Nhọc nhằn đường đến trường thi

Em Đinh Thị Ngọc Lan ôn lại bài trước ngày thi. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Em Đinh Thị Ngọc Lan ôn lại bài trước ngày thi. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TPO - Mồ côi cha, một mình lên Hà Nội đi thi, bố mang chim từ Cao Bằng xuống Thủ đô bán để hỗ trợ con lai kinh ứng thí… Muôn cảnh nhọc nhằn của sĩ tử trên đường đến trường thi đại học.

Con liệt sĩ một mình đi thi

Bố bị thương trong chiến tranh, mất năm 2001, khi Đinh Thị Ngọc Lan (quê Yên Phương, Ý Yên, Nam Định) mới được 5 tuổi. Mọi gánh nặng đè lên vai người mẹ gầy yếu cùng 4 đứa con (2 trai, 2 gái).

Nhà chỉ có mấy sào ruộng nên anh cả học hết 12 phải phụ giúp mẹ buôn bán hàng tạp hóa, sau đó lập gia đình. Càng ngày, mẹ càng yếu và phải trả ruộng cho xã, ở nhà trông cháu.

Biết chỉ có con đường học hành mới thoát được cái đói, cái nghèo, 3 anh em sau đều thi nhau học tập. Anh hai của Lan hiện học năm thứ 3 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Học cấp 3, năm đầu chỉ được học sinh tiên tiến, nhưng hai năm sau, Lan đã không ngừng phấn đấu, đạt học sinh giỏi toàn diện. Kỳ thi tốt nghiệp 12 vừa rồi, Lan được 36 điểm, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi.

Năm nay, Lan nộp đơn dự thi vào chuyên ngành Kinh tế, ĐH Kinh tế Quốc dân. Ngày 1/7, em khăn gói lên trường dự thi. Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình, nhà trường đã hỗ trợ em chỗ ở miễn phí.

Nhọc nhằn đường đến trường thi ảnh 1 Nhờ những chú sáo này, hai bố con ông Hoàng Văn Tuyên mới có thể trang trải trong hai đợt thi Đại học tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Nguyễn. 

Bán chim kiếm tiền đưa con đi thi

Đó là trường hợp của ông Hoàng Văn Tuyên (47 tuổi, quê xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, Cao Bằng). Vợ chồng ông Tuyên có hai con trai là Hoàng Đức Hạnh và Hoàng Quốc Huy. Ngày 1/7, ông Tuyên đưa con trai cả là Hạnh xuống Hà Nội dự thi Đại học Kinh tế Quốc dân (khối A) và Đại học Tài nguyên & Môi trường (khối B).

Gia đình chỉ trông vào ruộng nương, một năm trồng được một vụ lúa và vụ thuốc lá, thu nhập mỗi tháng trên dưới 1,5 triệu đồng. Tích cóp mãi, vợ chồng ông Tuyên cũng chỉ có 2 triệu đồng để hai cha con trang trải trong mấy ngày ở Hà Nội thi cử.

Một ý tưởng khá hay ho chợt lóe lên trong đầu, ông Tuyên đã leo lên núi cao khoảng 200m, lùng bắt chim sáo đá về nuôi. Cuối cùng, ông cũng kiếm được 10 con mang theo xuống Hà Nội bán.

Thật may mắn cho cả hai bố con khi vừa đặt chân tới cổng trường thi đã gặp ngay đội tiếp sức mùa thi. Sau một hồi hỏi han, các bạn tình nguyện dẫn hai bố con vào làm thủ tục và nhận phòng ở miễn phí trong ký túc xá.

Chỉ sau một ngày ở ký túc xá, ông Tuyên đã bán hết cả 10 con chim, thu được gần 5 triệu đồng. Vậy là hai bố con nghèo có thêm tiền trang trải cho những ngày thi.

Nhọc nhằn đường đến trường thi ảnh 2 Em Hà Thị Cài, mồ côi bố, dự thi vào ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: Tuấn Nguyễn. 

Một mình mẹ nuôi 6 chị em ăn học

“Bố mất khi em mới học lớp 5, một mình mẹ phải vật lộn với 8 sào ruộng nuôi 6 chị em ăn học” – em Hà Thị Cài (sinh năm 1996, học sinh trường THPT Tây Tiền Hải, Tiền Hải, Thái Bình) nói với phóng viên. Dáng người nhỏ nhắn, Cài luôn nở nụ cười tươi khi trò chuyện.

Bốn chị đầu đều đã lập gia đình, ở nhà làm ruộng hoặc buôn bán nên cũng hỗ trợ được mẹ những ngày mùa. Chị thứ 5 đang học ĐH Lâm nghiệp. Noi gương chị, năm nay, Cài nộp đơn dự thi cả hai khối A, B.

Khối A, em thi vào khoa Quản trị Khách sạn, ĐH Kinh tế quốc dân. Còn khối B thi vào ĐH Y Hải Phòng.

Hôm 30/6, Cài bắt xe lên Hà Nội, sau đó được một chị sinh viên cùng quê đưa tới gặp các anh chị tình nguyện ở trường và được sắp xếp vào ở miễn phí trong ký túc xá.

“Các anh chị tư vấn cho em chọn ngành này phù hợp năng lực của mình” – Cài tự tin sẽ cố gắng thi thật tốt để không phụ lòng mẹ và các chị.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.