Tự chủ tuyển sinh: Sàn mới là bao nhiêu cũng vô nghĩa

Thí sinh đạt điểm 6,0 trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH sẽ vào ĐH. Ảnh: hồng vĩnh
Thí sinh đạt điểm 6,0 trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH sẽ vào ĐH. Ảnh: hồng vĩnh
TP - Sau cuộc thảo luận về tiêu chí điểm sàn ở Hà Nội các chuyên gia cho ra một ý tưởng về 4 mức điểm sàn khác nhau cho kỳ thi tuyển sinh năm 2014. Ngày 24/3/2014, ngành GD&ĐT lại tiến hành một cuộc bàn thảo tương tự tại TPHCM, bàn về điểm sàn mới.

Phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập, về các tiêu chí mới được đề xuất.

Ông có nhận xét gì về ý tưởng 4 mức sàn là kết quả của cuộc bàn thảo tại Hà Nội?

Để riêng phương án 4 mức sàn thì có vẻ rất hợp lý. Nhưng trong hoàn cảnh quy định về tiêu chí đảm bảo chất lượng của các trường ĐH tự chủ tuyển sinh thì có thể thấy một sự cập kênh, không ăn nhập.

Vì sao ông nhận xét như vậy?

Trường xét tuyển dễ sẽ cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng kém. Dù cho cơ chế “ tự lắc” xảy ra vì những người học trường không đảm bảo chất lượng sẽ không xin được việc làm và trường loại này tự phá sản thì việc này cũng làm hỏng 1 thế hệ học ĐH.

Ông Lê Trường Tùng

Tôi đã đọc kỹ các phương án tuyển sinh riêng của hơn 60 trường, chủ yếu ngoài công lập (NCL) mà Bộ GD&ĐT phê duyệt được phép tuyển sinh riêng thấy việc xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Điều đáng chú ý là, dù sử dụng 1 trong 2 tiêu chí đó hoặc cả 2 thì ngưỡng vào ĐH chỉ là đạt 6,0 điểm tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập ở phổ thông cũng chỉ cần 6,0 điểm. Thử hình dung, nếu một kỳ thi tốt nghiệp mà tỷ lệ là 99% thì có tới 90% thí sinh đạt điểm 6,0 (đủ điều kiện vào đại học), còn điểm để vào được CĐ là 5,0%.

Có thể nói điều kiện để vào ĐH, CĐ như thế là quá dễ! Vậy thì bàn hay định điểm sàn dù là 4 mức hay cao kiến nào cũng không còn ý nghĩa gì nữa?

Ông có bi quan quá không?

Cứ đà này, các trường sẽ lấy theo điểm phổ thông như đã nói ở trên, cần gì phải lấy điểm thi ba chung quá thấp cho mang tiếng, mà như thế lại lấy được nhiều người học!

Thêm nữa, các trường top đầu, và cả không top sau thi ba chung thì phương án này đang được mang ra mổ xẻ để chặn ngưỡng điểm sàn thật cao. Một bên là lấy dễ ở mức 6,0 thi tốt nghiệp, một bên là thí sinh phải đạt sàn thi ba chung. Như vậy vừa không đạt tiêu chí đảm bảo chất lượng như Bộ GD&ĐT mong muốn, vừa có thể dẫn đến mất công bằng xã hội.

Nếu để dễ tuyển sinh cho cả “làng” thì cũng là phương án “tối ưu”; có ai “chết” đâu?

Một thí sinh được xét tuyển với điểm tốt nghiệp 6,0 và vào học ở một trường, sau đó thí sinh này chuyển vùng và nghiễm nhiên có thể được chuyển đến học ở một trường mà điểm đầu vào rất cao. Hay một thí sinh đang học cao đẳng, hoàn toàn có thể dùng điểm tốt nghiệp của năm trước, để vào học mà không cần thi lại vào ĐH như quy chế mới đưa ra năm trước khiến các thí sinh học liên thông đã từng một phen toát mồ hôi.

Tuyển sinh sẽ rối loạn và ảnh hưởng đến toàn hệ thống mà, nhiều khi, các nhà hoạch định chính sách không thể lường trước. Nếu vậy, rất có thể, sẽ lặp lại một số điều đã từng hy hữu xảy ra. Và nếu dùng kết quả thi tốt nghiệp hay kết quả học phổ thông thì việc tìm biện pháp để đặt ngưỡng sẽ trở lên vô nghĩa!

Đã cập kênh như thế thì có cách nào gỡ không, thưa ông?

Điều quan trọng là phải nhận ra sự cập kênh trong 2 cách đặt ngưỡng đó và gộp chung 2 cách đánh giá không bằng nhau vào chung một hệ thống thì cần có biện pháp. Một là, nâng ngưỡng điểm phổ thông lên, ít nhất là 7,0.

Hai là quy định trường nào muốn tuyển theo kết quả học tập của thí sinh ở bậc phổ thông thì cũng chỉ được tuyển tối đa 30% theo cách đó. Ba là thắt chặt chỉ tiêu để tránh các trường lấy phổ quá nhiều vì điều kiện quá dễ (sau này kết quả phổ thông đáng tin cậy hơn sẽ nới tỷ lệ phần trăm cao hơn).

MỚI - NÓNG