Ba Lan! Em ơi

Tác giả Trần Quốc Quân ký tặng bạn đọc trong buổi ra mắt cuốn “Tuyết hoang”, Hà Nội tháng 5/2014
Tác giả Trần Quốc Quân ký tặng bạn đọc trong buổi ra mắt cuốn “Tuyết hoang”, Hà Nội tháng 5/2014
TP - Mùa đông Đông Âu lạnh buốt. Nhưng với những người Việt đang quay cuồng vật lộn mưu sinh, mồ hôi và nước mắt có thể làm tan chảy tuyết Vác-sa-va. Người đọc có thể thấy điều đó trong tác phẩm Tuyết hoang của Trần Quốc Quân ra mắt hôm 17/5.

Đáng quý

Trần Quốc Quân ví cộng đồng người Việt ở Ba Lan như một “làng Vũ Đại bên sông Wisla”. chứng kiến sự hình thành, phát triển của nó song hành giai đoạn đổi mới của đất nước Ba Lan, anh tự cho mình trách nhiệm khắc họa lại hình ảnh của một thời trước khi mọi thứ bị xóa nhòa, thay thế bằng cái mới.

Không nhiều tác phẩm văn học khai thác mảng đề tài cuộc sống mưu sinh của người Việt tại các nước Đông Âu hồi những năm 80, 90 thế kỷ trước. Bằng bút pháp tự nhiên, đôi chỗ hài hước cùng với sự thẳng thắn có lúc như của người viết sử, tác giả đưa người đọc nhập cuộc lăn lộn mưu sinh khốc liệt của cộng đồng nho nhỏ này.

“Bài học áo gió, áo giả da vẫn chưa đủ làm Nguyên sáng mắt ra. Kiếm được bao nhiêu tiền từ ‘đánh’ giày, Nguyên say máu ném cả vào vòng quay để tăng vốn với tham vọng tăng cơ hội làm giàu thật nhanh, thật nhiều. Điệp khúc bi tráng ‘tiền đẻ ra tiền’ văng vẳng trong tai, thôi thúc Nguyên không được dừng lại”.

Trần Quốc Quân - Tuyết hoang

Nội dung Tuyết hoang tựu trung gói lại một chữ tiền. Tiền đã đẩy Nguyên, cán bộ quản lý nhà nước có năng lực sang Ba Lan theo con đường nghiên cứu sinh rồi quay qua buôn bán. Tiền cho Nguyên cuộc sống sung túc rồi lấy đi của anh đứa con đầu lòng và người bạn gắn bó nhiều năm.

Nguyên sống hầu như theo bản năng. Lao vào săn tiền như không có ngày mai. Ngang nhiên sống chung với người tình trẻ Thủy trước mặt Trinh, bạn thân của vợ. Hết Thủy lại đến Lê.

Với hình tượng của Nguyên và những người sống quanh anh, Tuyết hoang phản ánh không hề giấu giếm cái hiện thực vật vã, đau đớn của cả một xã hội người Việt thu nhỏ. Sang phương Tây đón ánh sáng, tìm phồn hoa mà vẫn mang trong mình những tính toán vụn vặt, có lúc không e ngại làm tổn thương đồng bào hơn là nắm chặt tay cùng bước lên phía trước.

Cái hiện thực ấy biến An, gã võ biền ngang tàng ngay thẳng trở thành Chí Phèo thời hiện đại, hại chính người bạn từng chia ngọt sẻ bùi.

Tuyết hoang không chỉ ngồn ngộn hiện thực về những số phận đan chéo nhau, để lại kết cục khiến người đọc suy ngẫm. Điểm đáng quý nhất của cuốn sách nằm ở niềm tin. Niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, như cách Nguyên đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã mới.

Và đôi  điều tiếc nuối

Sự đáng tiếc bắt nguồn từ tâm lý “tiếc của” của tác giả. Nếu nhân vật Nguyên góp toàn bộ vốn liếng đánh một chuyến hàng với quá nhiều khát vọng thì tác giả Trần Quốc Quân cũng đổ dồn hơn 20 năm lăn lộn trên đất khách vào chỉ một cuốn sách.

“‘Tuyết hoang’ cũng là một đường chân trời của sự mưu sinh khốc liệt nhưng thăm thẳm hơn cái lũy tre làng và bờ ao đom đóm quen thuộc. Nơi đó dân ‘đầu đen’ là tiếng lóng của những con người được xếp loại công dân hạng bét hay không có hạng. Nhưng ‘đầu đen’ vẫn có những giai cấp trong cộng đồng của mình. Cửu vạn và soái”.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân

Trong thời đại báo điện tử, fast food…, độ dày vượt chuẩn có khả năng tỉ lệ nghịch với cảm xúc. Những câu chuyện cứ chồng chất lên nhau đòi hỏi cách kể phải thay đổi giữa các chương.

Sự quá ôm đồm này rất dễ khiến người ta lạc khỏi mạch văn và mất phương hướng. Một cuốn tiểu thuyết với quá nhiều thoại cũng gây cảm giác nhàm phần nào, dù có những đoạn thoại được viết khá sinh động.

Tuy thế nhịp độ luân chuyển tình tiết nhanh có thể sẽ kéo độc giả trở lại, đi hết chặng đường mà cuốn sách đã vạch ra.

Tuyết hoang đóng lại với hình ảnh mảng tuyết thê lương dần tuột khỏi ánh mắt của những người hồi hương. Những đồng bạc kiếm trên đất tuyết rốt cuộc cũng khiến họ phải lạnh tay. Miền đất hứa tưởng gần mà quá xa xôi.

MỚI - NÓNG