Bữa no

Bữa no
TP - Anh T. ở xóm Vạn lấy vợ khi gia đình không có của ăn của để. Chị N thương anh vì anh hiền lành, biết làm thuê cuốc mướn nuôi mẹ già tuổi đã ngoài 80. Hai vợ chồng chịu khó làm ăn. Ngày đứa con đầu ra đời trong niềm hạnh phúc của hai vợ chồng, mẹ già cũng thỏa ước nguyện có cháu bế bồng.

Rồi lần lượt những thị mẹt ra đời đã khiến người cha thêm buồn chán. Cuộc sống gia đình càng chật vật hơn, bao nhiêu gánh nặng trong nhà đổ hết lên đầu chị. Người chồng mà chị thương yêu không còn chịu thương chịu khó như xưa.

Sau mỗi lần đi nhậu với đám trai làng về muộn, không thấy chị ra dìu vào là anh mắng chửi thậm tệ: “Con mẹ nó đâu rồi? Ra dắt ông vào. Mày để ông tự vào là mày chết với ông”.

Có hôm anh còn đánh đấm chị túi bụi. Đàn con nheo nhóc, hốc hác, bẩn thỉu. Chị gượng dậy ra chợ huyện kiếm việc làm, việc gì chị cũng có thể làm miễn sao con chị không bị đói.

Chị vất vả chắt chiu cả ngày trời được 30 nghìn. Hôm ấy có thêm 50 nghìn, là số tiền một vị khách nhà giàu đi chợ rơi ví tiền chị nhặt được và trả lại, vị khách đó biếu chị để cảm ơn.

Và ngày hôm đó làm thay đổi cuộc sống gia đình chị sau những ngày tháng đen tối, u ám, khổ cực. Bữa tối thịnh soạn hơn mọi hôm có rau, có cá mương và mấy lạng mỡ. Nhìn những đứa con ăn tóp mỡ giòn khếu, ngấu nghiến, cười đùa, chị và mẹ nước mắt lăn dài trên gò má.

Tối nay, không như mọi ngày, anh T. không chửi, không đánh vợ, đánh con. Anh đứng ở góc tường nhìn họ. Có lẽ anh đã tỉnh giấc sau một cơn mơ dài mộng mị. Anh bỗng nói với vợ: “Có lẽ tôi đã làm khổ mình, khổ con. Thôi thì trời cho con gì nuôi con đó vậy”.

Bạn đọc cộng tác với chuyên mục “Sau lũy tre làng” xin gửi bài vào hộp thư sauluy@gmail.com hoặc gửi đến Tòa soạn báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG