Không nên nhầm tưởng cà phê giúp tỉnh táo

Thí sinh mệt mỏi trong phòng thi đại học 2013. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thí sinh mệt mỏi trong phòng thi đại học 2013. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Gần đến ngày thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, thời tiết nắng nóng cùng việc ôn luyện vất vả có thể làm các sĩ tử mệt mỏi, tăng nguy cơ một số bệnh như suy nhược thần kinh, hạ đường huyết. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ phương pháp ăn, ngủ, nghỉ khoa học trong những ngày nước rút này.

Bốn nhóm dinh dưỡng quan trọng

PGS.TS Lâm chia sẻ thời tiết vào dịp ôn thi cuối năm thường oi bức, nắng nóng. Thí sinh đi lại ngoài trời, ôn thi khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, dễ mất nước, mất muối, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Việc học nhiều, thức khuya và dậy sớm cũng khiến cơ thể bị thiếu ngủ, mệt mỏi, dễ dẫn đến suy nhược.

Để đảm bảo sức khỏe tốt trong những ngày này, bà Lâm khuyên sỹ tử cần thực hiện việc ăn uống đầy đủ và đúng giờ, đảm bảo ba bữa ăn mỗi ngày. Ngoài ra phải chú trọng đến chất lượng bữa ăn, khẩu phần ăn nên tăng cường những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của não.

Không nên nhầm tưởng cà phê giúp tỉnh táo ảnh 1  PGS.TS Nguyễn Thị Lâm

Trong đó nên chú trọng vào bốn nhóm dinh dưỡng gồm glucose (có nhiều trong cơm, bánh mì, bún, gạo, khoai), nhóm chất béo thiết yếu (có nhiều trong cá thu, cá trích, lạc, vừng, dầu ăn), nhóm đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành), nhóm vitamin và khoáng chất (có nhiều trong rau xanh, củ quả).

Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, trong những ngày ôn luyện, thi cử, cơ thể cũng cần cung cấp thêm chất sắt, bởi khi thiếu sắt, cơ thể dễ mệt mỏi, học kém tập trung, dễ buồn ngủ trong giờ học. Chất sắt có nhiều trong gan, thịt bò, cá, rau dền, rau ngót và các loại đậu. Để cơ thể hấp thu sắt tốt hơn, nên ăn thêm các loại hoa quả tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, đu đủ.

Ngoài ra cần bổ sung thêm i-ốt để làm tăng hoạt động của não bộ, tăng khả năng tiếp thu, sáng tạo khi học. I-ốt có nhiều trong cá biển, hải sản, tảo biển, bột canh i- ốt.

Sỹ tử cũng nên uống thêm sữa vào tất cả các bữa phụ giữa buổi sáng, giữa buổi chiều và buổi tối trước khi đi ngủ nếu thức khuya.

Ngủ trưa ít nhất 30 phút

Cận ngày thi, sỹ tử không nên ăn thức ăn lạ khó tiêu hoặc những loại thức ăn đã từng gây rắc rối khi ăn chúng, tránh ăn uống ngoài quán xá đến mức thấp nhất có thể.

“Do bận học, nhiều em ăn uống thất thường cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt đến dạ dày. Việc nhịn ăn sáng sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết vào cuối buổi học”.

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm

Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, thí sinh cũng cần chú ý đến các hoạt động thể chất xen kẽ như chơi thể thao, tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp, chạy bộ và giải trí.

“Có thể tập thể dục vào lúc sáng khi mới ngủ dậy hoặc tranh thủ lúc nghỉ giữa buổi học để tập một số động tác sẽ thư giãn, chống mệt mỏi”. 

Đặc biệt, ngoài chế độ dinh dưỡng, sỹ tử phải chú ý đến giấc ngủ bởi ngủ không đủ giấc dễ dẫn đến tình trạng não luôn trong tình trạng bị kích thích làm việc liên tục, không hiệu quả. Các em nên tranh thủ ngủ trưa, ít nhất là 30 phút mỗi ngày để giúp não bộ tăng cường sự tỉnh táo, nâng cao hiệu quả học tập. 

Nhiều học sinh lầm tưởng uống cà phê và trà đặc sẽ giúp các em tỉnh táo nhưng thực tế, các chất kích thích đó chỉ làm cho đầu óc mệt mỏi, kém minh mẫn và khó tiếp thu kiến thức hơn. Trong trường hợp cần thiết, có thể uống chút cà phê nhưng chỉ dùng vào buổi sáng, chiều, tuyệt đối không uống vào lúc đêm khuya.


MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.