Chuyện quanh ngôi trường thi 27 điểm vẫn trượt

Thí sinh Nguyễn Viết Mạnh đang xem lại bài thi môn Hóa. Ảnh: H.Nguyên (Gia đình và Xã hội)
Thí sinh Nguyễn Viết Mạnh đang xem lại bài thi môn Hóa. Ảnh: H.Nguyên (Gia đình và Xã hội)
Trung bình mỗi môn thi 9 điểm vẫn trượt đại học, đó là câu chuyện của nhiều thí sinh thi vào ĐH Y Hà Nội năm ngoái. Năm nay, nhiều thí sinh vẫn lựa chọn thi vào trường này với kỳ vọng: Mình sẽ là một trong những người may mắn đỗ vào Trường ĐH Y danh tiếng.

Bố bị câm, cô đưa cháu đi thi

Sáng 10/7, trong cơn mưa tầm tã, hàng trăm phụ huynh bám trụ bên ngoài điểm thi ĐH Y Hà Nội để đợi thí sinh. Ông Lê Văn Bắc dậy từ 5h sáng, hai bố con chạy xe máy từ Mê Linh về nội đô để đưa con đi thi. Ông Bắc bảo, thuê trọ Hà Nội quá tốn tiền.

Vì thế, ông cùng con thức dậy từ 4h sáng. Khoảng 5h thì hai bố con khởi hành. Buổi trưa, hai bố con ăn đĩa cơm bụi giá 40.000 đồng/suất rồi ngồi vạ vật vỉa hè chờ buổi thi kế tiếp.

Trước khi con thi, nhà đã bán lợn được gần 4 triệu đồngđể bố con tiêu dè. Ông Bắc cho biết, vợ chồng ông đều thuần nông. Nhà có 3 sào ruộng. Lúc nông nhàn, vợ chồng ông lại đi phụ hồ thuê kiếm tiền nuôi con ăn học.

Con trai lớn của ông Bắc đang học năm thứ 4, ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm nay, ông đưa cậu con trai thứ hai thi vào ĐH Y Hà Nội. Ông khoe, 3 năm THPT cháu đều là học sinh giỏi, từng đoạt giải khuyến khích môn Toán của huyện và là thành viên đội tuyển Toán để đi thi thành phố. “Đời mình khổ vì không có cái chữ nên giờ làm thuê làm mướn gì cũng phải cố gắng cho con ăn học đến nơi đến chốn”, ông Bắc nói.

Cạnh ông Bắc là một phụ nữ khắc khổ, ngồi chống cằm chờ đợi, đôi mắt dõi vào cánh cửa trường thi lo lắng. Chị là Nguyễn Thị Thanh ở Vĩnh Phúc. Chị cho biết, mình là cô ruột, đang đưa thí sinh Nguyễn Giang Nam đi thi. Nam là học sinh chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc.

Cả 3 năm THPT, Nam đều đoạt giải khi thi học sinh giỏi môn Hóa cấp tỉnh. Bố em bị câm bẩm sinh, mẹ thì không biết chữ, không biết cả đi xe đạp nên việc học hành của anh em Nam đều do một mình cô Thanh lo lắng, kể cả việc họp phụ huynh.

Trước khi đi thi, bố mẹ Nam đưa cho chị Thanh được 1,5 triệu đồng để chi tiêu cho cả hai đợt. Hai cô cháu cũng sáng đi tối về. Trưa thì vạ vật cơm bụi và ngồi vỉa hè chờ vào thi môn tiếp. Chị Thanh cho biết, không hiểu sao Nam rất say mê và chỉ có nguyện vọng vào Y-Dược.

Năm ngoái, Nam thi vào ĐH Dược, được 26 điểm nhưng vẫn trượt. Năm nay, Nam quyết tâm ở nhà tự ôn để thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội và thi vào ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội.

Học Y không như là mơ

Vừa ra khỏi phòng thi, xem lại đề thi môn Hóa với vẻ mặt bình thản, thí sinh Nguyễn Viết Mạnh (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, em là học sinh chuyên Lý, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội).

Do năm ngoái nhiều bạn thi được 27 điểm mà vẫn không đỗ ĐH Y Hà Nội nên năm nay, Mạnh chọn thi vào Khoa Dinh dưỡng (khoa có điểm chuẩn thấp nhất của ĐH Y) cho an toàn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là lựa chọn thứ hai của Mạnh bởi em mong muốn nhất là vào được ĐH Bách khoa Hà Nội, đã thi đợt 1.

Trong những ngày này, chúng tôi đã tìm gặp lại em Nguyễn Hữu Tiến - thủ khoa ĐH Y Hà Nội năm 2013 - sau một năm em học ở trường. Tiến có người bố từng phải sống trong ống cống, bươn trải hơn 10 năm ở thành phố làm nghề xe ôm, bơm vá xe đạp, nay đây mai đó để mưu sinh và nuôi các con.

Tiến chia sẻ, hiện em đang được một ngân hàng đứng ra tài trợ toàn bộ học phí cho 6 năm học nên không quá áp lực. Em đã tìm thuê một căn phòng trọ 16m2 và sống cùng bố, em trai và chị gái với giá 2 triệu đồng/tháng.

Hiện, chị gái Tiến vừa tốt nghiệp CĐ Giao thông vận tải và đang chờ xin việc làm nên gia đình phải chi tiêu vô cùng tiết kiệm. Mỗi sáng, bố con Tiến thường ăn cơm nguội với muối vừng. Buổi trưa, hôm nào không về nhà thì Tiến ăn cơm bụi với giá 15.000 đồng/đĩa cho tiết kiệm.

Với lịch học căng thẳng, cộng với việc chưa quen cách học đại học nên học kì 1, Tiến chỉ có điểm tổng kết là 7,4 nên không đạt được học bổng. Sang học kỳ 2, Tiến thay đổi cách học và có điểm tổng kết trên 8,0. Tiến cho biết, đến bây giờ em vẫn không ân hận khi thi vào ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, với nhiều bạn thì chắc không hình dung được, học trường Y cực kì vất vả.

Như Tiến, ở học kì 1 em phải học cả ngày trong tuần và thi vào thứ Bảy, Chủ nhật. Dự kiến đến tận năm thứ ba, các em vẫn giữ lịch học căng thẳng này và có khi phải trực ở bệnh viện 24/24 giờ. “Với lịch học và trực thế này, quả thật rất vất vả với nhiều sinh viên, đặc biệt các bạn nữ”, Hữu Tiến nói.

Theo Hạnh Nguyên

Theo Gia đình và Xã hội
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.