Chỉ để kiến thức cần thiết trong SGK môn ngữ văn
Sẽ có nhiều thay đổi từ hình thức đến nội dung trong chương trình - sách giáo khoa môn ngữ văn, nhằm giúp học sinh yêu thích môn học này.

Những vấn đề này được thảo luận trong hội thảo “Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”, diễn ra ngày 25/4 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Học nhiều nhưng lại thiếu kiến thức
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) ngữ văn hiện nay có quá nhiều tác phẩm. Để theo kịp, cả giáo viên và học sinh (HS) đều phải chạy đua. Tuy học nhiều nhưng HS lại thiếu kiến thức lẫn kỹ năng giải quyết tác phẩm.
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Chúng ta không nên chạy theo số lượng tác phẩm mà cần phải chọn lọc để HS học cái gì chứ không phải học hết chương trình mà kiến thức có được chẳng đạt bao nhiêu. Có như vậy, chúng ta mới giảm được áp lực, nỗi khổ cho cả giáo viên và HS”.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, Thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới CT-SGK phổ thông, cho rằng vì cứ chạy theo số lượng các tác giả, tác phẩm nên dù có cố gắng bao nhiêu vẫn không đủ được. Đó là chưa kể nội dung chương trình hiện hành còn chồng chéo, giẫm đạp lên nhau; vừa thừa, vừa thiếu.
Đổi mới theo hướng phát huy năng lực
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để CT-SGK ngữ văn sắp tới thật sự hiệu quả, thiết thực với cả HS và giáo viên.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng hiện nay trên thế giới có 3 mô hình SGK ngữ văn chính: lý thuyết, kỹ năng, hoạt động.
“Trong đó, mô hình hoạt động tôi thấy có nhiều điểm hay. Đây là loại sách triển khai nội dung theo chủ đề hoạt động của HS nhằm tìm hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống, lấy các hoạt động đó làm môi trường giao tiếp để hình thành kiến thức, phát triển các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho HS”, ông Thuyết nhận định.
Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, CT-SGK ngữ văn mới sẽ có rất nhiều thay đổi, nhằm phát triển năng lực HS. Chương trình sẽ không chạy theo số lượng mà chỉ lựa chọn những kiến thức cần thiết (tác giả, tác phẩm, đơn vị tiếng Việt các kiểu văn bản), tiêu biểu giúp cho việc hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như một số năng lực chuyên biệt, đặc biệt là năng lực giao tiếp và tiếp nhận, cảm thụ cái đẹp. Ngoài ra, chương trình mới cũng nhằm phát triển năng lực, yêu cầu HS vận dụng được kiến thức vào cuộc sống.
Theo Minh Luân
Thanh Niên
Cùng chuyên mục

Trường đại học linh hoạt tuyển sinh

Tuyển sinh 2020: Không nên ngộ nhận ngành “hot”

Điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học: Các trường ĐH có phải 'dồn toa'?

Thi THPT Quốc gia 2020: Có gì thay đổi?

Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi THPT quốc gia 2020 và sẽ công bố đề minh hoạ

Bộ GD&ĐT nên ra đề minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay?

TPHCM dự kiến thi lớp 10 và lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa vào tháng 7
