Ông Dương Trung Quốc: Học sinh không chọn sử vì thực dụng

 Thí sinh Phạm Khánh Linh làm bài thi Lịch sử chiều 2/6 tại hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội). ảnh: như ý
Thí sinh Phạm Khánh Linh làm bài thi Lịch sử chiều 2/6 tại hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội). ảnh: như ý
TP - Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận định như vậy với Tiền Phong bên hành lang Quốc hội ngày 4/6.

“Việc ít học sinh đăng ký thi môn Sử phản ánh việc dạy và học môn Sử có vấn đề và cũng có thể phản ánh sự e ngại của các em”, ông Quốc nói. 

Là nhà sử học, ông có lý giải gì về việc ít học sinh chọn thi môn Lịch sử, có hội đồng chỉ có 1 em và có trường không có em nào?

Đăng ký dự thi phải tìm sự bảo đảm cho các em, cho nên sự lựa chọn đó có thể nói là mang tính chất thực dụng, thực tế, là điều rất chính đáng. Nhưng cũng đừng vội lấy một hai trường hợp đó để mà quy kết chuyện khác. Dường như chúng ta đang muốn nhắc đến bối cảnh hiện nay, lấy việc học Sử để thể hiện lòng yêu nước. Đề thi Sử vừa rồi đã được xã hội, những người trong nghề như chúng tôi quan tâm. Đó cũng là một cách làm thay đổi dần dần từng bước quan niệm về học Lịch sử. Nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa, nói rằng học sinh không học Sử là không thể hiện lòng yêu nước.

Ông Dương Trung Quốc: Học sinh không chọn sử vì thực dụng ảnh 1 ĐB Dương Trung Quốc

Làm sao để các em yêu thích môn Sử hơn?

Hệ thống chương trình phải thay đổi hết sức căn bản, thay đổi cách dạy Sử, nhưng gần như là chúng ta không quan tâm đến đặc thù của môn này. Học Sử khác với học các môn học khác. Học Sử là câu chuyện cả đời, chứ không chỉ dừng lại ở học các nội dung ở trong nhà trường. Trong nhà trường chỉ trang bị một số kiến thức hết sức cơ bản thôi.

Theo ông, cần phải thay đổi phương pháp dạy môn Lịch sử từ đâu?

Học Sử là câu chuyện cả đời, chứ không chỉ dừng lại ở học các nội dung ở trong nhà trường. Trong nhà trường chỉ trang bị một số kiến thức hết sức cơ bản thôi”.

ĐB Dương Trung Quốc

Việc đầu tiên tôi nghĩ, phải xem lại chương trình. Quan niệm học Sử không phải là nhồi nhét kiến thức và làm khổ sai trí nhớ, học Sử chỉ là phương pháp tư duy. Nói đơn giản là “lấy xưa nói nay”, “ôn cố tri tân”. Sức hấp dẫn của Lịch sử không phải là những con số mà chính là những bài học ngụ ngôn. Chúng ta nên thay đổi quan niệm, thoát ra khỏi nhận thức là gắn môn Lịch sử với chính trị một cách máy móc, vì điều đó sẽ làm cho môn Lịch sử thiếu hấp dẫn.

Có những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước xảy ra gần đây, nhưng sách giáo khoa Lịch sử lại bỏ qua, có lúc còn viết sai?

Sách Lịch sử không thể phản ánh tính thời sự được, chúng ta đang mắc phải chuyện đó. Nó phải có độ lùi và sự đúc kết. Nhưng trong giảng dạy, thầy cô giáo có thể liên hệ, tạo ra tư duy lịch sử liên hệ với hiện nay, chứ đừng nhồi nhét vào bất cứ chuyện gì. Ví dụ vấn đề biển Đông đang nóng, không thể nhét câu chuyện ngày hôm nay vào mà phải nói rằng ông cha ta đã tiếp cận biển Đông như thế nào, khai thác như thế nào, điều đó có thể liên hệ với ngày hôm nay. Dạy Lịch sử là một nghệ thuật, không phải nhồi nhét kiến thức. 


Vậy ông có cho rằng, Bộ GD&ĐT cần sớm thay đổi giáo trình Lịch sử cho phù hợp hơn?

Đó là điều đương nhiên, nhưng trước khi thay đổi sách giáo khoa, phải xác định học cái gì, học như thế nào. Cộng vào đó việc giảng dạy, học tập, thi cử và những giá trị ngoài xã hội như thế nào thì điều đó mới là quan trọng.

Cảm ơn ông.


MỚI - NÓNG