Buồn như giáo viên dạy Sử

Thầy Quang trao đổi với học sinh nhà trường về môn Lịch sử. Ảnh: Nguyễn Huy
Thầy Quang trao đổi với học sinh nhà trường về môn Lịch sử. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - “Tôi dạy môn Sử, ít em chọn thi tốt nghiệp buồn lắm, lo và đầy trăn trở!”, thầy Phan Văn Quang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) tâm sự.

Ngậm ngùi

Hơn chục năm đứng lớp giảng dạy môn Sử, thầy Quang là giáo viên giỏi cấp thành phố. Nhiệt huyết thể hiện trong từng bài giảng đầy tính khoa học và cảm hứng nhưng thầy cho biết, thấy buồn khi cảm nhận sự “xuống dốc” của bộ môn này.

Năm nay, trường Trần Phú có hơn 1.000 học sinh cuối cấp, nhưng chỉ vỏn vẹn 13 em đăng ký thi môn Sử. Theo thầy Quang, nguyên nhân khiến học sinh bỏ môn Sử có nhiều. Học môn Sử và ngành học khối C hầu như các cá nhân chật vật xin việc khi ra trường. Nếu xin được thì thu nhập cũng thấp hơn so với khối ngành khác.

Bên cạnh đó, cách học, thi môn Sử ngày nay khá máy móc, thiên về học thuộc lòng, cách nhớ không theo quy luật. So với môn Địa, cùng là môn thuộc lòng, nhưng Địa có bổ trợ từ Atlat, cách vận dụng thực tiễn trong quá trình học nên có phần nhẹ nhàng hơn.

Khác với trước đây, hiện cách trình bày bài làm Sử yêu cầu ngắn gọn hơn, đi trực tiếp vào các số liệu, ngày tháng sự kiện khiến môn học càng thêm khô khan, thiếu hấp dẫn với học sinh.

Thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, sau hạn chốt danh sách môn thi tự chọn (ngày 7/5), trong gần 11 nghìn thí sinh ở khối THPT (chưa kể thí sinh tự do), Đà Nẵng có gần 500 em đăng ký ở môn Sử, chiếm tỷ lệ 4,5%, thấp nhất trong số các môn thi tự chọn.

Cô Trần Thị Hương - Tổ trưởng tổ Lịch sử (Trường THPT Trần Phú) thâm niên gần 30 năm đứng lớp môn Sử, cũng trăn trở: Phương pháp dạy Sử đã có nhiều thay đổi, cập nhật thông tin, hình thức dạy/học phong phú để tiếp cận học sinh. Nhưng rõ ràng Sử thực sự chưa chạm đến “trái tim” học trò và có xu hướng bị “bỏ rơi”.

Từng kinh qua nhiều môi trường, cấp bậc dạy học nhưng điều khiến cô hụt hẫng nhất là xu thế xã hội ngày nay với môn Lịch sử. Cô Hương bộc bạch: Thế hệ chúng tôi, ai học môn Sử, Văn… cũng đầy hào hứng. Cũng là học thuộc, nhưng rõ ràng ngày đó để có thời gian theo học, có sách vở khó khăn gấp vạn lần bây giờ. Môn Sử vẫn hấp dẫn đầy tự nhiên.

Cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên môn Sử, Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Thừa Thiên-Huế đồng tình: Học sinh chưa đến mức “đoạn tuyệt” với môn Sử, nhưng vì môn học này thường dài dòng, lắm sự kiện nên thiếu hấp dẫn.

Bên cạnh đó, phân bổ chương trình, cách giảm tải còn bất cập. Khi đổi mới phương pháp dạy học, môn Sử bị thêm bài nhưng cắt tiết. Sử lớp 12 giảm thời lượng học, trung bình chỉ đạt 1,5 tiết/tuần (so với lớp 10, 11 đạt 2 tiết/tuần).

Lượng kiến thức nhiều, thời gian eo hẹp, giáo viên chỉ mới nêu sự kiện lịch sử mà không có thời gian mở rộng kiến thức nên ít hấp dẫn như học Sử ngày trước. Hơn 30 năm đứng lớp dạy Sử, cô Huệ cảm nhận sau mỗi khóa học, môn Sử càng thêm “xa” học sinh.

Và hệ lụy

Nhiều giáo viên cho rằng, vẫn tồn tại quan niệm phổ biến về môn chính/phụ trong hệ thống giáo dục phổ thông. Từ lâu môn Sử mặc nhiên với tên gọi “môn phụ”, dẫn đến cách học đối phó, thụ động và có phần thực dụng.

Theo thầy Quang, thực tế nhiều người quan niệm Sử chỉ là kiến thức quá khứ, con số, sự kiện mà chưa hiểu hết giá trị của môn học này. Lịch sử là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.

Từ những kiến thức về lịch sử dân tộc và thế giới, môn Sử góp phần quan trọng trong bồi dưỡng lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tôn trọng các giá trị lịch sử văn hóa nhân loại.

Những giá trị này chuyển hóa vào nhận thức, hành động các thế hệ học sinh trong hình thành nhân cách và bản lĩnh con người, ý thức trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quay lưng lại với Lịch sử chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy khôn lường.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng kiêm Chánh văn phòng Hội Sử học Đà Nẵng, cho hay: Người học khối C khó xin việc nhưng ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, lịch sử, bảo tồn bảo tàng vẫn thiếu các nhà nghiên cứu, chuyên gia học thuật. Nếu không có những lớp trẻ nhiệt huyết, say mê thì chắc chắn sẽ còn khan hiếm những nhà nghiên cứu Sử kế tục về sau.

MỚI - NÓNG