm là Toà án Tối cao. 

Những giải pháp mang tính tạm thời như làm nơi quy tập hài cốt những người chết trong chiến tranh (thời kỳ đầu Toàn quốc Kháng chiến), hoặc làm “chợ tạm” chỉ là do tình huống hoặc do năng lực quản lý một thời. Việc di chuyển hài cốt để bảo đảm môi trường đô thị, việc giải toả chợ tạm để lấy lại quy hoạch tổng thể là đúng đắn.

Nhưng việc xây một công trình  kiến trúc vĩnh cửu có thể khối lớn, có công năng không thích hợp cần đựơc xem xét lại... Trong khi áp lực về giao thông (động và tĩnh) trong khu vực đang đòi hỏi khôi phục lại con đường nối hai trục  quan trọng là Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt là hợp lý và đáng được ưu tiên hơn cả. Vả lại cho đến nay, tất cả bản đồ thành phố đều mô tả không gian này là một con đường.

Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! ảnh 5
Phố Phan Đình Phùng với kiến trúc biệt thự Pháp còn tương đối nguyên vẹn, rợp bóng 4 hàng cây xanh - một không gian kiến trúc đẹp và thoáng hiếm hoi còn lại ở Hà Nội. Ảnh : blog.360.yahoo.com

Khôi phục lại con đường  cũng là bảo tồn được một trong những hàng cây xanh (long não) vốn thuộc lại đẹp nhất thành phố (mà chắc chắn nó sẽ bị đốn hạ để xây dựng ?!) . Thêm nữa, đây cũng lại là một không gian để có thể tưởng niệm những người đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng chiến mà một thời cả chính quyền tạm chiếm (1947-1954) và chính quyền chúng ta đã từng tổ chức tưởng niệm (cho đến 1981 mới di dời). Điều đó cũng có nghĩa đây là một không gian văn hoá và tâm linh”.

Phục vụ dân sinh

“Tôi không nghĩ rằng siêu thị là không cần thiết nhưng chắc chắn với không gian này thì con đường giao thông phục vụ dân sinh và không gian tưởng niệm đáp ứng nhu cầu tâm linh liên quan đến một sự kiện lịch sử là cần hơn rất nhiều so với một siêu thị. Hơn thế nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng rộng lớn hơn là nơi chỉ để thu phí và lợi nhuận mang lại không phải cho nhiều người”- Thư viết.

Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! ảnh 6
Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh : blog.360.yahoo.com

Nhà sử học cũng cho rằng: “Việc lãnh đạo Thành phố đã sẵn sàng giải toả một không gian đã giao cho dự án xây dựng để làm công viên công cộng như ở trước Nhà Hát Lớn là một quyết định sáng suốt và hợp lòng dân. Chúng tôi mong sự sáng suốt ấy đến với nhiều nơi của thành phố trong đó có “con đường 19-12”. Chắc chắn khôi phục con đường này và ghi dấu tại đó những lưu niệm của một thời hy sinh gian khổ của Hà Nội trong chiến tranh sẽ làm Hà Nội giàu có hàm lượng văn hoá hơn rất nhiều việc thay vào đó là một toà nhà 17 tầng chỉ để kinh doanh”.

Lá thư của ông Dương Trung Quốc đề ngày 5/12/2008. Tuy nhiên tới sáng 9/12, trả lời Tiền phong, ông Nguyễn Thế Thảo- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết ông chưa nhận được lá thư trên. Được biết, tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ 19/12 sẽ được xây dựng trên nền chợ 19/2 ở phố Hai Bà Trưng - Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Công trình gồm hai khối nhà cao 17 tầng và 7 tầng trên tổng diện tích mặt bằng hơn 3.000 m2, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 10/10/2010. Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã họp với hơn 200 hộ kinh doanh tại chợ 19/12 về việc hỗ trợ, chuẩn bị di dời, dự kiến vào đầu tháng 11.

"Dịch bệnh" nhà cao tầng

Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! ảnh 7
Thủ đô Washington, D.C không có nhà cao tầng. Ảnh : Wikipedia

Những nước phát triển đang bị một "dịch bệnh" nhà cao tầng che lấp không gian sống, làm cho thành phố ngột ngạt. Họ chỉ mong được ở những ngôi nhà thấp xinh xinh nhiều cây xanh như Hà Nội cũ của ta. Cư dân thành phố các nước tiên tiến ghét cay ghét đắng nhà hộp, bê tông kính, cao chót vót. 

Trong khi dân nước nghèo lại thích nhà to, rộng, cao vút trời, hoành tráng nhưng thường  đi với chất lượng…kém. Nếu ai đợi thang máy trong Vietcombank cạnh bờ Hồ sẽ rõ là thời gian "chết" nhiều như thế nào. Trung tâm Hội nghị Quốc gia xem chừng sử dụng hết chức năng? Hay chúng ta đang muốn Keangnam bên cạnh cho vĩ đại, xứng tầm thế kỷ? 

Những ai đang sống ở Tokyo, New York, Sydney, Los Angeles hay Chicago sẽ rất ngán tòa nhà kiểu như Keangnam. Lấy chiều cao 70 tầng làm mốc cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long có đáng hay không? Đôi khi, những ngôi nhà tầm thấp lại mang vai trò cao vời vợi trong kiến trúc Thủ đô.

Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson (thời kỳ 1801-1809) luôn mơ ước Thủ đô Washington DC (Mỹ) là “Paris của người Mỹ”, nhà xây thấp, tiện lợi, phố rộng và sáng sủa.  Quốc hội Mỹ đã thông qua qui định từ năm 1889, thủ đô DC không có tòa nhà nào được phép cao vượt nhà Quốc hội (cao 88m). Năm 1910, họ qui định thêm, chiều cao các tòa nhà không vượt quá chiều rộng của phố cộng với 6m. Ví dụ, đường phố trước mặt rộng 28m có thể xây nhà cao tối đa 34m (28+6). Vì thế, những building trong DC cao nhất chỉ khoảng 10-12 tầng. Đó là luật bất di bất dịch trong kiến trúc thủ đô Hoa Kỳ. 

Chúng ta từng có Hà Nội là “Paris của người Việt” nhưng sắp được “nội địa hóa 100%” bởi những kiến trúc “tân kỳ” do nhà nước và nhân dân cùng làm. Giá như chúng ta có qui định nhỏ như xây xong hội trường Ba Đình, khu nội thành không có building nào được “vượt mặt” nhà Quốc hội, sẽ được 85 triệu dân đồng ý. 

Có lẽ, cụ Lý Thái Tổ thích vài ngôi đền, đài tưởng niệm, mấy khu phố cổ được sửa sang đẹp và sạch, hơn là mấy tòa nhà vô hồn kính bê tông, động đất chạy không kịp. Tòa soạn báo "Hà nội mới" là một kiến trúc cực đẹp cần được đảo ngói, vôi ve mặt tiền một chút. Kiến trúc kiểu Pháp của Đồn công an Hoàn Kiếm bây giờ cũng cũng vậy, lợp lại ngói, quét vôi thì cũng là công trình thế kỷ rồi. Dọn sạch Hồ Gươm cho cụ Rùa nổi lên vào ngày đẹp trời cũng là một cách đền ơn tổ tiên thiết thực khác. Vào dịp 1000 năm Thăng Long, không hiểu khách du lịch nào đi taxi ra ngắm nhà chọc trời, cao ốc đây?  

Tôi vô cùng thán phục Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã lấy miếng đất vàng hình tam giác canh Hilton Opera để trồng cỏ xanh. Chắc mảnh đất này, nếu bán 20-30cây/m2, khối người mua. Đó là một công viên giá trị cả tỷ đô la nguyên tiền đất.

Nhân dân rất mừng vì Thủ đô có người Chủ tịch muốn thủ đô "Xanh". Chỉ chưa biết ông định làm "Sạch", "Đẹp" và "Tĩnh" như thế nào. Ông nghĩ đến hạn chế nhà cao tầng trong nội đô như việc ra lệnh “chặt” ngọn mấy ngôi nhà sai phép. Kỹ sư xây dựng như ông Nguyễn Thế Thảo, tầm suy nghĩ về kiến trúc thành phố cũng khác những vị trước.

Ước mong của người đi xa, Hà Nội cần giữ được vẻ "Xanh-Sạch-Đẹp-Tĩnh" và "thâm thấp" - Đó cũng chính là món quà kỷ niệm 1000 năm rồi. Xin đừng thêm những tòa nhà Keangnam, Melia xanh đỏ hay Vietcombank "gạch cua" cao chót vót và vô hồn giữa lòng Hà nội. Hãy giữ Hà nội đẹp như “Paris của người Việt”

Hoa Lư
Từ Washington, D.C

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc 

Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! ảnh 8
Chợ 19/12, vốn trước đây là một con đường, đang khẩn trương giải tỏa để xây cao ốc.  Ảnh: Phạm Yên

Nguyễn Lê Ninh, Email: leninhvn@yahoo.com

Theo bài viết, lẽ ra "chợ phường 19.12" phải được giải toả từ năm 2005 để thực hiện quy hoạch thành 1 con đường như quyết định 96 của UBND TP Hà Nội và giữ nguyên dấu tích lịch sử với tên :"Đường 19.12".

Nay tự nhiên "nảy" ra cái quy hoạch xây siêu thị ! Tôi tự băn khoăn :"Phải chăng lại là sự tác động của cái gọi là 'Nhóm lợi ích' nào đó nên mới có sự xáo trộn dư luận xã hội đến vậy ? 

Tôi từng xa thủ đô sau đêm 19.12.1946, và cũng từng ngậm ngùi trước khu mộ tập thể chiến sĩ, đồng bào thủ đô ngã xuống trong đêm 19.12.1946 khi trở lại thủ đô năm 1955.

Sẽ rất đau lòng tôi nếu có ngày lại qua đây mà gặp phải một cảnh quan xa lạ với những gì thiêng liêng còn mãi đọng lại trong tâm hồn tôi, một đứa con của Hà nội !!!

Dương Bích Ngọc, Email: lydovisao@yahoo.com

Tôi rất quan tâm đến vấn đề chợ 19-12 vì mẹ tôi cũng là 1 trong những người dân kinh doanh tại chợ. Nhiều ý kiến cho rằng nên xây chợ thành phố hoặc thành vườn hoa, trên thực tế nếu ở đó mặc thêm 1 con đường thì thành phố có rộng ra hơn không thì điều đó còn phải xét.

Hơn nữa những con đường quanh đó có mấy khi tắc đâu, mà chủ yếu tắc ở các trục chính như Kim Liên, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Ô chợ Dừa .... Chứ đoạn phố đó hầu như không bao giờ tắc, vậy có cần thiết phải làm đường để tránh ùn tắc khu vực đó không? mong tòa soạn là người có tiếng nói công bằng cho mọi người.

Chợ 19/12 đóng thuế rất cao cho ngân sách so với các chợ khác, tại đó có hơn 500 hộ kinh doanh và hơn 2.000 lao động. Bao nhiêu người nương tựa vào đó, giờ dẹp chợ sẽ sinh thất nghiệp rất nhiều. Mà những người kinh doanh buôn bán là những người lương thiện họ cần được giúp đỡ, họ cần có việc làm và thu nhập.

Ví thử, nếu giờ họ không có công ăn việc làm, sinh ra nhàn rỗi, rồi tệ nạn xã hội sẽ ra tăng, vậy thì cái gì có lợi hơn cái gì, tôi rất mong tòa soạn lên tiếng giúp bà con. Trân trọng cảm ơn !

Nguyễn Thành Công, Email: thanhcongtlc@gmail.com

Đường 19-12 rất rẻ so với đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa

Hà Nội vốn đã rất chật, có cơ hội để mở thêm một con đường 19-12, lại rất rẻ nếu so với con đường "đắt nhất hành tinh" Kim Liên - Ô Chợ Dừa, thì sao lại cứ phải băn khoăn so sánh một chút lợi trước mắt ?

Ngay cả khi Hà Nội chưa mở rộng, tôi nghĩ chủ trương của Đảng và Nhà nước vẫn ưu tiên di dân tự nguyện ra các khu đô thị xung quanh. Việc đầu tư xây dựng các khu đô thị với môi trường sống, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng cao, không gian rộng, hiện đại nhằm thu hút một lượng lớn dân cư về đây sinh sống.

Điều này làm giảm áp lực cho nội thành, đó cũng là cơ hội để có thể dần dần quy hoạch Hà Nội vừa mang tính dân tộc cổ kính (khu vực nội thành và phố cổ), vừa mang tính hiện đại (khu vực đô thị mới).

Trung tâm thương mại ấy, nếu được xây ngoài Từ Liêm, Hoàng Mai hay thậm chí Hà Đông chắc sẽ rẻ hơn nhiều, có thể xây được một vài cái. Bây giờ chưa đắt khách tthuê nhưng liệu vài ba năm nữa, muốn xây tại đó có còn dễ nữa không?

Một người Hà Nội, Email: vietngoc141@yahoo.com

Họ rất yêu Hà Nội ?

Tôi chắc rằng những người phê duyệt dự án này rất yêu Hà Nội. Chả thế mà họ lại tận dụng từng mét vuông đất để làm giàu cho Thủ đô?! Thời buổi bây giờ tấc đất tấc vàng, khu đất chợ 19-12 lại đẹp như thế, tiện lợi như thế, không xây cái gì đó thì thật là "phí của giời".

Mà xây gì thì có lợi nhất? Các cụ bảo "phi thương bất phú" cũng có nghĩa là "hữu thương hữu phú". Vậy xây ở đó một khu thương mại cao tầng là quá chuẩn.

Họ cũng thương dân Thủ đô lắm. Bây giờ nhiều người lắm tiền, nhu cầu mua sắm cao. Mấy địa điểm cũ chắc chưa đáp ứng được nhu cầu đó nên vì thương dân, cho xây thêm một cao ốc mua bán những hai toà nhà - 17 tầng và 7 tầng vị chi là 24 tầng. Tha hồ buôn bán nhé. Việc đó còn chứng tỏ có tầm nhìn xa vì nhu cầu mua bán còn tăng dài dài.

Có người bảo sao không xây ở vùng đất mới mở rộng? Xây ở đó thì ít khách hơn hẳn xây trong khu phố cổ chứ. Và như vậy sẽ nhanh chóng thu được bộn tiền cho các nhu cầu của dân Thủ đô. Còn lịch sử ư? cứ làm một bia tưởng niệm nho nhỏ là được rồi chứ gì?

ngoc son, Email: sonhuong43@yahoo.com.vn

Thiếu trách nhiệm với quá khứ và tương lai ?

Tất cả những gì cần nói thì mọi người đã nói quá nhiều rồi. Điều cốt yếu tôi thấy không phải vì các cơ quan hay cá nhân có trách nhiệm không có hiểu biết về xây dựng hay về kiến trúc mà họ hay quên đi trách nhiệm của mình về lịch sử của dân tộc.

Nói ra thì lại bảo hay quan trọng vấn đề, nhưng quả thật đọc xong những bài báo đã đăng chúng tôi những người đã lớn tuổi lại thấy ngượng ngùng thay cho cách nghĩ, cách làm vừa thiếu trách nhiệm với quá khứ, vừa thiếu trách nhiệm với tương lai như vậy.

Hãy làm một viêc có ích cho Thế hệ trẻ để mai sau thế hệ chúng ta không phải ân hận.

nguyen truong son, Email: hoasibutsat@yahoo.com

Thủ đô đã có công trình nào xứng đáng để kỷ niệm Toàn quốc kháng chiến chưa?

Tôi biết cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội qua hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và của trung tướng Vương Thừa Vũ. Tôi luôn có mong muốn sẽ được thăm lại những con đường, những ngõ hẻm ... mà quân dân thủ đô sống mái với quân thù.

Có lần, tôi mơ thấy mình tham gia bảo vệ Hà Nội và rơi lệ khi thủ đô "lửa đỏ rực trời". Đó là tình cảm của người con miền Nam với Hà Nội . Quyết định của UBND Hà Nội có quá vội vã không? Hà Nội-thủ đô văn hóa, thủ đô tâm linh của người Việt cũng cần có nơi kỷ niệm xứng đáng như tượng đài Mẹ tổ quốc trên đồi Mamaiep.

Cao Hà

Nên cố gắng giữ những chứng tích của lịch sử

Lịch sử là những gì đã qua, những chứng tích của lịch sử ngày càng mai một. Chúng ta đang bằng sức người đấu tranh với thiên nhiên, chống lại sự mai một do thời gian để giữ lại những dấu ấn của lịch sử.

Mặt khác chúng ta còn phải đấu tranh với những tham vọng vật chất tầm thường của con người để bảo vệ những giá trị của lịch sử.

Thủ đô cần phải giữ lại những chứng tích lịch sử vô cùng quý giá đó, những cái mà không bao giờ có thể làm lại được. Nhà cao tầng và khu thương mại xây đâu cũng được, sao lại cứ phải hất bỏ lịch sử đi để đổi lấy cái giá trị rẻ mạt ấy?

Le Thi Lai, Email: lethilai@yahoo.com

Một việc liên quan tới lịch sử oai hùng của Thủ đô, của cả nước như vậy mà Lãnh đạo TP.Hà Nội tự quyết định sao? Tôi đề nghị Hà Nội nên trưng cầu dân ý việc này. Tôi không đồng ý xây TTTM tại đó. Hãy trả lại con đường phố đó như xưa, hoặc có muốn cải tạo cho đẹp thì cũng chỉ nên biến diện tích đó thành vườn hoa công viên được trang điểm các chứng tích lịch sử.

Hà Nội mở rộng cả Hà Tây cũ rồi, thiếu gì đất để xây TTTM, mà cứ phải xà xẻo chút ít dấu tích lịch sử hiếm hoi con lại đó của con cháu?

DucLe, Email: Minhduc@yahoo.com

Lấy đường làm siêu thị một nghịch lý ở thủ đô Hà nội

Chúng ta nên đặt lại vấn đề tại sao phải mở rộng Hà nội? Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy trung tâm Hà nội bây giờ đông thế nào, chúng ta có thể nhìn lại quy hoạch Hà nội thời Pháp thuộc với rất ít những phương tiện mà thành phố Hà nội đã được quy hoạch những đường phố to và đẹp.

Còn sau gần một thế kỷ với tốc độ phát triển các phương tiện giao thông như vũ bão thì chúng ta lại lấy đường làm siêu thị, khi nhìn nhận một vấn đề đơn giản như vậy thì một em học sinh lớp 2 cũng có thể nghĩ chúng ta nên làm đường hay mở thêm TT thương mại.

Cùng với việc mở thêm những tuyến phố mới bao nhiêu ngôi nhà phải nhường cho việc mở đường thì ở đây chúng ta lại lấp đường để làm siêu thị.

Chính phủ đang cố gắng làm cho Hà nội đẹp hơn, sạch hơn ... thì việc xây dựng một TT thương mại trên nên một con đường là rất phản cảm và không thể chấp nhận.

Cao Thanh Việt, Email: caothanhviet039@yahoo.com.vn

Vi phạm quy hoạch phát triển của Hà nội tới năm 2020

Năm 2000 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch kiến trúc phát triển Thủ đô Hà nội tới năm 2020. Bản Quy hoạch kiến trúc này cho tới nay vẫn còn hiệu lực, trong đó quy định từ đường vành đai 1 vào trung tâm thành phố là khu vực "hạn chế phát triển" và sẽ không có các nhà cao tầng tại khu trung tâm thành phố này.

Theo tôi, trong khu vực trung tâm chỉ được xây dựng theo kiểu bảo tồn các cảnh quan kiến trúc hiện có hoặc khi di dời các nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành thì chỉ xây các công trình thấp tầng trừ những trường hợp đặc biệt như khu tập thể Nguyễn Công Trứ...để đủ kinh phí đền bù cho dân.

Việc Thành phố Hà nội phê duyệt DA xây dựng Trung tâm thương mại cao 17 tầng tại khu vực chợ tạm 19-12 là vi phạm Bản Quy hoạch đã được Chính phủ Phê duyệt và lẽ đương nhiên khi đã phát hiện sai phạm thì DA phải bị huỷ bỏ và các cấp phê duyệt DA này phải chịu trách nhiệm.

Ý kiến của tôi việc đầu tiên là phải huỷ DA này còn việc XD lại tuyến phố 19- 12 hay là công viên thì tuỳ thuộc ý kiến đông đảo nhân dân. Một quy hoạch nóng như vậy Sở Quy Hoạch Kiến trúc phải công bố từ nhiều năm trước cho nhân dân Thủ đô được biết.

Ngọc Hà , Email: nhasachlenghia@yahoo.com.vn

Theo tôi nên để chợ 19/12 thành vườn hoa , giải toả những hộ dân nằm trong khuôn viên Toà án nhằm tạo ra sự trang nghiêm , quyền lực của nơi biểu tượng cho Công lý Việt Nam .

Đã quá nhiều khu cao tầng mọc lên trên 2 dãy phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng làm phá vỡ kiến trúc Hà nội. Nếu làm đường mà không giải toả những nhà dân trong khuôn viên Toà , e rằng lại tạo ra một dãy phố kinh doanh luôm nhuôm....

lodong, Email: lodonghp@yahoo.com.vn

Theo tôi để giảm bớt ách tắc giao thông cần dãn bớt dân ở trong nội thành - lẽ ra thành phố phải hạn chế việc xây dựng các khách sạn - siêu thị - chung cư cao tầng khu vực từ vành đai 3 trở vào - tìm cách mở thêm giao thông động, giao thông tĩnh và công viên cây xanh trong khu vực này thì ngược lại thành phố chỉ nghĩ tranh thủ những vị trí đắc địa để xây dựng cao ốc.

Dân tha thiết đề nghị ông chủ tịch thành phố với tầm nhìn của vị kiến trúc sư suy nghĩ lại việc xây dựng các siêu thị, nhà cao tầng ..trong nội thành. Trước mắt xin ông xem xét lại cho công trình xây dựng trên mảnh đất chợ âm phủ - nên trả lại thành đường hoặc vườn hoa !

Lê Thị Thu Hoài, Email: hoaikehoach@yahoo.com.vn

Chúng ta vẫn nói Hà Nội là trung tâm văn hoá chính trị của cả nước.Cụm từ "Văn Hoá" được trang trọng đặt lên đầu tiên.Vậy thì hãy coi trọng yếu tố văn hoá tâm linh. Nên trả chợ tạm 19/12 thành một vườn hoa, hay một con đường .

Các nhà lãnh đạo thành phố đừng vì lợi ích trước mắt và lợi ích bản thân mà biến nơi đó thành trung tâm thương mại. Một Hồ Tây địa linh nhân kiệt giờ không khác cái ao, một hàm cá mập sừng sững như thách đố bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm, những cảnh tượng ùn tắc giao thông làm mệt lòng người dân, một bộ mặt thành phố nhếch nhác nhìn từ trên cao xuống...chẳng lẽ những điều ấy chưa đủ hay sao?

Thủ đô yêu dấu của chúng ta sắp tròn một ngàn năm tuổi, hãy làm gì cho Hà Nội khi chưa quá muộn.

Công Dân, Email: danvn@yahoo.com

Tại sao chỗ nào cứ có khoảng đất là cho xây "trung tâm thương mại" . Hiện nay tôi cảm giác như là cái thời của 'trung tâm thương mại". Nhưng thử vào cái gọi là TTTM này có cái gì, mặt hàng chỗ nào cũng giống nhau về đơn điệu mặt hàng. Chỉ được mỗi cái nhà đẹp và giá đắt. Nhiều cái cần mua cho thiết thực hang ngày cuộc sống chẳng có chỉ loanh quanh là mặt hàng bia, rượu, mỹ phẩm, tivi... là hết.

Ngày xưa, thời còn Bách hoá tổng hợp hình như cái gì cũng có. Vậy tốt nhất là không xây TTTM tại chợ Âm Phủ nữa. Còn tuỳ theo giá trị lịch sử, hay kiến trúc đô thị mà làm vườn hoa hay đường đi.

Trường An, Email: truongan48@gmail.com

Tư duy của người đói bao giờ cũng nghĩ đến miếng ăn trước rồi mới nghĩ đến cái mặc; cách nghĩ và hành xử của người nghèo túng thì lại lo kiếm tiền tốc hành trước đã. Xây cái "nhà chợ" cao tầng sẽ giải quyết thoát nghèo cho ý chí làm giàu siêu tốc của một số người có vốn liếng.

Mong rằng bức thư tâm huyết của ông nghị Dương Trung Quốc sẽ đánh thức bản lĩnh và tài năng của những kiến trúc sư tâm huyết với thủ đô.

Hoàng Ngọc Anh, Email: anhbca71@yahoo.com.vn

Nên sửa lại quyết định để phù hợp với lòng dân !

Rất cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói lên những điều dư luận cũng đang đặc biệt quan tâm. Là một người dân sống gần khu vực Chợ tạm 19/12, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi thật sự buồn khi thấy Hà Nội đang mất dần đi vẻ đẹp vốn có của nó.

Được biết lãnh đạo thành phố Hà Nội cho phép xây dựng trên nền Chợ tạm 19/12 một Tổ hợp Trung tâm thương mại gồm 2 tòa nhà 17 tầng và 7 tầng, tôi hoàn toàn thất vọng. Tại sao với chợ Nguyễn Cao, các cấp lãnh đạo đã có những việc làm hợp với lòng dân là trả lại con đường mang tên phố Nguyễn Cao; vậy mà với Chợ tạm 19/12 thì lại không?

Chính bản đồ thời Pháp về Hà Nội và các bản đồ về Hà Nội từ xưa tới nay cũng cho thấy đây là một con đường, xin hãy giữ lại con đường như lịch sử đã từng ghi nhận. Rất mong ông Chủ tịch UBND thành phố xem xét lại.

Xin hãy vì nhân dân chứ đừng vì lợi ích của một số nguời, để lại con đường chứ đừng xây cao ốc, con đường 19-12, con đường đã thấm máu của bao liệt sỹ anh hùng. Hà Nội đã có nhiều cao ốc làm phá vỡ đi vẻ đẹp của nó.

Nếu sửa lại một quyết định mà phù hợp với lòng dân thì cũng nên làm lắm thay. Cần giữ gìn vẻ đẹp của Hà Nội, là một Kiến trúc sư chắc ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội hiểu rõ hơn ai hết về điều này. Một lần nữa xin cảm ơn ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Nguyễn Văn, Email: vptproject@yahoo.com

Tôi cũng rất đồng tình với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc về việc không nên xây dựng công trình tại chợ 19/12 hiện nay. Trước đây, đó là một con đường nối phố Lý Thường Kiệt với phố Hai Bà Trưng, tiếp giáp Tòa án tối cao và nhà máy cơ điện và vẫn tồn tại một vài cây cổ thụ hai bên lề đường.

Nếu Hà Nội muốn đẹp hơn, sạch hơn, xanh hơn cho Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long thì một trong những việc làm thiết thực nhất là khôi phục lại con đường này. Đừng để có một công trình xây dựng cao tầng "lọt thỏm" vào đây nữa. Kiến trúc của Khách sạn Melia đã đủ để cho khu vực này méo mó rồi !

T Ngoc Manh, Email: tnm_itdb@yahoo.com

Tôi ủng hộ ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc. Tôi là một người con của Hà Nội, một người dân của Việt Nam, sống cũng gần nửa đời người nhưng càng ngày càng thấy buồn cho Hà Nội vì giờ đây đối mặt với Hà Nội là đối mặt với khói, bụi, là tắc đường là những lộn xộn và cả rất nhiều lời nói không đẹp...

Tôi cũng có may mắn được đi một số nước trên thế giới, nhưng mỗi khi nhớ về Thủ đô của mình, của cả dân tộc mình đều không khỏi cảm thấy buồn chỉ mong sao mỗi người sống ở Hà nội có ý thức làm cho Hà nội đẹp hơn, xanh hơn và sạch hơn xứng đáng là thủ đô của hơn 85 triệu đồng bào.

Mọi của cải vật chất rồi cũng sẽ qua đi nhưng để lại cho muôn đời sau là những giá trị về tinh thần, văn hoá, về di tích và đó là cả niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Hoàng Ngọc Bich, Email: hoangngocbich@rocketmail.com

Cần có quy hoạch tổng thể cho Hà Nội

Nếu Hà Nội không có quy hoach tổng thể tốt thì các đời sau này tha hồ mà sửa chữa. Các nhà cao tầng quy họach lộn xộn, thấy chỗ nào hở ra là xây, theo tôi cần phải thông qua một dự án tổng thể cho thủ đô. Chỗ nào xây nhà cao tầng, ở đâu? Chỗ nào giữ nguyên.

Thủ đô Paris không có nhà cao tầng (chỉ có một khu vực nhỏ bên rìa TP được quy hoạch riêng), vẫn là điểm thu hút khách du lịch nhất châu Âu, vậy tại sao các nhà kiến trúc không phân tích, tìm hiểu?

Bạn đọc, Email: outlandishvn@yahoo.com

Chúng ta cần sự phát triển bền vững, cần có một môi trường sống chứ không phải nhà cao tầng chọc trời. đi thang máy thì mất thời gian đợi, leo thang thì mệt lắm. Nếu có tập thể dục thì ra đường, có không khí trong lành thì tốt  hơn nhiều.

Dinh Viet Sinh, Email: dinhvietsinh@gmail.com

Đừng vì lợi ích cá nhân hoặc của một số doanh nghiệp mà cho xây thành trung tâm thwơng mại. Theo tôi nên làm vườn hoa để giảm bớt tình trạng thiếu không gian xanh trong Hà nội cũng như tăng khu vực vui chơi lành mạnh cho các cháu thiếu nhi.

Nguyen Thu Thuy, Email: autumnwater01011975@yahoo.com

Tôi thấy Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nói rất đúng, nếu xây 1 tòa nhà lớn thay thế chợ thì có ổn không với kiến trúc cảnh quan xung quanh. Vả lại đây là nơi đã chôn những người con đã chiến đấu hy sinh anh dũng về Hà nội, chúng ta hãy làm 1 vườn hoa ở đây có bia tưởng niệm vừa đẹp với những kiến trúc xung quanh, vừa có thể mãi nhớ ơn những người chiến sĩ anh dũng, vừa cho chúng ta một cảnh quan đẹp với không khí trong lành.

phamminhtu, Email: phamminhtu1080@yahoo.com

Xin đừng xây cao ốc !

Tôi chỉ mong lãnh đạo thành phố quyết định sáng suốt trước khi quá muộn. Người Hà Nội gốc chúng tôi chỉ mong trả lại Hà Nội như xưa. Hãy cùng nhau lên tiếng trả lại con đường mang tên 19 tháng 12 !

Mai Khắc Bân, Email: mkhacban@yahoo.com

Chúng ta đã có quá nhiều trung tâm thương mại rồi, nếu có thiếu một cái cũng chẳng làm Hà Nội nghèo đi.

Tôi hoan nghêng Ông Dương Trung Quốc và Ông Nguyễn Vinh Phúc đã mạnh dạn lên tiếng về việc này. Tôi đề nghị ông chủ tịch UBND thành phố HN nên thận trọng khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Lê An Huy, Email: anhuyfpt@yahoo.com.vn

Trước hết xin cảm ơn bác Dương Trung Quốc đã cất lên tiếng nói vì lợi ích chung của Thủ Đô nói riêng và cả nước nói chung. Bản thân chợ 19-12 (mọi người còn gọi là Chợ Âm Phủ) là một con đường, do những điều kiện lịch sử nên bị chuyển hoá thành nơi mái táng, rồi thành chợ.

Nay nếu phục hồi được con đường này và giải toả những hộ dân sống ở phần đất cạnh chợ sát trụ sở TAND tối cao thì rất đẹp, tuy nhiên, cũng cần phải trả lại cảnh quan và kiến trúc nguyên bản của Toà án tối cao thì công trình trên mới tạo nên sự uy nghiêm như mong muốn của bác Quốc (vì trụ sở TANDTC đang có 3 cơ quan sử dụng và đã cải tạo, xây mới nhiều công trình).

Mong Lãnh đạo Thành phố Hà Nội có sự bàn bạc, quan tâm thấu đáo đến mong muốn của nhân dân mà bác Quốc đã đại diện nêu lên.

Nguyễn Thành Long, Email: hongthanhhan@yahoo.com

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến đề nghị của Ông Dương Trung Quốc về việc không nên xây siêu thị trên nền chợ tạm 19/12 mà là trả lại nguyên trạng con đường có từ quy hoạch trước để tạo thêm diện tích giao thông cho thành phố Hà Nội.

Trước một ý kiến hợp tình, hợp lý và có tính chất xây dựng cao như ý kiến của ông Dương Trung Quốc, thiết nghĩ ông Nguyễn Thế Thảo và lãnh đạo Tp Hà Nội chắc rằng sẽ lắng nghe và xem xét lại những gì đã quyết. Về phần chúng tôi, chỉ mong lãnh đạo Hà Nội sáng suốt, và dũng cảm bảo vệ, phát triển Thủ đô xứng tầm với thời đại và truyền thống ngàn năm của nó, để cả dân tộc mãi được tự hào!

Đặng Xuân Sơn, Email: dangxuanson1@yahoo.com

Công khai quy hoạch trên Web

Chỉ cần thành phố Hà Nội có một trang Web chứa công khai, toàn bộ các thông tin về quy hoạch các khu đô thị như : 1/ Tên, địa chỉ, diện tich, thời gian thực hiện dự án cho dân giám sát 2/ Chủ đầu tư 3/ khi quá thời gian thực hiện dự án, các văn bản giải quyết của cơ quan chức năng cũng được công khai trước dân.

Tôi tin rằng sẽ hạn chế được tiêu cực, khắc phục trình trạng nhận đất chờ thời của các chủ đầu tư gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia.

TS. Đặng Công Chiến Phòng KHCN&HTQT Cục ĐBVN 106 - Thái Thịnh - Đống Đa - Hà Nội, Email: chiendc@vra.gov.vn

Được tin chính quyền TP Hà Nội sẽ cho phép xây siêu thị trên diện tích chợ 19/12. Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng vì mới cách đây hơn một năm thôi Thành phố đã mất bao nhiêu công của để giải phóng chợ Nguyễn Cao để trả lại chức năng vốn có của nó là dành cho giao thông, vì đây là con phố mang tên Nguyễn Cao.

Việc giải tỏa chợ Nguyễn Cao đã được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ vì nó đã góp phần tăng thêm diện tích cho giao thông. Nhưng bây giờ dẹp chợ 19/12 (có tên dân dã là chợ Âm phủ) để xây siêu thị thì tôi thấy có cái gì đó không ổn.

Vì đường dành cho giao thông của Hà Nội còn quá ít, nếu có giải tỏa được chợ 19/12 thì theo chúng tôi nên “trả lại tên cho em” là đường phố chứ đừng làm siêu thị dân nghèo chúng tôi cần chợ và đường hơn siêu thị.

Cuối cùng xin cám ơn bác Dương Trung Quốc đã có bức thư ngỏ gửi tới ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội về vấn đề này thay chúng tôi.

Phung Ngoc Quang, Email: quangnp42@hotmail.com

Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, bản đồ thời Pháp về Hà Nội cũng cho thấy đây là một con đường, với áp lực giao thông như hiện nay, nên có con đường thông hai phố Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng, gảm áp lực cho phố Hỏa Lò. Rất mong ông chủ tịch thành phố xem xét lại.

Hiền, Email: hienht61@yahoo.com

Cần giữ gìn vẻ đẹp của Hà Nội

Tôi hoàn toàn tâm đắc với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc. Tôi là người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội và rất yêu Hà Nội. Nhưng tôi cũng rất buồn khi HN càng ngày càng mất đi vẻ đẹp của nó khi các trung tâm TM mọc lên quá nhiều, thậm chí cả ở những nơi làm cho HN trở nên kệch cỡm, méo mó.

Hà Nội thơ mộng ngày xưa liệu thế hệ trẻ ngày nay có bao giờ tin là có thật? bao giờ HN đẹp được như ngày tôi còn bé ? Các nhà qui hoạch có nghĩ đến vẻ đẹp của HN không?

Vũ Văn Huệ, Cán bộ hưu trí -Phường Bách Khoa, Email: vuvanhue778@vnn.vn

Cám ơn Bác Dương Trung Quốc đã dám nói lên những điều tâm huyết của mình, có thể nói đó cũng là tâm huyết của nhân dân chúng tôi. Sau bao nhiêu năm xây dựng , tốn bao tiền của, công sức của nhân dân, Hà nội chẳng có công trình kiến trúc và văn hoá nào để lại cho đời sau, mà Hà Nội phát triển khá lộn xộn, chẳng thấy có ý đồ kiến trúc nào.

Hà Nội thơ mộng cũ đâu còn ? Nếu chưa làm thêm được những gì đẹp hơn cho Hà Nội thì xin hãy giữ lấy những gì mà Hà Nội đã có bấy nay. Tỷ lệ diện tích đất giao thông ở Hà nội đã quá ít ỏi mà bây giờ lại còn định chặt bớt đi!.

Xin hãy vì nhân dân chứ đừng vì lợi ích của một số nguời, để lại con đường chứ đừng xây cao ốc, con đường 19-12, con ường đã thấm máu của bao liệt sỹ anh hùng, con đường trong kiến trúc tổng thể của khu" Phố Tây" mà mọi người đều thấy: ở Hà Nội có khu đô thị "mới, hiện đại " nào có qui hoạch kiến trúc tổng thể đẹp và chỉn chu như như những khu phố người Pháp đã làm từ hàng trăm năm trước?

Ông Nguyễn thế Thảo là một kiến trúc sư, tôi tin là ông sẽ xem xét vấn đề theo con mắt của người xây dựng: Hãy để cho Hà nội đẹp hơn, hãy để một con đường.

PGS.TS.Bui Xuan Cay, Email: buiuancay@uct.edu.vn

Toi ung ho y kien cua nha su hoc Duong Trung Quoc, toi la nguoi lam cong tac giao thong, thay rang: mat do dan va phuong tien noi thanh qua dong roi neu xay cac cao oc thi cang tang len va nhu vay cang un tac them.

Nen dua cac cao oc van phong ra khu vuc moi o phia tay thanh pho, o cac khu do thi moi. Tra lai con duong co tu truoc phục vu giao thong du la giao thong dong hay giao thong tinh.

Pham Trang Tu, Email: tuphamtrang@yahoo.com.vn

Phố phường Hà Nội quá chật rồi !

Hà Nội của chúng ta đã quá chật chội. Tại sao lại có nhiều dự án phá chợ xây cao ốc như vậy. Giao thông ngày càng tắc. Xây nhiều cao ốc ở trung tâm rồi chúng ta sẽ dẫm lên nhau mà đi à ?

New York, Tokyo đất đắt như vậy mà vẫn đang mở thêm công viên và còn biết bao khoảng trống. Thử hỏi Hà Nội có được mấy nơi quang đãng. Chẳng nhẽ mở rộng Hà Nội để rồi lại vẫn chen chúc nhau ở mấy khu phố từ đời Pháp. Chẳng nhẽ lãnh đạo Hà Nội không nhìn xa được ngoài khu vực phố cũ ?

Hà Nội quá chật chội rồi. Xin đừng xây thêm ngôi nhà cao tầng nào nữa trong các khu phố cũ. Hãy bảo tồn các khu phố này như một đặc trưng của Thủ đô.

Lê Nhật Minh, Email: sungto2008@yahoo.com

Em chả hiểu các bác lãnh đạo ta nghĩ sao nữa: các bác một mặt nâng giá ô tô, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường giao thông công cộng.... chỉ để nhằm tránh tắc đường, làm cho thành phố được "thở" và mở đúng tầm là một Thủ đô chục triệu dân. 

Nhưng đồng thời các bác lại lấy đường để xây siêu thị! Em xin hỏi các bác có trách nhiệm làm một con tính: bác xây con cao ốc 17 tầng, một năm bác thu cho ngân sách được mấy triệu đô? Trong khi đó, nếu có con đường đó thì một năm có bao nhiêu triệu lượt xe cộ đi qua, giảm chi phí năng lượng, tăng cường sức khỏe, tránh ách tắc giao thông.

Thử lấy mỗi lượt người đi qua con phố đó một năm được lợi ích vật chất là 2 đô la, bác nhân thử cho em với số triệu lượt người đi thì thành phố ta, dân ta tiết kiệm được bao nhiêu hả bác?

Cao Đại, Email: caoban@ymail.com

Phải chăng Hà nội mở rộng thiếu đất xây nhà cao tầng?

Những gì phải nói về dự án này thì nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói rồi. Chúng tôi chỉ xin nêu 2 vấn đề: Thứ nhất, Cần phải nhìn thêm về phương diện giao thông. Thêm một khối nhà là tăng mật độ giao thông, vì thế nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết nạn ách tắc giao thông của nội thành Hà nội thì nên "di tản" các trung tâm thương mại, dịch vụ, các trường đại học, các bênh viện ra khỏi nội thành, nếu không thì cũng không nên có thêm những điểm tập trung người như thế nữa.

Thứ hai, UBND TP Hà nội cũng không nên xem như chuyện đã rồi, cái gì có thể sửa thì nên sửa như cái dự án của Tập đoàn điện lực ở phố Trần Nguyên Hãn ấy. Nhưng như thế không có nghĩa là cứ giữ cái chợ tạm ấy mà đáng ra cái chợ ấy phải dẹp đi từ lâu rồi mới phải. Nên trả lại một con đường vốn có như đề nghị của Ông Dương Trung Quốc, hoặc một phương án khác nhưng đừng nghĩ tới chuyện làm nhà, xây chợ nữa.

Khi xem xét mở rộng địa giới Hà nội thì có người cho rằng để có đủ đất xây dựng chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, còn bây giờ mở rộng rồi Hà nội lại thiếu đất xây nhà cao tầng? Chúng tôi chờ đợi một quyết định đúng đắn của người đứng đầu thành phố.

Cao Hoài Đức, Email: duccaoh©yahoo.com.vn

Tôi rất hoan nghênh với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc về việc thay đổi xây dựng siêu thị ở chợ 19 / 12 bằng một con đường để góp phần giảm ùn tắc giao thông cho phố Hoả Lò.

vinhlong, Email: vinhlong@gmail.com

Tôi đồng tình với ý kiến của ông Dương Trung Quốc. Theo tôi ngoài ý ông  nêu ra tôi thấy :

Trong khi Hà nội kêu cứu vì thiếu giao thông tĩnh thì tại sao không dành chỗ chợ 19/12 làm giao thông tĩnh nếu xét thấy nó không cần cho giao thông động, trong khi thành phố luôn kêu thiếu công viên cây xanh thì tại sao lại đang tâm cắt bao nhiêu đất ở công viên thống nhất phía đường Lê Duẩn làm khách sạn ( từ năm 75 đến nay công viên Thống nhất đã mất quá nhiều đất - xin mời các vị lãnh đạo hãy rảo quanh công viên sẽ thấy xót xa điều này ).

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG