20.000 đại biểu dự khai mạc Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc

Ảnh Như Ý Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi chúng ta hãy trở thành sứ giả của Đức Phật
Ảnh Như Ý Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi chúng ta hãy trở thành sứ giả của Đức Phật
TPO - Sáng nay, Đại lễ Vesak 2019 khai mạc tại Chùa Tam Chúc với Chủ đề "Sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững". Hơn 20.000 đại biểu đã tham dự  lễ khai mạc.

Đại lễ Phật đản (Vesak 2019) tổ chức từ 8h sáng 12/5 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam; dự kiến kết thúc vào 14/5..

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc cùng các lãnh đạo Phật giáo gồm: Đại lão hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại lão hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Chủ tịch Uỷ ban tổ chức Vesak 2019 tại Việt Nam; Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc... Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng tới dự.

20.000 đại biểu dự khai mạc Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghĩ lễ tắm phật.
20.000 đại biểu dự khai mạc Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc ảnh 2 Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc.
20.000 đại biểu dự khai mạc Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc ảnh 3 Rất đông đại biểu quốc tế đến tham dự Đại lễ Vesak 2019

Trong thông điệp gửi đến Vesak 2019, Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam) nhấn mạnh đây là sự kiện thiêng liêng gắn với cuộc đời Đức Phật và sự kiện hy hữu của toàn nhân loại.

 Clip nguồn Vnexpress

"Vesak 2019 là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững".

Pháp chủ Giáo hội Phật giáo nhắc lại lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, trải qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã trở thành nền tảng tư tưởng trong đời sống. Từ đó đến nay, Phật giáo vẫn đang phát huy tinh hoa, đồng hành cùng dân tộc.

20.000 đại biểu dự khai mạc Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc ảnh 4 Hoà thượng Thích Trí Quảng tuyên đọc thông điệp của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ. Ảnh Như Ý.

"Thời kỳ Phật giáo vàng son cũng đồng thời là thời kỳ hưng vượng của quốc gia dân tộc", Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viết và kỳ vọng các đại biểu dự Vesak 2019 cùng thảo luận để "đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Liên Hợp Quốc hướng tới".

20.000 đại biểu dự khai mạc Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc ảnh 5 Ảnh Như Ý

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban tổ chức Vesak 2019 cho rằng thế giới đang phải đối mặt với nhiều xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội và các cấu trúc truyền thống thì càng cần phát huy giá trị cốt lõi của đạo Phật. Đó là tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp, hòa bình.

Để giải quyết các vấn đề đặt ra cần thiết phải có một sự lãnh đạo toàn cầu nhằm đảm bảo bình đẳng, dung hòa được lợi ích và hóa giải được xung đột giữa các niềm tin, nền kinh tế, văn hóa, tầng lớp xã hội, quốc gia lãnh thổ, cân bằng môi trường, hệ sinh thái.

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn kêu gọi Phật giáo thế giới đoàn kết, dấn thân hạnh động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi chúng ta hãy trở thành sứ giả của Đức Phật

Tại Lễ khai mạc VESAK LHQ 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chào mừng, khẳng định VESAK đã vượt lên tầm vóc của một lễ hội Phật giáo thông thường.

Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay nhân loại sản xuất ra một lượng của cải vật chất nhiều chưa từng thấy nhưng vẫn còn nhiều người phải chịu khổ đau do chiến tranh, thiên tai, biến đổi khí hậu…

20.000 đại biểu dự khai mạc Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc ảnh 6 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi chúng ta hãy trở thành sứ giả của Đức Phật. Ảnh Như Ý.

Quan điểm thực dụng, chạy theo vật chất quá mức làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. 1/5 nhân loại vẫn sống trong cảnh thiếu đói cùng cực. VESAK chính là dịp để nhân loại học hỏi Đức Phật thông qua cuộc đời và giáo lý của Ngài, hướng tới sự phát triển hòa bình thịnh vượng chung, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau. “Đạo Phật đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử,” Thủ tướng nói.

“Những giai đoạn Phật giáo phát triển nhất cũng là thời kỳ thịnh vượng nhất của đất nước. Thủ tướng cũng khẳng định mỗi người chúng ta hãy trở thành sứ giá của Đức Phật đã lan truyền những giá trị tốt đẹp theo tinh túy của Phật pháp để kiến tạo cõi Niết bài ngay trong thế giới hiện thực.

Việt Nam sẵn sàng quan hệ hợp tác với các quốc gia với tinh thần đoàn kết, hoà bình, vì sự hoà hợp giữa các dân tộc. Với vai trò là nước chủ nhà Vesak 2019, Thủ tướng hy vọng, các đại biểu sẽ có những ngày ý nghĩa tại Việt Nam và hiểu thêm về con người, văn hoá Việt Nam.

Việt Nam tổ chức Vesak rất ấn tượng

Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc phát biểu bày tỏ biết ơn tới chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Vesak 2019. Qua hai lần Việt Nam đăng cai trước đó, ông đều thấy rất ấn tượng.

Hòa thượng Phra Brahmapundit cho rằng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển của Phật giáo thế giới. Chủ đề của Vesak năm nay đã thể hiện sự đóng góp của Phật giáo với sự phát triển của thế giới. "Chúng ta cùng nhau hội tụ ở đây để nêu những vấn đề quan ngại và ý kiến theo quan niệm Phật giáo để mang lại hoà bình, phát triển cho thế giới", ông nói.

Gửi thông điệp tới lễ khai mạc qua qua video, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói rằng: "Tôi kính gửi đến tất cả mọi người lời chúc tốt đẹp nhất nhân Đại lễ Vesak, lễ hội thiêng liêng đối với hàng triệu người trên khắp thế giới. Vesak là ngày đánh dấu Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập diệt. Tất cả chúng ta, là Phật tử hay không là Phật tử, đều có thể suy nghiệm về cuộc đời của Đức Phật và tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy của Ngài. Trong thời điểm sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và sự độ lượng ngày một thu hẹp lại, thông điệp của Đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết. 

Trước đó, từ chiều 11/5, lễ rước hoa từ TP Phủ Lý về chùa Tam Chúc diễn ra với hàng nghìn tăng ni phật tử, các đại biểu tôn giáo bạn cùng tham gia để chuẩn bị cho lễ khai mạc Đại lễ vào sáng 12/5.

Tối 11/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổ chức tiệc chiêu đãi các đại biểu dự Vesak 2019. Bà Ngân nhấn mạnh, Vesak 2019 là cơ hội để phát huy các giá trị phổ quát của đạo Phật, đóng góp vào hòa bình, môi trường, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đạo đức trên toàn cầu. Các giá trị này dựa trên nền tảng trí tuệ, lòng bao dung và tình yêu thương, góp phần mang lại hạnh phúc và những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

MỚI - NÓNG