Vì đâu miếng ăn… bất sạch ?

Vì đâu miếng ăn… bất sạch ?
TPO - Trong phiên chất vấn các bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2008 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đã chất vấn gay gắt ông Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu về vấn đề có liên quan đến miếng ăn của người dân.
Vì đâu miếng ăn… bất sạch ? ảnh 1
Hàng hoa quả Trung quốc ở phía chân cầu Long Biên, Hà Nội. Ảnh : Phan Kiền 

Đại ý rằng : Hoa quả nhập khẩu vào nước ta có chất bảo quản độc hại, gây ung thư, Bộ trưởng đã kiểm tra chưa, có khuyến cáo gì không? 

Ông Triệu đã biết cần làm thế nào hạ nhiệt câu hỏi bằng câu trả lời rất khéo “Từ trang trại đến mâm cơm, Bộ Y tế có trách nhiệm nhưng là trách nhiệm chung. Sản phẩm trồng trọt thì trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, phụ gia, phẩm màu và lưu thông là Bộ Công Thương”.

Ông Cao Đức Phát giải trình tiếp “Bộ trưởng NN&PTNT chỉ chịu trách nhiệm từ khi sản xuất đến lưu thông trong nước và xuất khẩu. Hoa quả nhập khẩu do trách nhiệm của Bộ Công Thương”.

Ông Bộ Công thương hứa: “Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm, có thể  rút giấy phép kinh doanh”. Với vai trò là “nhạc trưởng”, ông Triệu nói sẽ hợp tác tốt hơn để tiếp tục “Cuộc đấu tranh lâu dài với gian thương, giữa cái thiện và cái ác, cuộc đấu tranh này cả ngàn năm nay chưa có hồi kết”.

Giống như lời hứa khác về giải quyết “bệnh nhân chia giường” của bộ Y tế, nhân dân chỉ biết chờ và kiên nhẫn “hết hẹn lại lên”. Thôi thì mùa sau vậy, như dân ta đi biển đợi mùa gió chướng qua đi.

Để đến mâm cơm của dân, thực phẩm, rau quả phải qua bao nhiêu công đoạn. Có thể do dân chăn nuôi trồng trọt tại chỗ (Nông Nghiệp) hoặc cũng do nhập khẩu (Công Thương). Một mình ông Y tế với cái kim tiêm không làm nổi. 

Nếu ai đến sân bay cửa khẩu của Australia sẽ biết họ bảo vệ nền nông nghiệp, an toàn thực phẩm, thuốc men nhập khẩu theo đường “xách tay” như thế nào. Tôi có vài công chuyện phải dừng chân tại đó mấy ngày. Cô bạn Hà Nội quí gia đình nên đã gửi tặng nửa cân mục nhĩ. 

Khi nhập cảnh thấy một câu to tướng trên tường “nếu có thực phẩm thuốc men, hoặc khai báo hoặc bị phạt tù”.  Từng chứng kiến một hành khách vào cửa khẩu Darwin bị bắt vì chú chó đã phát hiện trong túi xách tay của bà có quả táo còn thừa trong bữa ăn trên máy bay của chính hãng Qantas (Australia). 

Tôi nghĩ bụng mấy cái mục nhĩ khô như ngói kia thuộc loại “gỗ”. Đã gạch vào phần khai có thuốc mang theo như mấy lọ nước muối nhỏ mắt trẻ em và vài vỉ thuốc tròn tròn của đàn bà mà cô vợ khăng khăng…“mua ở Hà nội rẻ hơn”, nhưng phần thực phẩm và hoa quả, tôi bỏ qua.

Khi va li qua máy quét, anh hải quan tiến lại và hỏi “Xin xem lại tờ khai có chỗ nào anh quên”. Tôi khẳng định là đã khai hết kể cả thuốc thang. Lập tức tôi được mời ra chỗ riêng để mở vali. Gói mục nhĩ khô chính là “tội đồ”. 

Đi đâu một lúc, anh ta quay lại nói rất nghiêm khắc “Đây là loại thực phẩm không vi phạm luật, nhưng theo nguyên tắc phải khai. Tôi đã ghi cảnh cáo vào hệ thống máy tính. Nếu vi phạm lần nữa, anh sẽ bị bắt tù và phạt tiền”. Tôi cãi đây chỉ là loại khô mộc, nhưng anh lắc đầu “cái gì cho vào miệng đều là thực phẩm”. 

Khi nhập cảnh vào Mỹ, rất nhiều người hỏi “tại sao hải quan lại tịch thu bánh mỳ kẹp thịt và táo của tôi và đòi phạt?”.  Thật ra, họ không lấy đi bữa ăn của ai mà Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ qui định không cho nhập những thứ có thể “đút vào miệng”. Đó là cách bảo vệ nông nghiệp không bị dịch bệnh đe dọa và lo miếng ăn “sạch” cho dân.

Viết tới đây bạn đọc đã hiểu là trách nhiệm của Bộ Công Thương và Y tế đến đâu trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Muốn có an toàn thực phẩm hay y tế, trước hết cửa khẩu phải được bảo vệ bởi hàng rào kiểm tra hàng “đút mồm” rất chặt chẽ. Không thể để hàng hóa ồ ạt vào trong nước rồi mới cử cán bộ đi “nếm”, kiểu thả vịt ra ao rồi đi đuổi. Theo tôi, trách nhiệm này thuộc Bộ Nông nghiệp.

Ở nước ta, quả táo Trung Quốc để 3 tháng không thối, quả đu đủ xanh lè qua một đêm hô “biến” thành vàng rộm. Nhiều cửa hàng bán phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật với giá “rẻ như bèo”, 800 đồng/lọ. 10 lọ giá 8.000 đồng sẽ dùng cho một tạ hoa quả, thuốc này đảm bảo chín nhanh, tươi, đều… và để được cả năm. Rồi rau Trung Quốc “đội lốt” Đà Lạt. 

Vài địa phương nước bạn cạnh ta có nền “khoa học địa phưong” về hóa sinh, thực phẩm do nông dân hay kỹ thuật viên “tự biên tự diễn”. Giá rẻ và biên giới lại ít có điều kiện kiểm tra. Kết quả, dân ta làm thí nghiệm cho các sản phẩm mới của bạn. Lên án nông dân vô ý thức, bón phân bừa bãi hay phun thuốc độc vào rau ư? Họ có lỗi gì, thấy rẻ và cây lớn vùn vụt thì mua. 

Đương nhiên, không phải sau một đêm thức dậy chúng ta có một hệ thống cửa khẩu kiểm tra như phưong Tây. Nhưng hướng tới những điều lý tưởng ấy là hoàn toàn có thể. Cử chuyên gia đi tham quan một số nước xem họ bảo vệ người dân như thế nào. 

Hoa Kỳ sẵn sàng nhập hoa quả, thịt cá của tất cả các nước miễn phải…“sạch” theo tiêu chuẩn nông nghiệp của họ. Chuyên viên nước ta nên sang nằm vùng vài tháng và học hỏi làm thế nào để bảo vệ nền nông nghiệp của họ mà vẫn nhập thực phẩm đều đều. Việt Nam có thể làm giàu vì nông nghiệp nếu đủ uy tín cung cấp cho 300 triệu người Mỹ một số lượng rau quả tương đương 1USD/tuần/người, biết rằng một cái bắp cải nhỏ giá khoảng 2USD hay 3 cây hành giá cũng 0.5USD.

Chị bạn làm tổ chức quốc tế mới được tăng lương rất cao, khoảng 4 hay 5 ngàn đô/tháng. Nhưng chị buồn tâm sự “Ở Hà nội lương cao kể cũng mừng nhưng người ta không cảm thấy yên tâm. Ra khỏi nhà sợ trộm đột nhập, đi đường sợ kẹt xe, ô nhiễm, bị tai nạn bất kỳ lúc nào. Vào cửa hàng ăn uống, gắp ngọn rau muống nhưng trong đầu lại nghĩ, nếu ngộ độc đi bệnh viện nào không phải phong bì đây. Lương cao để làm gì nếu lòng bất an khi ngồi trước mâm cơm đầy thịt cá mà không rõ nguồn gốc”. 

Bao giờ đất nước có những cán bộ hải quan, bảo vệ cửa khẩu hiểu rằng “những gì cho vào miệng đều là thực phẩm” thì chuyện VSATTP sẽ tốt hơn. Nếu không, dân ta tiếp tục làm “chuột bạch” cho nền “khoa học địa phương” của bạn. 

Tại sao nước ta không thể tìm được một “nhạc trưởng” giỏi và dàn “diễn viên” thành thạo và “bản nhạc hay” cho chuyện ăn uống. Tiếp tục tình trạng vài bộ liên quan này, đến kỳ họp tới, mấy vị trên ngồi bàn nhau xem trả lời trước Quốc hội như thế nào cho các đại biểu…cười, còn dân thì tiếp tục… khóc vì lo thức ăn nhiễm độc. 

“Tam” Bộ tiếp tục phụ trách “chung” VSATTP mà không có trách nhiệm “riêng”, miếng ăn Việt nam còn “bất”…sạch dài dài. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Mai Hương, Email: ...07@hotmail.com

Chúng ta hãy tự bảo vệ mình

Thật đáng buồn khi mỗi ngày chúng ta lại được thông báo về những thực phẩm hay rau quả không đảm bảo chất lượng: hoa quả phun thuốc để giữ được lâu và mau chín, thực phẩm tẩm hoá chất để nhìn ngon mắt và ăn ngon miệng hơn...và biết bao nhiêu nữa.

Không chỉ đồ nhập khẩu từ Trung Quốc về mà ngay chính bà con nông dân và những người buôn bán cũng vì cái lợi trước mắt mà quên đi rằng hằng ngày chúng ta phải đối mặt với bao chất độc hại đó.

Chúng ta không nên chờ xem trách nhiêm thuộc về ai: Bộ NN và PTNT hay bộ Công Thương...mà chúng ta hãy bảo vệ lấy chính mình trước đã. Nói "Không" với hoa quả nhập không đảm bảo, tránh xa những loại thực phẩm nhìn "bắt mắt" như ngó sen tẩy trắng, nấm tẩy trắng... 

Kim Đường, Email: ...03@gmail.com

Hoàn toàn nhất trí với ý kiến của tác giả, không phải cứ đổ lỗi cho bộ này bộ khác là xong. Tại sao không nghiêm túc nghĩ đến sức khoẻ cộng đồng, chất lượng thế hệ sau và cả môi trường để các bộ trưởng đại diện cho Chính Phủ phải có trách nhiệm đối với nhân dân.

Thẳng thắn mổ xẻ, nhận trách nhiệm để thảo luận và tìm giải pháp, đó mới là cái mà cử tri và người chất vấn cần. Không thể trả lời để cười với nhau được. Cách trả lời của bộ trưởng bộ y tế là không thoả đáng...

Xin nói thẳng cái nhiệm vụ “gác mâm cơm” của bộ Trưởng còn quá kém chưa nói đến vai trò của một nhạc trưởng trong vấn đề này. Không thể chỉ tuyên truyền để người dân cảnh giác nhưng cảnh giác thế nào? Liệu các Bộ trưởng của ba bộ liên quan hay những người làm công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm có cảnh giác được không?

Tại sao các Bộ trưởng không xem lại năng lực kiểm tra kiểm soát của Bộ mình đến đâu? Có tin tưởng được không khi kiểm tra theo kiểu "ngó" được gọi là kiểm dịch, kiểm tra ở cửa khẩu? Nếu chỉ ngồi chờ các báo cáo công tác kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát thì không thể biết mình đang ở đâu?

Việc tác giả Hoa Lưu đề cập về kiểm soát hàng nhập khẩu thì chỉ là một mặt, không phải hệ thống pháp luật của ta không có mà vấn đề là năng lực kiểm tra, hệ thống quản lý có vấn đề. Không thể cứ có cảnh báo của báo chí mới lập đoàn thanh tra, kiểm tra mà cần phải có chiến lược kiểm tra liên tục dài hơi. Còn khi có dư luận thì tăng cường kiểm soát hơn so với bình thường.

Trong khi nước ta xuất khẩu luôn gặp khó khăn về vấn đề tiêu chuẩn do các nhà nhập khẩu đề ra, trong đó tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là một rào cản thì hàng hoá các nước cứ thoải mái vào như chỗ không người.

Ai cũng biết đó là cách mà các nước phát triển thực hiện nhằm một công đôi việc, vừa đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vừa bảo hộ cho sản xuất trong nước đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, thu hút du lịch, phát triển ẩm thực và thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm….

Là một người làm việc có ít nhiều liên quan đến Vệ sinh an toàn thực phẩm tôi thấy các Tiêu chuẩn, Qui trình, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, Phương pháp phân tích kiểm tra của nước ta đã công bố và cập nhật chẳng kém gì các nước phát triển như Châu Âu nhưng vấn đề ở chỗ là thực thi và năng lực kiểm soát quá yếu kém.

Hệ thống phòng thí nghiệm được giao trách nhiệm kiểm tra rất yếu cả về số lượng lần chất lượng. Các phương pháp phân tích thì các Bộ công bố cứ công bố, còn thực thi ở các phòng thí nghiêm dùng phương pháp nào cứ dùng.

Đặc biệt là hệ thống kiểm tra chất lượng, độ chính xác của các phương pháp phân tích gần như chưa có tiêu chuẩn, không được kiểm soát chặt chẽ nên mới có chuyện xét nghiêm của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm khác với kết quả của Cục bảo vệ thực vật (vụ rau muống Thanh Trì năm 2006), sau đó được giả thích là do hai lần lấy mẫu khác nhau không đại diện, nếu như vậy qui trình lấy mẫu có vấn đề hoặc phương pháp phân tích không ổn định.

Qui trình phân tích cho từng nhóm chất chưa có, không thống nhất nên vấn đề này theo tôi cần tổ chức nghiên cứu để ban hành. Vấn đề này cần các chuyên gia hiểu biết ngồi lại để thảo luận và cùng đưa ra giải pháp.

Về nhân lực chuyên môn thử hỏi những người làm công tác kiểm tra, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được đào tạo như thế nào??? Hầu hết cán bộ y tế chủ yếu (đào tạo để chữa bệnh cho người vì lý do nào đó sang quản lý an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm), một ít tốt nghiệp các trường Nông lâm ngư, một số tốt nghiệp Công nghệ thực phẩm nhưng cứ nhìn vào chương trình đào tạo các ngành đó ở nước ta xem được học bao nhiêu giờ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Rõ ràng là được trang bị rất ít kiến thức về phân tích độc chất thực phẩm, luật vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng.

Rõ ràng đây là vấn đề cần phải có chiến lược đào tạo, theo tôi được biết nhận thức được vấn đề này Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát đã giao cho trường Đại học Nông nghiệp thiết kết chương trình đào tạo chuyên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là chủ trương có tính dài hơi, sản phẩm chủ yếu từ ngành nông nghiệp nên không ai hiểu rõ về nguồn gốc, con đường ô nhiễm, cơ chế tồn dư trong cơ thể động vật và rau quả hơn những người chuyên sâu nông nghiệp. Từ đó sẽ có cách quản lý hiệu quả các nguồn độc chất ô nhiễm thực phẩm.

Một vấn đề nữa cần thảo luận là phản ứng trước những dư luận liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính do năng lực kiểm soát kém nên phản ứng các bộ liên quan đều tỏ ra lung túng và chậm gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, nhà sản xuất còn nguời tiêu dùng thì hoang mang.

Đối với các nước phát triển khi có dư luận là có phản ứng ngay lập tức họp báo các chuyên gia, các phòng thí nghiệm liên quan, tổ chức lấy mẫu kiểm tra báo kết quả nhanh nhất rồi mới phát ngôn thông báo chính thức. Trong thời gian chờ kết quả hàng hoá có vấn đề phải tạm ngừng phân phối.

Như thế vừa bảo vệ được nhà sản xuất, nhà phân phối vừa trấn an dư luận. Chính vì thế, nên chăng cần có qui định cụ thể để phản ứng, trách nhiệm các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm phát ngôn khi có dư luận.

Trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người dân là của các các thành viên Chính Phủ đặc biệt là các bộ liên quan cần nghĩ đến một chiến lược lâu dài. Đề nghị cử tri và đặc biệt Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai tiếp tục giám sát vấn đề này.

Lê Hương, Email: ...huongp@yahoo.com

Theo tôi, ngoài những sản phẩm nhập khẩu từ TQ nhiễm độc và nghi nhiễm độc còn có những sản phẩm của VN bị chính những người bán hàng VN tẩm hoá chất vào để bảo quản nữa.

Bởi vậy, thay vì phải tốn quá nhiều thời gian, chi phí để tìm kiếm, thử nghiệm các hoá chất độc hại trên rau quả, thực phẩm theo kiểu làm từ “ngọn”, chúng ta nên kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, tàng trữ các loại hoá chất hiện đang bày bán tràn lan trên thị trường cả nước.

Có như thế mới giải quyết dứt điểm “phần gốc” của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...