Biển Đông nóng hổi trong đề thi

Học sinh trao đổi sau giờ thi môn Văn. Ảnh: Như Ý
Học sinh trao đổi sau giờ thi môn Văn. Ảnh: Như Ý
TP - Những ngày này, cả nước đang hướng về biển Đông vì hành động ngang ngược, bá quyền nước lớn của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta. Hơi nóng biển Đông cũng đã tràn vào đề thi tốt nghiệp môn Văn và môn Sử năm nay. Thí sinh và thầy cô giáo đều hứng khởi với đề tài biển Đông, ghi nhận của các PV Tiền Phong.

Thí sinh Đà Nẵng: Đề vừa sức

Ghi nhận nhanh tại các hội đồng thi THPT Trần Phú, THCS Tây Sơn, THPT Trần Hưng Đạo (Đà Nẵng)…, các thí sinh nhận định: Đề thi Văn năm nay thú vị, đặc biệt ở câu hỏi đọc hiểu (3 điểm) về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở biển Việt Nam. “Câu hỏi không quá khó, đánh đố thí sinh. Việc nêu những ý chính của văn bản, xác định phong cách ngôn ngữ văn bản và cách sử dụng những từ gạch chân: ngang nhiên, trái phép, hung hăng, nghiêm trọng... đều là những kiến thức, kỹ năng đánh giá văn bản, từ vựng cơ bản”, Nguyễn Bảo Nam (THPT Trần Phú) nói.

Thí sinh Nguyễn Thị Tú Anh, học sinh Trường THPT Quang Trung thi tại điểm thi Trường THPT Tây Sơn chia sẻ: Câu hỏi không chỉ mang tính thời sự cao, mà gây hứng thú cho thí sinh, có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, hiểu biết và cách cảm nhận của mình về một sự kiện lớn của vấn đề biển Đông, quốc gia và cả dân tộc.

Nguyễn Thị Mỹ Thuận, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng: Em cũng thường xuyên theo dõi trên báo chí nên nắm bắt được nhiều thông tin và có cách suy nghĩ của mình về vấn đề giàn khoan 981. Ở câu hỏi làm văn, yêu cầu phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch của Lưu Quang Vũ, các thí sinh cũng cho rằng đề thi bám sát chương trình trọng tâm, tác phẩm nằm trong nội dung ôn tập chính khóa nên thí sinh đều nắm khá rõ.

Chiều cùng ngày, kết thúc hai môn thi tự chọn: Vật Lý và Lịch sử, thí sinh Đà Nẵng tỏ ra tự tin thoải mái.

Môn thi Lịch sử, thí sinh cho rằng đề vừa sức và không quá đánh đố. Đặc biệt các thí sinh cũng tỏ ra hào hứng với ý b, câu 3 khi đề cập đến những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình của Liên Hợp Quốc và liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay.

Thí sinh TPHCM: Hứng thú với đề thi

Đa số thí sinh khẳng định đề Văn năm nay đổi mới nhiều và lạ hơn so với những năm trước. Nhiều thí sinh cũng bất ngờ bởi cấu trúc đề thi mới nhưng kết quả làm bài cũng đạt 70 – 80%. Tại một số hội đồng thi, có khá nhiều thí sinh nộp bài trước khi hết giờ từ 15 đến 20 phút.

Theo các thí sinh, cấu trúc đề thi năm nay thay đổi nhiều, chỉ có hai câu hỏi chính nhưng ở phần đọc hiểu lại chia thành ba câu hỏi nhỏ liên quan đến đoạn văn được trích dẫn về vấn đề biển Đông. Tuy câu hỏi này dài nhưng mang tính thời sự và được báo chí đề cập nhiều nên thí sinh làm bài khá tốt. Một điểm mới nữa là ở phần nghị luận được kết hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội với “con người cần được sống là chính mình.”

“Câu hỏi về biển đảo trong đề thi năm nay khá thú vị. Là con dân Việt Nam, em thấy rất bức xúc về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. Vấn đề này được báo đài liên tục cập nhật nên qua đó em cũng có được nhiều thông tin, kiến thức để làm bài. Em cảm thấy mình đạt được khoảng hơn 80% số điểm của đề thi này. Tuy nhiên, nếu bạn nào không quan tâm đến thời sự thì cũng gặp đôi chút khó khăn.” - Gia Quyền (học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM) nói.

Thí sinh Nguyễn Hữu Thiện (học sinh lớp 12A6, Trường THTP Marie Curie) cho biết, đề Văn năm nay dễ hơn năm trước bởi vấn đề biển Đông ngày nào em cũng theo dõi nên có nhiều kiến thức về vấn đề này. “Với đề Văn này, theo em rất khó bị điểm liệt bởi đây là vấn đề thời sự, là kiến thức thực tế mà trong thời gian qua được đưa ra bàn tán rất nhiều, khả năng bài thi này của em đạt 7-8 điểm”, Thiện nói.

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh vẫn bỡ ngỡ trước cấu trúc mới của đề thi, thí sinh Duy Khang (học sinh lớp 12A6, Trường THPT Lê Quý Đôn) nói: “Mặc dù thầy cô ôn tập khá kỹ về cách làm bài thi theo cấu trúc mới, nhưng trong khoảng thời gian một tháng em vẫn chưa thể làm quen được. Riêng câu nghị luận xã hội, vấn đề biển Đông em đoán là sẽ có trong đề thi nên theo dõi thông tin khá kỹ và làm bài được”.

Mỹ Hạnh, bạn chung lớp với Khang cũng nói: “Chúng em mới tiếp cận được với cấu trúc mới này được gần một tháng nhưng chưa được làm bài tập nào có dạng như thế này nên khi vào phòng thi em khá bất ngờ. Tuy nhiên, em cũng không gặp nhiều khó khăn với đề năm nay”.

Cô Trần Minh Hoàn (giáo viên dạy môn ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận 7) cho biết: “Đề thi môn ngữ văn năm nay vừa sức với học sinh, khắc phục được lối ra đề cho học sinh học chay học vẹt, đặc biệt có tính phân loại học sinh, nếu không có học lực môn văn khá giỏi thì khó đạt được điểm 7”.

Nguyễn Thị Hòa (học sinh lớp 12CA, trường THPT Nguyễn Hữu Huân) nói: “Sự đổi mới đề thi năm nay khiến em khá hứng thú, đề thi nhìn chung là dễ”.

Thí sinh Hà Nội: Kêu gọi đoàn kết dân tộc trong bài thi

Thí sinh Nguyễn Anh Tú, Trường THPT Dân lập Hồ Xuân Hương chia sẻ em không bất ngờ với câu hỏi về biển Đông và giàn khoan Hải Dương 981. Tú cho biết, trước khi thi, em đã lên mạng tìm đọc những bài viết liên quan nội dung trên. Tú viết một trang rưỡi, trong đó bày tỏ quan điểm: Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là sai trái, đáng lên án. Em kêu gọi người dân cả nước đoàn kết bên nhau, không nên có những hành động quá khích, ảnh hưởng đến hình ảnh của dân tộc Việt Nam yêu hòa bình.

Cũng giống Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Minh Quân, học sinh Trường THPT Đoàn Kết Hai Bà Trưng cho hay, đề thi môn Văn năm nay rất thú vị, nhất là câu hỏi ở phần đọc hiểu có nội dung liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981. Quân chia sẻ:“Khi nêu quan điểm của mình, em phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan này ra khỏi vùng lãnh thổ của Việt Nam. Nhấn mạnh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Văn Quang Dũng, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, vấn đề biển Đông và giàn khoan Hải Dương 981 nổi bật trên mạng những ngày qua nên em rất quan tâm. Trong bài thi dài hai mặt giấy của mình, Dũng nêu hành động của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động trái phép. Trung Quốc phải suy xét lại hành động của mình. Dũng kể thêm: “Em nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, gắn bó, truyền thống giữ gìn, bảo vệ độc lập, chủ quyền, quyết không chịu khuất phục của dân tộc ta. Đó là động lực để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù”.

Bộ GD&ĐT nhận định: Đề thi đáp ứng yêu cầu đổi mới

Trong báo cáo nhanh cuối ngày thi thứ nhất, Ban chỉ đạo thi Bộ GD&ĐT nhận xét rằng theo đánh giá chung ban đầu, đề thi của các môn Văn, Vật lý, Lịch sử có nội dung phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới mục tiêu thi là hướng đến đánh giá năng lực người học. Phần đọc hiểu trong đề thi môn văn sử dụng ngữ liệu ngoài SGK; đề thi môn Văn và đề thi môn Sử có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cập nhật được những vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân và phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo của thí sinh.

Đề thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các hội đồng coi thi, các phòng thi và thí sinh.

Bộ GD&ĐT cũng đánh giá ngày thi thứ nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi (gồm 63 sở GD&ĐT và Cục Nhà trường của Bộ Quốc phòng), thành lập 2.352 hội đồng coi thi, huy động 115.905 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Buổi thi môn Văn có tổng số 907. 912 thí sinh dự thi.

Quý Hiên

MỚI - NÓNG