Ăn gian

Ăn gian
TP - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIX đã khép lại. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thắng lớn, không nằm ngoài dự đoán. Lâu lâu, mới có một bộ phim thuyết phục trên nhiều phương diện: Dư luận, giới chuyên môn và doanh thu.  

Phim oách thế, mà để cho vị giám khảo của LHP, nhà văn Nguyễn Đông Thức phải lên tiếng trên trang cá nhân: “Định không viết điều này… Khi xướng tên Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được giải Bông Sen Vàng, giải cao nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIX, các nhà sản xuất, đạo diễn, 3 diễn viên chính được mời lên sân khấu nhận giải. Không ai nói lời cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh…”. Sau đó, nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã tiếp sức cho  câu chuyện: “Theo Nguyễn Đông Thức lẽ ra ban tổ chức nên mời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đến dự lễ trao giải. Không có chuyện đó đâu nhà văn Nguyễn Đông Thức ơi (…). Nguyễn Nhật Ánh chỉ là tác giả nguyên tác rồi một nhóm biên kịch chuyển thể thành kịch bản thế nên họ không mời anh ấy là lẽ thường. Thậm chí có là tác giả kịch bản sự lãng quên vẫn xảy ra phổ biến trong điện ảnh, truyền hình”. Cái “lẽ thường”  như nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói làm bao người phải nghĩ suy.

 “Sự lãng quên xảy ra phổ biến” đến mức người ta chấp nhận thực tế vô tình và bạc bẽo như một điều hiển nhiên, không cần bàn. Nếu không có Nguyễn Đông Thức phàn nàn, ai để ý đến sự vắng mặt của Nguyễn Nhật Ánh? Tác giả “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đáp lại: Không muốn dính thị phi để đầu óc luôn trong trẻo, nếu đi giận hờn mấy vụ như thế, thì sao viết cho trẻ em được? Một câu trả lời mang tính “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ” nhưng ai lại không biết anh thực sự đã hài lòng
hay chưa?

Lại nhớ đến câu chuyện của diễn viên, NSƯT Trần Hạnh. Một nghệ sỹ giản dị, khiêm nhường như ông, còn nhắc mãi cái sự bị lãng quên khi bộ phim “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” lên ngôi.  Người nghệ sỹ đạp xe lên tận Hãng phim truyện Việt Nam, gặp ông đạo diễn đang ngồi uống nước vỉa hè, Trần Hạnh trách: Phim được giải, không báo cho anh em, không cho anh em cái gì. Vị đạo diễn hỏi lạnh khô: “Cậu muốn gì?”. Trần Hạnh bảo: “Ít nhất là chén nước, điếu thuốc”. Ngay lập tức, người ta thản nhiên mang đến cho ông chén nước và điếu thuốc. Chua chát cho thân phận diễn viên!

Một trong những ca khúc về chủ đề biển đảo đươc sử dụng nhiều nhất hiện nay chính là “Nơi đảo xa” của nhạc sỹ Thế Song. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các ca sỹ vẫn cứ tha thiết thể hiện tình yêu biển đảo nhưng mấy ai quan tâm đến “cha đẻ” của “Nơi đảo xa” ốm đau, bệnh tật. Chưa nói đến chuyện tác quyền âm nhạc đã được con trai nhạc sỹ “kêu” nhiều, chuyện thăm hỏi, chuyện mời nhạc sỹ tới xem một chương trình có nhạc phẩm của ông, cũng hiếm thấy. “Nhiều người hát, nhiều chương trình “ăn gian” lắm” là bật mí của nhạc sỹ Thế Song.

Còn bao nhiêu câu chuyện “ăn gian” vô tình khác làm tổn thương trái tim  nghệ sỹ, được họ nói ra hoặc âm thầm chịu đựng?  Từ bao giờ cái sự vô tình trong hành xử với nghệ sỹ ở ta đã trở thành “lẽ thường” không có gì đáng nói? 

MỚI - NÓNG