Giờ G, thí sinh nên chọn thi trường nào?

Sĩ tử lên Hà Nội dự thi được thanh niên tình nguyện hướng dẫn tại bến xe phía Nam. Ảnh: Như Ý
Sĩ tử lên Hà Nội dự thi được thanh niên tình nguyện hướng dẫn tại bến xe phía Nam. Ảnh: Như Ý
TP - Kỳ thi tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2014 có 1. 427.211 hồ sơ đăng ký dự thi; trong đó có 1.168.984 hồ sơ thi ĐH và 258.227 hồ sơ thi CĐ. So với năm 2013, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi năm 2014 giảm 17%. Năm 2013, trung bình 1 thí sinh nộp 2 hồ sơ; năm nay, con số này là 1,7.

Đăng ký ít, hy vọng nhiều

Một trong những điểm đặc biệt và bất ngờ đối với kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay là số lượt thí sinh đăng ký dự thi ở hầu khắp các trường đều giảm. Lấy ĐH Thái Nguyên làm một ví dụ: ĐH này giảm 9.000 hồ sơ so với năm trước và theo ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, khâu chuẩn bị thi đỡ vất vả hơn rất nhiều. Dù năm ngoái số hồ sơ đăng ký dự thi nhiều hơn, nhưng sau đợt tuyển nguyện vọng (NV) 1, ĐH này chỉ tuyển được 40-50%; số chỉ tiêu còn lại phải trông vào NV2 và NV3.

Số lượng hồ sơ giảm nhưng đại diện các trường khó tuyển đều cho rằng, họ đặt hy vọng vào việc tuyển đủ thí sinh nhờ sự đổi mới của việc tuyển sinh đa hệ của năm nay. Ông Đặng Kim Vui phân tích: Năm 2014, Bộ GD&ĐT bắt đầu cho phép ĐH Thái Nguyên và hơn 60 trường ĐH tự chủ tuyển sinh một số ngành đào tạo.

Ở ĐH Thái Nguyên, các ngành như: Thể chất, Âm nhạc, Sư phạm chỉ thi tuyển môn năng khiếu, các môn văn hóa thì xét tuyển hoặc một số ngành có nhu cầu nhưng thí sinh đăng ký không nhiều như: Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thủy sản, Công nghệ chế biến nông sản thực phẩm.

Theo ông Vui, thí sinh thi ba chung vẫn nhiều hơn vì họ sẽ được sử dụng chung kết quả để xét tuyển trong toàn hệ thống, điều mà thí sinh thi riêng không được phép. “Tuyển chung, tuyển riêng, cuối cùng thế nào cũng đủ!”, ông Vui nói.

ĐH quốc tế Bắc Hà, luôn gặp khó khăn về tuyển sinh do vấn đề học phí, năm nay thi ba chung và có tuyển sinh riêng. Ông Đặng Hữu, Chủ tịch HĐQT đại học này cho biết, ngay cả khi mở rộng các hình thức tuyển như năm nay, không ít trường vẫn gặp khó khăn vì có quá... nhiều trường. ĐH quốc tế Bắc Hà đã vận dụng đến việc điều chỉnh chính sách học bổng và học phí để đạt mức học phí ngang bằng trường công là 6 triệu đồng/năm.

Thí sinh nên chọn thi trường nào?

Nhiều thí sinh vẫn nộp 2-3 bộ hồ sơ và để đến giờ G mới quyết định thi trường nào. Đó chính là nguyên nhân gây nên con số ảo vốn làm đau đầu lãnh đạo các nhà trường khi tính toán thuê phòng thi, cán bộ coi thi...

Nhiều thí sinh thường dựa vào tỷ lệ chọi tương đối của các trường để vào giờ chót quyết định thi trường nào. Về vấn đề này, thầy Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đưa ra lời khuyên: Thí sinh nên dựa vào khả năng của mình và số thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào một trường nào đó để quyết định; những trường có nhiều hồ sơ đăng ký mà sức học của thí sinh chỉ ở mức trung bình thì không nên thi.

Ông Hóa lấy ví dụ, năm ngoái, Học viện Tài chính lấy điểm thấp nhất trong 50 năm trở lại đây. Năm nay, chắc chắn có nhiều thí sinh đổ vào thi nhưng, ông Hóa nhận định, nếu thí sinh chỉ học ở mức trung bình hoặc khá thì rất khó đỗ. Vì vậy, ông Hóa nói, thí sinh không nên chạy theo tỷ lệ chọi hay điểm chuẩn một cách cảm tính.

Ông Hóa cũng cảnh báo: Đối với trường tốp cao, tỷ lệ chọi là không quan trọng mà năng lực người thi mới là quan trọng. Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương khẳng định: Thí sinh phải căn cứ vào nguyện vọng của mình và năng lực thực tế; nếu thích mà không có năng lực thì thi cũng vô ích.

Hồ sơ đăng ký dự thi cụ thể theo các khối thi năm 2014 như sau: Khối A: 447.973 hồ sơ; Khối A1: 131.084; Khối B: 271.631; Khối C: 192.185; Khối D1: 192.185; Khối khác: 50.822. Với hệ CĐ, khối C cũng chỉ chiếm 7,30%.

H.T

MỚI - NÓNG