Người Sài Gòn vay tiền, thuê nhà lo cho sĩ tử đi thi

Cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt dọn phòng để đón thí sinh.
Cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt dọn phòng để đón thí sinh.
Mỗi mùa thi về, nhiều người dân ở Sài Gòn lại dang rộng vòng tay hỗ trợ thí sinh từ mọi miền quê lên. Có những hộ, dù gia cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng lo lắng đầy đủ cho sĩ tử.

Giúp đỡ tận tình

Đã 4 năm nay, cứ đến cuối tháng 6 là cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt (411/6, Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình) lại sắp xếp nhà cửa, mua chăn, màn để đón các sĩ tử về trọ trong những ngày thi. 

Cô tâm sự: “Tôi cũng là dân tỉnh, từng đi thi, được cho ở nhờ nên thấu hiểu nỗi khó khăn của các em từ quê lên. Bây giờ, có nhà cửa ở Sài Gòn lại được ông xã ủng hộ nên tôi giúp lại sĩ tử”.

Thí sinh đến với cô Nguyệt đều được giúp đỡ các điều kiện sinh hoạt tận tình. Ba căn phòng rộng 20 m2/phòng được dọn sạch sẽ, có đủ giường tầng, quạt, đèn học… cho khoảng 50 em trong hai đợt thi. 

Cô cũng tự mua mới chăn, màn, chiếu và bao ăn đủ ba bữa cho phụ huynh, thí sinh. Những điều kiện sinh hoạt khác như Internet, tivi, máy giặt… đều được cô đáp ứng đầy đủ.

Cô Nguyệt dự tính, nếu đông thí sinh thì sẽ dọn bớt đồ đạc ở nhà khách, phòng bếp. “Trường hợp quá tải tôi sẽ vận động con, cháu chịu khó nhường phòng cho các em. Mỗi năm chỉ có 1 lần, mình cố gắng chăm lo, tạo điều kiện cho các em thi tốt”, cô Nguyệt tâm sự.

Cũng tấm lòng thơm thảo như cô Nguyệt, từ 7 năm nay bà Nguyễn Thị Huệ (271, Bưng Ông Thoàn, Q.9) đều đón khoảng 200 thí sinh, phụ huynh về nhà mình trong hai đợt thi. Căn phòng rộng 420m2, trước kia vốn là xưởng may, được bà thu hết đồ đạc, mắc thêm điện, quat, chia thành hai phòng cho những cô cậu học trò nghèo, phụ huynh ở.

Sáng bà dậy từ 4h30 pha nước trà, đi mua bánh mì, mì gói về lo ăn sáng cho mọi người. Xong đâu đó, cô đi chợ mua thức ăn về nấu cho bữa trưa, bữa tối. Nhiều sinh viên tình nguyện thấy vậy, cũng góp thực phẩm, phụ giúp bà nấu nướng. 

Đến ngày thi, bà Nguyệt kiểm tra kỹ CMND, phiếu báo thi từng người mới cho đi thi; chia thành từng cụm theo trường và cử người dẫn đi bắt xe buýt.

Tham gia Tiếp sức mùa thi từ năm 1997 nên việc giúp đỡ sĩ tử, từ lâu đã trở thành truyền thống của gia đình ông Trần Ngọc Anh (144/3A/1 Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh). Cả tuần nay, ông tất bật dọn dẹp lại 3 phòng, mỗi phòng rộng 32 m2. 

Sau đó ông chạy ra chợ mua sẵn 100 thùng mì gói và một số đồ dùng thiết yếu như xà bông, sữa tắm, bột giặt, dầu gội đầu... cho thí sinh. Năm nay, ông dự tính đón khoảng 20-30 thí sinh nam. Tất cả đều được ông giúp đỡ tận tình từ giấc ngủ đến bữa ăn.

“Tôi giúp đỡ mọi thứ, không lấy của các em một thứ gì. Hy vọng các em gắng chăm chỉ, thi đạt kết quả cao, đó là niềm vui của tôi”, ông Anh chia sẻ.

Vay tiền, thuê phòng để lo cho sĩ tử

Nhiều người dân Sài Gòn, dù điều kiện cuộc sống chật vật nhưng cũng cố gắng giúp đỡ hết sức sĩ tử nghèo. Họ coi đó như là một trách nhiệm của mình. Như trường hợp của cô Nguyễn Thị Huệ, cả hai vợ chồng đã về hưu. Nên để có đủ tiền lo cho “người dưng”, hai người phải tiết kiệm, chi tiêu dè sẻn từ đầu năm.

Người Sài Gòn vay tiền, thuê nhà lo cho sĩ tử đi thi ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Huệ ghi chép thông tin thí sinh tại căn phòng mà cô sẽ cho các em ở.

Cô Huệ bộc bạch: “So với mọi năm thì năm nay, kinh tế gia đình tôi khó khăn hẳn, số tiền tiết kiệm không đủ. Tôi muốn mua khoảng 200 cái chiếu, để các em đỡ phải nằm đất mà vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy nên tôi đành đi xin những tấm drap trải giường cũ của nhà nghỉ, khách sạn để các em nằm cho ấm”.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là tài chính. Cô dự tính, nếu đến cuối tháng 6 mà không đủ tiền thì sẽ đi vay mượn. “Tôi cảm thấy việc giúp đỡ này như là trách nhiệm mà không thể không thực hiện. Cũng vui khi có nhiều sinh viên tình nguyện giúp đỡ mình nấu ăn, dọn nhà cửa. Có người còn biếu gạo, tiền nhưng tôi không dám nhận”, cô Huệ tâm sự. Không chỉ lo cho thí sinh cô Huệ còn nấu cơm cho các sinh viên tiếp sức mùa thi.

Cuộc sống khó khăn hơn cả cô Huệ, nhưng chú Lê Ngọc Hải (260, P.12, Chu Văn An, Q.Bình Thạnh) vẫn ráng chắt chiu lo cho sĩ tử nghèo. Hiện tại, đang ở trọ nhưng chú Hải cũng đón 7-10 nam sinh về ở cùng trong mùa thi. 

Những năm trước, công việc chạy xe ôm ở bến Bạch Đằng ổn định nên chú còn dành dụm được tiền. Nhưng khi xảy ra vụ chìm tàu ở bến nên suốt 3 tháng chú Hải thất nghiệp. Rồi chú bỏ hẳn nghề xe ôm, xoay sang bán trái cây ngoài chợ. Thu nhập chẳng là bao, nên có tháng chú phải thiếu tiền thuê phòng hoặc trả góp nhiều lần.

Chú Hải băn khoăn: “Những năm trước, tôi còn lo được bữa cơm, đưa đi thi chứ năm nay thì chắc chỉ cho các em ở chung được thôi”.

Không những vậy, chú Hải còn đang giúp đỡ một sinh viên, từng được chú cho ở trong mùa thi. Tương tự, cô Nguyệt cũng nuôi hoàn toàn miễn phí một nam sinh viên vì thấy em ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó.

Thuộc diện khó khăn, nhà lại chật (10m2) nhưng suốt 10 năm nay, cô Nguyễn Thị Như Hòa (430/24, Điện Biên Phủ, P.12, Q.Bình Thạnh) vẫn đón thí sinh về ở cùng. Và để có tiền mua chăn gối, lo ăn uống cô đã đi lượm ve chai. “Thật sự tôi không có nhiều tiền, vừa rồi có người có người quý nên gửi tôi 1 triệu để giúp đỡ các em. Tôi liền thuê ngay một phòng giá 500 ngàn cho 4 em nữ ở”, cô Hòa cho biết.

Theo anh Dương Trọng Phúc (phó ban TSMT tại TP.HCM), tính đến ngày 22/6 các đội tiếp sức ở nhà ga, bến xe, trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM đã tiếp đón, tư vấn cho hơn 25.605 lượt thí sinh và phụ huynh; giới thiệu 5.231 chỗ trọ (526 chỗ trọ miễn phí), còn lại 30.798 chỗ trọ giá rẻ (có 4.608 chỗ trọ miễn phí); phát tặng hơn 22.387 bản đồ xe buýt, cẩm nang tuyển sinh.

Người Sài Gòn vay tiền, thuê nhà lo cho sĩ tử đi thi ảnh 2

Sinh viên tình nguyện tại chốt Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) tư vấn cho phụ huynh, thí sinh.

Năm nay các chùa, giáo xứ tiếp tục hỗ trợ thí sinh khó khăn vào ở miễn phí, một số chùa còn tặng cơm chay, cho người đưa đón thí sinh đi thi. Những chùa có nhiều năm nhận thí sinh khó khăn vào ở miễn phí như chùa Bồ Đề, Pháp Vân (Q.Bình Thạnh), Trung Nghĩa (Q.Gò Vấp), Vạn Thiện (Q.5). Các giáo xứ Hàng Xanh, Tân Định, Tân Bình, nhà dòng Đức Bà (Nam Kỳ Khởi Nghĩa)... cũng đang chuẩn bị chỗ ngủ để đón thí sinh.

Theo Như Quỳnh

Theo Zing
MỚI - NÓNG