Làn sóng công chức xin nghỉ việc

Làn sóng công chức xin nghỉ việc
TP - Gần 6.500 cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM xin nghỉ việc từ giữa năm 2003 đến nay và đang có nguy cơ thành “phong trào” tại TP lớn nhất nước này quả là chuyện đáng bàn.

>> Vì sao tôi rời cơ quan nhà nước ?
>> Tăng lương để giữ chân công chức giỏi
>> Tuyển công chức ở Seoul: 80 chọn 1
>> PGĐ Điện lực tỉnh Vĩnh Phúc xin thôi việc, ra làm ngoài

Nghỉ việc vì lương thấp? 

Từ cuối năm 2007 đến nay, tại phường Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP HCM) lần lượt Bí thư, 2 phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, 2 Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội LHPN phường đã xin nghỉ việc.

Trong đó, Bí thư Đảng ủy (là quận ủy viên Q.1) sau khi xin thôi việc đã đồng ý nhận chức Chủ tịch HĐND nhưng chỉ được vài ngày lại từ chối. Hiện nay, phường này vẫn còn thiếu vị trí Chủ tịch HĐND, 1 Phó bí thư Đảng ủy, 1 Phó chủ tịch Hội LHPN và 1 Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ.

Khi nguyên Phó GĐ Sở KH-ĐT Lương Văn Lý xin nghỉ ra lập công ty riêng, không ít ý kiến cho rằng đó là “cú sốc” nhưng tính đến tháng 6/2008 thì TPHCM đã có thêm Phó GĐ Sở Thương mại Lê Văn Công và Phó GĐ Sở Du lịch Lê Nhựt Tân xin thôi việc ra làm riêng.

UBMTTQ VN TPHCM đang làm văn bản khuyến nghị với UBND TPHCM về “làn sóng rũ áo từ quan” và đề nghị TP xem lại không chỉ lương bổng mà cả chế độ đãi ngộ, cơ chế, môi trường làm việc…

Tuy nhiên từ gần 1 năm nay, UBND TPHCM đã nhận ra vấn đề này nhưng biện pháp nào khả thi nhất nhưng vẫn chưa tìm ra.

Nói như Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thì TP biết nhưng không thể can thiệp được vì cơ chế ràng buộc quá chặt.

UBND TP cũng đã kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải cách tiền lương, mở rộng khoảng cách mức lương tối đa và tối thiểu, đổi mới phương pháp đánh giá, sử dụng CBCC-VC theo hướng phân phối theo lao động, có cơ chế phát huy nhân tài… để giữ chân CBCC-VC.

Vừa qua, UBND TPHCM đã phải báo cáo Bộ Nội vụ về tình trạng cán bộ, công chức bỏ việc “rộng khắp” tại địa phương này với con số lên gần 6.500 người.

Trong đó, số cán bộ bỏ việc ở khối quản lý nhà nước kể cả CBCC xã - phường là 698 người; khối sự nghiệp giáo dục: 3.034 người; khối sự nghiệp y tế: 849 người và sự nghiệp khác là 1.841 người.

Đông nhất phải kể đến Y tế là 576, Sở GD&ĐT 288, Sở GT&CC (nay là Sở GT&VT) 247 người...

Thành phần nghỉ việc có đủ, từ lãnh đạo Sở cho đến trưởng phó phòng ban, GĐ các đơn vị trực thuộc, chuyên viên lâu năm…

Có nơi như Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Sở Thương mại… có trên 20 kỹ sư, trưởng các bộ phận chuyên môn xin ra ngoài làm!

Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ thì UBND TPHCM nhận định nguyên nhân chính khiến quá nhiều CB-CC,VC nghỉ việc là do chính sách, chế độ, lương bổng chưa hợp lý.  Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thành Tài cho rằng: “Chế độ chính sách đối với CBCC công tác ở xã - phường vẫn còn nhiều bất hợp lý và chưa tương xứng với trách nhiệm công việc được giao.

Cán bộ chuyên trách (CBCT) và cán bộ không chuyên trách (CBKCT) xã - phường không được hưởng lương theo thang lương công chức Nhà nước; CBCT (là cán bộ lãnh đạo) nhưng lương thấp hơn lương công chức chuyên môn và cũng không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo…”.

Không chỉ cán bộ xã phường mà cán bộ lãnh đạo các sở, ngành nếu chỉ nhìn vào lương (kể cả thu nhập ngoài lương) với đại đa số không quá 5 triệu đồng/tháng thì quả là quá thấp so với thời giá hiện nay.

Một Phó GĐ Sở nhận tất cả các khoản không quá 5 triệu đồng/tháng nhưng sau khi nghỉ việc ông đi làm tại một quỹ đầu tư lương không dưới 4.000 USD/tháng đã khiến không ít người ở lại chạnh lòng.

Chủ tịch UBND một phường lớn tại Q.1, TPHCM cho biết tổng thu nhập của anh không quá 2,5 triệu đồng/tháng trong khi bạn cùng lớp ĐH giờ chẳng còn ai lương dưới 500 USD/tháng.

Nguyên Phó GĐ Sở KH&ĐT Lương Văn Lý khẳng định: “Lương Phó GĐ Sở không đủ để tôi lo cho gia đình”. Tuy nhiên, lương có phải là lý do chính khiến họ không còn hứng thú với “quốc doanh”, nhất là hàng ngũ  lãnh đạo sở, ngành?

… Hay môi trường làm việc?

Trong đơn xin nghỉ việc của mình, nguyên Phó GĐ Sở Du lịch Lê Nhựt Tân cho hay ông thấy môi trường làm việc không phù hợp. Trao đổi với Tiền phong, những người xin từ chức ra làm riêng đều khẳng định lương thấp chỉ là một trong những nguyên nhân và đối với nhiều người đó chưa phải là lý do quan trọng nhất.

Anh N.Đ.C, nguyên Trưởng phòng một sở nói: “Không chỉ Sở tôi mà nhiều cơ quan khác người đông nhưng số làm việc thực sự, hết mình vì công việc rất hiếm. Ai đòi hỏi công việc vào nề nếp, quy củ, đấu tranh với tiêu cực, nhũng nhiễu bị xem là “chơi trội” và nhiều khả năng phải ngồi chơi xơi nước…”.

Đây cũng là lý giải cho tình trạng tại sao nhiều năm qua TPHCM cải cách hành chính nhưng ở nhiều ngành, quận, huyện dân, doanh nghiệp vẫn kêu ca phàn nàn.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM cũng đặt nghi vấn: “Kinh tế không phải là nguyên nhân chính mà có thể do công tác tổ chức cán bộ, việc đánh giá, nhận xét, đối xử có vấn đề”.

Chính Chủ tịch phường Nguyễn Cư Trinh Lưu Trung Hòa cũng thừa nhận: “Cấp trên quan tâm đến vấn đề nào là phải chạy theo vấn đề đó nên bị động, chán chường”.

Quan trọng hơn, tâm lý phải là “người Nhà nước” đang phai dần và nhiều cán bộ trẻ cho rằng làm việc Nhà nước hay dân doanh nếu tốt đều đem lại lợi ích cho đất nước như GĐ Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ nhận xét: “Anh em có rời cơ quan hành chính ra ngoài làm thì cũng làm giàu cho thành phố, cho kinh tế Việt Nam”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Hai nhiệm vụ chính...

Cơ quan tôi thuộc cấp quận. Từ nhiều năm nay, thời gian biểu làm việc hàng ngày của hầu hết CBCC là :

 - Sáng : 7 giờ 30 đến cơ quan tụ tập uốn trà tán gẫu dến khoảng 8 giờ 30. Sau đó tản đi đâu đó mà ai cũng nói là "đi cơ sở". Có trời mới biết cơ sở nào và đi làm gì ?

 - Chiều : 14 giờ đến CQ, tán gẫu về trận cầu lông hôm trước, sắp xếp trận chiều nay. 16 giờ í ới ra sân.

Có lẽ đó là 2 nhiệm vụ "trọng tâm" mà không chỉ ở cơ quan tôi. Thử hỏi những người tâm huyết, trách nhiệm và tự trọng có thể làm việc được ở những cơ quan kiểu CQ tôi được không ?

Công chức rời nhiệm sở : Mừng hay lo ?

Gần đây có hiện tượng cán bộ rời nhiệm sở để tìm việc ở nơi khác theo tôi là một việc làm hết sứt bình thường và phải vui với đúng vì lao động đã từng bước theo kịp cơ chế thị trường. Hiện tượng này xoá tan quan niệm cố hữu đã ăn sâu từ thời bao cấp.

Đó là quan niệm mọi người phải tìm cho mình một chỗ làm việc ổn định lâu dài hoặc phải có chân trong biên chế Nhà nước.

Chính từ quan niệm cũ này mà mới sinh ra nhiều tệ nạn tiêu cực khi tuyển dụng cán bộ: Chạy chức, chạy quyền chạy có chân trong biên chế cơ quan NN, sinh viên tốt nghiệp ra trườmg nếu không phải con ông cháu cha thì rất khó xin được chân vào làm một cơ quan nào đó, có thi tuyển công chức thì cũng chỉ là hình thức mà thôi còn chủ yếu vẫn là thi phong bì hay nói cụ thể hơn là thi tiền.

Rồi những kỹ sư, cử nhân mới ra trường do phải thi tiền (mà đa phần các là các sinh viên nghèo) vì vậy khi được tuyển dụng vào cơ quan chắc chắn người ta phải bằng mọi cách để kiếm lại số tiền đã mất khi xin việc từ đó chính người này sẽ nảy sinh ra các hình thức nhũng nhiễu, hạch sách hay trục lợi... Cứ như thế sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn và phát sinh ra tệ quan liêu tham nhũng.

Vậy thì hiện tượng những người đang trong biên chế của một cơ quan công quyền nào đó xin ra khỏi biên chế để tìm được những công việc phù hợp và thích ứng với họ hơn thì cần phải khuyến kích và động viên họ mới đúng chứ.  Vì đứng trên bình diện xã hội nếu họ ở nơi công tác mới làm việc hiệu quả hơn thì sẽ mang lại của cải vật chất và có lợi cho xã hội nhiều hơn.

Người lao động, đặc biệt là lao động được đạo tạo thu nhập chỉ là một yếu tố nhưng chưa hẳn là quan trọng nhất, họ còn muốn được làm việc trong môi trường mà họ có thể phát huy khả năng sáng tạo, được làm việc trong môi trường bình đẳng có thể được tự do bày tỏ các ý kiến về công việc mà không phải xem xét nét mặt hay thái độ của lãnh đạo trước khi phát biểu., họ muốn được tôn trọng, muốn có được cơ hội học tập và thăng tiến trong công việc ( không phải chỉ đơn thuần là cấp chức).

Vậy thì các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước hay các công ty cổ phần hoá nửa vời ( Nhà nước là cổ đông chi phối) muốn giữ được người tài phải thay đổi căn bản cách nghĩ cách làm là đừng coi việc chảy máu chất xám là một nguy cơ và phải coi đây là một cơ hội tốt để nhìn lại mình làm mới lại mình.

Xin cảm ơn Tiền phong online  đã cho đăng chuyên mục này, hy vọng sẽ có nhiều người tham gia.

Hàng tháng nhận lương nhưng "thất nghiệp" !

Đánh giá và sử dụng cán bộ cần phải xem lại. Việc công chức xin nghỉ việc ra làm ở ngoài không có gì phải lo ngại mà còn phải tự hào vì chất lượng công chức của ta thuộc loại "xịn",được người sử dụng lao động chào mời với mức lương cao.

Tuy nhiên điều đáng lo là số công chức xin nghỉ việc có phải vì nguyên nhân thu nhập hay do công tác cán bộ, đánh giá , nhận xét, đối xử của ta có vấn đề ?

Có thể nói cái khổ nhất của công chức là hàng tháng nhận lương nhưng "thất nghiệp" vì việc làm của họ không được ghi nhận, hoặc làm việc theo mệnh lệnh, nhiệm vụ phân công không rõ ràng, môi trường làm việc bị ức chế...

Vấn đề công chức xin nghỉ việc ra làm bên ngoài phải được xem xét và giải quyết không đơn thuần là tăng thu nhập mà phải thực hiện đồng bộ việc đánh giá, sử dụng, tuyển dụng thực sự dân chủ và công bằng.

Nghĩ thật tội cho CBCC như chúng tôi!

Tôi năm nay 32 tuổi, đã có vợ và 2 cháu: 1 cháu 4 tuổi và 1 cháu 6 tháng. Trước khi tôi được vào làm cho Sở thì tôi làm cho một dự án, lương cũng khá đối với tỉnh lẻ. Nhưng cha mẹ tôi lại thích tôi là một cán bộ nhà nước hơn. Do vậy tôi được trở thành một chuyên viên của Sở, nhưng chỉ là hợp đồng ngắn hạn.

Lương hàng tháng chỉ được khoảng 1.2 triệu đồng. Thật khổ khi vợ tôi nghỉ làm việc (Trước đây chỉ bán cafe cóc, thu nhập khoảng 25 nghìn/ngày) vì chuẩn bị sinh con thứ hai, cho đến bây giờ vẫn ở nhà lo cho con nhỏ.

Theo quyết định mới đây của Chính phủ thì gia đình tôi trở thành gia đình cận nghèo ( có thu nhập <300.000/người/tháng). Một điều là tôi không thể ra ngoài xin việc vì bố mẹ tôi không thích như thế.

Bây giờ vẫn còn ở chung với bố mẹ thì tôi nghĩ không biết đến bao giờ mình có khả năng lo cho cuộc sống gia đình và nghĩ đến ngôi nhà cho riêng mình. Tình hình hiện tại lại quá khó khăn khi đồng tiền mất giá và lạm phát như thế này! Nghĩ thật tội cho CBCC như chúng tôi!

Công chức tỉnh lẻ muốn ra làm ngoài không dễ

Đối với những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì công nhân viên chức muốn tìm kiếm một công việc làm ngoài là dễ, nhưng đối với công nhân viên chức ở các tỉnh lẻ thì đó là điều cực kỳ khó khăn bởi ở các tỉnh lẻ không có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty...

Vì thế, mặc dù đồng lương công chức ít ỏi họ vẫn phải cố bám trụ vào công việc nhà nước. Một nhân viên bình thường, ngoài lương tính theo bằng cấp không có một khoản phụ cấp nào khác, trong khi một tháng 30 ngày thì có biết bao nhiêu thứ phải tiêu, giá cả thị trường thì tăng chóng mặt...

Đến khi nào công chức nhà nước mới không phải lo "cơm, áo, gạo, tiền" để tập trung cống hiến sức lực và trí tuệ cho công việc?

CQ tôi có nhiều người chỉ đến... uống nước chè rồi "lượn"

Hiện tại tôi cũng đang trong hoàn cảnh tương tự một số công chức trẻ, nửa muốn bỏ việc, nửa chưa muốn vì tôi cảm thấy vẫn còn có chút mến yêu với cơ quan cũ, nhưng ở lại thì chắc cũng khó vì thứ nhất là tiền lương không đủ nuôi bản thân nói gì đến vợ con.

Còn phong cách làm việc ư? thật nực cười. Cơ quan tôi ư, một công sở nhưng tôi có thể khẳng định có những người nếu phải kê khai đã làm được những công việc gì trong năm thì là không làm gì cả !

Nhưng cũng không vấn đề gì, chỉ đến cơ quan uống nước chè rồi lượn đâu đó mà không hề làm việc, đến kỳ tăng lương theo chế độ thì vẫn cứ đều đều, vì nể nang mà không ai dám đóng góp ý kiến gì, mà lương còn khoảng 7 - 8 năm nữa mới về hưu thì cũng không đến nỗi tệ đối với chúng tôi.

Nhưng có một điều mà tôi muốn nói nhất đó là khen thưởng. Cơ quan thành lập được 10 năm thì cố gắng kiếm lấy cái huân chương lao động hạng ba, đến nay kỷ niệm 20 năm thì đang cố gắng kiếm huân chương lao động hạng nhì trong khi bạn có tin được không khi KHÔNG HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH GIAO nhưng vẫn đang bằng cách này hay cách khác để kiếm huân chương.

Với một môi trường làm việc như thế thì làm sao những người như chúng tôi có thể tồn tại ?

Làm quan suốt đời

Trong xã hội hiện nay, khi nhiều giá trị bị thay đổi. Việc làm cũng vậy trước đây đi làm cho nhà nước được mọi người coi trọng. Vì sao ? đơn giản vì sự ổn định của nó nhưng sâu xa hơn đó là lợi ích của việc làm quan suốt đời.

Hơn nữa tư tưởng phong kiến vẫn còn đè nặng, đơn cử nhiều người làm cha làm mẹ khi cho con vào đại học không phải để có việc làm mà chỉ muốn con vào cơ quan nhà nước, dù con muốn đi làm ngoài thì họ không hài lòng, ngoài sự ổn định, thì chế độ làm quan suốt đời, không bị chi phối bởi bất kỳ điều luật nào ?

Cán bộ sai nếu không quá nghiêm trọng hoặc bị xã hội lên án thì không bị xử lý nhưng ngược lại người dân vi phạm nhỏ sẽ bị xử thẳng tay. Một bộ phận có quyền lực và địa vị còn thích gì làm nấy, lợi dụng chức vụ để tư túi, vơ vét, chèn ép người ngay, người nghèo...

Để những người có thực tâm, thực tài làm việc giúp dân, giúp nước cần phải cải cách, chỉnh đốn nền hành chính. Nếu để COCC, những kẻ bất tài, cơ hội luồn sâu leo cao vào bộ máy nhà nước thì tai hoạ sẽ xẩy ra.

Nhiều người bỏ nhà nước ra đi là tiếng chuông cảnh báo cho những nhà quản lý, không nên quá quan liêu, tự cao tự đại, bất tài và tham nhũng. Vì những người dám rời cơ quan nhà nước ra đi đa phần là người tài, có trình độ, họ biết liêm sỉ, chí công. Đây là cơ hội để cải cách, để nhìn lại mình.

Không nuôi nổi vợ con...

Thật ra không phải nói đâu xa là chỉ trong nhóm bạn bè sống xung quanh tôi thôi thì 10 người đã có 7 người đang có ý định xin nghỉ làm việc trong cơ quan hành chính để đi ra làm trong các công ty tư nhân hoặc về nhà mở cửa hàng tự mình đứng ra làm chủ kinh doanh.

Trong buổi ngồi trò chuyện với nhau nhiều người than thở. Thứ nhất là thời gian làm việc trong cơ quan hành chính ngày tám tiếng, cả tám tiếng đồng hồ đó nhưng với đồng lương công chức bây giờ thật sự rất là khó sống.

Nếu như hai vợ chồng mà có thêm một đứa con nữa thì vất vả vô cùng. Vả lại sống giữa thời buổi hội nhập kinh tế. Mọi thứ diễn ra xung quanh như một cỗ máy không ngừng nhưng với một tốc độ chóng mặt.

Ngày xưa cách đây chừng ba năm về trước. Một tháng lương công chức có thể nhịn để dành sau khi chi tiêu thì cũng mua được 0,5 chỉ vàng nhưng bây giờ thì điều đó thật sự qúa khó.

Ngan Huong, Email: ...giang@yahoo.com

Trưởng phòng lương chỉ hơn 2 triệu, sống làm sao ? - Nguyễn Minh Thành, Email: ...sytgtvtv@yahoo.com.vn

Tôi đọc nội dung bài viết thấy rất đúng với thực tế hiện nay, ngay bản thân tôi là cán bộ trưởng phòng của một sở ở Hà Nội nhưng lương cũng chỉ hơn 2 triệu đồng một tháng vậy sống làm sao, vì thực tế mức lương đó không đủ nuôi sống cho bản thân, còn con cái và nhiều thứ phải chi trong gia đình vậy sống ra sao, tiền đâu mà sống và tồn tại nên các bộ công chức ra ngoài làm là hoàn toàn đúng với thực tế hiện nay.

Không những vậy không khí làm việc lại rất căng thẳng với những kẻ, bè phái, lộng hành, thân quen bồ bịch với lãnh đạo. Vậy làm sao mà cán bộ công chức yên tâm công tác và làm việc được ?

Nguyễn Hồng Đức, Email: ...71@gmail.com

Sợ người giỏi giành ghế !

Tôi cũng là 1 CBCNV nhà nước và cũng đang ở trong hoàn cảnh nửa đi nửa ở. Tuy cơ quan tôi thu nhập và lương hướng không đến nổi như các cơ quan hành chánh sự nghiệp khác.

Nhưng theo tôi đang có một số vấn đề :

- Chế độ đãi ngộ : Công tác lương thưởng không hợp lý , phân công công việc lại càng không hợp lý, người làm không hết việc , người thì không có việc và nói đúng hơn là làm không được việc nhưng có tính cách cào bằng và nhiều khi hưởng lương còn cao hơn.

- Môi trường làm việc : Không có tính cạnh tranh, mạnh ai nấy làm và đôi khi lại hiềm khích, và nói đúng hơn là sợ người giỏi họ giành ghế. Nhưng người có tài họ không cần chức vụ, họ chỉ cần cống hiến và đem thành quả nghiên cứu của mình để đến với công việc.

Ngô Trương Đăng Khoa, Email: ...1960@yahoo.com

Còn có vấn đề môi trường làm việc

Việc cán bộ công chức nhà nước xin nghỉ việc ra ngoài làm là hết sức bình thường. Với cơ chế và chính sách hiện nay, ở đâu có chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc phù hợp với tình độ và năng lực của người lao động thì nơi đó sẽ thu hút mạnh mẽ hơn.

Để giữ người tài ở lại cơ quan nhà nước, ngoài việc có chế độ tiền lương đãi ngộ, vấn đề hết sức quan trọng là nên xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và thân ái, thực chất có tình đồng sự, đồng chí.

Ngoài đồng lương đủ sống, nơi cơ quan làm việc phải là nơi hoàn toàn không có sự đố kị, không có chỗ cho kẻ nịnh hót, càng không phải là nơi mà người thủ trưởng muốn làm gì thì làm, tham lam, độc đoán chuyên quyền, thủ đoạn, trù dập người tốt, tôn vinh kẻ nịnh, thiếu công minh, đạo đức giả, ban ơn...

Đồng lương đã thấp không đủ sống mà phải làm việc trong môi trường như vậy chẳng khác gì ngục tù. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính và đã đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, theo tôi nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc cải thiện môi trường làm việc.

Một bạn đọc, Email: ...ts@.com.vn

Chế độ đãi ngộ đối với công chức, nhất là công chức cơ sở hiện nay cần phải được nghiêm túc xem xét lại. Với đồng lương quá thấp thì họ buộc phải bỏ việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn là đương nhiên. Tôi biết có những đ/c lãnh đạo phường ở Thành phố Hà Nội lương không quá 1,5 triệu đồng, ngoài ra không có thu nhập nào khác. Như vậy làm sao đảm bảo cuộc sống? Làm sao yên tâm công tác?

Ngô Bảo Châu, Email: ...bda@yahoo.com.vn

Buồn nhất là môi trường làm việc...

Đọc bài viết này tôi thực sự cảm thấy buồn, tôi đang công tác trong cơ quan nhà nước, thực sự tôi cũng rất muốn bỏ việc, lí do lương bổng thấp cũng chỉ là một phần, cái mà khiến lớp trẻ chúng tôi khi tốt nghiệp Đại học ra trường cảm thấy buồn nhất đó là môi trường làm việc.

Môi trường làm việc quá trì trệ, ỷ lại sẽ làm cho đội ngũ cán bộ trẻ chúng tôi ngày một lạc hậu không có cơ hội để phát triển bản thân. Tôi luôn mong mỏi một điều gì đó sẽ thay đổi được chế độ làm việc trong cơ quan nhà nước và đến một lúc nào đó sẽ "Cải cách hành chính" theo đúng nghĩa của nó!

Đặng xuân Núi, Email: ...bien2312@yahoo.com

Bài báo phản ảnh đúng sự thật , và các cấp hãy nhìn thẳng vào sự thật để có cách khắc phục hiệu quả. Hai vấn đề là lương và môi trường làm việc ở cơ quan nhà nước đang là lực cản để phát huy sức làm việc.

Sao các cấp đã biết mà không có biện pháp khắc phục , dù muộn còn hơn không . Nếu cứ kéo dài tình trạng này đến lúc nào đó ở cơ quan nhà nước toàn nhưng người năng lực kém thì đất nước này sẽ đi về đâu ? 

Một bạn đọc; Email: ...hn@yahoo.com

Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn nếu đồng lương và môi trường làm việc như hiện nay. Đồng lương quá thấp. Lạm phát tăng kéo theo giá cả tăng vùn vụt trong khi không thay đổi mức lương.

Đã có trường hợp, làm việc trong cơ quan nhà nước nếu không quen biết, không nịnh hót, không ở trong phe cánh lãnh đạo thì kiểu gì cũng không làm được việc, không được nâng cao trình độ... Vậy thì tội gì những người giỏi phải ở lại cơ quan nhà nước ?

N.T.Hương, Email: ...28@yahoo.com

Tôi đã đọc bài về tình trạng cán bộ công chức xin nghỉ việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng 6.500 cán bộ công chức xin nghỉ việc quả là vấn đề đáng suy nghĩ đối với tất cả chúng ta. Nhưng còn bao nhiêu người đang muốn ra ngoài làm nữa ?

Các nguyên nhân mà bài báo nêu ra và phân tích, tôi đều thấy có lý. Trước hết là vấn đề tiền lương. Sau đó là việc bố trí và sử dụng cán bộ. Và việc sử dụng nhân lực một cách hiệu quả. Các vấn đề đó lại liên quan hữu cơ với nhau.

Vấn đề là các giải pháp. Tăng lương cho đủ nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, công chức, tôi nghĩ là khó thực hiện được với một bộ máy hành chính cồng kềnh và cách sắp xếp, bố trí nhân lực như hiện nay.

Vì vậy, theo tôi, trước hết là giảm biên chế. Với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu mà năng lực hạn chế thì ta nên có ưu đãi về lương để cho họ nghỉ trước thời hạn.

Những người còn trẻ cũng cần được sự thanh lọc thường xuyên để tạo ra đội ngũ công chức tinh thông nghiệp vụ và tận tuỵ. Có như vậy ta mới cải cách được chế độ tiền lương.

Nguyễn Tiến Bình-Hà Nội, Email: ...78@yahoo.com

Tôi cho răng việc công chức xin thôi việc ra làm ở ngoài bộ máy hành chính Nhà nước là một xu thế. Xu thế này phản ánh những giá trị trong xã hội ta đã được đổi mới.

Trước đây những người làm Nhà nước được tôn vinh. Nay xã hội ta đã và đang từng bước coi trọng cả những người làm ngoài hệ thống Nhà nước.

Cơ quan doanh nghiệp Nhà nước trước đây là sự lựa chọn duy nhất, thì nay có nhiều sự lựa chon hơn. Những thay đổi này là 1 bước tiến trong quá trình phát triển và đi lên của đất nước.

Theo tôi việc 1 công chức rời nhiệm sở để ra làm ở ngoài là điều trăn trở và day dứt, bởi đó là 1 thử thách giữa thu nhập thấp, nhưng được bình yên, ổn định với thu nhập cao, nhưng cường độ làm việc cao và độ ổn định không cao.

Tôi hoan nghênh những người dũng cảm rời công sở "bình yên" của Nhà nước để đương đầu với những thử thách mới để thực hiện nguyện vọng được làm việc với mức lương cao đúng với công sức và trình độ, cùng với môi trường lành mạnh hơn.

Do vậy Bộ Nội vụ và Bộ Lao động TB, xã hội nên có cách nhìn biện chứng, để đề ra chính sách cán bộ công chức cho phù hợp với điều kện mới.

Chính sách của Nhà nước không chỉ nên dành ưu đãi về lương, bảo hiểm, chế độ học tập nâng nghiệp vụ và tay nghề cho lớp trẻ mới vào các ngành mà còn phải quan tâm cả thế hệ hiện đang làm việc và có nhiều năm là biên chế trong cơ quan Nhà nước, được nhiều Huân huy chương, nhưng đời sống khó khăn do mức lương thấp.

Xin trân trọng cảm ơn Quý Báo đã cho phép đọc giả được chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Một bạn đọc

Đánh giá đề bạt cán bộ có vấn đề

Tôi rất đồng tình với ý kiến của một cán bộ cấp phòng của một sở nào đấy khi nói về tâm lý của cán bộ công chức xin thôi việc. Đành rằng vấn đề thu nhập cũng rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả.

Vẫn còn đó những người sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng, nhưng điều làm họ chán chường là cách thức tổ chức, quản lý trong các cơ quan nhà nước, nhất là việc đánh giá, đề bạt cán bộ.

Gần như chẳng có một tiêu chí cụ thể nào. Chúng ta còn quá nặng nề về lý lịch. Thường thì những người được gọi là "COCC" hoặc thành phần cơ hội tranh thủ lấy lòng lãnh đạo, luôn được quan tâm đánh giá tốt và đề bạt vào vị trí cao, còn những người "mồ côi" thì chẳng mấy khi đựơc để ý - dù có phấn đấu đến mấy.

Vì vậy, để giữ được những người có đức, có tài, thì ngoài việc cải tiến chế độ thu nhập, chúng ta cần chú ý đến công tác đánh giá, đề bạt cán bộ, không nên nặng về hình thức, mà phải chú trọng đến hiệu quả công tác, vì "hiệu quả công tác là thước do năng lực của cán bộ".

Le Hoan, Email: ...vn@gmail.com

Phải xem chuyện này là một phần trong vấn đề nguồn nhân lực. Việc đào tạo nhân lực cho quản lý trong v/đ này là quá tệ. Còn cải cách HC chỉ thấy hô khẩu hiệu nên nhiều năm nay chả giải quyết được gì cả.

Thị trường nhân lực cho các doanh nghiệp còn thiếu trầm trọng thì đương nhiên nó sẽ "hút" những người có năng lực từ khu vực còn lại. Phải giải quyết v/đ từ gốc và cạnh tranh như thị trường, còn sống lâu lên lão thì không ổn...

Nguyễn Thị Minh Tâm, Email: ...minhtam@gmail.com

Tôi ở Phú Yên, vào Tp HCM học và ở lại làm việc, bạn bè của tôi có năng lực hầu hết đều ở lại làm tại Sài Gòn, còn lại về quê, nhưng ai cũng biết số người về quê làm đa phần là có gia đình xin được việc làm tại các cơ quan nhà nước mặc dù trình độ không cao.

Chị tôi sau khi tốt nghiệp đại học hơn 1 năm mới thi công chức và may mắn đậu, được vào làm tại 1 cơ quan nhà nước ở thành phố Tuy Hòa, nhưng gia đình tôi biết rất rõ nguyên nhân 1 phần vì má tôi là cán bộ nghỉ hưu ở cơ quan này và gia đình tôi cũng thuộc diện chính sách...

Nói chung là người có năng lực nhưng không biết cách lấy lòng sếp thì cũng bị ra rìa, nếu có thái độ tích cực chống đối các hành vi tham nhũng, quan liêu lập tức bị cô lập, đây là một thực trạng trong các cơ quan nhà nước mà ai cũng thấy và biết nhưng không dám nói.

Vậy thì chuyện cán bộ có năng lực bỏ ra ngòai cũng là điều dễ hiểu (trừ những ai thật sự yêu quý công việc của mình). Tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo cao nhất hãy tiếp thu ý kiến, thật lòng muốn xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh thì nhanh chóng cải tổ tình trạng như hiện nay để những người thật tâm muốn xây dựng đất nước tin tưởng vào làm trong cơ quan nhà nước, cống hiến hết mình vì đất nước, bởi có rất nhiều người muốn đóng góp sức mình nhưng rất "ngại" môi trường làm việc ở đây.

Dương Nga, Song Cong, Thai Nguyen, Email: ...NgaSC@yahoo.com

Tôi là một công chức, hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước cấp thị xã, cũng rất băn khoăn trước làn sóng CB, CC xin nghỉ việc . Trong nhiều lý do, thì đồng lương cũng là một trong nhiều vấn đề đáng nói.

Đã gần 6 năm công tác song tiền lương của tôi hiện nay cũng chỉ được 1,3 triệu đồng/tháng, cũng rất khó khăn trong việc chi tiêu hàng ngày, đặc biệt với mức giả cá như hiện nay.

Truong Bao Kha, Email: ...baokha@yahoo.com

Thật lòng mà nói tôi đã lựa chọn đúng đắn khi viết đơn xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước. Năm 2003 tốt nghiệp trường Đại học Luật tôi về công tác tại Thanh tra tỉnh, những tưởng kiến thức phù hợp với cơ quan nơi công tác sẽ là những điều kiện thuận lợi để tôi có thể phát huy hết khả năng của mình, nhưng tui đã thất vọng về điều đó.

Ở đó không có môi trường cho những người năng động, ham học hỏi, nhiệt huyết với công việc mà chỉ là nơi thực hiện và làm những công việc theo yêu cầu của cấp trên, những công việc mang tính ổn định chính trị hơn là phát triển khả năng sáng tạo.

Còn về lương bổng, khả năng thăng tiến,... không nói ra ai cũng biết, cứ phát triển theo kiểu sống lâu lên lão làng, "con anh sáu cháu anh năm" thì sẽ được đề bạc vào các chức danh chủ chốt của cơ quan, được quy hoạch vào diện phát triển lâu dài do UBND tỉnh, Tỉnh ủy quản lý.

Nếu không thuộc diện dạng vừa nói thì có tốt nghiệp loại xuất sắc mà lý lịch "hai hàng trơn" thì ngồi đó chơi đi!? Một đất nước, một nền hành chính công hướng đến phục vụ nhân dân sẽ phát triển không nếu còn những cách làm như thế? Và ai sẽ triệt tiêu vấn đề này?

Tôi rất tự hào vì hiện nay dù không ở trong cơ quan nhà nước nhưng ít ra tôi cũng đóng góp cho đất nước khi thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân để trả lương cho những cán bộ công chức và duy trì nền hành chính cần phải cải cách hành chính hiện nay.

Nguyễn Văn Khôi, Email: ...0602@yahoo.com

Tôi đã từng làm viêc với một công ty tư nhân. Họ trả lương tôi theo khả năng làm việc, nên thu nhập khá cao so với lương công chức nhà nước.

Hàng ngày đi làm phải tiếp xúc với nhiều bộ phận công chức nhà nước tôi thấy ngán ngẩm cho họ.

Công việc chủ yếu xử lý các loại văn bản giấy tời nên họ dễ bị mắc bệnh thủ tục hành chính, lượng người thì quá đông, nhiều lúc rảnh rỗi họ toàn vô mạng đọc báo, bộ phận khác còn đánh bài nữa.

Đặc biệt tôi lên sở kế hoạch thì có cô còn tranh thủ đem việc nhà (nhà cô có công ty riêng, do đứa con cô học Thủy lợi ra làm giám đốc, nên hàng ngày cô ngồi trên sở là chỉ mục đích kiếm dự án về nhà mà thôi, thậm chí còn ép cả các doanh nghiệp khác giành việc về nhà, nhà cô không chỉ ở tỉnh mà còn có cả khu chung cư cao cấp ở Hà nội nữa).

Nên một số công chức mà họ có được vị trí nào đó họ sẽ lợi dụng vun vén làm ngoài chứ không cống hiến cho tổ quốc như mọi người hiểu đâu. Càng làm tôi càng nghiệm ra một điều nếu trên cùng một sân chơi thì có lẽ bộ phận công chức nhất là các doanh nghiệp nhà nước nếu không thay đổi cách nghĩ cách sử dụng người thì sẽ bị thua xa khối tư nhân... 

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.