Không được từ chối thí sinh khuyết tật

Không được từ chối thí sinh khuyết tật
TP - Khi còn mấy ngày là đến hạn chót nộp hồ sơ tuyển sinh, thí sinh khiếm thị Nguyễn Quang Nhị (THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh) gọi điện đến báo Tiền Phong cầu cứu.

Nhị cho biết, em bị khiếm thị cả 2 mắt từ nhỏ nhưng vẫn vượt qua hoàn cảnh để học hết bậc phổ thông. Những ngày thi tuyển sinh sắp đến, ước mơ sau bao ngày đi bộ dò dẫm đến trường của Nhị (khi có bạn giúp dẫn đường đến trường, khi không) là thi đỗ vào một trường đại học, mấy trường đại học (ĐH) đều từ chối, không nhận hồ sơ.

Ngày 14-4-2011, ngày cuối cùng nhận hồ sơ dự thi tuyển sinh, Nhị tiếp tục gọi đến báo Tiền Phong nhờ giúp đỡ.

Báo Tiền Phong đã liên lạc với Vụ ĐH- Sau ĐH, Bộ GD&ĐT và được ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên của Vụ giải thích: Theo Luật Người khuyết tật mới ban hành, người khuyết tật được chia làm 3 mức khác nhau: nhẹ, nặng và rất nặng.

Tuy nhiên, vì mới ban hành nên chưa có hướng dẫn cụ thể và đặc biệt chưa có quy định rõ ràng khuyết tật ở mức độ nào được coi là nặng và không nặng cũng như chưa xác định cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám định và xác nhận.

Chính vì vậy, trong thông tư số 11/2011/TTBGDĐT của Bộ GD&ĐT (ban hành ngày 28-2-2011) chỉ có thể hướng dẫn bổ sung điểm d và điểm đ vào khoản 3 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh mới nhất như sau: đối với “Thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày (tương đương loại nặng), hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học”.

Ông Đỗ Thanh Duy cũng cho biết, các học sinh khuyết tật nhẹ hơn mức kể trên được coi như là thí sinh bình thường khác.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ đối với người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: thí sinh khuyết tật nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh bình thường như tất cả các học sinh khác và theo đúng hạn quy định của Bộ GD&ĐT.

Các thí sinh khuyết tật không cần thiết phải liên lạc với trường để trình bày tình trạng sức khỏe của mình. Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố sẽ có trách nhiệm liệt kê học sinh khuyết tật và các trường ĐH, CĐ có trách nhiệm tổ chức thi tuyển sinh cho các thí sinh. Ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh: các trường không được quyền từ chối các thí sinh khuyết tật.

Sáng 15-4-2011, thí sinh Nguyễn Quang Nhị thông báo: em đã may mắn được trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TPHCM nhận hồ sơ và hứa sẽ xem xét.

Theo thông tin từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ở Việt Nam có hơn 5 triệu người khuyết tật, chiếm 6% dân số của cả nước. Luật người khuyết tật bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2011.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG