Chuyện cóp nhặt trước thềm đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII

Hay là... ta treo mấy cái lô gô?!

Hay là... ta treo mấy cái lô gô?!
Thời gian trôi đi nhanh không thể tưởng tượng được, vèo một cái mà đã 5 năm kể từ Đại hội VI năm 2000.

Nhớ Đại hội lần trước, vì không tổ chức được đại hội toàn thể nên cũng phải chia 8 khu vực đại hội để bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc.

5 năm mới gặp nhau, các nhà văn lấy cái sự vui ấy là chính còn việc khác thì cũng phải làm, nhưng dù sao Đại hội toàn quốc mới quan trọng.

Khu vực miền Trung từ Thanh Hoá trở vào đến Thuận Hải (hồi ấy chưa  tách tỉnh) trở ra họp ở thành phố biển Nha Trang. Bữa liên hoan mừng   thành công, cỗ bàn đã bày ra, nhà văn Tạ Ngọc Liễn liếc sang một mâm chắc là dành cho thượng khách thấy có chai rượu Tây đặt rất oai vệ, quay nhìn mâm cỗ của mình chỉ vài chai bia địa phương. Nhà văn cao niên này nhìn thấy nhà thơ Hữu Thỉnh (khi ấy mới chỉ là Phó tổng Thư ký) ông lớn tiếng, giọng Thanh Hoá nằng nặng pha chút chì chiết:

- Anh Thỉnh…, anh cho ăn cỗ trẻ con à ?

Hữu Thỉnh ớ người chưa biết trả lời sao thì nhà văn Tạ Ngọc Liễn lại nói:

- Cỗ không có rượu thì chả là cỗ trẻ con à ?

Hữu Thỉnh à lên một tiếng, tưởng gì, rượu thì có ngay. Chỉ một nhoáng   các chị phục vụ đặt mỗi mâm một chai rượu Tây, trông mâm cơm có vẻ hoành tráng hẳn lên. Bữa đó các nhà văn được uống theo nhà văn Tạ Ngọc Liễn một bữa rượu say tít mù!

Ngày ấy ý thức về đại hội hình như có vẻ trọng đại hơn, nhiều người quan tâm đến việc mình có trúng đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc không nên cũng có nhiều chuyện vui.

Ở các khu vực đông hội viên thì số đại biểu đi dự cũng đông hơn, ban kiểm phiếu nhiều khi phải làm tới khuya. Khu vực các cơ quan trung ương vừa đông lại vừa nhiều nhà văn chức sắc, cao niên, các cụ vẫn kiên trì chờ công bố kết quả mặc dù trời đã khuya.

Nhiều cụ lại không trúng đại biểu thế mới khổ chứ. Bầu bán mà lại... Hình như cái việc kính lão đắc thọ chưa được thấm nhuần cho lắm. Ở khối cơ quan Hội gần 70 nhà văn cũng phải lựa chọn một nửa đi dự Đại hội toàn quốc.

Nhà văn ai chả một cõi biên thuỳ, anh nào đại diện anh nào cho được,    đều bạn bè đồng nghiệp cả nỡ nào gạch tên nhau. Thời thế thế thế thời phải thế biết làm sao, đành phải lựa chọn vậy. Thế là sau khi đại hội khu vực kết thúc đã có thơ kiểu “Bút tre”: “Kiếm từng lá phiếu nhà văn/ trượt vẫn hoàn trượt ra sân kêu trời“.

Nhà thơ Nguyễn Hoa vốn là người nghiêm túc, nên luôn luôn ý thức vai   trò và trách nhiệm của mình. Mọi ngày chưa đến gần đại hội thì chị Hoàng Tuyên từ Ban Sáng tác bên cạnh vẫn hay sang mấy chiếc ghế của Ban Hội viên ngủ trưa. Chả là Ban Hội viên phòng rộng nên chị  thích ngả lưng bên đó cho nó thoáng. Rồi một buổi trưa chị Tuyên vừa ló đầu vào, nhà thơ Nguyễn Hoa vốn đã nghiêm nay giọng càng nghiêm như lính duyệt binh :

- Từ nay chị đừng sang ngủ bên này nữa.

Hoàng Tuyên mắt vốn to, nghe vậy mắt tròn như miệng chén :

- Sao hở anh ?

-  Sao với giăng gì,  trước thềm đại hội, mọi chuyện dễ nhiễu, chị cứ sang ngủ bên này, khó giải thích lắm!

Thế là từ đó chị Hoàng Tuyên bỏ hẳn thói ngủ trưa.

Lần đại hội này vì thời gian quá gấp nên chưa đến lễ cúng rằm tháng     Giêng mà Hội Nhà văn đã bắt tay vào tổ chức đại hội khu vực. Mở đầu là các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc nhóm họp ở Yên Bái. Được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của tỉnh nên nơi ăn chốn ở, chỗ họp khá lịch sự, khang trang.

Phía Nam từ Ninh Bình trở ra, phía Tây từ Lai Châu đổ về, phía Đông từ Quảng Ninh, Hải Phòng dồn lên, phía Bắc từ Lào Cai ập xuống làm một cuộc gặp gỡ đầu xuân Con Gà vẫn còn vương hương vị Tết.

Nhà thơ Đỗ Thị Tấc từ vùng sâu vùng xa Lai Châu vội đi xe khách về Hà Nội rồi suốt đêm 11 âm lịch đi tầu chợ lên thẳng Yên Bái. Sáng 12 tháng Giêng khai mạc thì trước lúc chào cờ nhà thơ mang ngọn gió Tam Đường ùa vào phòng họp.

Trong không khí cởi mở nhiều ý kiến đóng góp vào bản dự thảo của BCH khoá 6 trình trước đại hội VII. Có ý kiến cho rằng báo cáo còn sa vào kể việc chưa có tầm, chưa đặt được vấn đề lớn cho văn học trong thời kỳ mới.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh cho rằng mỗi nhà văn là một nhà văn hoá       đẳng cấp cao. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm ăn nói hùng hồn như một võ tướng nêu ý kiến đại hội toàn thể, ông yêu cầu làm kiến nghị ngay tại đại hội này gửi lên Trung ương. Ý kiến đề nghị đại hội toàn thể thì cả 13 đại hội khu vực đều nêu ý kiến như vậy. Thì ra cái nhu cầu đông đủ, cái yêu cầu cho số đông vẫn là một khát vọng.

Ông Vũ Ngọc Kỳ - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - là khách mời của  đại hội. Trong ý kiến phát biểu của mình, ông xin thay mặt 60 triệu nông dân Việt Nam chào mừng các nhà văn Việt Nam và mời các nhà văn hãy đến với nông thôn, nông dân, ở đấy có nhiều vấn đề nóng hổi với 7,1 vạn trang trại, 13 ngàn doanh nghiệp, 3 triệu hộ làm ăn giỏi.

Ông công bố số điện thoại di động của ông để các nhà văn gọi ông bất kỳ lúc nào, ông sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện về với nông thôn. Ông đề nghị Hội Nhà văn có giải thưởng cho tác phẩm hay viết về nông thôn, Hội Nông dân sẵn sàng đóng góp kinh phí. Ông đọc thơ cây nhà lá vườn của mình rồi rút túi ra 2 tạ thóc được quy ra phong bì tặng hai nhà văn Bão Vũ và Đoàn Lê đoạt giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ.

Từ khi mở đầu đại hội các khu vực tại Yên Bái ngày 20/2 (12 tháng      giêng) đến ngày 31/3/2005 thì kết thúc 13 khu vực với đại hội của khối văn hoá tư tưởng. Có người đùa bảo Thirteen in one, Hội ta chơi 13 trong 1 mới thật hoành tráng, tức là 13 đại hội khu vực để có 1 đại hội toàn quốc.

Khu vực có đông hội viên nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực có ít nhất là Tây Nguyên. Suốt một dải Tây Nguyên hùng vĩ có 9 hội viên Hội Nhà văn được nhóm họp tại Đắc Lắc. Nhà thơ Y Phương bay vào tổ chức đại hội, cũng diễn văn, cũng có lãnh đạo tỉnh đến dự, cũng chiêu đãi chẳng kém mấy anh đồng bằng, thành phố.

Cũng bầu đại biểu có 4 vị trúng đi đại hội toàn quốc, xem ra toàn các vị ngụ cư không có anh nào dân chính gốc Tây Nguyên. Hoảng quá nhà thơ Y Phương nhoay nhoáy con di động gọi về cho Tổng Thư ký. Ở Hà Nội lập tức hội ý thường trực BCH và quyết định mời 3 đại biểu “ Tây Nguyên thứ thiệt “ đi dự đại hội toàn quốc. Thế là có 8 trên 9 người sẽ đến với đại hội nay mai.

Khu vực Hà Nội là khu vực “Tiền hung hậu cát “ nhất, rất kịch tính. Chả là buổi chiều hôm đại hội trù bị, khi một vị trong chủ tịch đoàn nêu chuyện tiền nong khó khăn, có công văn xin Thành uỷ và Uỷ ban, công văn được chuyển đến Sở Tài chính.

Sở “Tiền” liếc một cái là biết ngay cần phải làm gì, trả lời tắp lự : Đại biểu đương chức tiêu chuẩn 5 ngàn một ngày, đại biểu về hưu 10 ngàn một ngày, làm danh sách cụ thể lên sẽ cấp. Trời đất ơi chuyện 5 ngàn, 10 ngàn mà mang ra giữa đại hội các bậc trưởng lão đất Hà Thành thì khác nào chọc vào tổ … kiến.

Thế là hội trường số 9 Nguyễn Đình Chiểu nóng lên rừng rực. Nhà văn Hoàng Quốc Hải yêu cầu chúng ta không nhận một đồng nào mà vẫn đi họp bàn những vấn đề quan trọng của nền văn học nước nhà trong thế kỷ 21 này.

Nhà văn Lê Bầu - Dịch giả của những pho tiểu thuyết dày cộp như Tể tướng Lưu gù - vừa gãi tay vừa nói oang oang: Mỗi người chúng ta bỏ ra 1 ngàn mua cái bánh mỳ là xong, cần gì xin xỏ ai.

Nhà văn Hoà Vang với mái tóc rất Bùi Giáng buồn vì “họ” coi kẻ sỹ Bắc Hà không ra cái quái gì. Nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Hoàng Cát, nhà thơ Chử Văn Long thì yêu cầu họp toàn thể, nếu không được thì xin nhường cho các nhà văn trẻ chưa đi dự Đại hội lần nào.

Nhà thơ Tạ Vũ bước lên bục diễn đàn, vẫn không quên vuốt chòm râu trắng như cước cho nghiêm ngắn mới phát biểu. Ông kêu ca rằng bạn tôi cả, gạch ai đây, ai đại diện cho cái thằng tôi, rồi ông xin nếu trúng cũng nhường suất cho nhà văn mới vào Hội.

Đến khi kiểm phiếu xong thì nhà thơ Tạ Vũ nhường thật nên không trúng. Tổng Thư ký Hữu Thỉnh nhìn Tạ Vũ tỏ vẻ hơi ngại ngần. Biết ý sếp, Tạ Vũ cười tít nhưng nhìn kỹ cũng hơi gượng: “Không có vấn đề gì anh Thỉnh ạ…”.

Ban kiểm phiếu có chất chuyên nghiệp nhất nhì nước ta thì tại đây cũng nhầm lẫn. Vì trong danh sách có hai vị tên Hà, đó là nhà văn Hoàng Ngọc Hà và nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà.

Khi công bố thì nhà văn Hoàng Ngọc Hà rất ít phiếu, còn nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà trúng cao phiếu. Mọi người thắc mắc vì sao Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Hà Nội lại không trúng, đề nghị Ban kiểm phiếu kiểm tra lại.

Ôi thôi, lấy phiếu Ngọc Hà văn cộng cho Ngọc Hà thơ. Công bố rồi, thế là cả hai Ngọc Hà đều là đại biểu chính thức. Càng đông càng vui! Ai chả có lúc nhầm, đến cái computer nó bộ nhớ tính bằng "ghi" kia cũng nhiều khi lỗi hệ điều hành nữa là ban kiểm phiếu do lão trượng gần tám mươi xuân!

Có một điều là suốt 13 đại hội, ở đâu cũng muốn đại hội toàn thể, nếu không được thì nhường bạn, điều ấy chứng tỏ cái việc đi dự đại hội xem ra không phải là quan trọng như các lần đại hội trước.

Thế là mừng, quan niệm họp hành, đình đám là thường, tức là nhà văn     đang cần thời gian dành cho sáng tác. Đừng vội nghĩ là tư tưởng rã đám. Chả thế mà đại hội khối cơ quan Hội, có mấy bác chỉ loáng đến cho có mặt rồi lặn một hơi bất biết mình có chân trong đoàn đại biểu đi Đại hội lần thứ VII hay không.

Nhưng cá biệt cũng có người coi việc không trúng đại biểu đi dự là một tổn thất của mình, đôi khi cho là thước đo sự tín nhiệm, đánh giá. Theo quy định như BCH ban ra thì có gần phân nửa hội viên không có mặt trong đại hội toàn quốc, nếu mình đi thì có một đồng nghiệp bị loại, nghĩ thế cho nó nhẹ nhàng, đi thì vui mà không đi cũng "dui" .

Trong các khu vực đại hội thì khu vực Cơ quan hội là có thể dễ thấy sự nghiệt ngã của quy luật cuộc đời nhất. So với kỳ đại hội trước các vị cao niên, trưởng lão trong giới văn chương nước nhà đã thưa vắng nhiều.

Cơ quan vừa lo đưa nữ sỹ Bức tranh quê về cõi vĩnh hằng, thế là bà vội đi trước đại hội của mình. Các nhà thơ Tế Hanh, Chính Hữu, Bùi Hiển,  Đào Vũ, Hoàng Cầm vẫn ốm.

Trong hội trường lưa thưa chỉ thấy các cụ Kim Lân, Xuân Sanh, Thợ Rèn tay cầm gậy ngồi lặng yên quan sát đại hội. Các cụ Vũ Tú Nam, Hữu Mai vẫn còn phong độ, chị Ngọc Tú chậm chạp vì cái chân bị khớp.

Nhà văn Nguyên Ngọc không dự. Trong cái vui của sự sum vầy nhưng vẫn xa xót, nao lòng vì lớp nhà văn thành danh, cống hiến cho đất nước bao nhiêu tác phẩm văn chương nổi tiếng, đã đi suốt mấy cuộc kháng chiến gian lao, khiến bạn đọc ngưỡng mộ đã dần dần vắng đi, cái chỗ trống ấy các nhà văn lớp sau dễ gì thay thế được.

Khối cơ quan Hội cũng chịu chung quy chế, không hề có nới tay, khuyến mại gì, ngoài 16 vị đặc cách, còn lại vẫn phải chọn 38 đại biểu trong tổng số hơn 70 hội viên đang công tác ở các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, hãng phim, văn phòng.

Thế là 21 nhà văn vẫn phải ở nhà không đến hội trường Ba Đình trong ngày đại hội. Bầu một lần được ngay 36 đại biểu có số phiếu cao từ 30    phiếu trở lên ( có 54 người bỏ phiếu, 2 phiếu không hợp lệ ). Ban kiểm phiếu do nhà văn Lương Sỹ Cầm – một vị đại tá có thâm niên trong công việc kiểm phiếu- làm trưởng ban lúng túng xin ý kiến BCH vì có tới 4 nhà văn cũng 29 phiếu, lấy cả 4 thì thừa 2, mà các nhà văn 29 phiếu toàn người sáng giá cả như Nguyễn Duy, Nguyễn Khắc Phục…

Ban Chấp hành trong nháy mắt đã thừa thông minh nâng tổng số đại biểu khối cơ quan hội lên 40 vị, thế là trọn lý đạt tình. Còn một trường hợp "lăn tăn" nữa là nhà văn tác giả của Thuỷ hoả đạo tặc tính số phiếu thì quá bán mà vẫn trong danh sách đại biểu dự bị. Nhưng tôi đoán rồi thế nào  các đại biểu dự bị sẽ đi cả vì BCH vốn rất cởi mở ! Trong các khu vực  đại hội cũng hiếm đơn vị nào đủ 100% hội viên được đi dự đại hội như  Báo Văn nghệ.

Hạ tuần tháng Tư đã sắp đến. Khối cơ quan hội làm ngày làm đêm lo tài liệu văn kiện đến cơ sở vật chất. Khó nhất vẫn là tiền, Bộ Tài chính cấp cho 600 triệu thì trừ tiền in cuốn Tự điển nhà văn mất một nửa, còn có 300 triệu mà Thirteen in one vị chi là 14 đại hội lớn nhỏ thì chi tiêu thế nào !?

Hay là ta treo mấy cái lô-gô ?!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.