'Âm nhạc đích thực phải chạm tới cảm xúc'

'Âm nhạc đích thực phải chạm tới cảm xúc'
TPO - Là một trong những nhạc sĩ châu Á hiếm hoi được thế giới đánh giá cao trên TG, nhạc trưởng Nhật Bản Joji Hattori đã có rất nhiều ấn tượng khi tới biểu diễn tại Việt Nam.

Nhạc trưởng đánh giá thế nào về nhạc cổ điển trong thế giới hiện đại và nhiều điều gấp gáp?

Tôi nghĩ rằng âm nhạc là một cách giải trí, nhưng từ “giải trí” ở đây có rất nhiều nghĩa. Một ý nghĩa tích cực đó là âm nhạc có thể làm người ta cảm thấy hạnh phúc hơn, có thể khiến người ta rơi nước mắt hoặc có thể chạm tới trái tim, cảm xúc của mỗi người.

Và điều mà chúng tôi muốn làm thông qua âm nhạc đó là tạo ra được những trạng thái cảm xúc khác nhau cho người nghe. Một vài nghệ sĩ nghĩ rằng chỉ cần chơi nhạc theo đúng ý đồ của nhà soạn nhạc là thành công, nhưng theo tôi thì âm nhạc đích thực phải chạm tới cảm xúc của người nghe và khiến người nghe cảm thấy hạnh phúc.

Vì sao trong đêm nhạc cổ điển Toyota vừa qua tại Hà Nội, ông đã lựa chọn chuỗi những bản nhạc ngắn, nhanh và vui tươi?

Chúng tôi lựa chọn những bản nhạc ngắn để phù hợp với tất cả các khán thính giả vốn chưa được tiếp xúc thường xuyên với nhạc cổ điển - loại nhạc không dễ nghe và dễ hiểu. Nếu chơi các bản nhạc dài thì trong một chương trình chỉ có thể chỉ chơi được một đến hai bản. Chúng tôi biểu diễn một đêm duy nhất nên rất muốn gửi tới các quý khán thính giả nhiều thể loại đa dạng của nhạc cổ điển thông qua các bản nhạc hoặc các trích đoạn ngắn.

Từng chơi với nhiều dàn nhạc danh tiếng trên thế giới. Ông có cảm xúc thế nào khi làm việc với Dàn nhạc thính phòng Vienna của Áo – nơi sinh ra thiên tài âm nhạc Mozart?

Dàn nhạc thính phòng thường có quy mô nhỏ hơn dàn nhạc cổ điển đầy đủ. Số lượng thành viên thường không quá lớn và dao động khoảng 40 người. Năm 1991, tôi lần đầu tiên tham gia một dàn nhạc và lần đầu tiên chỉ huy vào năm 2003 và từ năm 2004 trở đi, tôi trở thành nhạc trưởng thường xuyên chỉ huy Dàn nhạc Thính phòng Vienna. Đó thực sự là một vinh dự lớn của tôi khi chơi cùng dàn nhạc này.

Theo ông, điểm khác biệt lớn nhất giữa một dàn nhạc tốt và một dàn nhạc tuyệt vời là gì?

Đối với một dàn nhạc tuyệt vời, người nhạc trưởng không phải mất nhiều công sức để gắn kết các thành phần khác nhau của dàn nhạc trong bản nhạc, mà chủ yếu là tập trung truyền nguồn cảm hứng, cảm xúc diễn tấu cho các nhạc công và dàn nhạc sẽ tự động phản ứng lại với các hiệu lệnh của chỉ huy và thể hiện cảm xúc qua những nốt nhạc.

Theo tôi, quan trọng không phải là chơi bản nhạc gì mà là chơi như thế nào.

Bản thân tôi tin rằng có ba cấp độ khác nhau mà một người nghệ sĩ có thể phấn đấu để đạt tới, là gây ấn tượng, là thỏa mãn nhu cầu giải trí và cuối cùng là làm lay động tâm hồn của khán giả.

Cuộc sống của một nhạc công luôn tràn ngập thử thách bởi chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu là tạo ra những khoảnh khắc kỳ diệu cho tâm hồn trong mỗi buổi hòa nhạc của mình, thay vì chỉ tập trung biểu diễn cho đúng nốt nhạc và đúng phong cách của tác phẩm.

Theo dõi các chương trình tập luyện và biểu diễn của dàn nhạc, thấy ông rất hay cười với mọi người. Xin được nghe chia sẻ của ông về cảm xúc lần đầu đến Việt Nam?

Tôi đã hồi hộp với chuyến lưu diễn lần đầu tiên tại Việt Nam này. Dàn nhạc đã lưu diễn tới hơn 50 nước trên thế giới. Tôi đã chỉ huy dàn nhạc trong các buổi biểu diễn tại 30 nước và Việt Nam là nước thứ 31. Không phải nước nào trong những nơi chúng tôi đã đến cũng có những nhà hát và sân khấu lớn đẹp. Thật mừng, Nhà hát Lớn của các bạn rất đẹp. Chúng tôi tự hào được trình diễn ở sân khấu tuyệt vời này.

Còn những người bạn Việt Nam tôi đã được gặp thì rất thân thiện. Phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp và quyến rũ. Tuy nhiên, tình trạng giao thông đông đúc của các bạn khiến tôi bất ngờ.

Ông có tìm hiểu về âm nhạc cổ điển của nước chúng tôi trước khi đến Việt Nam và ông có thể cho biết nhận xét về triển vọng của nền nhạc cổ điển Việt Nam?

Tôi biết Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam được đặt tại Hà Nội và tôi là bạn của nhạc trưởng Honna Tetsuji – nhạc trưởng của dàn nhạc này. Tôi cũng được biết, nhạc cổ điển đang trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn ở đất nước của các bạn.

Tôi rất ấn tượng với nghệ sĩ solo Lê Hoài Nam và tiếng đàn của anh. Tôi còn biết nghệ sĩ piano nổi tiếng của các bạn: Đặng Thái Sơn. Tôi cũng từng xem Võ Vân Ánh trình diễn đàn tranh ở Mỹ. Tiếc là trong quá trình làm việc ở châu Âu, tôi chưa được biết tới nhiều người Việt.

Được biết, bản thân ông và gia đình cũng thành lập một Quỹ Âm nhạc và Nghệ thuật nhằm hỗ trợ các tài năng âm nhạc. Đó có phải là một trong những lý do khiến ông quyết định tham gia Đêm nhạc Cổ điển Toyota cũng với một mục đích xã hội tương tự?

Tôi nghĩ âm nhạc có thể gắn kết nhiều người với nhau và chơi nhạc bằng nhạc cụ là một dạng nghệ thuật phi ngôn ngữ. Nếu như muốn đọc một cuốn sách được viết nguyên bản bằng ngôn ngữ nước ngoài, các bạn phải dịch ra tiếng Việt, thì khi nghe một bản nhạc, tất cả mọi người đến từ những quốc gia khác nhau đều có thể cùng có một cảm nhận.

Và tôi cũng rất vui vì có thể đóng góp cho quỹ học bổng của Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam thông qua buổi biểu diễn này. Đó là một ý tưởng rất hay và ý nghĩa. Quỹ Âm nhạc và Nghệ thuật Hattori của chúng tôi cũng có mục đích tương tự. Bởi thực tế, thế giới cũng giống như Việt Nam, âm nhạc cổ điển vẫn luôn cần những sự quảng bá, hỗ trợ như vậy.

Xin cảm ơn ông.

Nam Anh

Theo Viết
MỚI - NÓNG