Theo văn nghiệp do… thi trượt và thất tình

Theo văn nghiệp do… thi trượt và thất tình
Các nhà phê bình văn học hiện đại xem Tản Đà như gạch nối giữa hai trường phái thơ cũ và thơ mới. Nhưng để văn tài của Tản Đà phát tiết ra những tác phẩm bất hủ thì nguyên nhân chính là do... thi trượt và thất tình!

Như chúng ta đã biết, Tản Đà được ông anh là Đốc học Nguyễn Tài Tích hết lòng kèm cặp và khuyến khích bước theo truyền thống gia đình là tiến thân bằng con đường khoa bảng. Những giai nhân tri kỷ của cậu Ấm Hiếu cũng chờ ngày cậu được “bảng vàng đề tên” để cùng “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Nhưng sau mấy lần thi hỏng, người yêu đi lấy chồng, Tản Đà đâm ra chán nản công danh, hoạn lộ và quyết chí đi theo văn nghiệp.

Những tác phẩm đầu tiên của Tản Đà được công bố trước công chúng là những bài tản văn đăng trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh (năm 1913). Ngay lúc đó, văn tài của Tản Đà đã nổi như cồn đến độ Đông Dương tạp chí phải mở một mục riêng gọi là Một lối văn Nôm với lời nhận xét: “Bản quán duyệt qua tập tản văn ấy, thì thấy ông Nguyễn Khắc Hiếu cũng là một văn sĩ có biệt tài, có lý tưởng riêng, ngắm cảnh vật một cách kỳ khôi, lạ thay cho một bậc thiếu niên!”.

Năm 1916, cậu Ấm Hiếu chính thức lấy bút hiệu Tản Đà với tác phẩm Giấc mộng con I, trong lời đề tựa cho Tản Đà, Dương Bá Trạc đã phải thốt lên: “Mới mươi mười lăm năm nay, sĩ phu trong nước mới có cái khuynh hướng về văn quốc âm, giọng Hàn Thuyên, hồn Đại Việt đã lập lòe một tia lửa sáng xuất hiện trong văn giới hoàn cầu”.

Tản Đà sinh nhằm giai đoạn giao thời của văn chương cũ và mới. Với một tâm hồn rất nhạy cảm, phóng túng thì những thể thơ cũ luôn câu thúc, ràng buộc bởi niêm luật không đủ chỗ để cho Tản Đà thể hiện, trang trải tình ý, cho nên ông phải tự tìm cho mình những phong cách thể hiện hợp lý, hợp tình.

Và thế là Tản Đà bỗng nhiên thành người tự do, không câu nệ vào một khuôn khổ nào, cả về hình thức lẫn nội dung. Cho nên, ông thỏa sức vung vẩy ngọn bút. Từ 1915 đến 1926 là những năm tháng “đắc ý” nhất của Tản Đà. Ta nên nhớ chữ quốc ngữ lúc ấy vẫn còn phôi thai, cho nên thơ văn viết bằng quốc ngữ cũng hiếm hoi. Với tư tưởng phóng túng, với bút lực dồi dào - một mình Tản Đà như “cơn gió lạ” thổi suốt trong Nam ngoài Bắc.

Mà cũng lạ, vốn xuất thân từ Hán học nhưng Tản Đà lại viết văn, làm thơ bằng quốc ngữ đầy diễn cảm, khoáng đạt. Cái khuynh hướng trong con người Tản Đà thật đa dạng: lãng mạn và hiện thực, hài hước và phê phán, yêu nước và hưởng lạc... Chính sự đa dạng về khuynh hướng đã đưa đến sự đa dạng về thể loại sáng tác. Thơ văn ông lắm lối, lắm loại: tứ tuyệt, bát cú, lục bát, yết hậu, tứ lục, trường đoản, từ khúc, trường thiên... Chỉ riêng về hát, Tản Đà không chỉ sáng tác các bài hát nói, hát xẩm, ca lý mà còn “chơi” cả ca Huế cho dù từ nơi ông sinh trưởng đến chốn cố đô cách trở ngàn trùng. Quả là một “tay chơi sành điệu”!

Trong khối “gia tài thơ” của Tản Đà, ấn tượng hơn cả là những bài phong dao đầy chất hồn nhiên, hóm hỉnh nhưng cũng thật ý vị: “Bờ hồ những gió cùng trăng/Những trăng cùng gió, lăng nhăng sự đời/Ai lên, ta hỏi ông Trời/Bày chi trăng gió cho người gió trăng”; hoặc “Đêm qua mất cắp như chơi/Có chỗ mất vợ, có nơi mất chồng/Ông Tơ nghĩ chẳng thẹn thùng/Còn đương chắp mối tơ hồng se ai?”, rồi “Hỡi cô yếm trắng kia là/Chồng cô cô bỏ ở nhà, đi chơi/Thế gian chẳng có ai cười/Trên trăng có chú Cuội ngồi... nhe răng!”. Nghe như ca dao!

Thề non nước và Tống biệt

Thật khó để chọn ra những tác phẩm tiêu biểu của Tản Đà. Ở đây chúng tôi xin trích dẫn 2 bài thơ được cho là hai trong những bài thơ hay nhất của Tản Đà: Thề non nước (lục bát, thơ truyền thống) và Tống biệt (trường đoản cú, tạm cho là phá cách, vượt ra ngoài khuôn sáo cũ):

“ - Nước non nặng một lời thề/Nước đi, đi mãi không về cùng non/Nhớ lời “nguyện nước thề non”/Nước đi chưa lại, non còn đứng không - Non cao những ngóng cùng trông/Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày... Non cao tuổi vẫn chưa già/Non thời nhớ nước, nước mà quên non/Dù cho sông cạn đá mòn/Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa – Non xanh đã biết hay chưa?/Nước đi ra bể lại mưa về nguồn/Nước non hội ngộ còn luôn/Bảo cho non chớ có buồn làm chi/Nước kia dù hãy còn đi/Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui – Nghìn năm giao ước kết đôi/Non non, nước nước không nguôi lời thề” (Thề non nước).

Bài thơ này được nhiều nhà phê bình cho rằng Tản Đà đã lồng vào đó tinh thần ái quốc một cách kín đáo nhưng tràn đầy tình cảm.

Còn Tống biệt lại biểu trưng cho khuynh hướng lãng mạn của Tản Đà: “Lá đào rơi rắc lối Thiên thai/Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi/Nửa năm tiên cảnh/Một bước trần ai/Ước cũ duyên thừa có thế thôi/Đá mòn, rêu nhạt/Nước chảy huê trôi/Cái hạc bay lên vút tận trời/Trời đất từ nay xa cách mãi/Cửa động/Đầu non/Đường lối cũ/Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”.

Nhà văn Trương Tửu nhận xét: “Trong nghề thơ có ba điều khó nhất: tả cái vô hình, tả cái bất động, và tả cái tối mù; thì Tản Đà đã làm được hai: tả cái vô hình trong bài Tống biệt, tả cái bất động với bài Thề non nước” (Tao Đàn số 13, năm 1939).

Văn tài của Tản Đà còn được Nguyễn Tuân ca ngợi: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy; trong “Hội tài tình”, Tản Đà xứng đáng ngôi Hội chủ. Mà làng văn, làng báo xứ này ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?” (theo Nguyễn Khắc Xương - Tuyển tập Tản Đà - NXB Văn học, Hà Nội, 1996).

Theo Hà Đình Nguyên

Thanh Niên

MỚI - NÓNG