Thủ đô phải mang bản sắc riêng

Thủ đô phải mang bản sắc riêng
TPO - Thủ  đô Hà Nội trong tương lai không chỉ  hiện đại, phát triển kinh tế, xã  hội, bền vững về môi trường mà còn phải mang được bản sắc riêng của lịch sử ngàn năm văn hiến.

Các nhà khoa học, chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, “mổ xẻ” nhiều vấn đề tại Hội thảo khoa học “Đóng góp ý kiến vào quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”, do Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật (TP Hà Nội) tổ chức ngày 29/7.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đã nêu 7 vấn đề còn mắc từ đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội” do liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkin-Posco -Jina) thực hiện.

Đấy là những băn khoăn về mức độ tăng trưởng, mục tiêu phát triển của thành phố, cấu trúc, quy mô đô thị, quy mô dân số, ý tưởng mô hình vành đai xanh, khu hành chính quốc gia, xây dựng sân bay quốc tế đặt ra trong đồ án.

Liên quan đến việc lập quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, mới đây Bộ Xây dựng đã đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo để chuẩn bị trình bày trước Thường trực Chính phủ vào đầu tháng 8.

Ông Nghiêm cho rằng, bản quy hoạch đã đưa ra những phương án thiếu khả thi. “Mức thu nhập hiện tại của Hà Nội là 830USD/người/năm, kém xa TP.HCM. Còn nếu cứ nhìn mức dự báo của tư vấn, tôi sướng run vì chỉ 10 năm nữa, dân Thủ đô đã có thể thả sức ăn chơi như dân Hàn Quốc hiện tại”- Ông Nghiêm nói.

Về khái niệm vành đai xanh, theo ông Nghiêm, từ lâu Hà Nội đã có chủ trương phải làm, phải giữ cho được khu vực giãn cách “bọc” thành. Tuy nhiên, vành đai vẫn lần lượt bị chọc thủng bởi chính lợi thế của các khu vực lân cận áp sát, lấn át dần. Vì vậy, những dự báo đưa ra nếu không chuẩn sẽ lại tiếp tục đẩy thành phố vào những vấn đề lổn nhổn, phức tạp.

Đồng tình, ông Bùi Tâm Trung (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô), nêu ý kiến không nên đề ra tầm nhìn quá “cao sang” cho Hà Nội là phải trở thành hiện đại hay hoành tráng hàng đầu khu vực. “Có lẽ không ai đến Việt Nam để xem mức độ hiện đại của Thủ đô, mà chỉ để tìm tới một thành phố có bản sắc riêng của Á Đông”-Ông Trung đóng góp. 

Trung tâm đặt đâu cho hợp?

Một vấn đề trong bản quy hoạch chung Thủ đô, được “mổ xẻ” nhiều là việc đưa ra những phương án di chuyển trung tâm hành chính quốc gia tới khu vực tây Hồ Tây; đoạn giữa sông Đáy-sông Tích hay tại Thạch Thất (Hà Tây cũ). TS.Vũ Hoan cho rằng, trung tâm hành chính quốc gia không thể tách dời khu Ba Đình, nơi hội tụ đủ yếu tố được khẳng định từ thời Lý Thái Tổ dời đô.

Còn TS. Nguyễn Hoàn (Hội kinh tế Việt Nam) phân tích, bản quy hoạch không được nhìn dưới con mắt, quan điểm của người Hà Nội, người Việt Nam nên “lệch” so với tư duy, triết lý của người Việt. Ông Hoàn kiến nghị phải xem xét kỹ việc đưa ra phương án di chuyển trung tâm hành chính quốc gia.

Về  việc xây dựng một sân bay quốc tế mới, TS Hoàn góp ý, quy mô đủ tầm quốc tế phải đảm bảo cho máy bay A380 lên xuống thoải mái. Diện tích sân bay mới phải khoảng 5.000ha, con số vượt hơn nhiều so với phương án của đơn vị tư vấn quy hoạch.

“Với diện tích chiếm đất lớn không nên xây dựng sân bay trong lòng Hà Nội, cũng không nên xây dựng từ nền sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Khoảng cách phù hợp theo tôi là khu vực Hưng Yên, Hải Dương”-Ông Hoàn nói.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG