Tốn kém để... “làm sang”!

Tốn kém để... “làm sang”!
Nhà tôi cách bưu điện văn hoá xã hơn 2 cây số. Những khi về nghỉ phép, muốn liên lạc với cơ quan, người thân hoặc bạn bè, tôi chỉ cần dạp xe ít phút đến dó là xong.
Tốn kém để... “làm sang”! ảnh 1
 tiện nhưng ...tốn!

Tuy nhiên, giờ mở cửa làm việc của bưu điện – văn hoá xã lại theo quy định, nên đôi khi cũng gặp phải những khó khăn, phiền phức…

Chẳng hạn năm ngoái, một lần vào lúc nửa đêm, tôi có việc gấp phải gọi điện lên cơ quan, nhưng khuya rồi không thể đến đó, nên vợ tôi liền mách nước: “Anh sang ngay nhà bác Kính bên hàng xóm mà gọi. Bác ấy vừa lắp điện thoại tuần trước đấy!”. Phấn khởi lắm, nhưng trước lúc sang nhà bác Kính, tôi không khỏi băn khoăn, thắc mắc: “Kinh tế đang rất khó khăn, hơn nữa chẳng kinh doanh, giao dịch với ai, sao bỗng dưng bác ấy lại đi lắp điện thoại cho tốn kém thế nhỉ?”…

Nhà bác Kính đã đi ngủ. Tôi đánh tiếng từ ngoài ngõ: “Bác Kính ơi, phiền bác cho cháu gọi nhờ điện thoại…”. Nhận ra người quen, bác Kính dậy mở cửa, chạy ra đon đả: “Phiền hà gì. Chú vào nhà uống nước, sau đó gọi vô tư, thoải mái”. Tôi bước vào nhà, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế. Vừa rót nước mời, bác Kính vừa bảo tôi đọc số để bác “nhấn” giúp… Chờ tôi gọi xong, bác Kính nói đầy tự hào: “Nói riêng về điện thoại, làng mình, bác là người đi tiên phong đấy…”.

Tôi gật đầu. Bác Kính kể tiếp: “Chả là thằng cả nhà bác bắt đầu đi thợ xây từ đầu năm ngoái, “lương” tháng cũng được sáu , bảy trăm nghìn. Vừa rồi nó bỏ hẳn tháng lương lắp điện thoại cho gia đình. Từ hôm nhà có máy, bố con tôi liên tục gọi cho nhau, tiện lắm!”… Hôm rồi, tôi lại có việc gấp, phải sang nhà bác gọi nhờ điện thoại. Vừa thoáng thấy tôi, bác đã lắc đầu, phẩy tay: “Chú ra bưu điện – văn hoá xã mà gọi. Nhà bác tháo máy được hơn tuần rồi…”. Tôi tỏ vẻ nghi ngờ, tức thì bác thở dài ngao ngán: “Tiện thì có tiện, nhưng tốn kém quá! Từ ngày có máy điện thoại, tôi đã phải bán đi biết bao nhiêu gà, vịt để lấy tiền trả cước hàng tháng rồi đấy. Xót lắm!”. Sợ tôi không thông cảm, bác còn cho biết: Dù không có điều kiện và nhu cầu giao dịch gì cả, nhưng khi thấy nhà bác có điện thoại, khá nhiều hộ trong làng cũng đua nhau lắp chỉ với mục đích “làm sang”, nhưng thấy tốn kém quá, giờ họ cũng tháo bỏ gần hết rồi…

Trên đường ra bưu điện văn hoá xã, tôi thầm nghĩ: Đành rằng lợi ích, giá trị của công nghệ thông tin là vô cùng lớn, song sử dụng khi chưa có điều kiện và không thực sự xuất phát từ nhu cầu, mà chỉ để… “làm sang” thôi như bác Kính vừa kể thì “lợi bất cập hại” là điều chắc chắn. 

MỚI - NÓNG