Học sinh không mặn mà với tuyển sinh riêng

Thi chung hay thi riêng đang là băn khoăn của nhiều học sinh.
Thi chung hay thi riêng đang là băn khoăn của nhiều học sinh.
Mùa tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức xác nhận bằng văn bản để 62 trường đại học, cao đẳng được thực hiện tự chủ tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng.

Điều này sẽ tạo thêm cơ hội tuyển đầu vào cho các nhà trường, đồng thời cũng là cơ hội được học đại học cho các em học sinh. Tuy nhiên, thực tế, đến thời điểm này, học sinh có thực sự mặn mà với đề án này?

Mỗi trường một cách?!

Trường Đại học Hòa Bình, một trong những trường đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý với đề án tuyển sinh riêng. Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Hòa Bình là 800 sinh viên. Trong đó một nửa chỉ tiêu tuyển sinh bằng hình thức 3 chung của Bộ. Còn lại sẽ thực hiện bằng đề án thi riêng của trường, đó là xét kết quả 5 kỳ học của thí sinh trong 3 năm học THPT.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Trọng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình, quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp các trường tốp dưới giải quyết được vấn đề khan hiếm nguồn tuyển bấy lâu nay.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Trọng cho biết, điều này thuận lợi cho các trường ĐH ngoài công lập, ví dụ như trường ĐH Hòa Bình có khoa thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa. Trước đây các em phải thi vào các trường lớn nhưng năm nay các em chỉ phải xét hồ sơ.

Tuy nhiên, ông Trọng cũng như đại diện các trường đại học, cao đẳng có đề án tuyển sinh riêng cũng nhận thấy những khó khăn nhất định, bởi đây là năm đầu tiên thực hiện đổi mới thi cử, khi ngày thi đang cận kề.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hoàn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt, Hà Nội cho rằng, là đề án mới nên sẽ có khó khăn với học sinh. Nếu như tuyển sinh chung, các bạn có thể dễ dàng chia sẻ với nhau.

Nhưng nếu như 62 trường với 62 cách thức khác nhau, thi khác nhau, xét tuyển khác nhau, hồ sơ khác nhau và như thế thông tin các em phải tìm hiểu nhiều quy chế khác nhau.

Phương thức thi 3 chung vẫn được lựa chọn nhiều

Một thực tế hiện nay, đối với các em học sinh lớp 12, chọn ngành, chọn trường dường như được các em định hướng từ năm lớp 10, 11 hoặc đầu năm lớp 12.

Bên cạnh đó, năm nay có quá nhiều thay đổi trong tuyển sinh và thi tốt nghiệp khiến các em phải gồng mình chạy theo. Do đó, tâm lý lựa chọn phương thức thi 3 chung vẫn được các em lựa chọn nhiều hơn.

Em Lê Nguyễn Diệp Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Đức cho biết, việc thi riêng năm nay mới áp dụng nên sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, việc thông báo cũng hơi gấp nên bọn em cũng chưa có thời gian chuẩn bị vì bọn em có định hướng từ năm lớp 10, 11 cho nên tâm lý chưa chủ động và có phần khá hoang mang.

Cô Lê Thúy Vân, giáo viên Trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết, về tuyển sinh đại học năm nay, học trò cũng băn khoăn khi mà các trường tự tuyển sinh riêng. Các em không biết chương trình chuẩn như thế nào, nên lớp tôi chủ nhiệm không có ai thi vào trường có đề án tuyển sinh riêng cũng vì lẽ này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại TP. Hồ Chí Minh chỉ có 3 hồ sơ dự tuyển bằng đề án tuyển sinh riêng. Tỉnh Quảng Nam chỉ có 5 hồ sơ.

Đại diện các sở khác cũng cho biết học sinh hầu như không mặn mà với việc tuyển sinh riêng. Và như vậy, các trường đại học cao đẳng có đề án tuyển sinh riêng, nếu sau đợt thi 3 chung và đợt tuyển sinh riêng lần 1 mà vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì vẫn còn cơ hội xét tuyển thêm đợt 2.

Tuy nhiên, điều các chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội vẫn lo ngại chất lượng nguồn tuyển sẽ như nào bởi sự “vơ bèo vạt tép” ấy.

Theo Thanh Phong

Theo Sức khỏe đời sống
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.