Nhận quà trên 500.000 đồng phải khai báo, liệu có khả thi ?

Nhận quà trên 500.000 đồng phải khai báo, liệu có khả thi ?
Theo đó Bộ trưởng nhận quà cũng phải khai báo. Quà trị giá trên 1 triệu đồng, người được tặng phải bỏ tiền ra mua, nếu không sẽ đem bán sung công quỹ hoặc trưng bày. Những ý kiến đóng góp của độc giả, chúng tôi sẽ chuyển tới ông Huỳnh Quang Hải, Vụ trưởng Tài chính Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính, đơn vị xây dựng dự thảo quy chế này.

Xung quanh vấn đề này Tiền phong đã phỏng vấn ông Huỳnh Quang Hải. Ông Hải cho biết: “Căn cứ quy định của Pháp lệnh Chống tham nhũng, các khoản cho, biếu, tặng có giá trị từ 500 ngàn đồng trở lên là vi phạm pháp luật nên khi làm dự thảo quy chế QBQT, nhiều ý kiến cho rằng phải xác nhận trên cơ sở pháp luật hiện tại, tức là không quá 500 ngàn thì được nhận.

Nhiều người không đồng tình, cho rằng 500 ngàn đồng là khoản tiền thấp so với mặt bằng hiện nay. Nhưng theo tôi, quy định thế nào thì QBQT cũng không vượt quá mức 500 ngàn đồng và đã nhận là phải báo cáo ngay”. 

Vậy những ai được nhận QBQT và chế độ báo cáo sẽ thế nào, thưa ông?

Có ý kiến cho rằng quy chế chỉ nên điều chỉnh đối tượng là cán bộ, công chức (CBCC) vì điều chỉnh như thế sẽ phù hợp với nội dung trong Pháp lệnh chống tham nhũng. Nhưng “luồng” ý kiến thứ hai, xem ra có nhiều người ủng hộ hơn cả là cần phải điều chỉnh cả những người đứng đầu cơ quan, đơn vị Nhà nước. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, bản thân tôi “nghiêng” về quan điểm đối tượng điều chỉnh gồm cả CBCC và người đứng đầu cơ quan NN.

Còn về cơ chế báo cáo, chúng tôi đang dự kiến chậm nhất sau 5 ngày nhận quà phải báo cáo. Trường hợp vì lý do nào đó chưa báo cáo được ngay theo đúng thời hạn quy định thì sau đó phải giải trình. Theo quy chế, có thể trong cơ quan phải tổ chức ra một bộ phận nào đó để tiếp nhận báo cáo về QBQT.

Tuy nhiên, cũng phải tính xem làm thế nào cho hợp lý, đỡ cồng kềnh về tổ chức. Ví dụ: Cán bộ ở cấp vụ thì phải báo cáo vụ trưởng, sau đó vụ trưởng sẽ báo cáo với bộ trưởng hoặc thứ trưởng phụ trách. Trường hợp người được tặng quà là Bộ trưởng, Thứ trưởng (nếu vì lý do ngoại giao không thể từ chối) thì sau khi nhận phải báo cáo cho bộ phận tại bộ quản lý .

Giả sử chuyên viên của một bộ nhận được quà tặng giá trị trên 1 triệu đồng, anh ta sẽ phải báo cáo thế nào với cơ quan, món quà đó sẽ được xử lý ra sao?

Sau khi báo cáo lên cấp trên là thủ trưởng phụ trách trực tiếp người nhân viên đó phải nộp ngay món quà đó cho bộ phận quản lý. Bộ phận này, có thể sẽ được thành lập ở mỗi một cơ quan. Còn món quà có 3 hình thức xử lý: nếu người được tặng muốn sở hữu, họ phải bỏ ra một khoản tiền có giá trị tương đương; nếu món quà đẹp về hình thức, có giá trị và ý nghĩa lớn, có thể được dùng để trưng bày tại chính đơn vị đó. Còn lại, sẽ được đem bán lấy tiền sung vào công quỹ Nhà nước.

Quà tặng có động cơ, vợ con cũng không được nhận

Nhưng lâu nay, vì lý do tế nhị người biếu quà thường đến nhà riêng đưa quà cho phu nhân hoặc qua con, cháu... của thủ trưởng, với những trường hợp này sẽ xử lý ra sao?

Quy chế sẽ quy định cả những trường hợp tuyệt đối không được nhận quà bất kể thế nào. Đó là trường hợp khi mà người nhận quà biết người ta đang đem biếu mình vì một động cơ liên quan đến việc mình đang xem xét, đảm nhiệm giải quyết thì bất kể trong trường hợp nào mình cũng không được nhận.

Như vậy, khi QBQT đã có động cơ, mục đích thì bất kể thế nào cả mình và gia đình mình cũng không được nhận. Nếu vì lý do tế nhị, chẳng hạn mình đi công tác vắng mà người ta đưa quà đến người nhà đã nhận thì khi người nhà đưa lại mình phải trả lại ngay.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp được phép nhận bất kể quà đó có giá trị tiền là bao nhiêu. Đó là những trường hợp bạn bè, người thân cho nhau hoàn toàn “vô tư”, không ảnh hưởng gì đến chức trách, công vụ mình đang đảm nhận.

Như vậy, ranh giới được và không được nhận quà thật mong manh. Nhỡ bạn bè, người thân cho tặng lúc ấy rồi đến 1 năm sau mới tính chuyện nhờ vả, chẳng lẽ quan hệ ngày thường tốt thế lúc ấy người hay được biếu tặng quà lại làm ngơ không giúp?

(Cười...) Thực ra với những chuyện thế này quy chế cũng không thể nào quy định chi tiết được. Trong mọi trường hợp, chỉ có người đưa và người nhận mới cảm nhận được rằng quà đó hoàn toàn vô tư hay có động cơ. Nhưng dù sao đi chăng nữa, thì văn bản này được “sinh ra” cũng nhằm hạn chế lợi dụng việc trao quà để thực hiện các mục đích khác ngoài tình cảm.

Liệu có khả thi?

Việc xử lý vi phạm được quy định ra sao, thưa ông?

Trong phạm vi một quyết định cũng khó có thể quy định một cách quá chi tiết, bởi tất cả các hình thức và mức độ xử phạt đều đã được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật đã ban hành.

Đối với CBCC vi phạm thì đã có các quy định trong Pháp lệnh CBCC. Còn nếu hành vi nhận QBQT vi phạm Pháp lệnh chống tham nhũng thì sẽ xử lý theo Pháp lệnh chống tham nhũng.

Cụ thể hơn, nếu giá trị QBQT của anh lớn tới mức phải  truy tố trách nhiệm hình sự thì sẽ phải chịu truy tố. Thật ra cho đến lúc này, vấn đề quy chế có điều chỉnh các hình thức xử phạt hay không đang được đặt ra để tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn trong quá trình hoàn chỉnh văn bản.

Trong quá trình lấy ý kiến xây dựng quy chế, các ông có vấp phải phản ứng nào không, và đâu là điều ông cảm thấy trăn trở nhất?

Phản ứng thì không vì tất cả mọi người đều đồng tình. Còn điều mà tôi cảm thấy trăn trở, chính là tính khả thi của văn bản.  Quy định như thế nào để những những “mệnh lệnh” đó nhiều khả năng biến thành hiện thực hơn là một văn bản làm xong rồi để đấy.

Muốn vậy,  chúng tôi xác định: nó phải phù hợp với những quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp và được chấp nhận trong truyền thống văn hoá Á Đông nói chung cũng như VN mình nói riêng.

Trong văn hoá Á Đông, quà tặng và tặng quà luôn được xem như một nét văn hoá tốt đẹp trong đời sống xã hội. Chẳng qua, có một bộ phận nào đó đã lợi dụng việc tặng quà để biến thành hành vi hối lộ, nhất là vào các dịp lễ, Tết hay vào các trường hợp mua quan, bán chức, “chạy” công trình, dự án gây nên tệ tham nhũng, làm ảnh hưởng đạo đức cán bộ công chức.

Chúng ta phải cân nhắc làm sao để đưa ra được những đối tượng điều chỉnh phù hợp cũng như xác định tốt giá trị QBQT và phân biệt được các hình thức nhận quà.   

Xin cảm ơn ông !

Ý kiến của bạn đọc

Tên: Trần Văn Sơn

Email: son_tranvan@yahoo.com

Cảm ơn ý kiến đóng góp của bạn đọc

Là cán bộ tham gia xây dựng văn bản, xin được cảm ơn bạn đọc đã có những ý kiến đóng góp quý báu. Rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp trao đổi cụ thể của bạn đọc để việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi ban hành.

Đừng quản lý bằng cách chờ họ nhận QBQT rồi chờ họ đến khai báo

Tên: Linh Quynh Trang

Email: handothanh@yahoo.com

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi được biết lại có dự thảo một quy chế tương tự như dự kiến quy định số chẵn số lẻ cho xe máy đi vào nội thành như vậy.

Chống tham nhũng là một vấn đề vô cùng khó khăn đối với bất kỳ một quốc gia nào nhưng không phải không có giải pháp. Người dân lương thiện đang trông mong vào những giải pháp có tính khả thi cao, không đồng tình với những giải pháp mà đưa ra rồi không bao gờ thực hiện được.

Một vấn đề hết sức đơn giản, dễ hiểu: Những CBCC có tâm trong sáng khi nhận được chút QBQT không nỡ từ chối mà khai báo với thủ trưởng thì không bao giờ họ tham nhũng hối lộ đâu, không phải chống.

Còn những kẻ đã có tâm nhận hối lộ, tham những thì không bao giờ có hành động tự nguyên khai báo, và chúng ta phải quản lý những đối tượng này.

Hãy học tập cách quản lý của người Nhật Bản( KAIZAN), quản lý bằng chất lượng, trong đó có cả cách quản lý cán bộ Công chức, quản lý ngay từ khi họ bước chân vào cơ quan Nhà nước, quản lý bằng chất lượng công việc, không phải quản lý bằng cách chờ họ nhận QBQT rồi chờ họ đến khai báo, nếu không khai báo thì thôi (vì không phải trường hợp nào cũng bị phát hiện).

Chúc các nhà quản lý thành công.

Tên: hongquang, Email: tungscnld@yahoo,com

"Trong văn hoá Á Đông, quà tặng và tặng quà luôn được xem như một nét văn hoá tốt đẹp trong đời sống xã hội. Chẳng qua, có một bộ phận nào đó đã lợi dụng việc tặng quà để biến thành hành vi hối lộ, nhất là vào các dịp lễ, Tết hay vào các trường hợp mua quan, bán chức, “chạy” công trình, dự án gây nên tệ tham nhũng, làm ảnh hưởng đạo đức cán bộ công chức".

Tôi không đồng tình với đánh giá trên vì chưa nhận thức hết tác hại của tệ nạn này. Phải nói rằng việc biếu tặng đã trở thành nơi nấp bóng của hối lộ, tham nhũng, là lý do để nhiều kẻ đức cao vọng trọng tự lừa dối lương tâm mình, nó không chỉ làm ảnh hưởng mà còn làm băng họai đạo đức của CB-CC.

Vì vậy nhất thiết phải có quy định cụ thể chống lại , phải có cơ chế bảo vệ để những người bất đắc dĩ phải mang quà biếu với danh nghĩa tình cảm mà trong lòng ngậm đắng nuốt cay hoặc chửi thầm mạnh dạn tố cáo những người vi phạm.

Kỷ luật đề ra phải hết sức nặng nề, dù vi phạm nhỏ nhưng lần đầu phải hạ tầng công tác , tái phạm phải sa thải ngay thì mới giữ được lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Tên: Trần Hoàng, Email: hoang_tran98@yahoo.com

Tiêu diệt Tham nhũng chứ không chống tham nhũng

Theo tôi để tiêu diệt tham nhũng thì phải cấm tuyệt đối quà biếu, quà tặng. Dân tộc Việt Nam thua người Sing ư? Hãy học tập Lý Quang Diệu

Một bạn đọc

Không thể khả thi

Không thể khả thi bởi vì chúng ta chưa kiểm soát được, chưa quản lý được thu nhập và chi tiêu cá nhân. Ít ra cũng điều đó với cán bộ công chức. Hãy cứ nhìn vào chi tiêu, sinh họat, cho con cái đi du học tự túc... thì thấy đại đa số cán bộ công chức có mức lương bằng Chủ tịch nước cũng không thể lo đủ, huống chi chỉ là chuyên viên trong bộ máy mà cũng có đầy đủ khả năng trang trải các nhu cầu tốn kém ấy.

Tên: Võ Văn Tần

Email: ngeusoochen@gmail.com

Tặng quà : Hãy cấm triệt để dưới mọi hình thức

Không bao giờ thực hiện được việc khai báo quà cáp.  Không nhận, cấm nhận, cấm tặng... còn khó thực hiện được huống hồ cho tặng nhưng phải khai báo.

Có chăng ... Người ta tặng sếp món quà 10.000 USD, xếp nói nó chỉ 50USD thôi, xong bỏ ra 50USD để nhận quà đó, ai biết ? 

Theo tôi chỉ có cấm, cấm triệt để dưới mọi hình thức, thà rằng điều đó có khắc nghiệt đối với nhiều người.

Tên: Nguyễn Văn Giàu

Email: giauvan@hotmail.com

Không khả thi được !

Không khả thi được , phải có biện pháp khác . Chuyện tặng quà hoặc đưa phong bì tham nhũng nó quá lạc hậu , các công ty phương Tây chi cho quan tham tinh vi hơn .

Một thí dụ đơn giản thôi : quan có chức quyền phê duyệt chấp thuận một dự án cho công ty nước ngoài khai thác xây cất khu du lịch trên địa phận thuộc quyền của ông ta , công ty trả ơn bằng cách mướn vợ hay con của ông ta làm cố vấn nhân sự ; cố vấn tài chánh ; cố vấn đối ngoại ..v.v ... của công ty ấy , làm việc tà tà , nhưng với cái lương hằng năm bằng lương suốt đời của một người giữ chức vụ tương đương của ngoài đời , hoặc chi phí tài trợ cho con cái của quan đi nước ngoài du học , hoặc xây cất biệt thự cho quan với giá 1/10 giá thị trường , thuế thu nhập cũng bao đóng đàng hoàng cho nhà nước , làm sao bắt đây ?

Những lối đút lót cho quan tham kiểu tinh vi này xảy không phải ít.

Tên: vutung

Email: vutung1000@yahoo.com

Về vấn đề chống tham nhũng , chúng ta phải hiểu là ở trên thế giới này, nước nào mà chẳng có, chỉ ít hay nhiều mà thôi.

Theo tôi, nếu chúng ta muốn giảm bớt tệ nạn biếu xén thì cũng nên ủng hộ qui định này. Dù sao ta cũng nên thử đã rồi sau đó mới biết được kết quả chứ.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghi ngờ tính khả thi của nó.

Tên: Lê Oanh Trưởng

Email: truong_leoanh@fmail.binhthuan.gov.vn

Không bao giờ thực hiện được

Chống tham nhũng là phải diệt tận gốc, do cơ chế mà đẻ ra tham nhũng. Làm sao mà biết được người ta biếu mình trên 500.000 đồng, chẳng lẻ hỏi giá anh biếu tôi món quà bao nhiêu hay ra cửa hàng hỏi à. Mà có hơn 500.000 đ thì dại gì ai đi khai.

Chẳng lẽ đặt camera tại phòng làm việc hoặc nhà của người nhận quà ? Còn theo ông Huỳnh Quang Hải, vụ trưởng vụ Tài chính Hánh Chính sự nghiệp nói : "Phản ứng thì không vì tất cả mọi người đều đồng tình" là do mọi người biết không khả thi nên không có phản ứng gì thôi.

Tên: Bảo Trung

Email: chanhdaochua@yahoo.com

Tôi thấy dự thảo này không khả thi ở mấy điểm sau :

1 - Việc biếu , tặng quà đa phần không công khai , vì thế không kiểm soát được , nếu đã định nhận thì người ta không báo cáo , còn định báo cáo thì tốt nhất là không nhận để đỡ phiền hà .

2 - Các quà tặng bằng hiện vật , nhất là những món quà có giá trị gần với mức 500.000,đ thì định giá như thế nào là chuẩn xác ? giả sử sau khi định giá xong mang đi bán để sung công quỹ lại không bán được, hoặc bán được < 500.000,đ thì sao ?

3 - Việc phát sinh quà tặng không thường xuyên, mà lại phải đẻ ra một bộ phận quản lý , giải quyết QTQB liệu có hợp lý và mang lại hiệu quả không khi mà các đơn vị đang cần tinh giản biên chế .

Tên: Lê Thành Bảo

Email: thanhbaor@yahoo.com

Theo bản thân tôi thì làm như vậy là chưa giải quyết tận gốc vấn đề cần phải giải quyết. Thực tế không thể xác định được quà như thế nào gọi là "có động cơ"; trị giá của quà tặng không phải là yếu tố duy nhất để xem xét vấn đề. Thiết nghĩ cần phải tìm cách làm thế nào để những đối tượng có chức, có quyền không thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật, có như vậy sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Bản thân tôi đã từng được một người bạn tặng 01 điện thoại di động trị giá hơn 4 triệu đồng (có lẽ để trả ơn nhưng gì tôi đã giúp từ thuở hàn vi ...), như vậy không có gì là bất bình thường cả, chỉ là tình nghĩa thực sự. Mong các "nhà lập pháp" xem xét kỹ, kẻo ban hành xong lại có ý kiến ra vào. Có thể tham khảo thêm một số nước tiên tiến họ đã làm như thế nào ? Họ đã rút được bài học kinh nghiệm ra sao ?...

Tên: Nguyễn Huy Hùng

Email: datphuongnam276@yahoo.com

Không khả thi !

Trong giai đoạn đất nước mở cửa đổi mới, chúng ta đã đạt những thành tựu đáng kể về kinh tế - văn hóa - xã hội. Nhưng theo đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối mà chúng ta không thể giải quyết một sớm một chiều.

Chống tham nhũng là việc làm rất cần thiết. Theo tôi chống tham nhũng là phải chống từ gốc. Để làm được việc này chúng ta phải chỉ ra được đâu là đối tượng có thể tham nhũng, nguyên nhân sâu xa và những cơ chế "đẻ" ra tham nhũng.

Việc đưa ra quy định cụ thể về mức tiền và quà biếu trị giá từ 500.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý, theo tôi không bao giờ khả thi vì : Không ai có thể kiểm soát được việc biếu tặng quà trừ lương tâm người tặng và người nhận; Việc biếu tặng quà có rất nhiều hình thức mà luật pháp hiện hành vẫn chưa thể đề cập hết được...

Một qui định như vậy nếu đưa ra thực hiện chỉ là một hình thức đối phó chứ không có ý nghĩa thực tế, chẳng khác nào dự thảo "luật" cấm mặc váy ngắn hơn 30cm khi lên sân khấu biểu diễn...! Là công dân Việt nam, tôi rất muốn được góp phần của mình vào việc chống tham nhũng và xây dựng đất nước. Nhưng chúng ta phải tìm ra được hướng đi thạt sự hiệu quả thiết thực và đừng quên học hỏi ở nhữung nước đã thành công trong vấn đề này.

Tên: Phạm Khắc Lân

Email: canhenbac@yahoo.com

Nếu qui định như vậy thì không thể nào chống tham nhũng được, bởi như vậy sẽ có kẽ hở cho nhưng kẻ lợi dụng chức vụ để tham nhũng mà lại đúng luật. Như vậy càng làm tỉ lệ tham nhũng tăng, mà nhà nước và nhân dân sẽ không thể tố cáo được. Chính vì vậy tôi không đồng tình với dự thảo này.

MỚI - NÓNG