Chỗ học cũng 'teo tóp'

Chỗ học cũng 'teo tóp'
Trước tình cảnh lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) vào các ngành khoa học xã hội ngày càng giảm, nhiều ngành đang tuyển sinh cầm chừng hoặc phải tạm đóng cửa.

Chỗ học cũng 'teo tóp'

> Hồ sơ khối C tiếp tục giảm

Trước tình cảnh lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) vào các ngành khoa học xã hội ngày càng giảm, nhiều ngành đang tuyển sinh cầm chừng hoặc phải tạm đóng cửa.

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tự học trong khuôn viên trường. Vài năm trở lại đây, số lượng thí sinh dự thi vào trường ngày càng giảm. Ảnh: Như Hùng
Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tự học trong khuôn viên trường. Vài năm trở lại đây, số lượng thí sinh dự thi vào trường ngày càng giảm. Ảnh: Như Hùng.

Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐHQG TPHCM) là trường đào tạo nhóm ngành xã hội hàng đầu tại khu vực phía Nam với hàng chục ngành đào tạo. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, số hồ sơ ĐKDT vào trường liên tục giảm dần đều. Đáng chú ý là từ việc chỉ tuyển sinh hai khối C, D, đến nay, trường đã bổ sung các khối A, B vào khối tuyển sinh nhưng hồ sơ ĐKDT vẫn liên tục giảm.

Đóng cửa ngành

"Với sự sụt giảm đáng kể hồ sơ khối C, nhiều cán bộ tuyển sinh dự báo nhóm ngành xã hội năm nay sẽ còn “teo tóp” nhiều hơn"

Năm 2008, trường nhận được 17.466 hồ sơ, năm 2009 giảm còn 12.497 và đến năm 2011 chỉ còn 11.292. Trong đó, nhiều ngành như lưu trữ học, giáo dục học, triết học, ngữ văn Đức... có lượng hồ sơ khá ít. Rất nhiều ngành phải xét tuyển NV2 với điểm sàn chỉ 14 điểm.

Tình hình diễn ra tương tự tại ĐH Huế. Với hàng chục ngành xã hội tuyển sinh khối C, D nhưng tỉ lệ chọi vào trường luôn giảm dần đều trong mấy năm gần đây, một số ngành số hồ sơ ĐKDT còn ít hơn cả chỉ tiêu.

Chẳng hạn, năm 2009, một số ngành như văn học, lịch sử, triết học, xã hội học, quốc tế học, Việt Nam học, các ngành ngoại ngữ... có tỉ lệ chọi dao động từ 2 - 4 nhưng sang năm 2010, tỉ lệ này giảm xuống phổ biến từ 1 - 2.

Trong đó, ngành tiếng Nga có tỉ lệ chọi 1/0,27, tiếng Pháp 1,1, triết học 1,3, Hán Nôm 0,8, ngôn ngữ 0,5... Điểm chuẩn những ngành này, vì thế, cũng chỉ bằng điểm sàn và phải xét tuyển rất nhiều chỉ tiêu bằng NV2, NV3.

Các trường ĐH địa phương tình hình còn “bi đát” hơn. Rất nhiều ngành khối xã hội của các trường ĐH Tây Nguyên, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh rơi vào cảnh hồ sơ ĐKDT ít hơn chỉ tiêu. Nhiều ngành phải tuyển sinh cầm chừng hoặc đóng cửa.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Vinh, trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết, chưa năm nào khối ngành xã hội lại tuyển sinh khó khăn như năm 2010. Một số ngành như quản lý văn hóa, công tác xã hội không có thí sinh để tuyển. Một số ngành phải đóng cửa, trong khi nhiều ngành khác phải gắng gượng tuyển sinh để giữ ngành.

Kết thúc kỳ thi tuyển sinh năm 2010, hàng loạt ngành xã hội, ngoại ngữ tại các trường ĐH Đà Nẵng, Văn Hiến, Hùng Vương, Nông lâm TP.HCM... đã phải đóng cửa do không tuyển được người học.

Vòng luẩn quẩn

Kinh phí ít ỏi

Thạc sĩ Đỗ Văn Bình - Trường ĐH Văn Hiến - nhấn mạnh những nguyên nhân trên xuất phát từ việc chưa coi trọng ngành khoa học xã hội. Từ đó, không đầu tư nhân lực, tài chính cho việc xây dựng và phát triển ngành khoa học xã hội, kinh phí cho việc nghiên cứu các đề tài khoa học xã hội cực ký ít ỏi.

Ông đưa ra dẫn chứng: kinh phí cấp cho các đề tài trọng điểm cấp bộ của ĐHQG TPHCM năm 2004 là gần 3,5 tỉ đồng, trong khi các đề tài của khối khoa học xã hội chỉ 560 triệu đồng.

Nhiều cán bộ quản lý cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do cơ cấu ngành nghề khối ngành xã hội khá hẹp, việc làm không nhiều và thiếu ổn định, thu nhập thấp và cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp thấp.

Không những thế, sự chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng khiến nhóm ngành này ngày càng mất dần sự hấp dẫn.

Phó Giáo sư Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - ví dụ: một sinh viên học ngành kinh tế, ngoại giao, nếu chưa tìm được việc theo đúng chuyên ngành thì với vốn kiến thức và ngoại ngữ của mình, có thể làm được nhiều công việc khác để kiếm sống. Trong khi đó, một sinh viên tốt nghiệp lịch sử, địa lý hay sư phạm, nếu không làm đúng chuyên môn, sẽ có ít cơ hội để chuyển đổi nghề nghiệp hơn.

Bốn năm đầu tư học ĐH, ai cũng mong muốn ra trường có được việc làm, có thu nhập, chí ít cũng đủ để có thể sống được, chưa nói việc nhiều sinh viên vay tiền học ĐH phải tính đến chuyện trả nợ. Do đó, khi chọn ban học trong trường phổ thông, phụ huynh đã tính đến định hướng khối thi ĐH sau này, rất ít người chọn học ban C.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, sự sụt giảm này còn có lý do từ công tác quản lý, chương trình đào tạo. Trong hội thảo về đào tạo nhóm ngành khoa học xã hội mới đây, Thạc sĩ Ngô Thị Kim Dung - Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng, việc mất sức hút của nhóm ngành khoa học xã hội có nguyên nhân từ việc mở ngành này ở bậc ĐH khá dễ dãi trong khi lại thiếu đầu tư cho giáo trình, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Bà Dung cho biết, trong các trường ĐH, nhóm ngành khoa học xã hội thường chậm đổi mới nhất về phương pháp giảng dạy, hệ thống giáo trình lạc hậu, hoạt động nghiên cứu khoa học yếu.

Sự sụt giảm thí sinh dự thi vào khối ngành xã hội nhân văn được nhiều cán bộ quản lý ở các trường ĐH đánh giá sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Trong điều kiện thí sinh thi vào khối xã hội ngày càng giảm, nhiều trường đã mở thêm khối thi để mở rộng nguồn tuyển với hi vọng nâng cao chất lượng đầu vào. Nhiều ngành tại các trường khối xã hội bổ sung khối thi A, B cho những ngành đào tạo, bên cạnh hai khối C, D truyền thống.

Kỳ thi tuyển sinh năm 2011, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã bổ sung khối A vào 10/18 ngành đào tạo của trường, bên cạnh các khối C, D trước đây. Trước đó, nhiều trường đã thực hiện việc bổ sung khối thi tuyển sinh.

Phó trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TPHCM cho rằng, một số ngành xã hội, thí sinh khối A sẽ tư duy logic tốt hơn, học tốt hơn thí sinh khối C, D. Việc bổ sung khối thi để mở rộng đầu vào là cần thiết trong điều kiện thí sinh khối C ngày càng ít. Tuy nhiên, việc này cũng có hai mặt.

Chỉ tiêu cho các ngành khối xã hội vốn không nhiều, khi bổ sung khối thi, chỉ tiêu cũng phải chia ra theo một tỉ lệ nhất định. Điểm đầu vào có thể cao hơn nhưng cơ hội cho thí sinh khối C, D sẽ càng ít đi.

Chúng ta có thể giải quyết được một phần bài toán đầu vào nhưng xét trên bình diện chung thì các khối thi tự nhiên sẽ ngày càng lấn lướt, đồng nghĩa với việc người thi khối C, D sẽ ngày càng ít đi.

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.