Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến!

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến!
(TPO) Đó là tiếng nói chung của các "nhà vô địch Olympic" có mặt tại buổi giao lưu trực tuyến "Đường đến huy chương vàng Olympic" chiều nay. Đam mê học hỏi, thông minh và năng động, họ đang khát khao được trở thành những nhà khoa học trẻ, cống hiến tài năng của mình cho đất nước. 
Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 1
5 HCV, HCB quốc tế đang giao lưu cùng bạn đọc Tiền Phong Online tại trụ sở báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Khách mời của Tiền Phong Online : 

Phạm Kim Hùng - HS lớp 12 khối chuyên Toán - Tin ĐHKHTN (ĐH QG Hà Nội): HCV Olympic Toán quốc tế 2004, HCB Olympic Toán quốc tế 2005.

Nguyễn Thị Kim Ngân - HS lớp 12 chuyên Sinh trường Hà Nội – Amsterdam:  HCB Olympic Sinh học quốc tế 2005 tại Bắc Kinh.

Nguyễn Thị Phương Dung - HS lớp 12 trường PTTH chuyên Vĩnh Phúc : Nữ sinh duy nhất trên thế giới đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý 2005.

Nguyễn Mai Luân - HS lớp 12 chuyên Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) : HCV Olympic Hóa quốc tế 2005, HCB Olympic Hóa quốc tế 2004

Nguyễn Hoàng Minh - HS lớp 11 chuyên Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) :  HCV Olympic Hóa quốc tế 2005.

Đúng 14h, buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu, các khách mời của chúng tôi nói :

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 2
Phạm Kim Hùng

Phạm Kim Hùng: Xin chào các anh các chị và các bạn!

Cả 2 năm em đều đi thi, cảm xúc đầu tiên là rất hồi hộp. Em luôn cố gắng phấn đấu hết mình. Lần trước vào năm 2004 tại Hy Lạp, em đoạt HCV, cả đội tuyển được đi tắm biển tại Hy Lạp và còn biểu diễn văn nghệ rất vui.

Còn lần đi thi năm nay: Sáng ngày 10/7, chúng em sang Mexico và sáng 12/7 bắt đầu thi. Do lệch hẳn múi giờ 12 tiếng nên thời gian không hợp lý cho lắm, chúng em đã không có được tinh thần tốt nhất. Vì vậy mà đội tuyển có kết quả không được như mong đợi. Đề thi có trưởng đoàn dịch sang tiếng Việt. Mỗi bài toán có giám khảo riêng để chấm.

Ngày thi đầu, em đạt điểm khá tốt, ngày thi thứ 2 em làm không tốt lắm nên bỏ một số bài dễ. Có lẽ nếu em bình tĩnh hơn chút nữa thì sẽ làm tốt hơn.

Qua đây, em muốn cảm ơn các thầy cô giáo trong trường. Em xin cảm ơn Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tạo điều kiện cho em trong suốt quá trình tham gia kỳ thi, em xin cảm ơn báo Tiền phong Online đã tạo điều kiện cho em tham gia buổi giao lưu đầy ý nghĩa này.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 3
Nguyễn Thị Kim Ngân

Nguyễn Thị Kim Ngân: Xin chào các anh chị và các bạn. Em là Nguyễn Thị Kim Ngân, thành viên đội tuyển Olympic Sinh học. Trong lần thi vừa qua, em đã giành HCB.

Đợt thi vừa qua, cả đội tuyển thi Olympic Sinh học đã phải trải qua một quá trình ôn thi khá căng thẳng, việc học tập rất vất vả. Chúng em phải học từ 7 giờ 30 sáng đến 7 giờ 30 tối. Em thấy rất mệt, nhưng đã cố gắng hết sức.

Kết quả là chúng em đã không bỡ ngỡ khi bước vào phần thi thực hành - phần thi luôn được coi là yếu nhất của học sinh Việt Nam trong các năm thi trước.

Khi biết tin mình nhận được HCB, em thấy hơi... khó tin (cười). Ngay tối hôm đó, em đã gọi điện về báo tin vui cho gia đình. Lúc đó, em mới thấy thật sự vui sướng. Bố em nghe điện thoại và... cười ha hả.

Nguyễn Mai Luân: Năm nay em rất may mắn vì đội tuyển Hóa thi ở Đài Loan, phong tục tập quán gần VN, múi giờ chỉ lệch 1 tiếng, đồ ăn hợp với ta hơn.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 4
Nguyễn Mai Luân

Có thật nhiều kỷ niệm, rất tiếc trong thời gian đi thi có một trận bão từ, mọi hoạt động đều ngưng trệ, làm mất cơ hội đi chơi của bọn em sau kỳ thi. Đề thi khá phù hợp, chúng em không gặp khó khăn lắm.

Từ năm 1995 ở Bắc Kinh đến nay chúng ta mới được 2 HCV, riêng năm nay có tới 3 HCV. Năm nay đoàn Việt Nam đứng thứ 2 sau Hàn Quốc. Có 59 nước và vùng lãnh thổ tham gia, 10 quan sát viên. Chúng ta đứng trên Mỹ, Anh, Pháp, vượt qua cả chủ nhà Đài Loan. Khi giao lưu với các bạn cũng rất vui, đoàn Thụy Điển tặng quà cho chúng em tới 2 lần.

Đề thi có 2 phần, thực hành và lý thuyết. Ở VN chỉ có ít trường có điều kiện thực hành. Chỉ khi tập trung đội tuyển, có chừng 20 buổi ôn luyện thực hành. Ngoài ra, chúng em còn được lên Viện Khoa học Việt Nam để tiếp cận với những máy móc hiện đại nhất để không bị bỡ ngỡ.

Phần lý thuyết thường là tương đương với năm thứ nhất, thứ hai của SV Đại học. Tuy nhiên nó rất căn bản, chúng em có thể tính toán ra được.

Bài thi thực hành năm nay có một rắc rối là cái tủ sấy bị hỏng nên trong suốt 2 tiếng vẫn không lấy sản phẩm ra được (đề yêu cầu là 20 phút), và tất cả các đoàn cũng đều không lấy được sản phẩm.

Tỷ lệ thực hành lý thuyết : 40% là thực hành, 60% là lý thuyết. Khi đi thi phần thực hành được chuẩn bị khá kỹ, đề thi hướng dẫn tỉ mỉ nên các bạn trong đoàn đều khá thành công.

Nguyễn Thị Kim Ngân: Theo em, đề thi Olympic Sinh học quốc tế năm nay tương đối khó. So với đề thi học sinh giỏi quốc gia, đề ra rộng và khó hơn nhiều. Tuy nhiên, so với đề thi Olympic Sinh học năm 2004, đề năm nay lại có phần dễ hơn.

Tại phần thi thực hành (thi trước), sau thời gian 6 tiếng, em đã đạt được 100/160 điểm.

Phần thi lý thuyết có khoảng 160 câu thi trắc nghiệm, em đã làm hết bài trong 4 giờ 30 phút (sớm hơn giờ quy định 30 phút).

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 5
Nguyễn Hoàng Minh
Nguyễn Hoàng Minh: Năm nay là năm đầu tiên em được dự kỳ thi Hóa quốc tế, bước vào kỳ thi này bản thân em một phần rất vui vì được vào đội tuyển, một phần cũng khá lo lắng vì không biết mình đã đủ kiến thức chưa. Vào kỳ thi em cũng cố hết sức tận dụng tất cả kiến thức đã học.

Sang Đài Loan em thấy rất thú vị, vì các bạn rất thân thiện. Em có rất nhiều kỷ niệm với bạn bè quốc tế. Như hôm vừa rồi, trong khi thi có trận bão từ, em cứ nghĩ mưa gió nó cũng như ở VN, em với anh Luân cầm ô ra chỗ ăn, không ngờ gió mạnh đến nỗi cái ô bị lật lên, cong veo.

Về thức ăn ở đây thực sự phù hợp với người châu Á. Đoàn VN ăn cùng đoàn Ấn Độ. Đoàn mình ăn ngon lành còn các bạn thì thật sự khó khăn khi gắp đồ ăn bằng đũa.

Khi tham dự kỳ thi em thấy ban tổ chức tạo cho thí sinh một không khí rất vui và thoải mái. Khi vào phòng thi em thấy rất tự tin. Phần thực hành hướng dẫn rất tỉ mỉ, lý thuyết cũng khá gần gũi.

Về ngôn ngữ, trước khi đi các thầy đã dặn cứ mạnh dạn, chính vì vậy dù không giỏi nhưng khi trò chuyện chúng em cũng hiểu được 90%. Có những khi nói cả bằng chân tay nữa, rồi cũng hiểu hết.

Đề thi nói về những vấn đề khá hiện đại. Có những câu hỏi tạo cho thí sinh hứng thú khi giải. Với đề thi quốc tế, kiến thức thoạt đầu tưởng rất mới lạ, nhưng nếu tỉnh táo phân tích thì lại thật sự gần gũi với những gì đã học.

Là HS lớp 11, em cũng gặp rất nhiều vấn đề về kiến thức, nhưng nhờ thầy cô, các anh chị chỉ bảo tận tình nên em có được sự tự tin khi bước vào kỳ thi này.

Nguyễn Thị Phương Dung: Khi sang Tây Ban Nha thì ấn tượng đầu tiên của em là các bạn rất tự tin, phần vì ngoại ngữ của họ tốt hơn nhiều so với đoàn VN. Thời gian ở nơi thi lệch với VN 5 tiếng. Ngoài ra, thức ăn cũng không hợp khẩu vị lắm nên em gần như không ăn nổi. Phải mất mấy ngày đầu em mới có thể dần thích nghi được với điều kiện tại đó.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 6
Nguyễn Thị Phương Dung
Đề thi Vật lý năm nay khá cơ bản và không hẳn quá lạ hay khó. Về phần thi thực hành, dụng cụ không quá phức tạp hay hiện đại nên đoàn VN "dễ thở" hơn nhiều. Đọc đề xong em cảm thấy tự tin hơn.

Năm nay cũng có khá đông bạn nữ đi thi, khoảng gần 10% (30 bạn nữ trên khoảng 400 thí sinh), nhưng chỉ có 2 bạn nữ được giải, em và một bạn nữa của đoàn Hà Lan (đoạt HCB). Mặc dù BTC không công bố xếp hạng, nhưng căn cứ theo số huy chương thì có lẽ đoàn VN đứng trong TOP 15.

Anh đã đọc nhiều bài báo viết về thành tích của Ngân, nhưng vẫn chưa biết dự định sắp tới em sẽ theo học ngành gì (Sinh học? Y học? Nông nghiệp?) Trường Đại học nào? Có theo nghiệp của bố hay không? (Trần Ngọc Hiển, 25 tuổi, Khoa Kỹ thuật Hàng không, Học viện Không quân, 225 Trường Chinh, Hà Nội)

Nguyễn Kim Ngân: Em chào anh Hiển! Cám ơn sự quan tâm của anh. Em đã nộp hồ sơ tuyển thẳng vào khoa Sinh học (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN). Em sẽ theo ngành Sinh học nhưng có lẽ chuyên ngành thì hơi "lệch pha" với chuyên ngành của bố em (cười). Còn cụ thể đó là chuyên ngành gì thì sau khi vào học chính thức, em sẽ quyết định. Có thể là ngành công nghệ sinh học mà em thích.

Em rất khâm phục tài năng của các anh chị, đặc biệt là anh Kim Hùng. Có bí quyết gì trong cách học Toán để học giỏi như anh không, thưa anh Hùng? (Nguyễn Thành Lê, 15 tuổi, Hà Nội)

Phạm Kim Hùng: Thực ra mình học không nhiều lắm. Nhiều người quan niệm học Toán là phải biết thật nhiều kiến thức. Nhưng theo mình, không cần thiết phải biết quá nhiều mà nên biết thật sâu kiến thức.

Trong học Toán, cần phải có tính sáng tạo và khả năng tự học cao. Cần đặt ra mục tiêu, sau đó tập trung vào mục tiêu đó trong 1 khoảng thời gian nhất định. Mình rất mê môn Toán (cười).

Đọc TPO, tôi rất cảm động khi biết nhiều em trong đội tuyển Toán là con nhà nghèo mà lại học giỏi đến vậy. Bạn Kim Hùng có thể kể về quá trình sống và học tập của mình được không? Bạn đánh giá gì về chất lượng đội tuyển Toán năm nay? So với các đoàn nước khác thế nào? (Lệ Hà, 25 tuổi, Đà Nẵng)

Phạm Kim Hùng: Em ở Nam Định, năm lớp 10 em mới chuyển lên Hà Nội học tập. Trong khoảng thời gian từ lớp 10 đến giữa lớp 11 em tự thuê nhà ở nên đã quen với cuộc sống sinh viên xa nhà.

Sau đó bố em mua 1 căn nhà nhỏ (khoảng 20 m2) ở gần trường. Mẹ em vẫn ở Nam Định, bố em cũng ít khi về nhà vì bận công tác. Nói chung em toàn tự học một mình.

Từ năm lớp 4 em bắt đầu đi thi các giải toán của tỉnh. Sang năm lớp 5 em đoạt giải nhì học sinh giỏi Quốc gia (em thi cả Toán và Văn). Năm lớp 11 và lớp 12 em đều được giải nhất Toán Quốc gia, cả 2 năm em cũng đều đi thi Quốc tế môn Toán. Năm ngoái em được giải Vàng quốc tế, năm nay chỉ được giải Bạc...

Em nghĩ năm nay ĐT Toán không được may mắn cho lắm, đội tyuển đã bỏ một số bài dễ. Tâm lý của đội tuyển cũng hơi căng thẳng, việc đi lại thực sự là vất vả hơn năm ngoái.

Em thấy các đoàn năm nay cũng khá mạnh, đặc biệt có một số đoàn làm tốt hơn các năm trước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Đài Loan.

Nếu đi du học, sau này các bạn có quay trở về để cống hiến cho nước nhà? Nếu các Cty "săn đầu người" nước ngoài nhận đỡ đầu cho các bạn, và sau này họ trả lương rất cao thì các bạn có làm việc cho họ không? (Nguyễn Văn Dần, 45 tuổi, TP HCM)

Nguyễn Thị Phương Dung: Sau khi đạt được thành tích này, em rất mong muốn được tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất để học tập. Em rất vui mừng nếu có cơ hội được đi du học, và chắc chắn sau khi kết thúc khoá học ở nước ngoài, em sẽ quay trở về cống hiến sức lực cho đất nước. Nhưng em nghĩ là nước mình cũng nên tạo những điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các du học sinh như chúng em.

Là con nhà nòi, Ngân có lợi thế và sức ép gì khi đến với môn Sinh? (Nguyễn Ngọc, 24 tuổi, Tập thể Bộ Tài chính, Bích Câu, Hà Nội)

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 7
Nguyễn Thị Kim Ngân
Nguyễn Thị Kim Ngân: Ngay từ hồi còn nhỏ, em đã được bố dạy cho biết tên rất nhiều loài cây, tên các con vật... Và em đã rất hứng thú với những gì thuộc về thiên nhiên. Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến em thích và chọn môn Sinh học.

Khi đi học, trước những vấn đề khó liên quan đến môn Sinh học mà em không hiểu rõ, em thường hỏi bố, nhờ sự "cố vấn" của bố. Và, việc học đó rất hiệu quả. Khi chẳng may bị điểm kém môn Sinh học, bố em không những không trách mắng, mà còn động viên em: Học lấy kiến thức chứ điểm thì không quan trọng. Những lúc như thế, em thường nghĩ đến câu nói của bố để thấy dễ chịu hơn.

Nghe nói các bạn đã có một hành trình sang Mexico rất vất vả. Liệu điều đó có là một trong những nguyên nhân khiến đoàn VN năm nay đạt thứ hạng không cao không? (Phan Việt Hà, 20 tuổi, Nam Định)

Phạm Kim Hùng: Năm ngoái bọn mình chỉ bay sang Thái Lan rồi bay thẳng sang Athen. Năm nay bọn mình phải tạm nghỉ 3 lần trên hành trình. Nghỉ gần 12 tiếng ở Thái Lan, sau đó bay sang Amsterdam rồi nghỉ ở đó cũng khoảng 12 tiếng nữa.

Chuyến bay từ Amsterdam sang Mexico City bị lỡ mất 4 tiếng nên bọn mình bị lỡ chuyến bay từ Mexico đến địa điểm thi Merida theo như lịch trình. Do đó bọn mình phải nghỉ lại ở Mexico 1 đêm, đến chậm hơn so với lịch mất gần 1 buổi. Vì vậy mà đội tuyển khá mệt mỏi, tâm lý có phần không tốt lắm. Ngoài ra, cũng còn nhiều yếu tố khác làm thứ hạng ĐT không cao lắm.

Dung ơi, trong số những nhà Vật lý mà em được biết, em thích ai nhất? Tại sao? (Nguyên, 22 tuổi, Lò Đúc, Hà Nội)

Nguyễn Thị Phương Dung: Em thích nhất nhà bác học Acsimet, vì em đã được nghe câu chuyện Eureka của ông. Em nghĩ hẳn ông phải thực sự đam mê và yêu thích môn Vật lý thì mới có thể có một cách ăn mừng độc đáo như vậy được.

Em hy vọng là mình cũng có thể phát minh ra một định luật vật lý mới, nhưng chắc chắn là sẽ không ăn mừng bằng cách ấy.

Không thầy đố mày làm nên", các bạn có thể cho biết vai trò của những người thầy trong thành tích của mình. Bao nhiêu phần trăm là các bạn tự học, bao nhiêu là sự ôn luyện của thầy? Đi thi quốc tế, các bạn có trúng tủ không? (Ngô Nhật Quang, 28 tuổi, TP HCM)

Nguyễn Mai Luân: Em nghĩ vai trò của các thầy là rất quan trọng. Theo em thì người thầy không phải là người trang bị tất cả kiến thức cho mình. HS không phải chỉ học theo tất cả những gì thầy nói. Thầy là người định hướng cho chúng em cần phải tìm hiểu về vấn đề gì. Thời gian của chúng em không có nhiều, những buổi lên lớp ngoài dạy kiến thức, thầy gợi mở cho chúng em những vấn đề cần tìm hiểu để chúng em có thể hoàn thiện vốn hiểu biết của mình.

Tự học cũng rất quan trọng. Với em, vai trò của người thầy chiếm khoảng 30%, còn 70% là vai trò của học sinh. Do đó, ngoài vai trò của người thầy còn phụ thuộc vào từng HS có biết cách vận dụng phát triển những kiến thức đó vào các trường hợp cụ thể hay không.

Theo em, một HS giỏi ngoài việc tiếp thu kiến thức của thầy phải biết mở rộng vấn đề và khái quát thành những kinh nghiệm riêng của mình.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 8
Nguyễn Hoàng Minh
Nguyễn Hoàng Minh: Theo em nghĩ câu "Không thầy đố mày làm nên" luôn luôn đúng. Vai trò của thầy rất lớn. Có người nghĩ rằng với khả năng của mình chỉ cần tự học cũng có thể đoạt thành tích cao. Tuy nhiên, theo em, nếu không có thầy cô hướng dẫn thì khó có thể thành công được.

Các thầy sẽ trang bị cho kiến thức cơ bản, tuy nhiên khi áp dụng kiến thức đó như thế nào cần nhiều tính sáng tạo, kinh nghiệm riêng để giải những bài khó.

Em nghĩ vai trò của thầy là vô cùng quan trọng, tuy nhiên mình cũng cần phải chủ động, chịu khó học hỏi và trau dồi kiến thức.

Bí quyết nào dẫn đến thành công của các cháu? Phương pháp học của các cháu như thế nào? (Hường, 34 tuổi, Thanh Hoá)

Nguyễn Thị Phương Dung: Cháu nghĩ mỗi người có một phương pháp học tập riêng. Có những phương pháp hiệu quả và phù hợp với người này, nhưng lại không thể ứng dụng cho người khác được.

Riêng đối với cháu, cháu không bao giờ căng thẳng hay đặt quá nặng nề việc học cả. Lúc nào mệt thì không nên cố ép mình học, có thể cháu sẽ đi chơi với bạn bè. Và điều quan trọng nhất, theo cháu là phải giữ sức khoẻ và tinh thần thật thoải mái.

Chào chị Dung, chị có thể chỉ cho em bí quyết gì chị có thể nhớ và áp dụng được những công thức Vật lý không? (Thuỷ, 15 tuổi, Hà Nội)

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 9
Nguyễn Thị Phương Dung
Nguyễn Thị Phương Dung: Muốn nhớ được chính xác những công thức Vật lý, trước hết mình phải hiểu những công thức đó. Thực ra, chị cũng không thể nhớ hết các công thức, nếu không muốn nói là rất hay... quên. Nhưng những khi quên như vậy, điều quan trọng là mình có thể xây dựng lại những công thức đó, dựa trên cách hiểu của mình. Chúc bạn thành công và luôn học giỏi môn Vật lý!

Đọc trên TPO thì có thể thấy bí quyết thành công lớn nhất của Ngân là sử dụng internet và tiếng Anh. Đọc sách Sinh học chuyên ngành bằng tiếng Việt đã khó, vậy với nguyên bản tiếng Anh thì "chông gai" đến đâu? Ngân có phải là một chuyên gia lùng sục internet hay không? (Dao Ca, 21 tuổi, Hàng Thùng, Hà Nội) 

Nguyễn Thị Kim Ngân: Hoàn toàn ngược lại với những gì bạn nghĩ, sách sinh học được viết bằng tiếng Anh không hề "chông gai". Mình thường đọc cuốn Biology của Campbell - Reece (Mỹ). Đây là cuốn sách giáo khoa được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới.

Đọc tài liệu này mình thấy các vấn đề được trình bày rất dễ hiểu và rõ ràng. Bạn chỉ cần một quyển từ điển tiếng Anh thông thường để tra một vài từ mới.

Còn những thuật ngữ chuyên ngành, các tác giả đều cố gắng giải thích cho người đọc bằng những từ ngữ thông dụng. Các tác giả cũng rất thành công trong việc dẫn dắt các vấn đề từ dễ đến khó, giúp người đọc không cảm thấy bỡ ngỡ. Mình rất hứng thú  khi đọc sách này.

Thực sự mình cũng không có nhiều thời gian "lùng sục" trên Internet. Chủ yếu mình đọc sách. Bản thân mình thấy đọc sách có lẽ là cách học hiệu quả nhất.

Gửi Dung. Em nghĩ sao khi các bạn nam thường rất... sợ con gái giỏi Lý? Nhất là khi lại là Huy chương vàng duy nhất Vật lý quốc tế 2005 nữa? (Dao Ca, 21 tuổi, Hàng Thùng, Hà Nội)

Nguyễn Thị Phương Dung: Em nghĩ là được các bạn nam... sợ như vậy cũng rất... sướng (cười). Câu hỏi này khó trả lời quá! 

Xin hỏi anh Mai Luân: Bí quyết nào anh học giỏi Hoá đến như vậy? Năm nay em lên lớp 12, em sẽ thi khối A mà sợ môn Hoá quá, anh cho em vài lời khuyên được không? (Lê Hùng, 19 tuổi, 182 Lương Thế Vinh, HN)

Mai Luân: Khi học một môn nào đó phải có sự đam mê, bản thân khi mình học, chỉ khi nào cảm thấy hứng thú, nghĩ rằng việc học là có hiệu quả thì mình mới học, còn nếu không thì có thể xoay vòng các môn học, hoặc xoay vần giữa các phần trong một môn, hoặc giải trí bằng một trò chơi trí tuệ nào đó.

Về môn Hóa, nhiều người nghĩ rằng nó nặng về học thuộc các công thức, có những người rất vất vả khi nhớ các công thức hợp chất, công thức tính toán. Theo mình thì môn Hóa không đơn thuần là như vậy, tất cả đều phải có gốc rễ căn bản, nếu mình nắm chắc cái đó thì các vấn đề khác sẽ được làm sáng tỏ một cách dễ dàng hơn.

Ví dụ như khi nghiên cứu về các hợp chất hữu cơ, về các nhóm chức nếu mình nắm được các định luật, hiệu ứng, phản ứng quan trọng thì khi nhìn vào cái nhóm chức đó, ngay từ ban đầu mình đã có những cảm nhận ban đầu về nó, mình đã có thể biết nó có những tính chất gì....

Bạn nói rằng bạn sợ môn Hóa, mình nghĩ rằng không việc gì phải sợ, hãy nghĩ rằng nó là một môn học rất đơn giản, thậm chí nó chỉ như một trò chơi trí tuệ, bạn đang đi tìm những cái quy luật để đi đến chiến thắng.

Về thời gian học, riêng mình học từ 19 - 22 giờ là thấy hiệu quả nhất, bạn thử học vào giờ đó xem sao? Chúc bạn thành công!

Anh Hùng ơi cho em hỏi, anh có học giỏi văn không, em thấy những người học giỏi toán thì không thể học giỏi văn được, điều đó có đúng không? (Minh, 16 tuổi, Hà Nội)

Phạm Kim Hùng: Khó trả lời quá! Anh học Văn chỉ đủ để viết thư "hay hay" cho mọi người đọc thôi, hoặc làm một số bài thơ "vui vui".

Anh cũng rất thích đọc tiểu thuyết hoặc những quyển tự chuyện của các danh nhân nổi tiếng, ví dụ như cuốn Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm, Không có sự thất bại mà chỉ có sự thử thách hay một vài truyện kiếm hiệp của Kim Dung...

Anh nghĩ học Văn rất là tốt, làm cho mình cảm thấy thoải mái và yêu đời hơn. Anh nghĩ học giỏi Toán vẫn có thể học giỏi Văn. Trong lớp anh có nhiều bạn học chuyên Toán nhưng vẫn thi khối D vào ĐH.

Anh Hùng ơi, anh có bao giờ kiểm tra chỉ số thông mình của mình không? Nếu có thì anh có thể cho em biết bao nhiêu không ạ??? (Dung, 14 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

Phạm

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 10
Phạm Kim Hùng
Kim Hùng: Anh chưa bao giờ thử. Tuy nhiên anh rất thích và hay làm những câu hỏi test IQ.

Nhiều người nói các bạn học giỏi quá nên chẳng biết gì ngoài đời, lại còn hơi kiêu nữa, điều này có đúng không? (Huy Minh, 21 tuổi, Hà Nội)

Nguyễn Thị Phương Dung: Mình không hiểu tại sao học giỏi lại đồng nghĩa với không biết gì ngoài đời. Theo như mình biết thì môn Vật lý là một môn khoa học có tính ứng dụng thực tế rất cao. Còn kiêu thì cũng... có sao ? Là con gái thì cũng phải kiêu một chút chứ! Đấy đã gọi là... chân lý rồi thì phải. (cười).

Anh Hùng ơi, anh có tiếp tục học ngành Toán ở ĐH không? (Thanh Mai, 17 tuổi, Kon Tum)

Phạm Kim Hùng : Anh thích môn Toán, nhưng sau này anh muốn theo ngành Công nghệ thông tin. Anh mới biết Tin học từ năm lớp 10 nhưng anh rất thích, nhất là môn Lập trình.

Chào Hùng, là người đã từng tham gia nhiều kỳ thi Olympic quốc tế, kỷ kiệm nào làm em nhớ nhất trong những chuyến đi đó? (Nhung, 22 tuổi, Yên Phụ, Hà Nội)

Phạm Kim Hùng: Đi ra nước ngoài em biết thêm được rất nhiều thứ. Năm nay đi thi, kỷ niệm đáng nhớ nhất của bọn em là hôm cả đoàn chia tay anh hướng dẫn viên. Đó là anh Roger, người Mexico. Hôm đó anh Roger đã khóc. Anh rất tận tình giúp đỡ và hướng dẫn bọn em. Ngoài ra, bọn em được đi du lịch rất nhiều nơi, chẳng hạn như Kim Tự tháp của người Maya, đến đó em mới biết nó to đến thế.

Em nhớ một hôm, bọn em sang phòng của đoàn Nga, 1 bạn trong đoàn Nga đã chơi ghi-ta và hát rất lâu cho mọi người nghe. Bạn đó có 1 cây ghi-ta rất tuyệt vời.

Nếu bây giờ có một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài mời sang học, họ sẽ chu cấp toàn bộ, kèm điều kiện học xong phải ở lại. Các em suy nghĩ thế nào? (Le Van Pho, 44 tuổi, 342 Phai Ve, Dong Kinh, Lạng Sơn)

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 11
Nguyễn Thị Phương Dung
Nguyễn Thị Phương Dung: Em rất muốn được đi du học và cũng không thể phủ nhận đây là lời mời rất hấp dẫn. Nhưng nếu kèm theo điều kiện phải ở lại thì em cần phải suy nghĩ rất kỹ.

Em rất muốn là sau khi học xong sẽ được về nước làm việc. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp trước đây, Nhà nước mình chưa thật sự tạo điều kiện ưu đãi phù hợp cho các tài năng nên một số anh chị phải ở lại nước ngoài để làm việc.

Chào Minh, Anh Tường ở Hàn Quốc đây. Hôm ở Hàn Quốc nghe bố Sơn kể về Minh, giỏi thật đấy! Chúc mừng Minh đạt HCV nhé. Ở Đài Loan có kỷ niệm gì vui kể xem nào? Về nhà mẹ Hương đã thưởng gì chưa? Minh định phấn đấu sang năm kiếm cái HCV nữa không? (Tường, 29 tuổi, Seoul, Hàn Quốc)

Em chào anh, em đang giao lưu trực tuyến trên báo Tiền phong Online, rất bất ngờ khi gặp anh trên mạng. Ở Đài Loan, em có rất nhiều kỷ niệm vui về bạn bè quốc tế. Hôm em đi công viên, ở đây có nhiều trò mạo hiểm rất thú vị, các bạn trong đội tuyển tham gia gần hết các trò, có trò chơi trong nhà bóng rất khóai.

Ở đó mọi người có thể thoải mái ném bóng vào nhau, tất nhiên là không bị xây xát gì, có đủ lứa tuổi già, trẻ, trai, gái, mọi người đều rất vui. Ai chơi xong cũng mệt lừ nhưng sảng khoái.

Còn khi về nhà, không biết mẹ Hương thưởng gì, điều này vẫn là bí mật, em vẫn chưa rõ. Dự định sang năm em vẫn cố gắng tiếp tục trau dồi kiến thức, và hy vọng lại đoạt thành tích cao trong năm tới.

Chào Minh. Theo mình biết thì bạn mới chỉ học lớp 11. Vậy dự định của bạn sau giải này như thế nào? Bài học và những kinh nghiệm nào mà bạn rút ra được từ kỳ thi lần này? (Lê Hoàng, 34 tuổi, Hà Tây)

Nguyễn Hoàng Minh: Sau kỳ thi này em vẫn chưa có dự định lớn nào vì sang năm em mới lên lớp 12, em sẽ cố gắng trau dồi kiến thức thật chắc để đạt kết quả cao trong học tập.

Bên cạnh đó em cũng muốn tham gia vào nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng đá, cầu lông, bóng bàn... để tăng cường sức khỏe.

Gửi bạn Hùng. Bạn có nghĩ kết quả vừa rồi của mình là quá thiếu may mắn hay không? Bạn có phải là người hay nói "Giá như" trong cuộc sống? Rất nhiều bạn trẻ hiện nay thường hay đổ lỗi cho "Học tài thi phận" khi kết quả không được như ý. Bạn nghĩ sao về điều này. Câu hỏi này cũng xin được gửi tới tất cả các bạn khác. (Nguyễn Ngọc, 24 tuổi, tập thể Bộ Tài chính, Bích Câu, Hà Nội)

Phạm Kim Hùng: Em cảm thấy mình cũng như cả đoàn không được may mắn lắm. Tuy nhiên, em không phải là người hay nói "Giá như". Kỳ thi này cũng đã qua, em đã đặt ra cho mình nhiều mục tiêu khác trong tương lai.

Em nghĩ chuyện học tài thi phận cũng đúng ở một khía cạnh nào đấy. Không phải chỉ riêng thi quốc tế mà ngay cả ở những kỳ thi khác, có thể khả năng tốt nhưng do nhiều yếu tố ảnh hưởng mà kết quả không cao, như ở các kỳ thi ĐH chẳng hạn.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 12
Nguyễn Thị Kim Ngân (Phải)
Nguyễn Thị Kim Ngân: Em cũng thường hay nói "giá như" trong cuộc sống (cười), nhất là khi kết quả công việc không được như mong muốn (vì giá như nếu được làm lại, em tin là mình sẽ làm tốt hơn)...

"Học tài thi phận"! Theo em, trong một chừng mực nào đó câu nói đó không sai. Ngay trong đội tuyển Olympic Sinh học của em, em đạt thành tích cao nhất đoàn có lẽ một phần là do em may mắn hơn các bạn khác, chứ sức học của chúng em thì đều ngang nhau.

Nguyễn Thị Phương Dung: Em cũng thường nói "giá như" trong cuộc sống lắm (cười). Vì con người thì ai cũng... tham cả và luôn chờ đợi kết quả tốt đẹp nhất.

Còn về chuyện "Học tài thi phận" thì em nghĩ kỳ thi nào cũng cần phải có một chút may mắn. và em tin là may mắn chỉ đến với những người cố gắng hết mình. Trong đội tuyển thì em nghĩ mình là người may mắn nhất! 

Hùng ơi, những rắc rối trước khi thành lập đội tuyển Toán có làm ảnh hưởng gì đến tâm lý của các bạn khi thi đấu không? (Việt, 22 tuổi, Hà Nội).

Phạm Kim Hùng: Đúng là năm nay có nhiều vấn đề về ĐT khiến em không được thoải mái lắm về mặt tâm lý.

Anh Luân ơi, người ta thường nói con trai học tự nhiên nhiều thường "đầu to mắt cận". Không biết anh thấy câu nói đấy có đúng không? Anh đã có bạn gái chưa anh? (Dung Nhi, 17 tuổi, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP HCM)

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 13
Nguyễn Mai Luân
Nguyễn Mai Luân: Theo anh, câu nói này không đúng lắm, em thử nhìn anh Kim Hùng mà xem, anh ấy đâu có cận, đầu anh ấy cũng to bình thường, có to lắm đâu (?!), mà lại thông minh nữa.

Anh có nhiều bạn gái lắm rồi, nhưng chưa có bạn nào trong nháy nháy (""). Vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm... Đang hi vọng đời sống SV sẽ tìm thấy một cô bé xinh xắn nào đó.

Anh Hùng ơi, anh có người yêu chưa? Nếu chưa thì mẫu người yêu tương lai của anh thế nào? Có cần phải học giỏi toán không? :) (Hương, 15 tuổi, Hà Nội)

Kim Hùng: Anh chưa có người yêu em à! Anh thích 1 bạn gái hiền lành, nữ tính và vui vẻ, nếu mà xinh thì càng tốt :). Anh thích 1 bạn gái thông minh trong cuộc sống hơn, còn học giỏi Toán hay không thì không quan trọng.

Thực tế cuộc thi lần này khả năng và trình độ thực tiễn của các đoàn VN có gì khác so với những đợt thi năm trước hay không? Câu hỏi thêm cho đội tuyển Hoá: yếu tố nào giúp đoàn thắng lớn trong kỳ thi năm nay? Phải chăng nhược điểm cố hữu là kém thực hành của đoàn VN đã được khắc phục? (Dao Ca, 21 tuổi, Hàng Thùng, Hà Nội)

Nguyễn Mai Luân: Về trình độ và kỹ năng thực hành của đoàn giữa năm nay với năm trước thì rất khó, vì mỗi năm tại mỗi nước, yêu cầu lại mỗi khác, ví dụ có năm làm đa lượng, có năm làm vi lượng, theo mình thì càng những năm gần đây, kỹ năng thực hành của HS Việt Nam đều được hòan thiện, vì HS có thêm nhiều kinh nghiệm. Càng ngày càng được tiếp xúc với các dụng cụ thí nghiệm hiện đại hơn.

Yếu tố giúp đòan thắng lớn tại Olympic lần này là sự bình tĩnh, tự tin và có tâm lý thoải mái và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khi ở nhà.

Theo em, đòan VIệt Nam không kém thực hành, mà là vì chúng ta chưa được tiếp xúc với các dụng cụ hiện đại trên thế giới. Nếu chúng ta có điều kiện đó thì chúng ta không thua kém bạn bè thế giới.

Anh Hùng ơi cho em hỏi, đề thi Toán quốc tế có mấy phần, theo anh phần nào khó nhất? (Ngọc, 16 tuổi, Hà Nội)

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 14
Phạm Kim Hùng
Phạm Kim Hùng: Đề thi Toán QT chia làm 3 phần: bài 1 và bài 4 phân vào loại dễ, bài 2 và 5 là trung bình, 3 và 6 là dạng khó. Đề thi có 4 lĩnh vực: Số học, Đại số, Hình học và Tổ hợp.

Như mọi năm, phần Tổ hợp vẫn là phần khó nhất. Đặc biệt phần Hình học là thế mạnh của Đội tuyển Việt nam.

Người ta thường nói những người học giỏi, nhất là những người đi thi Olympic thì điểm môn Sinh lại rất thấp? Trong chuyến thi đấu lần này các bạn có cảm thấy thế không? (Việt, 22 tuổi, Hà Nội)

Nguyễn Thị Kim Ngân: Em nhớ không nhầm điểm tổng kết môn Sinh học cấp THCS của em luôn trên 9,0. Điểm tổng kết môn sinh của cấp THPT có thấp hơn một chút nhưng vẫn ở khoảng như vậy. Có lẽ như vậy là hơi "thấp"! (Cười)

Còn thành tích của các bạn khác trong đội tuyển thì em không rõ lắm.

Các anh chị ơi, kể cho em nghe việc đi thi quốc tế với, có khó và nghiêm không? Nếu không biết tiếng Anh thì làm thế nào đọc được đề thi? Thi quốc tế có thi lý thuyết không ạ?(Trần Minh Tuệ, 15 tuổi, Hải Phòng)

Phạm Kim Hùng: Thi Quốc tế khá thoải mái, thực sự là thoải mái hơn ở VN rất nhiều. Bọn em được mang sẵn thức ăn, đồ dùng học tập. Đề thi bằng tiếng Việt nên không phải lo lắng chuyện có biết tiếng Anh hay không. Như môn Toán thì thi Quốc tế không có lý thuyết.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 15
Nguyễn Thị Kim Ngân
Nguyễn Thị Kim Ngân: Đề thi Olympic quốc tế dĩ nhiên là khó (gồm 2 phần lý thuyết và thực hành). Trong thời gian các thí sinh làm bài, có rất nhiều giám thị "đi tuần" cả trong lẫn ngoài phòng thi để đảm bảo sự nghiêm túc của kỳ thi. Thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi những gì được Ban tổ chức phát cho như máy tính, bút chì đánh dấu...

Đề thi được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Đoàn Việt Nam lấy đề bằng tiếng Anh và các thầy giáo trong đoàn dịch ra tiếng Việt (phía dưới nguyên bản bằng tiếng Anh). 

Nguyễn Thị Phương Dung: Đề thi lý thuyết môn vật lý không hẳn là quá khó như nhiều bạn tưởng tượng, trái lại, còn khá cơ bản. Nhưng nó thực sự rất dài (phải làm trọn vẹn cả 5 tiếng của thời gian thi).

Nếu mình không đọc kỹ vì vội vàng thì rất dễ bỏ sót dữ kiện của đề bài. Bài thi gồm 2 phần: lý thuyết và thực hành). Mỗi bài đều làm trong 5 tiếng và đề được dịch sang tiếng Việt sẵn.

Mình nghĩ trong những kỳ thi như thế này, dù BTC có coi thi không thật nghiêm thì vì danh dự đất nước, tất cả các thí sinh vẫn làm bài rất nghiêm túc. Thời gian thi dài như vậy nên BTC có phục vụ cả đồ ăn nhanh và thức uống. Nếu không làm được bài, bạn có thể... ngồi ăn (cười).  

Mai Luân: Nhìn chung thi Quốc tế khá thoải mái, chỉ cần bạn không quấy rối và tập trung làm bài thì sẽ không ai đụng chạm đến bạn. Mỗi học sinh đều có thức ăn, nước uống mà ban tổ chức chuẩn bị sẵn nên tuy thời gian kéo dài 5 tiếng nhưng tất cả đều không thấy  căng thẳng hay mệt mỏi.

Đề thi năm nay không quá khó, chỉ cần tỉnh táo suy nghĩ kỹ là có thể hòan thành. Đề thi đã được các thầy dịch sang tiếng Việt, tất nhiên các thầy sẽ bị cách ly với học sinh.

Ngoài ra có thể tham khảo bản gốc bằng tiếng Anh. Bọn mình làm bài chủ yếu dùng ký hiệu quốc tế nên khi chấm bài, cũng không gặp vấn đề gì về ngôn ngữ.

Hoàng Minh: Theo mình nghĩ, trong phòng thi người ta đã lắp sẵn camera nên thường thì giám thị không chú ý lắm đến việc có ai làm gì phạm quy không. Thường thì giám thị chỉ có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi thắc mắc của thí sinh, (bằng tiếng anh), trong kỳ thi, không khí có thể rất tĩnh lặng nhưng hầu hết các thí sinh đều rất thoải mái. Có thể mặc quần ngố vào thi. Thí sinh có thể tự do ăn uống, miễn là không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Trong đợt thi này mình không thấy bạn nào bị nhắc nhở hay kỷ luật cả.

Bạn Kim Hùng ơi, bạn thấy đội tuyển năm nay thế nào, mình thấy một số bạn giành thành tích không được tốt, vây bạn có cho rằng kì thi vòng 2 vừa rồi là không trung thực? (Trần Trọng Đan, 18 tuổi, 35/15 Lam Sơn Hải Phòng)

Kim Hùng: Vấn đề có trung thực hay không thì mình không rõ. Dù sao mọi việc cũng đã qua, vấn đề này không nên nhắc lại quá nhiều.

Nếu bây giờ có 1 trường đại học danh tiếng ở nước ngoài mời sang học, họ sẽ chu cấp toàn bộ, kèm điều kiện học xong phải ở lại. Các em suy nghĩ thế nào? (Le Van Pho, 44 tuổi, 342 Phai Ve, Dong Kinh, Lạng Sơn)

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 16
Nguyễn Thị Phương Dung
Nguyễn Thị Phương Dung: Em rất muốn được đi du học và cũng không thể phủ nhận đây là lời mời rất hấp dẫn. Nhưng nếu kèm theo điều kiện phải ở lại thì em cần phải suy nghĩ rất kỹ.

Em rất muốn là sau khi học xong sẽ được về nước làm việc, tuy nhiên trong nhiều trường hợp trước đây, nhà nước mình chưa thật sự tạo điều kiện ưu đãi phù hợp cho các tài năng nên có một số anh chị phải ở lại nước ngoài làm việc.

Nguyễn Thị Kim Ngân: Em sẽ hỏi họ thời hạn ở lại là bao lâu. Nếu chỉ là một vài năm thì không có vấn đề gì lớn và em sẽ nhận lời mời đi du học. Nhưng, nếu phải công tác ớ nước ngoài vô thời hạn thì em sẽ từ chối, vì mục đích của em là học để phục vụ đất nước mình chứ không phải là một nước nào khác.

Mai Luân: Em rất muốn đi du học, nhưng phải xem là khi mà ở lại trong bao lâu, cái mình làm là gì, phục vụ cho ai, có cơ hội phục vụ tổ quốc hay không. Em không muốn mình trở thành một cái máy kiếm tiền cho người khác.

Hoàng Minh: Em cũng rất muốn đi du học, tuy nhiên nếu phải ở lại làm cả đời thì em sẽ không chấp nhận.

Cảm ơn Nguyễn Thị Phương Dung. Điều kiện ưu đãi phù hợp cho các tài năng. Em có thể lấy ví dụ một vài ưu đãi không? Nhà nước ta còn bận nhiều việc, nhưng với giáo dục đào tạo thì rất quan tâm. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển mà! (Le Van Pho, 44 tuổi, 342 Phai Ve, Dong Kinh, Lang Son)

Nguyễn Thị Phương Dung: Theo em nghĩ đó là một số ưu đãi cụ thể như học bổng hỗ trợ, cam kết việc làm ổn định, cơ hội tiếp tục học tập và nghiên cứu cao hơn v..v...Nói tóm lại, em nghĩ các tài năng nên được coi trọng và đánh giá đúng.

Xin chúc mừng các tài năng của đất nước. Xin hỏi các em, nếu đi du học, sau này các em có quay trở về để cống hiến cho nước nhà? Nếu các Cty "săn đầu người" nước ngoài nhận đỡ đầu cho các bạn, và sau này họ trả lương rất cao thì các bạn có làm việc cho họ không? (Nguyễn Văn Dần, 45 tuổi, TPHCM)

Nguyễn Thị Kim Ngân: Dự định chắc chắn của em là sẽ làm việc ở Việt Nam sau khi học tập ở nước ngoài. Nếu được một công ty như vậy nhận đỡ đầu, em sẽ... "lôi kéo" họ về Việt Nam để làm lợi cho đất nước.

Nguyễn Thị Phương Dung: Sau khi đạt được thành tích này, em rất mong muốn được tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất để học tập. Em rất vui mừng nếu có cơ hội được đi du học, và chắc chắn sau khi kết thúc khoá học ở nước ngoài, em sẽ quay trở về cống hiến sức lực cho đất nước. Nhưng em nghĩ là nước mình cũng nên tạo những điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các du học sinh như chúng em.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 17
Phạm Kim Hùng
Phạm Kim Hùng: Em cũng muốn đi du học để phát triển bản thân hơn nữa. Điều chắc chắn là em sẽ trở về sau khi học xong. Em nghĩ điều quan trọng nhất là phải dùng khả năng của mình để phục vụ cho lợi ích của đất nước. Em rất muồn làm việc ở Việt Nam và sinh sống cùng gia đình.

Hoàng Minh: Theo em thì việc đi du học cũng là một cơ hội tốt để mình tiếp thu những kiến thức cập nhật trên thế giới. Nếu là em, sau khi đi du học, em sẽ vẫn quay về để xây dựng đất nước. Nếu một công ty nào đó thỏa thuận sẽ cho em chi phí để đi học ở nước ngoài sau đó phải ở lại làm việc cho họ suốt đời thì em sẽ không đồng ý.

Mai Luân: Em nghĩ du học là một cơ hội để một học sinh tiếp cận với công nghệ tiên tiến, được mở rộng sự hiểu biết. Nếu có cơ hội chắc chắn em sẽ đi du  học, còn việc có trở về nước hay không, theo em không nhất thiết cứ trở về nước mới có thể cống hiến cho đất nước mà ta có thể làm việc ở nước ngòai rồi đầu tư vốn hoặc chuyển giao công nghệ về nước.

Hoặc có rất nhiều cách khác đề xây dựng đất nước, cái chính là mình phải phát huy được hết nhưng gì mình học được. Nếu ở VN có đủ điều kiện thì em chắc chắn sẽ quay về.

Cac ban co loi khuyen gi voi nhung ban luon thay so hoc mon Toan, Ly Hoa? (Tra, 24 tuổi, 75 Au Co)

Kim Hùng: Em nghĩ môn Toán không đáng sợ như thế. Môn nào cũng vậy thôi, nên học với tinh thần thoải mái và coi đó là 1 phương tiện để giúp mình phát triển bản thân sau này. Như thế thì mình sẽ không phải lo sợ nhiều vì đó là mục tiêu của mình chứ không phải học vì ép buộc.

Nguyễn Thị Phương Dung: Nếu mình thật sự yêu thích môn học này thì nó không đáng sợ đến vậy. Nói chung môn vật lý áp dụng thực tế rất nhiều nên sau khi học xong, bạn cứ ra "nghịch" một chút. Nhiều loại đồ chơi cũng được chế tạo theo các kiến thức vật lý chẳng hạn.  Bạn sẽ thấy các kiến thức không quá khô cứng và chán như mình nghĩ.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 18
Hoàng Minh
Hoàng Minh: Mình nghĩ các môn học tự nhiên không đơn thuần chỉ là sự giải toán và làm bài tập mà nó sẽ giúp cho mình có khả năng tư duy, khả năng sắp xếp công việc hợp lý và rất có ích trong cuộc sống. 

Mai Luân: Đối với mình thì các môn tự nhiên thực sự là những môn học cực kỳ hứng thú, nó cho mình những kiến thức thú vị. Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy rất nhiều hiện tượng trong cuộc sống liên quan đến kiến thức đã học.

Ví dụ khi bạn ăn rau muống, vắt quả chanh vào nước rau, bạn sẽ thấy nó chuyển màu, đó là một ví dụ về chất chỉ thị màu. Hãy chú ý đến nó, bạn sẽ tìm được hứng thú cho bản thân mình và không còn sợ môn đó nữa.

Co bao gio cac ban cam thay lo khi minh hoc qua nhieu kien thuc cao sieu ma trong thuc te cuoc song lai khong can dung den nhung kien thuc do khong? (Tra, 24 tuổi, 75 Au Co)

Nguyễn Hoàng Minh: Theo mình, những kiến thức mình đang học mới chỉ là hành trang bước đầu trong cuộc sống. Đó không chỉ là những kiến thức đơn thuần trong sách vở mà nó còn giúp cho mình có khả năng tư duy logic, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề

Theo kinh nghiệm của mình, mình cũng có tiếp xúc với các sách của nước ngòai, ở đây mọi kiến thức đều gắn liền với thực tế và có thể giúp cho bạn mở rộng tính sáng tạo của mình và hứng thú học tập. Tại sao bạn không thử đọc nhỉ.

Phạm Kim Hùng: Học không phải để lấy kiến thức cao siêu, mà để tập khả năng sáng tạo cho người học. Có thể thực tế không cần dùng hầu hết những kiến thức mình đã học nhưng đó không phải là vấn đề. Em học không nhiều nên không lo lắng vấn đề này (cười) vì em cũng chẳng học kiến thức gì quá cao siêu cả.

Các bạn suy nghĩ sao, khi hầu hết các Hoa hậu VN ngay khi đăng quang đều nhận được lời mời và học bổng toàn phần đi du học (gần đây nhất là Mai Phương đi du học tại Anh). Còn các các bạn thế nào? Đã có lời mời nào chưa? Nếu chưa có thì quả là bất công! (Trần Vĩnh Phú, 35 tuổi, Hà Nội). Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Nguyễn Thị Kim Ngân: Em nghĩ là những người của công chúng thì thường được quan tâm hơn chúng em. Có lẽ cũng hơi "bất công" thật, nhưng em thấy không nên suy nghĩ quá nhiều về vấn đề này vì stress như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe.

Riêng em, em muốn Nhà nước mình quan tâm và tạo thêm nhiều cơ hội cho chúng em.

Phạm Kim Hùng: Em chưa nhận được lời mời nào và em cũng không quan tâm lắm. Theo như em biết thì bọn em sẽ học lên ĐH, đến đầu năm thứ 2 thì sẽ có kỳ thi để chọn đi du học. Em cũng thấy bình thường, cơ hội đi du học còn nhiều phía trước. Việc đi du học hiện tại em nghĩ không khó, quan trọng là chọn được trường tốt cho mình.

Nguyễn Thị Phương Dung: Hiện tại thì em chưa nhận được lời mời nào. Nhưng em nghĩ là sau khi học đại học, cơ hội du học đến với em sẽ nhiều hơn và bản thân em cũng sẽ cố gắng. Còn trường hợp chị Mai Phương, em không nghĩ chị ấy được đi du học vì là một hoa hậu. Theo em được biết, chị ấy cũng là một học sinh giỏi Lý.

Câu hỏi cho Kim Hùng. Rõ ràng các bạn thực sự là những tài năng trẻ của đất nước. Các bạn có suy nghĩ gì về việc sử dụng và trọng dụng nhân tài hiện nay. Các bạn có đề đạt gì với Chính phủ về việc đào đạo người tài, đặc biệt trong các giải HS giỏi quốc tế hiện nay?

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 19
Phạm Kim Hùng
Phạm Kim Hùng: Bọn em đã được tạo nhiều điều kiện về mọi mặt trong khi thi. Em muốn nhà nước tạo điều kiện hơn nữa cho chúng em trong tương lai.

Em muốn theo học ngành CNTT, và mong muốn đi du học sang Mỹ hoặc sang Anh để phát triển khả năng của mình. Sau đó em sẽ về nước để giúp cho ngành CNTT nước nhà. Em cũng hi vọng được học bổng toàn phần. Em cũng đã tìm hiểu và muốn được sang Mashachusset để học. Đó là ước mơ của em.

Nguyễn Thị Kim Ngân: Theo em, Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa có học bổng cho những học sinh đạt huy chương nên đôi khi chúng em thấy hơi thất vọng vì điều này.

Em mong Nhà nước sẽ có những học bổng toàn phần dành cho những học sinh xuất sắc. Em tin rằng, khi mà chúng em được Nhà nước "đầu tư" đúng mức, chắc chắn chúng em sẽ rất biết ơn và từ đó, chúng em sẽ cố gắng học tập tốt để trở về cống hiến cho đất nước, không phụ lòng Nhà nước đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng em.

Bản thân em muốn du học trường Polytechnic, Pháp nhưng điều kiện kinh tế gia đình có hạn nên em không thể tự túc hoàn toàn. Hiện nay, em đang phải tự tìm kiếm học bổng nhưng em thấy điều này rất bấp bênh. Chính vì thế, em mong nhận được sự quan tâm của Nhà nước.

Mai Luân: Em chỉ lấy một ví dụ với các bạn Thái Lan, ngay sau kỳ Olympic, các bạn sẽ được chính phủ cho đi du học với 100% học bổng, ở Việt nam không có chính sách đó.

Tất nhiên theo em việc có một HCV Olympic cũng sẽ giúp em rất nhiều trong việc tự tìm học bổng, nhưng nếu có được sự giúp đỡ của chính phủ thì chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Bố mẹ em đều là công nhân viện chức, nếu đi du học tự túc chắc chắn sẽ không thể đủ kinh phí. Chỉ có thể tự đi săn học bổng hoặc trông chờ vào các nhà tài trợ và chính sách của nhà nước. Em biết rằng những xuất học bổng của nhà nước là rất hiếm hoi.

Thường là các suất học bổng của nhà nước kèm theo điều kiện phải về nước sau khi du học. Thực ra điều này chỉ đúng một phần, em nghĩ không nhất thiết chỉ có về nước mới cống hiến được cho đất nước.

Nhiều khi ở nước ngòai mà làm việc và phát huy hết những gì ta học được, có những điều ở Việt Nam chưa có điều kiện phát triển, sau đó đầu tư hoặc chuyển giao công nghệ về nước, ngay cả việc cống hiến cho tri thức nhân loại cũng là một cách cống hiến cho đất nước rất tốt rồi.

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 20
Hoàng Minh
Hoàng Minh: Theo em việc đi du học nước ngòai rất cần thiết vì công nghệ và kỹ thuật của nước ta còn thua kém các nước bạn. Vì vậy cần những con người có khả năng và niềm đam mê ra nước ngòai tiếp thu kiến thức về xây dựng đất nước. Do đó việc tạo chính sách thuận lợi cho những trí thức này là rất cần thiết. Hơn nữa nhà nước nên tạo môi trường cho những con người này có thể phát huy hết những gì mình đã học.

Đối với đồng tiền lương của bố mẹ em thì việc du học tự túc là điều không thể. Riêng bản thân em, em sẽ cố gắng kiếm các học bổng để đỡ đần sự vất vả cho bố mẹ. Nếu có thêm chính sách của nhà nước thì việc du học sẽ rất thuận lợi cho em và những HS có hòai bão lớn.

Trước mắt, chúng em rất mong có những nhà tài trợ cho chúng em, cho những đội tuyển rất cần điều kiện thực hành như Vật lý, Sinh Học, Tin học, Hóa học để chúng em có điều kiện tiếp xúc với điều kiện học tập và máy móc thực hành hiện đại.

Em nghĩ học sinh Việt Nam không thua kém các bạn quốc tế về tư duy, mà chỉ thua kém về kinh nghiệm và các kỹ năng thực hành. nếu được thực hành trên máy móc hiện đại, em tin là chúng em sẽ có được thành tích tốt hơn.

Anh Hùng ơi, anh thấy con gái Hy Lạp thế nào? Có đẹp hơn con gái Việt Nam không?(Nga, 15 tuổi, Hà Nội)

Phạm Kim Hùng: Anh thấy con gái Hy Lạp rất xinh, chắc xinh hơn con gái Mexico. Nhưng anh vẫn thích con gái Việt Nam hơn. Con gái VN càng nhìn càng thấy xinh (cười)!

Chào bạn Kim Hùng, đề thi Toán quốc tế năm nay có câu số học nào không ? Bạn có thể viết lại đề bài và cách giải để bọn mình cùng xem được không ? (Hùng Anh, 20 tuổi, TP HCM)

Kim Hùng: Đề thi có 1 câu số học.

Đề bài: Tìm tất cả các số tự nhiên nguyên tố cùng nhau với mọi số hạng của dãy :

a_n=2^n + 3^n + 6^n-1  (n=1, 2, ...)

Lời giải:

Với mọi p nguyên tố khác 2 và 3, a_{p-2} chia hết cho p vì:

6a_{p-2}=3*2^{p-1} + 2*3^{p-1} + 6^{p-1} - 6 chia hết cho p.

a_2 chia hết cho 2, 3.

Nếu m là 1 số nguyên lớn hơn 1 thì m sẽ có 1 ước nguyên tố, suy ra sẽ có 1 số không nguyên tố cùng nhau với m.

Vậy có duy nhất 1 số thoả mãn là số 1.

Các bạn có ý tưởng gì trong việc cải tiến phương pháp dạy, học môn Toán, Lý, Hoá, giúp cho môn học này trở nên thú vị và bớt đau đầu không? Bạn có thể cho biết ý kiến của mình về phương pháp dạy học môn Toán, Lý, Hoá trong trường phổ thông hiện nay không? (Trà, 24 tuổi, 75 Âu Cơ)

Phạm Kim Hùng: Ở các nơi khác thì em không biết nhiều lắm. Nhưng ở trường em, việc dạy và học các môn tự nhiên khá thoải mái. Bọn em không bị sức ép nặng nề mà học với tinh thần tự học. Em không hề thấy 3 môn tự nhiên đau đầu.

Để môn học trở nên thú vị và bớt đau đầu hơn, theo em học sinh cần phải tạo sự thích thú đối với các môn học đó.

Nguyễn Thị Phương Dung: Em nghĩ là nên đưa thực hành vào nhiều hơn nữa. Nó vừa giúp mình hiểu bài rõ hơn, lại vừa thư giãn được sau các giờ học lý thuyết. Trong trường phổ thông hiện nay, việc dạy các môn tự nhiên quá nặng về lý thuyết, sách vở. Như lớp em là lớp chuyên Lý, một tuần phải học tới 5 tiết lý thuyết.

Hoàng Minh: Có lẽ là vì điều kiện nước ta chưa đủ vì vậy các môn toán, lý, hóa...trong nhà trường đơn thuần chỉ là những bài tập và những kiến thức sách vở, những kiến thức này sẽ bị mai một nếu không được tiếp xúc thực tế. Vì vậy theo em nghĩ trong quá trình học cần phải áp dụng kiến thức vào thực tế. Các mô hình thực tế cần thay thế cho những hình ảnh chung chung khiến học sinh khó hình dung và thấy chán nản khi tiếp xúc với kiến thức lý thuyết khô cứng.

Mai Luân: Theo em ta nên áp dụng những phương tiện, công cụ dạy học hiện đại như đèn chiếu, các cuộn băng thu lại các thí nghiệm, các hiện tượng...hoặc biến các buổi học thành các buổi tự thảo luận của HS, ở đó hs có thể bộc lộ suy nghĩ của mình, thầy giáo là người hướng dẫn và định hướng cho hs.

Tất nhiên điều này đã được nói đến rất nhiều nhưng chưa được áp dụng nhiều. Bản thân em, em thấy những buổi học như thế này  thật hiệu quả và cần áp dụng rộng rãi hơn.

Co bao gio cac ban cam thay lo khi minh hoc qua nhieu kien thuc cao siêu ma trong thuc te cuoc song lai khong can dung den nhung kien thuc do khong? (Tra, 24 tuổi, 75 Au Co)

Nguyễn Hoàng Minh, theo mình, những kiến thức mình đang học mới chỉ là hành trang bước đầu trong cuộc sống. Đó không chỉ là những kiến thức đơn thuần trong sách vở mà nó còn giúp cho mình có khả năng tư duy logic, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề và theo kinh nghiệm của mình.

Mình cũng có tiếp xúc với các sách của nước ngoài, ở đây mọi kiến thức đều gắn liền với thực tế và có thể giúp cho bạn mở rộng tính sáng tạo của mình và hứng thú học tập. Tại sao bạn không thử đọc nhỉ.

Phạm Kim Hùng: Học không phải để lấy kiến thức cao siêu, mà để tập khả năng sáng tạo cho người học. Có thể thực tế không cần dùng hầu hết những kiến thức mình đã học nhưng đó không phải là vấn đề. Em học không nhiều nên không lo lắng vấn đề này (cười!) vì em cũng chẳng học kiến thức gì quá cao siêu cả.

Nguyễn Thị Kim Ngân: Trước đây, em cũng đã có khi cảm thấy như vậy nhưng bây giờ, em nghĩ rằng kiến thức không bao giờ là thừa cả. Có thể bây giờ mình chưa dùng đến những kiến thức đó nhưng chắc chắn sẽ có lúc chúng giúp ích cho mình.

Em nghĩ rằng, đó là một cách để rèn luyện đầu óc và em rất tự hào về những kiến thức mà mình học được. Em muốn biết thêm nhiều hơn nữa...

Nguyễn thị Phương Dung: Em luôn cảm thấy mình học như thế vẫn chưa đủ, nhất là khi đất nước mình đang phát triển mạnh về các ngành khoa học như hiện nay. Hơn nữa, môn Vật lý lại có tính ứng dụng thực tiễn rất cao.

Theo em, khi mình học một vấn đề gì đó ở bậc cao hơn, mình sẽ có một tầm nhìn tổng quát hơn đối với các vấn đề ở cấp bên dưới. Vả lại, học không bao giờ là thừa.

Tôi rất khâm phục tài năng của các em! Tôi hiện có hai con đều đang học lớp 10 trường chuyên tại HN, ước mơ lớn nhất của tôi là chúng học hành thành đạt như các em. Với kinh nghiệm những người đi trước, các em có thể chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là phương pháp học được không? (Nguyễn Văn Vỹ, 50 tuổi, Hà Nội)

Hoàng Minh: Theo cháu, ngoài những kiến thức ở trên lớp, mình cần phải tự bổ sung và phát triển những kiến thức cơ bản nhằm học được nhiều hơn. Mình cần phải hiểu kỹ càng những vấn đề căn bản, phải biết khái quát nó để tránh học vẹt và học một cách tràn lan.

Mai Luân: Từ bản thân kinh nghiệm của cháu: Mỗi người đều có một phương pháp học tập riêng, rất khó để áp dụng  từ người này qua người khác, hai con của bác đều học trường chuyên nên các em chắc chắn đều có phương pháp học tập riêng, các em hãy cố hoàn thiện phương pháp đó và hãy luôn nhớ rằng tất cả phải có căn bản.

Nguyễn Thị Kim Ngân: Cháu nghĩ học hiểu là quan trọng nhất. Theo cháu, các em đang học lớp 10 thì nên tập trung hơn vào một môn thế mạnh (có thể là môn chuyên của lớp các em đang học) nhưng cũng không nên bỏ bê các môn khác.

Vào lớp 11 và 12, nếu học tốt, các em sẽ có cơ hội tham gia những kỳ thi học sinh giỏi, vì thế có lẽ nên chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Phạm Kim Hùng: Cháu nghĩ cái quan trọng là phải có quyết tâm và đặt ra mục tiêu rõ ràng. Phải biết mình cần học những cái gì và để sau này làm gì. Chẳng hạn để thi ĐH thì cần phải học chắc kiến thức cơ bản, nắm chắc lý thuyết cũng như làm tốt những bài tập mẫu.

Còn nếu có ý định học chuyên để thi các kỳ thi QG và QT thì phải học rộng hơn. Cháu nghĩ phải có niềm tin vào bản thân là sẽ thực hiện được mục tiêu. Phương châm của cháu là không cần học nhiều mà phải học sâu.

Nguyễn Thị Phương Dung: Như cháu đã trả lời ở các câu hỏi trước, điều quan trọng khi học là phải có sự say mê đối với môn học, và bản thân người học cũng không nên đặt ra áp lực quá lớn cho mình. Khi nào mệt thì nên nghỉ cho đầu óc thư giãn.

Đối với môn lý, có rất nhiều công thức thì học thuộc và ghi nhớ là một chuyện vô cùng khó. Nên bí quyết duy nhất của cháu là khi học phải thật sự hiểu, để rồi có trót quên thì có thể tự mình xây dựng lại được.

Các bạn rất giỏi, xin chúc mừng! Xin hỏi với HCV, HCB các bạn nhận được phần thưởng trị giá bao nhiêu của nhà nước? Bạn có so sánh gì với những giải thưởng cho các môn thể thao không? (Phạm Quỳnh Trang, 27 tuổi, Hà Nội)

Nguyễn Mai Luân: Năm ngoái, em đoạt HCB và được nhà nước thưởng 10 triệu đồng, theo em biết, nếu đoạt HCV thì được khoảng 15 triệu. Nếu các phần thưởng của các đơn vị, tổ chức khác thì cũng được thêm khoảng 10 triệu nữa. Đó là số tiền rất lớn đối với bọn em.

Năm ngoái khi nhận được tiền thưởng, em đã dùng để nâng cấp máy tính, mua sách và dụng cụ, tất nhiên, cả để khao bạn bè nữa chứ. Phần còn lại thì đem gửi tiết kiệm.

Năm nay em dự định dùng số tiền này để mua sách, chuẩn bị cho thời sinh viên sắp tới.

Theo em biết giải thưởng các môn thể thao cũng như bọn em, tuy nhiên các môn thể thao mang tính đại chúng hơn, khi các đòan VĐV võ thuật, bóng đá...trở về thì báo chí và truyền hình, dư luận...đón tiếp rất nồng nhiệt, còn các đội tuyển olympic thì ít người biết đến hơn.

Chúng em đi được nhà nước cho 8 USD tiền tiêu vặt một ngày, số tiền này có thể mua vài thứ lặt vặt, ví dụ mua một cái bút có tới 5 chức năng: để viết, đèn sáng, thổi bong bóng, đóng dấu và để trang trí...

Khi từ VN đi, em mang theo khoảng 200USD, để mua quà. Như năm ngoái, đội em đi thi tại Đức, có một bác người Việt cho mỗi HS 50 EURO, năm nay thì hình nh0ư không có gì.

Phạm Kim Hùng: Năm ngoái em được tặng 15 triệu, năm nay có lẽ ít hơn vì em chỉ được HCB.

Giải thưởng các môn thể thao em cũng không rõ là bao nhiêu. Dù sao em thấy số tiền thưởng của Nhà nước là lớn đối với bọn em.

Nguyễn Thị Phương Dung: Hiện tại mình vẫn chưa biết, nhưng mình nghĩ dù là thể thao hay thi học sinh giỏi thì tất cả đều coi danh dự quốc gia là trên hết.

Nguyễn Thị Phương Dung: Chào các bạn. Hy vọng sau buổi giao lưu này, các bạn sẽ không còn thấy sợ con gái chuyên Lý nữa!

Chị Ngân ơi ! Ngoài sinh học chị có thích môn nào không ví dụ như:tin học,toán hay là văn học(Tuấn, 13 tuổi, Nghệ An)

Nguyễn Thị Kim Ngân: Ngoài môn Sinh học, chị thích nhất là môn tiếng Anh. Bên cạnh đó, chị thấy Toán, Lý, Hóa, Văn cũng rất thú vị... 

Nguyễn Thị Kim Ngân:

Em rất vui khi được tham gia cuộc giao lưu với các bạn đã đạt giải cao trong các đội tuyển Toán, Lý, Hóa. Em cũng rất cảm ơn các bác, các cô, các chú, các anh chị và các bạn đã quan tâm và gửi những câu hỏi rất thú vị cho em và các bạn.

Hy vọng rằng, em sẽ lại may mắn được có dịp giao lưu với bạn đọc của báo Tiền Phong như ngày hôm nay. Chúc mọi người thành công trong cuộc sống!

Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến! ảnh 21
Các HS giỏi đoạt HCV, HCB Olympic quốc tế chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo báo Tiền Phong, TKTS, BTV và PV của Tiền Phong Online.

Buổi giao lưu trực tuyến với các HS đoạt HCV, HCB Olympic quốc tế xin dừng tại đây. TPO xin cảm ơn sự tham gia, đối thoại nhiệt tình của bạn đọc trong và ngoài nước với các tài năng trẻ của đất nước. Chào tạm biệt bạn đọc và hẹn gặp lại trong các buổi giao lưu trực tuyến lần sau.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.