Văn hóa giao thông chưa... 'thông'

Văn hóa giao thông chưa... 'thông'
TPO – Đúng 14h hôm nay, 20 - 5, các vị khách mời có mặt tại trụ sở báo Tiền Phong (Hà Nội), dự chương trình giao lưu trực tuyến Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn?, do Tiền Phong phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức. Qua phần hỏi - trả lời, nhiều ý kiến thống nhất, văn hóa giao thông của không ít người còn chưa... "thông".

> Toàn bộ nội dung chương trình trực tuyến về an toàn giao thông

Khách mời tham dự chương trình:

- Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

- Thượng tá Bùi Bá Mạnh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông – Công an Thành phố Hà Nội.

- Trung tá Nguyễn Văn Tòng – Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 1 - Công an Thành phố Hà Nội.

- Giáo sư Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam; Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu văn hóa giao thông.

- Bạn Phạm Thị Minh Anh - Bí thư Chi Đoàn khu dân cư số 2 - phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội), Đội trưởng Đội Thanh niên Tình nguyện trực chốt an toàn giao thông tại ngã ba đường Bưởi.

- Trung Úy Lê Văn Quyền - Bí thư Đoàn cơ sở, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội.

Mở đầu cuộc giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu: Thay mặt báo Tiền Phong, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách mời và bạn đọc, đã dành thời gian quý báu để tham dự buổi giao lưu trực tuyến hôm nay.

An toàn giao thông là vấn đề nóng bỏng, nhức nhối hiện nay. Kết quả thống kê các vụ tai nạn giao thông, những thiệt hại về người và của hàng năm là những con số làm bất cứ ai cũng phải choáng váng và đau lòng.

Những tổn hại về mặt vật chất và tinh thần do tai nạn giao thông và những vấn nạn khác như ùn tắc giao thông, nguy cơ tai nạn và nỗi sợ hãi luôn rình rập trên đường..., là khó có thể đánh giá hết.

Trong tập hợp hợp những nguyên nhân của thực trạng bức bối trên, bên cạnh hạ tầng giao thông yếu kém, có một căn nguyên rất cơ bản là ý thức và thái độ của người tham gia giao thông.

Chính việc không nhận thức được đầy đủ mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm an toàn giao thông, sự vô trách nhiệm trước sự an toàn về tính mạng và tài sản của người khác và của chính mình mà nhiều người có hành vi không đúng đắn khi tham gia giao thông, khiến cho nặng thì gây tai nạn, nhẹ gây ùn tắc giao thông hoặc thường xuyên gây nguy hiểm và ức chế cho người khác trên đường.

Nhận rõ tầm quan trọng của văn hoá giao thông và sự thiếu hụt của nó trong một bộ phận khá lớn người tham gia giao thông, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia và báo Tiền Phong phối hợp phát động cuộc thi “Văn hoá giao thông – Ứng xử của bạn?” từ đầu năm 2010. Đến nay, cuộc thi được rất nhiều bạn đọc hưởng ứng.

Để thu hút đông đảo hơn nữa bạn đọc đến với cuộc thi (còn kéo dài đến hết tháng 8-2011) và cũng để góp phần tuyên truyền nhằm xây dựng một văn hoá giao thông rộng khắp, hôm nay hai đơn vị lại phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến này.

Chúng tôi hy vọng, các vị khách mời và bạn đọc sẽ có nhiều trao đổi thú vị và bổ ích quanh chủ đề hết sức quan trọng này.

Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn. Ảnh: Minh Đức
Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn. Ảnh: Minh Đức.

Nội dung giao lưu trực tuyến

Em được biết, những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông ngày càng có xu hướng tăng lên, chủ yếu do vi phạm luật giao thông. Theo ông, cần phải truyền thông như thế nào để người tham gia giao thông nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm Luật? (Dương Thị Thoa, 25 tuổi, thoabn45...@yahoo.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Từ năm 2007 đến nay, do thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nêu trong Nghị quyết 32 của Chính phủ về kiềm chế và giảm tai nạn giao thông (TNGT) nên TNGT đã giảm trong các năm 2008, 2009, 2010.

Đặc biệt, việc thực hiện thành công quy định đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe gắn máy, đã góp phần giảm hơn 1.500 người chết vì TNGT năm 2008. Đây là năm giảm nhiều TNGT nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và không ngừng đa dạng hóa những hình thức tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.

Các tổ chức chính trị xã hội tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Ủy ban An toàn giao thông đánh giá rất cao vai trò của giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường. Những chương trình giáo dục an toàn giao thông đã và đang được triển khai tại tất cả các cấp học. Tuy nhiên, cũng phải cải tiến, nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc này. Có như vậy, mới hình thành thế hệ trẻ hiểu biết và có ý thức chấp hành Luật giao thông, hình thành văn hóa giao thông.

Thưa Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Nạn đua xe về đêm (bão đêm) hiện nay tuy có giảm, song vẫn diễn ra ở nhiều nơi tại địa bàn Hà Nội. Đây là vấn nạn nhức nhối của thành phố, vậy xin anh cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với cảnh sát cơ động như thế nào để bắt giữ và xử phạt những người vi phạm này? (Lê Viết Sơn, 35 tuổi, anhchang_tramtinh20..@yahoo.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Trên thành phố Hà Nội nói chung và địa bàn chúng tôi phụ trách nói riêng, nạn đua xe về đêm (bão đêm) đã giảm rất nhiều. Để tổ chức cả một cuộc đua thì không có, mà đó chỉ là bột phát của nhóm, một số ít thanh niên, thiếu niên vì hiếu kì mà tăng ga, lạng lách, bốc đầu trên một đoạn đường nào đó.

Qua nắm bắt tình hình như vậy, chúng tôi thường xuyên bố trí lực lượng những ngày nghỉ, lễ, tết, những ngày diễn ra ngày hội thể thao, ngày hội lớn để chốt chặng ở những tụ điểm thường xuyên tụ tập và cổ vũ đua xe trái phép. Tình trạng này được giải quyết một cách cơ bản.

Chào Minh Anh. Em tham gia đội Thanh niên Tình nguyện trực chốt giao thông lâu chưa? Vì sao em lại chọn công việc tình nguyện này? Ngoài thời gian tình nguyện, em có thường xuyên vận động bạn bè xung quanh chấp hành luật giao thông không? (Đào Thu Hà, 30 tuổi, thuha123...yahoo.com)

Phạm Thị Minh Anh - Bí thư Chi Đoàn khu dân cư số 2 - phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội): Em tham gia tình nguyện từ năm 2005 tại địa phương.

Em tham gia tình nguyện này vì thấy giao thông Việt Nam và ngay chính tại địa phương mình có nhiều bất cập như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông... Là công dân và thanh niên tham gia công tác Đoàn, thôi thúc em tự tin, quyết tâm góp sức vào công việc cùng những đoàn viên, thanh niên địa phương.

Ngay cả khi tham gia hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng giao thông và giải tỏa ách tắc, em cùng các bạn trong đội trực chốt vẫn thường xuyên nhắc nhở những người tham gia giao thông vi phạm những lỗi như: không đội mũ hay không cài dây mũ bảo hiểm, đánh võng lạng lách, đi không đúng phần đường quy định....

Bạn Phạm Thị Minh Anh. Ảnh: Minh Đức
Bạn Phạm Thị Minh Anh. Ảnh: Minh Đức.

Mặc dù không ít lần nhận được lời khiếm nhã từ người vi phạm luật an toàn giao thông, nhưng với ý thức và trách nhiệm của thanh niên tình nguyện, em và các bạn trong đội vẫn tích cực, nhiệt tình tham gia nhắc nhở mọi người về văn hóa tham gia giao thông.

Ngoài thời gian tình nguyện, em và các bạn trong đội luôn chấp hành quy định về luật lệ an toàn giao thông, thường xuyên tuyên truyền và vận động bạn bè chấp hành luật giao thông.

1. Vấn đề ATGT hiện nay tại nước ta rất được các lãnh đạo Nhà nước,cơ quan chức năng và cả người dân quan tâm. Nhưng thực tế TNGT vẫn đang xảy ra ngày càng phức tạp. Đó là nỗi kinh hoàng cho người thường xuyên tham gia giao thông, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Với cương vị là người của cơ quan bảo vệ pháp luật, các đồng chí sẽ làm gì để bảo vệ người dân khi tham gia giao thông?

2. Ở một bộ phận giới trẻ hiện nay, văn hóa giao thông rất kém, vì thế nên đưa văn hóa giao thông vào giáo dục, đồng thời tăng chế tài, cũng như bổ sung quyền hạn, trách nhiệm, kinh phí cho lực lượng thi hành nhiệm vụ (Cảnh sát và Thanh tra giao thông,...). Xin cảm ơn các đồng chí! (Nguyen Ngoc Lan, 28 tuổi, ngoclan8..4vp@gmail.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Trước hết, thay mặt Ủy ban, tôi xin cám ơn báo Tiền Phong đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến chủ đề Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn?.

Chúng tôi hy vọng, qua cuộc giao lưu này, chúng tôi cùng những người làm công tác an toàn giao thông sẽ nhận được nhiều thông tin, phản ánh của người tham gia giao thông hoặc những người quan tâm vấn đề an toàn giao thông, nhất là những đề xuất, giải pháp về kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Năm 2010, báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn? với mục đích nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, tạo thói quen tự giác chấp hành quy tắc giao thông, có hành vi ứng xử văn minh, chuẩn mực khi tham gia giao thông, đặc biệt, đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chúng tôi hy vọng, bạn đọc báo Tiền Phong sẽ ủng hộ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về xây dựng văn hóa giao thông.

Ông Nguyễn Trọng Thái. Ảnh: Minh Đức
Ông Nguyễn Trọng Thái. Ảnh: Minh Đức.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi được sự hỗ trợ mạnh mẽ của T.Ư Đoàn với cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông, và giáo sư Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam; Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu văn hóa giao thông - tổ chức Hội thảo Quốc gia về văn hóa giao thông năm ngoái. Nhiều nhà văn hóa, nhà quản lý, tri thức đã rất quan tâm và đưa ra giải pháp hữu hiệu xây dựng văn hóa giao thông một cách tốt nhất.

Giáo sư Hoàng Chương: Sinh hoạt thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng luật pháp đã diễn ra từ rất lâu rồi, đặc biệt với thanh niên. Vấn nạn hiện nay là nhiều người rất thiếu ý thức trong việc chấp hành luật lệ giao thông.

Năm 2010, chúng tôi tổ chức bốn hội thảo "Văn hóa giao thông" cấp quốc gia, từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh, mời lực lượng rất đông đều là thanh niên và sinh viên. Vì hiếu động, đi theo lối sống tự do, đã dẫn đến những hành vi không đúng như phóng xe máy bạt mạng, không đội mũ bảo hiểm...

Đó là những nỗi băn khoăn, nhức nhối. Tôi nghĩ, Tiền Phong là báo của tuổi trẻ, thanh niên, nên tôi cho rằng, các bạn tổ chức cuộc thi "Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn?" rất hay.

Chúng ta nên tuyên truyền ý thức cho thanh niên bằng những cuộc thi như thế này, điều đó rất có ý nghĩa. Tôi hy vọng, những cuộc thi như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa, mở rộng hơn nữa.

Em được biết, gần đây, có tăng tiền phạt khi phạm luật giao thông. Vậy từ ngày thực hiện số lượng người vi phạm có giảm (theo số liệu thống kê của các anh)?. Theo anh, cách đánh vào tài chính của người dân có hiệu quả trong việc nâng cao văn hóa tham gia giao thông không? (Mai Đình Tùng, 27 tuổi, tungdinh...@gmail.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: An toàn Giao thông là vấn đề không của riêng ai và với chúng tôi, những người cảnh sát giao thông, thì luôn coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Chúng tôi đã có nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông như tuyên truyền Luật giao thông, tổ chức lại giao thông của thành phố, chỉ huy điều khiển giao thông, đồng thời cũng tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm luật giao thông. Đây là biện pháp cưỡng chế, nhằm tạo cho mọi người chấp hành luật giao thông nghiêm túc.

Biện pháp xử phạm vi phạm bằng cách tăng mức phạt cao đã tác động tích cực tới việc chấp hành luật của những người tham gia Giao thông. Song, hiện nay, nhiều người vẫn vi phạm Luật Giao thông. Lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường và duy trì việc tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý những vi phạm thật triệt để thì mới giảm được những vi phạm dẫn tới tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội. Ảnh: Minh Đức
Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.

Năm 2010, trên địa bàn Hà Nội đã xử lý gần 500 nghìn trường hợp vi phạm an toàn giao thông và thu tới 90 tỷ đồng tiền phạt. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, đây mới chỉ xử phạt được khoảng 30-40% những trường hợp Vi phạm.

Việc đánh vào tài chính nhằm làm giảm thiểu tới mức tối đa những vụ vi phạm giao thông hiện nay. Nếu người dân chấp hành tốt luật giao thông thì không ai có thể xử phạt họ được.

Theo tôi văn hóa giao thông chính là chấp hành luật giao thông và cũng là đạo đức của người dân khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo tính mạng cũng như tài sản của chính bản thân họ và những người tham gia giao thông.

Hiện nay, ô tô ngày càng nhiều nhưng đường xá vẫn không được mở rộng hay mở thêm nhiều tuyến mới. Tôi xin hỏi nhà nước có chính sách gì để giảm tải tình trạng tắc đường và quá tải cho người tham gia giao thông? (Chu Thị Vân Anh, 23 tuổi, vananhbck52..0201@gmail.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Trong thời gian qua, Nhà nước và Chính phủ cũng như các địa phương đầu tư rất lớn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ. Hệ thống quốc lộ đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp toàn tuyến. Do đó, đã cải thiện được về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, so với sự phát triển kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian qua, cũng như sự tăng trưởng phương tiện cơ giới đường bộ thì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tình hình ùn tắc giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm tại một số tuyến và vị trí trọng điểm.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2011 - 2015 mà Đại hội Đảng XI đề ra, phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá. Đây là điều kiện hết sức quan trọng, thuận lợi để cải thiện hệ thống giao thông đường bộ hiện nay.

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ 2020 cũng như quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc. Trong thời gian tới, chính phủ cũng như các địa phương sẽ quan tâm, đầu tư về vốn, có chính sách huy động nguồn lực trong nước và ngoài nước để xây dựng hệ thống đường, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, cũng như hệ thống giao thông đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thưa giáo sư Hoàng Chương. Cháu đã được chứng kiến rất nhiều người băng qua đường mà không đi qua cầu vượt dành cho người đi bộ, phải chăng chúng ta xây dựng hệ thống cầu vượt là quá lãng phí? Theo bác, cách nào để mọi người có "văn hóa sử dụng cầu vượt để qua đường"? (Nguyễn Bích Thủy, 20 tuổi, thuyhn...@yahoo.com)

Giáo sư Hoàng Chương: Xây dựng cầu vượt để giải quyết vấn đề ách tắc và đảm bảo an toàn giao thông là rất cần thiết, nhưng lại đi đôi với vấn đề giải quyết nếp sống văn hóa như thế nào?

Từ trước đến nay, chúng ta không có cầu vượt, nên thói quen đi tự do, muốn là băng nhanh qua đường đã có từ rất lâu. Mà sửa thói quen rất khó. Đáng ra, chúng ta phải có cầu vượt từ rất lâu thì mọi chuyện đã khác.

Hiện nay, cần giáo dục, thậm chí phải thành quy định, bắt buộc người đi qua đường phải đi qua cầu vượt thì mới được. Nó vừa giải quyết vấn đề an toàn giao thông, vừa giải quyết vấn đề tránh lãng phí tiền của khi xây dựng cầu vượt.

Giáo sư Hoàng Chương. Ảnh: Minh Đức
Giáo sư Hoàng Chương. Ảnh: Minh Đức.

Chào Trung tá Nguyễn Văn Tòng. Tôi có một thắc mắc bấy lâu nay chưa tìm được giải đáp thỏa đáng, đó là tại sao tình trạng người đi xe ga hạng sang như SH, Air Blade, Yamaha Mio, Mio Classio,...vẫn ngang nhiên vi vu trên phố mà ít bị bắt hoặc xử phạt, trong khi những người đi xe số bình thường hay bị phạt hơn? Rất mong anh trả lời cho mọi người rõ hơn về thực trạng này! Cảm ơn anh! (Nguyễn Anh Thư, 28 tuổi, nhoque5..55@yahoo.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Thời gian qua, đối với việc vi phạm luật lệ giao thông thì bất kì ai, đi phương tiện gì khi vi phạm giao thông đều bị xử lí như nhau.

Tuy nhiên, những xe máy phân khối lớn (xe hạng sang như SH, Air Blade,...) thường do thanh thiếu niên điều khiển. Những đối tượng này, qua phân tích thấy, phần lớn là thanh thiếu niên ở thành phố. Do vậy, lực lượng cảnh sát giao thông, thời gian qua, đã tập trung xử lí nghiêm khắc những đối tượng này khi vi phạm. Thậm chí, có những chuyên đề chỉ tập trung vào những thanh thiếu niên vi phạm khi tham gia giao thông chứ không phải cảnh sát giao thông ngại xử lí.

Hiện tượng một số đơn vị khi tuần tra, kiểm soát giao thông còn "mai phục, ẩn nấp", không bật đèn báo hiệu theo quy trình, làm giảm lòng tin của người tham gia giao thông, ngành công an có biện pháp gì chấn chỉnh?

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội:

Cám ơn bạn đã có câu hỏi trên!

Việc CSGT và những lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông còn "mai phục, ẩn nấp" như bạn đọc nêu là vi phạm những quy định của Quy trình tuần tra kiểm soát. Chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, giáo dục nhằm hạn chế những trường hợp vi phạm trên.

Tuy nhiên, tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến của những người tham gia giao thông, của nhân dân, của bạn bè cho rằng: Việc đứng khuất một chỗ mới xử lý được những người khi tham gia giao thông thiếu tự giác chấp hành luật là cần thiết (như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy đinh...). Nếu người dân tham gia giao thông đều thực hiện đúng luật thì CSGT đứng ở vị trí nào cũng không quan trọng.

Sắp tới, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia có triển khai kế hoạch cụ thể gì để giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông không? (Đinh Văn Chiến, 27 tuổi, chienhn...@gmail.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện Chiến lược An toàn giao thông đường bộ quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030. Hiện nay, chương trình đang chờ Chính phủ phê duyệt. Đây là định hướng quan trọng cho công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trong những năm tới.

Ngoài ra, Ủy ban còn triển khai một số giải pháp hạn chế TNGT như việc phòng chống uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ sơ kết bốn năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ để tìm kiếm các giải pháp mới cho phù hợp tình hình hiện tại và 10 năm tới.

Những đối tượng nào có quyền bắt lỗi vi phạm giao thông, ngoài lực lượng cánh sát giao thông và cánh sát cơ động? (Chu Thị Vân Anh, 23 tuổi, vananhbck520201@gmail.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: Bạn Vân Anh thân mến. Việc bắt lỗi vi phạm giao thông, ngoài lực lượng CSGT thì các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, Công an các quận phường khi được giao nhiệm vụ xử lý một số chuyên đề, một số tuyến đường được sự phép của Giám đốc Công an TP Hà Nội thì được quyền dừng và xử lý các lỗi vi phạm theo các chuyên đề và một số tuyến đường quy định trên.

Còn lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ không được phép dừng xe, kiểm tra, kiểm soát trong điều kiện giao thông bình thường.

Hiện nay, các trường học, nhất là thành phố lớn, đã cấm học sinh đi xe máy nhưng thực tế cho thấy rất nhiều học sinh vẫn công khai đi xe đến trường. Ngoài đường, không khó bắt gặp hình ảnh những học sinh mặc áo đồng phục sau giờ học "phi xe ầm ầm" ngoài đường. Xét ở góc độ văn hóa, thực trạng này được giải thích thế nào, thưa Giáo sư Hoàng Chương. Theo ông, giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này là gì? Cảm ơn ông! (Quốc Hùng, 28 tuổi, hungvu...@gmail.com)

Giáo sư Hoàng Chương: Tôi đã sang Mỹ giảng dạy, tôi đã xem được những trường hợp xử lý những trẻ em vị thành niên khi sử dụng các phương tiện giao thông. Nghĩa là họ vẫn cho phép trẻ vị thành niên được lái ô tô nhưng phải có người giám hộ bên cạnh để giữ cho các em quen dần và hiểu luật. Như thế khi lớn lên, thì vừa biết luật, vừa biết lái. Chứ họ không cấm.

Mình thì cấm mà cấm vẫn không được. Xe máy là phương tiện, nhu cầu thì không thể cấm được. Tôi nghĩ chỉ nên giáo dục cả luật và văn hóa cho các em, chứ không nên cấm đoán.

Khi các em có hành vi văn hóa, đồng thời biết tôn trọng và hiểu luật, thì sẽ không có chuyện gì xảy ra được. Không chỉ xã hội, mà cả gia đình và nhà trường cần giáo dục, răn đe thì mới giảm được các vấn đề vi phạm và tai nạn giao thông.

Hiện nay, tại Hà Nội xảy ra tình trạng, cứ trời mưa thì tắc đường, có nơi tắc rất nghiêm trọng, dẫn chứng là đợt mưa đầu hùa hè vừa rồi. Xin hỏi ông Bùi Bá Mạnh, tại sao lại xảy ra tình trạng này (nguyên nhân) và phương hướng cũng như cách khắc phục nó? (Hồ Quang, 27 tuổi, langmaster@yahoo.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: Tại Hà Nội, cứ khi trời mưa to thì tắc đường, có nơi tắc rất nghiêm trọng là tình trạng có thật.

Trong những trường hợp trời mưa to và xảy ra ngập - tắc ở những tuyến đường chính trên địa bàn Hà Nội, CSGT đã nỗ lực phân luồng giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông đi vào những tuyến đường không bị ngập, đồng thời phối hợp với đài VOV đẽ thông báo cho mọi người biết các khu vực còn ngập nước để người dân tham gia giao thông tìm đường đi thích hợp.

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội (bên trái). Ảnh: Minh Đức
Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội (bên trái). Ảnh: Minh Đức.

Việc ngập nước trên các tuyến đường trọng điểm trách nhiệm thuộc cơ quan thoát nước Hà Nội, chúng tôi đã cùng phối hợp với cơ quan này để bố trí lực lượng tại những điểm thường xuyên úng ngập để làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông và cứu hộ giao thông. Vấn đề này không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được.

Chúng tôi cũng đề nghị với những người tham gia giao thông khi có úng ngập phải chấp hành nghiêm sự hướng dẫn của lực lượng CSGT, thanh tra Giao thông và những người thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn giao thông nhằm giúp cho việc lưu thông trên các tuyến đường này được thuận tiện và an toàn.

Ý thức tham gia giao thông của người dân nước ta vẫn rất kém. Nhất là vào các giờ cao điểm, vượt đèn đỏ, luồn lên vỉa hè,...Vậy các anh/chị cần có những giải pháp mạnh tay nào để thay đổi hoàn toàn ý thức của người tham gia giao thông? (Lê Đức Trúc, 24 tuổi, ductruc...@gmail,com)

Giáo sư Hoàng Chương: Đây là những hành vi vi phạm luật giao thông. Phải xử lý bằng luật, đó là Phạt. Vì sao vẫn có những hiện tượng đó? Là vì những người nắm luật pháp là Công an, thì lại không đủ lực lượng để kiếm soát những hành vi đó.

Những người tham gia giao thông không phải ai cũng có ý thức tự giác. Mọi người thì hay nói là nhiều công an giao thông như thế mà tại sao vẫn tai nạn. Thì câu trả lời là bao nhiêu công an cũng không đủ nếu mọi người không có ý thức giao thông, không có văn hóa giao thông.

Vậy ngoài việc phạt, thì cần giáo dục, răn đe nhiều hơn nữa. Ở các nước phát triển, bạn sẽ không thể nhìn thấy bóng dáng công an đâu cả, vì người dân ở đó được giáo dục rất kỹ và đã trở thành thói quen, họ cũng rất sợ pháp luật bởi chỉ cần vi phạm là giấy phạt sẽ được gửi về nhà.

Việc giáo dục văn hóa giao thông đến bây giờ mới làm thì chậm bao nhiêu năm so với thế giới thôi, thành bênh di căn rồi, nhưng vẫn phải chữa bằng cách giáo dục và phạt mạnh hơn nữa.

Mới đây, không phải ngẫu nhiên là Liên Hiệp Quốc phát động toàn cầu vấn đề An toàn giao thông đường bộ, song song với đó, cách đây 2 ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới chủ trì cuộc làm việc với Bộ GTVT, UB An toàn Giao thông Quốc Gia và một số bộ ngành về vấn đề An toàn giao thông, bằng mọi giải pháp, trong đó có văn hóa giao thông.

Trong thoi gian toi, co bien phap gi buoc nguoi dan khi tham gia giao thong phai tu giac doi mu bao hiem - tuc la phai biet so bi phat ?. (dinh xuan thang, 55 tuổi, xuanthang67@yahoo.com.vn)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: Biện pháp vẫn là tiếp tục tuyên truyền tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, quy định xử phạt với người không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy và quy định xử phạt với người chở người không đội mũ bảo hiểm (kể cả trẻ em).

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt nghiêm. Làm sao tạo thói quen cứ ngồi lên mô tô, xe máy là đội mũ bảo hiểm, dù đi gần hay xa.

Không đội mũ bảo hiểm bị phạt như thế nào? Mũ phải đạt tiêu chuẩn gi? (Trần Thị Trang, 21 tuổi, trantranghvbc@gmail.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy định (không cài quai), bị phạt từ 100.000 - 20.000 đồng theo điều 9, NĐ 34 của Chính phủ ngày 2-4-2010.

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội. Ảnh: Minh Đức
Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.

Mũ đảm bảo quy định là phải được cơ quan cấp đủ những điều kiện, giấy phép của nhà nước cho phép sản xuất; kích thước, đệm mềm bên trong đảm bảo, mũ có tem hợp chuẩn... Mũ phải chắc chắn, dày không phải mỏng kiểu thời trang.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng "văn hóa giao thông" là một nét đẹp, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người vi phạm luật. Anh đánh giá về thực trạng này như thế nào? Theo anh, những yếu tố nào tác động đến ý thức tham gia giao thông của người dân? (Nguyễn Hà Ly, 24 tuổi, lyhnn...@yahoo.com)

Trung Úy Lê Văn Quyền - Bí thư Đoàn cơ sở, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội: Trước hết phải khẳng định văn hóa giao thông à một nét đẹp, nét văn hóa cần phải tôn trọng và phát huy.

Thực tế, hiện nay trên địa bàn thủ đô, đa phần đã có nét đẹp văn hóa giao thông, tuy nhiên vẫn còn bộ phận không nhỏ, đặc biệt là bộ phận thanh thiếu niên, học sinh sinh viên, văn hóa giao thông còn hạn chế.

Biểu hiện của tình trạng này là vi phạm luật giao thông còn nhiều, thậm chí còn coi thường những quy định về trật tự ATGT như cố tình vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đèo ba đèo bốn, lạng lách đánh võng,... nhiều trường hợp khi bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, xử lí thì tìm mọi cách trốn tránh, cản trở.

Một số trường hợp khi chờ đèn đỏ còn cố tình trèo lên vỉa hè, cản trở người tham gia giao thông khác.v.v. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Trung Úy Lê Văn Quyền. Ảnh: Minh Đức
Trung Úy Lê Văn Quyền. Ảnh: Minh Đức .

Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên trước hết là do công tác tuyên truyền đối với người tham gia giao thông về văn hóa giao thông, đặc biệt là số thanh thiếu niên, học sinh sinh viên... của các cấp, các ngành chưa được đồng bộ, đầy đủ, sâu rộng và thường xuyên.

Thứ hai là một bộ phận nhỏ, còn coi thường văn hóa giao thông, cố tình vi phạm về trật tự an toàn giao thông, mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở và xử lí.

Cho mình đặt câu hỏi với Minh Anh. Theo em, cần phải truyền thông như thế nào để giúp các bạn ở lứa tuổi của em tham gia giao thông đúng luật, văn minh và lịch sự? (Nguyễn Viết Hải, 27 tuổi, hainhp...@gmail.com)

Minh Anh: Cùng với xã hội, các nhà trường cần có các hoạt động tuyên truyền vận động chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông. Công tác này cần được triển khai ngay từ khi các em đang học mẫu giáo.

Em có tìm hiểu về giao thông ở một số nước thì được biết ở Oxtraylia, Ban an toàn giao thông ở đây đã xây dựng các đoạn video về các tai nạn giao thông và nguyên nhân các vụ tai nạn đó. Những video đó đã cảnh báo nhiều người chú ý tham gia an toàn giao thông hơn. Những hình ảnh trong video có phần thảm khốc khiến mọi người ý thức hơn trong việc tham gia giao thông nếu không muốn như nạn nhân trong các vụ tai nạn.

Chúng ta cũng có thể sử dụng video này để tuyên truyền và thức tỉnh những người vi phạm luật giao thông.

Vận động thanh niên tham gia hoạt động tuyên truyền kêu gọi mọi người chấp hành nghiêm chỉnh luật khi tham gia giao thông, tham gia lập các đội trực chốt tại những điểm nóng về giao thông.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về luật an toàn giao thông, nét đẹp văn hóa giao thông với những hình thức phong phú tại các trường học, địa phương nhằm thu hút sự quan tâm tham gia của các bạn trẻ. Qua đó nâng cao trách nhiệm, ý thức của các bạn khi tham gia giao thông

Chào anh Tòng. Em được chứng kiến rất nhiều lần mọi người vượt đèn đỏ ở những đoạn đường có dải phân cách dành cho người đi bộ,làm cho người đi bộ không dám sang đường, thể hiện ý thức tham gia giao thông kém. Theo anh, thời gian tới cần có giải pháp gì để phạt những trường hợp như này không? (Dương Văn Hiếu, 21 tuổi, duongmon56...com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Đối với những trường hợp vi phạm vượt đèn đều bị cảnh sát giao thông xử lý rất nghiêm khắc.

Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua đường khi có đèn đỏ, cảnh sát giao thông tiếp tục xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm, dễ gây nguy hiểm và tai nạn cho bộ hành.

Em được biết văn hóa tham gia giao thông của người dân hiện nay còn kém. Vậy, trong thời gian tới, chi đoàn của anh có hoạt động cụ thể gì để tuyên truyền, cổ động nâng cao ý thức người tham gia giao thông nói chung và đặc biệt là đối tượng trẻ nói riêng? (Lê Minh Tiến, 24 tuổi, tienhn34...@gmail.com)

Trung Úy Lê Văn Quyền - Bí thư Đoàn cơ sở, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội: Trước hết, cần khẳng định, trong những năm gần đây, văn hóa tham gia giao thông của người dân được nâng lên rất rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông, trong đó có thanh thiếu niên còn hạn chế.

Thời gian tới, Đoàn cơ sở phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ thực hiện những nội dung (đã thực hiện và đạt hiệu quả cao) như:

Trước hết, phối hợp với các cơ sở Đoàn của thành phố, cơ quan báo chí, đặc biệt của tuổi trẻ tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều nội dung và hình thức tới người tham gia giao thông, làm chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông, nhất là đối tượng trẻ.

Bên cạnh đó, báo cáo Đảng ủy Ban chỉ huy phòng thành lập các tổ công tác do đoàn viên thanh niên đảm nhận xử lí nghiêm quyết liệt đối với những người tham gia giao thông cố tình vi phạm luật giao thông.

Thưa bác, chúng ta đang hướng tới mô hình "văn hóa giao thông" như thế nào? và theo dự đoán của bác, bao nhiêu năm nữa chúng ta đạt được mô hình đó? (Nguyễn Hà Thu, 23 tuổi, hathu23...com)

Giáo sư Hoàng Chương: Văn hóa giao thông là một vấn đề lớn, đáng ra phải được đặt ra sớm hơn từ nhiều năm trước. Chỉ có dùng các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện văn hóa nghệ thuật (truyền hình, sân khấu, hội họa...) cùng ra quân thì mới tác động vào ý thức con người một cách mạnh mẽ.

Chỉ phát thôi mà không động thì không ăn thua. Phải làm liên tục, thậm chí năm sau phải tuyên truyền mạnh hơn năm trước. Nếu không làm Văn hóa giao thông tức là không làm được An toàn giao thông.

Giáo sư Hoàng Chương. Ảnh: Minh Đức
Giáo sư Hoàng Chương. Ảnh: Minh Đức.

Mọi sự chi phối trong cuộc sống đều là văn hóa cả. Còn bao lâu mới thực hiện được Văn hóa giao thông thì không thể đo đếm bằng thời gian. Điều đó là câu chuyện lâu dài, phải làm văn hóa thấm sâu vào ý thức của tất cả mọi người trong xã hội.

Xin hỏi đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Vẫn biết cần phải ưu tiên hình thành văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ. Vậy theo anh, cần phải đào tạo, giáo dục cho thế hệ trẻ từ cấp học nào? cần tập trung triển khai mạnh ở độ tuổi nào? (Lê Minh Hà, 30 tuổi, minha27...@yahoo.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Việc giáo dục an toàn giao thông đã và đang triển khai ở tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học. Đối tượng được quan tâm nhiều nhất là cấp tiểu học, vì để các cháu biết được những quy định về ATGT ngay từ nhỏ (độ tuổi này có nhiều ý nghĩa trong hình thành văn hóa của mỗi con người).

Hiện, Ủy ban phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục ATGT vào giảng dạy chính khóa và ngoại khóa.

Thưa ông Thái, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia có hành động cụ thể gì để nâng cao ý thức, văn hóa giao thông? (nguyenhoaaa@yahoo.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Ủy ban An toàn giao thông đã phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông. Trong tháng ATGT năm 2009 và 2010 đều lấy Văn hóa giao thông làm chủ đề chính. Qua đó, các cơ quan truyền thông, tổ chức, đoàn thể đã quan tâm nhiều hơn đến văn hóa giao thông, làm rõ hơn các tiêu chí về văn hóa giao thông và các biện pháp xây dựng văn hóa giao thông.

Đặc biệt, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người tham gia giao thông cũng như tổ chức, vận động cán bộ, công chức gương mẫu thực hiện các hành vi có văn hóa: đội mũ bảo hiểm, nghiêm túc chấp hành biển báo, tín hiệu đèn giao thông, đi đúng làn đường quy định, chấp hành quy định tốc độ, không uống rượu bia trước khi lái xe v.v.

Những khó khăn của CSGT khi tác nghiệp là gì? theo anh, chế độ đãi ngộ với CSGT hiện nay đã hợp lý chưa?

Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ với môi trường rất khắc nghiệt khi thì mưa úng ngập, khi thì nắng nóng với đặc thù nghề nghiệp vẫn phải đội mũ kêpi hoặc phải đi giày.

Những lúc thời tiết nắng nóng và mưa ngập mọi người có thể được trú ẩn hoặc nghỉ ngơi thì lực lượng cảnh sát giao thông lại càng phải có mặt để làm nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội. Ảnh: Minh Đức
Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.

Với những đêm đông mưa rét vẫn phải đứng chốt chống đua xe. Tuy vậy, với đồng lương tương ứng với cấp, bậc hàm thì vẫn rất khó khăn trong cuộc sống. Nhưng với nhiệm vụ được giao về cơ bản vẫn khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Xin cảm ơn bạn đã chia sẻ!

Thưa Giáo sư Hoàng Chương. Nhiều người tham gia giao thông vẫn thờ ơ với việc đội mũ bảo hiểm, trong đó có nhiều phụ huynh đưa con em đi học. Vậy, theo giáo sư, căn nguyên của vấn đề này xuất phát từ đâu? Nền giáo dục của nước ta liệu đã đạt hiệu quả chưa? Trong khi phụ huynh còn chưa chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông thì con cái, học sinh liệu có chấp hàng tốt không? (Lê Lan Hương, 25 tuổi, lanhuongle...68@gmail.com)

Giáo sư Hoàng Chương: Việc bố mẹ và con không đội mũ bảo hiểm là một trong những hành vi thiếu văn hóa nên mới không chấp hành luật giao thông. Những hiện tượng này phải xử lý triệt để. Thế nên tôi mới vừa nói ở trên, là chúng ta cần giáo dục văn hóa giao thông cho người dân từ tấm bé, để điều đó trở thành thói quen chứ không phải đến khi họ hình thành những thói quen xấu, thiếu văn hóa rồi mới đi giáo dục.

Tôi thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ngày càng tăng là ý thức người dân. Ở nước ngoài, họ áp dụng và thực hiện luật rất nghiêm còn ở Việt Nam, phần này làm chưa tốt. Xin hỏi các anh cảnh sát giao thông, trong quá trình làm việc, các anh gặp khó khăn gì mà sao không thể thực thi nghiêm luật an toàn giao thông. Cảm ơn! (Nguyễn Vũ Hùng, 28 tuổi, hungnguyenvu28@yahoo.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Đối với việc chấp hành luật lệ giao thông ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, đa số mọi người chấp hành tốt. Tuy nhiên, còn một bộ phận không nhỏ, ý thức giao thông rất kém.

Ví dụ: khi sự cố xảy ra như nước ngập, cây đổ, tắc đường... thì không ai nhường nhịn nhau. Mọi người tìm mọi cách lách lên phía trước, nên càng làm cho việc ùn ứ, ách tắc gây xung đột. Lúc đó, gây rất khó khăn cho việc điều hành của lực lượng cảnh sát giao thông.

Ở nước ngoài, người ta chấp hành nghiêm túc, chờ đợi, xếp hàng lần lượt khi gặp sự cố, vì thế việc điều hành và giải quyết thuận lợi rất nhiều. Còn ở Việt Nam, nhiều người tham gia giao thông với ý thức kém. Đây là việc làm cần phải lên án và có chế tài xử lý nghiêm.

Theo bác, tại sao người dân ngày càng có xu hướng thờ ơ với văn hóa giao thông? (Lê Hoàng Mai Anh, 22 tuổi, maianhhn...@gmail.com)

Giáo sư Hoàng Chương: Vì họ chưa hiểu được thế nào là con người có văn hóa khi tham gia giao thông. Người có văn hóa là người tôn trọng pháp luật, gương mẫu, đáng trân trọng. Việc người dân chưa nhận thức được văn hóa giao thông nên dẫn đến việc họ vi phạm luật.

Thậm chí có cả những người bất cần, cứ đường ta ta cứ đi, nên họ thành những người thờ ơ không tham gia văn hóa giao thông. Những cơ quan tuyên truyền cũng chưa làm mạnh để người dân nhận thức được sự quan trọng của việc văn hóa giao thông. Cần tuyên truyền từ trường học, đến cơ quan...

Nếu đưa vấn đề văn hóa giao thông luôn là tiêu điểm trong những cuộc sinh hoạt cộng đồng thì sự giáo dục, tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Hiện nay, có rất nhiều người (chủ yếu là thanh, thiếu niên) rất thường xuyên vi phạm giao thông, như lượn lách, vượt đèn đỏ, không đội nón bảo hiểm, rồ ga to, sử dụng còi không đúng quy định…, gây nguy hiểm cho người đi đường. Khi bị bắt, họ tỏ thái độ chống đối người thi hành công vụ, vậy chúng ta có nên áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn như bỏ tù vài tháng thay vì nộp tiền phạt hay không?. (Vũ Kiều, 28 tuổi, vukieu12000@yahoo.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: Rất cảm ơn bạn vì những chia sẻ chân thành với những khó khăn của lực lượng CSGT khi xử lý những vi phạm như bạn nêu!

Trong thời gian qua, lực lượng CSGT đã đối mặt với rất nhiều vụ việc nguy hiểm do một số người tham gia giao thông chống người thi hành công vụ. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính về lỗi do họ gây ra thì chúng tôi đã chuyển vụ việc cho các cơ quan chức năng như Công an các quận, huyện để lập hồ sơ xử lý bằng pháp luật. Và trong số này có không ít các đối tượng quá khích đã phải chịu án tù chứ không chỉ xử phạt tiền không.

Có rất nhiều đối tượng thanh thiếu niên lượn lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, xử dụng còi không đúng quy định... hoặc khi tắc đường "phi" lên vỉa hè đều là vi phạm nghiêm trọng luật giao thông cần được xử lý nghiêm song những lúc tắc đường lực lượng CSGT tập trung hướng dẫn giải tỏa giao thông nên chưa xử lý được những trường hợp bạn nêu.

Những mức hình phạt đối với người vi phạm luật giao thông như hiện nay đã đủ mạnh để giáo dục nâng cao ý thức chưa? (Hoàng Minh Anh, 28 tuổi, minhhoang99...@yahoo.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Về cơ bản, Nghị định 34 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là phù hợp và mang lại hiệu quả răn đe, nâng cao ý thức giáo dục. Tuy nhiên, cần phải nâng cao hơn nữa mức phạt với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT: vi phạm tốc độ, đua xe trái phép, uống rượu bia quá nồng độ cho phép...

Ông Nguyễn Trọng Thái (bên phải). Ảnh: Minh Đức
Ông Nguyễn Trọng Thái (bên phải). Ảnh: Minh Đức.

Hầu hết người tham gia giao thông hiện nay đều chấp hành đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số thành phần khi tham gia giao thông vào buổi tối lại không chấp hành luật giao thông đường bộ không đội mũ bảo hiểm, xe không biển kiểm soát, không gương chiếu hậu. Trước thực trạng đó, Phòng CSGT có cách nào giải quyết triệt để vấn đề trên không?

Bản thân tôi thường xuyên tham gia giao thông vào buổi tối tại Hà Nội và cũng gặp nhiều chiến sỹ Cảnh sát cơ động tham gia tuần tra trên đường nhưng gặp những đối tượng "không mấy thiện cảm " kia thì lại làm ngơ. Cảm ơn các anh, các chị! (Nguyễn Hữu Thắng, 37 tuổi, huuthang661@gmail.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó Trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: Thời gian gần đây, nhất là vào mùa hè, việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của người ngồi trên môtô, xe máy, xảy ra tương đối nhiều, chủ yếu vào các giờ buổi tối. Đối tượng vi phạm nhiều nhất là thanh thiếu niên.

Lực lượng CSGT đã đề xuất với Giám đốc Công an thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp với CSCĐ tổ chức nhiều tổ tuần tra cơ động để xử lý triệt để tình trạng vi phạm trên.

Mỗi ngày, chúng tôi xử lý trên 400 trường hợp vi phạm riêng trên địa bàn của bốn quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lực lượng để xử lý triệt để những vi phạm trên.

Mặc dù vậy, những lúc không có lực lượng CSGT, tình hình vi phạm tái diễn. Chúng tôi mong những người tham gia giao thông cần tự giác chấp hành nghiêm để góp phần giữ gìn sự bình yên cho Thủ đô và đảm bảo an toàn tính mạng cho cá nhân mình.

Đối với những trường hợp không làm hết trách nhiệm, chúng tôi cũng có những biện pháp xử lý nghiêm túc như: cắt thi đua, tùy theo mức độ sẽ xử lý kỷ luật, tiếp tục giáo dục cán bộ chiến sỹ nâng cao trách nhiệm để xử lý nghiêm vi phạm không đội mũ bảo hiểm và các vi phạm khác.

Tôi từng qua Quốc lộ 1A (từ Pháp Vân, Hà Nội, chạy đến gần Đồng Văn, Hà Nam (đoạn gần trường Đại học Hà Hoa Tiên) có một chốt CSGT khoảng gần 10 chiến sỹ đứng hai bên, tất cả các xe tải, xe khách đều bị dừng lại nhưng với khoảng thời gian kiểm tra "siêu nhanh": 10 - 20 giây. Vậy, cho tôi hỏi, hình thức kỷ luật cao nhất với việc CSGT nhận mãi lộ là gì? Xin cảm ơn! (Nguyễn Xuân Hạnh, 33 tuổi, hanh_asia...@yahoo.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: Bạn Hạnh thân mến, đây là công việc của CSGT thuộc địa bàn Hà Nam. Tuy nhiên, vi phạm như bạn nói tùy theo mức độ cơ quan thanh tra sẽ xác minh, xem xét, nếu có hành vi nhận mãi lộ thì sẽ xử lý từ khiển trách đến tước danh hiệu Công an nhân dân.

Em được biết có một số CSGT cũng vi phạm luật giao thông (không đội mũ bảo hiểm...), một số trường hợp khác "đứng núp" để phạt người vi phạm. Vậy theo anh, sự không nghiêm túc của một số người thực thi luật có là nguyên nhân dẫn đến ý thức tham gia giao thông của người dân kém không? Những trường hợp này có bị kỉ luật, xử phạt không? nếu có thì xử phạt như thế nào? (Nguyễn Hải Hạnh, 25 tuổi, hanh...@gmail.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Đối với lực lượng CSGT nói riêng và lực lượng công an nhân dân nói chung có các quy định về điều lệnh nội bộ cũng như các quy phạm trong lực lượng rất nghiêm túc.

Ngoài quy định của ngành, của lực lượng, mỗi cán bộ chiến sĩ còn phải chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với một con số rất nhỏ như không đội mũ thì vẫn phải xử lí nghiêm theo quy định.

Trong quy định ngành có các quy trình, quy định và nghiệp vụ riêng. Nếu đồng chí nào vi phạm thì sẽ bị xử lí từ phê bình, nhắc nhở, đến xử lí kỉ luật thậm chí phạt theo các chế tài luật quy định.

Tối thấy trời nắng nóng gần 40 độ C mà anh em CSGT vẫn phải đeo gang tay trắng, nóng quá. Liệu đây có phải quy định không anh? (ngocmainguyen@gmail.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1 - Công an Hà Nội: Việc đeo găng tay trắng để chỉ huy giao thông và bảo vệ các kì cuộc khi đeo găng tay trắng là thể hiện sự trang nghiêm mà ngành quy định. Do vậy, mỗi cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ đeo găng tay trắng đều đã quen và thực hiện nghiêm chỉnh.

Chào Minh Anh. Bạn cho mình hỏi, tại các tuyến đường bạn tình nguyện trực chốt, khi có tắc đường, người tham gia giao thông có điều khiển phương tiện theo sự chỉ dẫn của bạn không? Đội tình nguyện của bạn hoạt động hiệu quả trong những trường hợp như này không? Bạn có đề xuất cụ thể gì để nâng cao văn hóa của mọi người? (Lê Anh Đạt, 22 tuổi, ledat09...@gmail.com)

Minh Anh: Ngày đầu, khi đội trực chốt giao thông mới thành lập và hoạt động cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, nhiều người tham gia giao thông không tuân thủ theo sự điều khiển của thanh niên tình nguyện, đôi lúc cần phải sự trợ giúp của lực lượng cảnh sát giao thông.

Sau khoảng hai tháng hoạt động, đội trực chốt đã lấy được niềm tin của người tham gia giao thông. Đội nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của những người dân sinh sống.

Thêm đó là tinh thần làm việc hăng hái của các thành viên trong đội và công tác triển khai kế hoạch trực chốt có hệ thống, thường xuyên nắm bắt tình hình giao thông, phân công các bạn tại những điểm chốt trước và trong những giờ cao điểm nên hiện tượng ùn tắc giao thông được giảm thiểu. Nếu xảy ra ùn tắc, cũng được đội giải quyết nhanh chóng.

Theo tôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của mỗi người tham gia giao thông, ngoài việc chấp hành tốt quy định an toàn cho bản thân còn phải biết giữ an toàn cho những người cùng tham gia giao thông.

Tôi cho rằng, nên sử dụng các đoạn video về các vụ tai nạn giao thông để cảnh báo ý thức tham gia giao thông của người dân.

Đối với những kẻ chống đối, coi thường luật giao thông, đánh cảnh sát, có nên áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn như bỏ tù vài tháng thay vì nộp tiền phạt hay không? (Vũ Kiều, 28 tuổi, vukieu12000@yahoo.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 1 - Công an Hà Nội: Đối với những trường hợp chống đối lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và những người thi hành công vụ nói chung, đều bị bắt giữ, điều tra kết luận. Khi có đủ cơ sở kết luận những tội danh, họ sẽ bị xử lí theo các quy định của pháp luật.

Hầu hết chúng ta đều đổ lỗi do ý thức của người tham gia giao thông kém; nhưng tôi xin đặt vấn đề là cơ sở hạ tầng ( mặt đường, biển báo, dãy phân cách....) đã tốt chưa; đã đủ điều kiện để người tham gia giao thông chấp hành luật chưa ? (huynh van bao, 46 tuổi, baohh@gmail.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Cơ sở hạ tầng giao thông đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp, cải tạo tốt hơn trước rất nhiều, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông, phát triển kinh tế trong thời gian qua.

Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển của phương tiện cơ giới thì chưa đáp ứng được, nhất là các tuyến đường đi vào trung tâm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mật độ phương tiện giao thông rất đông (đặc biệt trong giờ cao điểm).

Trong thời gian tới, cần tập trung đầu tư nhiều hơn về nguồn lực, cũng như chính sách phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông đô thị như: đường cao tốc, đường xuyên tâm vào đô thị, hệ thống đường vành đai, xây dựng nhiều nút giao khác mức, đồng thời đẩy nhanh việc phát triển hệ thống vận tại công cộng như tàu điện ngầm.

Cũng cần nói thêm là, tình trạng này không chỉ có ở Việt Nam mà xuất hiện ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Vào giờ cao điểm, ngay tại những đô thị phát triển bậc nhất thế giới như Paris, New York, Moscow, Bắc Kinh..., cũng xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.

Tôi thấy một số công an ngồi không xử lý, mà để cho dân quân tự vệ ra đường chặn xe, vậy có đúng không thưa ông? Tôi được biết, lực lượng tự vệ, trật tự chỉ phối hợp với công an phương và CSGT chứ không được dừng xe? Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này. Cảm ơn ông! (muavui2008@yahoo.com.vn)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Việc phối hợp giữa các lực lượng công an, tự vệ, dân phòng thì lực lượng công an vẫn là nòng cốt. Tuy nhiên, có những thời điểm, có những chiến dịch của từng địa bàn, của từng địa phương (như quận, huyện) cụ thể huy động các lực lượng tham gia để kiểm tra, xử lí về lĩnh vực giao thông thì mọi người tham gia giao thông phải chấp hành.

Gửi chú Bùi Bá Mạnh! Chú đánh giá thế nào về văn hóa xử phạt của lực lượng công an xã và hiệu quả của lực lượng này góp phần đảm bảo an toàn giao thông? (Nguyễn Ngọc Đạt, 29 tuổi, indghanoi..@gmail.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: Vấn đề Văn hóa giao thông là vấn đề rất rộng về diện, rất sâu rất lớn về quy mô nó tác động tới tất cả mọi người, mọi lúc - Đó là việc chấp hành Pháp luật về giao thông.

Những người tham gia giao thông có văn hóa là những người chấp hành nghiêm túc luật giao thông. Những người làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống về giao thông để duy trì kỷ cương và pháp luật cũng là thực hiện Văn hóa giao thông.

Lực lượng công an xã dưới sự chỉ đạo của CSGT cấp huyện và thành phố khi tham gia giữ gìn trật tự giao thông cũng đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an toàn cho nhân dân ở các tuyến đường ngoại thành.

Lực lượng cảnh sát cơ động có được phép xử phạt người vi phạm giao thông không hay chỉ phối hợp với CSGT? (hangnguyen...@yahoo.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Cảnh sát cơ động là một trong những lực lượng của cảnh sát nhân dân, cũng có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chung. Tùy theo từng thời điểm nhất định, họ được cấp trên giao thêm những nhiệm vụ, trong đó có kiểm tra xử lí những người vi phạm luật lệ giao thông, như không đội mũ bảo hiểm.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.