Tuyển tập thơ của một thế kỷ

Tuyển tập thơ của một thế kỷ
Đó là hợp tuyển thơ trữ tình “Thơ Việt Nam thế kỷ XX” của Nhà xuất bản Giáo dục vừa ấn hành. So với các tập tuyển ra đời trong suốt khoảng thời gian trên 50 năm qua, công trình này bề thế hơn, cũng đồ sộ hơn cả.

Tập sách khá đẹp, in khổ lớn (16/24), dày ngót 1000 trang, giới thiệu 620 bài thơ của 476 thi sĩ. Đây có thể xem như một bức tranh toàn cảnh về thơ trữ tình Việt Nam trong suốt một thế kỷ qua.

Tác giả của công trình này là ba nhà thơ đầy tâm huyết: Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Quần Phương và Quang Huy. Nói như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, người chủ biên hợp tuyển này thì các tác giả có nhiều may mắn vì được kế thừa những “tài sản” của nhiều công trình trước đó. Bắt đầu là “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Trân, rồi các tập tuyển trong từng giai đoạn đã được công bố ở Trung ương và địa phương.

Cũng theo Nguyễn Bùi Vợi, “lâu nay trong điều kiện bất bình thường do chiến tranh gây nên, việc thẩm định giá trị các bài thơ thường bị các yếu tố ngoài thơ chi phối, do vậy việc xác định vị trí của từng nhà thơ trên thi đàn cũng chưa chuẩn xác, có người được cộng thêm, có người bị trừ bớt. Nhưng thơ bao giờ cũng có giá trị tự thân, không thể tâng bốc hay vùi dập. Thơ như cái phao. Phao tốt thì nổi, biển, sông, hồ nào cũng nổi. Phao thủng thì chìm. Nhất định chìm”.

Thế kỷ XX đầy bão táp đã qua đi. Thời gian cũng đã có một độ lùi cần thiết để các tác giả, những người “cầm cân, nảy mực” có được sự tỉnh táo, khách quan, sòng phẳng và cẩn trọng, thẩm định lại những giá trị mà chúng ta đã có. Nguyễn Bùi Vợi từng là giáo viên, đã nhiều năm đứng trên bục giảng nhà trường nên anh có nhiều kinh nghiệm trong mảng văn chương trường ốc. Công trình này lại chủ yếu dành cho giới học đường mà cụ thể là tầng lớp giáo viên và học sinh, sinh viên. Bởi thế đòi hỏi rất cao tính chuẩn mực.

Biết đối tượng của cuốn sách như thế, chúng ta dễ thông cảm hơn với các tác giả trong cách tuyển chọn. Ta hiểu vì sao những tác phẩm có mặt trong công trình này hầu hết là những giá trị đã phần nào có tính ổn định. Tất nhiên, ngay cả những tác phẩm có vẻ như đã ổn định, từng có giá trị  một thời, lại được ghi dấu bằng các giải thưởng văn chương cao quý, nhưng đến nay thời gian cũng đã đi qua.

Ngay một tác giả có nhiều giai đoạn sáng tác, những tác phẩm mới, có giá trị nhưng chưa qua thử thách của thời gian, hay những tác phẩm đang có sự tranh cãi, dù rất thú vị, cũng không thể có mặt trong tập sách đòi hỏi rất cao tính mực thước này. Ngẫm cho cùng, điều ấy cũng có lý và sự hình thành tập sách với  bố cục như đã có cũng có phần hợp lẽ.

Tất nhiên, nếu quá nghiêng về phía bên này tất cũng sẽ mất đi sự xum xuê sinh động ở phía bên kia. Điều ấy ở bất cứ công trình mang tính tổng kết nào  cũng khó tránh khỏi nhất là tổng kết một thế kỷ. Và như thế, để có cái nhìn tổng thể, khoa học về thơ ca của cả một thế kỷ, chúng ta cần phải có thêm nhiều tuyển tập khác nữa. Thơ ca của một thế kỷ cần được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Như thế, chúng ta mới hy vọng tiếp cận được vẻ đẹp đích thực của nó.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.