Bài hát Việt: Khuyến khích “dân gian”, chú trọng “đương đại”

Bài hát Việt: Khuyến khích “dân gian”, chú trọng “đương đại”
TP - Ông chủ tịch Hội đồng thẩm định Bài hát Việt 2005 đã phải kêu lên trong bài diễn văn dài khai mạc: “Hồn vía ca khúc Việt đi đâu, hãy trở về!”. Điều này cho thấy ca khúc Việt có vấn đề về bản sắc.
Bài hát Việt: Khuyến khích “dân gian”, chú trọng “đương đại” ảnh 1
Nguyễn Vĩnh Tiến - Ngọc Khuê trong lễ trao giải Bài hát Việt 2005

Việc danh hiệu Bài hát của năm rơi vào à í a của Lê Minh Sơn chứng tỏ Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ) của Bài hát Việt (BHV) phần nào đánh giá cao đề tài xã hội. À í a về mặt âm nhạc không có gì đột phá, phối khí cố tình đơn giản, nhưng ngay khi bài hát cất lên, người nghe cảm thấy tính thời sự:

Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi… Đây như một sự tiếp nối những sáng tác mang hơi thở cuộc sống của Trần Tiến vào giữa những năm 1980.

Chưa kể, À í a có sự đồng điệu nhất định với Quê nhà. Trong khuôn khổ BHV 05, À í a nổi bật lên giữa những bài hát cùng đề tài- tiếng là đề tài xã hội nhưng đều chung chung.

Trần Tiến xuất hiện tại BHV 05 trong một hình thức âm nhạc mới mẻ với chính anh. Giai điệu lạ lùng, mang hơi hướng world music và electronic của Mưa bay tháp cổ lại nhanh chóng chiếm được cảm tình của người nghe.

Danh hiệu Được khán giả yêu thích dành cho bài hát này chứng tỏ có một số không nhỏ trong công chúng vẫn đang mong mỏi và sẵn sàng tiếp nhận cái “khác thường” trong ca khúc Việt.

Có ý kiến về sự không ăn nhập giữa lời niệm Phật với chất liệu Chàm của bài hát, nhưng dù sao ca từ của Mưa bay tháp cổ cũng đã tạo được không khí phù hợp với âm nhạc, làm tròn phận sự chuyển tải cảm xúc của nhạc sĩ tới người nghe.

Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến) từng nhận danh hiệu đồng Bài hát của tháng với số phiếu nhỉnh hơn Giấc mơ của tôi (Anh Quân), nhưng rút cuộc đã phải nhường cho “người chị em” Giọt sương bay lên trong danh hiệu Bài hát dân gian- đương đại nổi bật.

Giọt sương bay lên có một kết cấu nhiều tầng bậc, tung ra nhiều nét giai điệu rút cuộc đã quyến rũ được HĐTĐ. Nguyễn Vĩnh Tiến là tác giả ca từ của 3 bài hát trong BHV 05, từ đó có thể tạm kết luận phong cách làm lời “thoáng” của anh.

Rút cuộc Bà tôi vẫn là bài hát có nội dung cô đọng hơn cả, dù trong bài vẫn còn nhiều đoạn “tả cảnh”… Một bài hát “đồng cảm” với Bà tôiTrở về của Xuân Nghĩa viết về mẹ- thực sự gây xúc động trong người nghe, dù giai điệu không có gì mới.

Giấc mơ của tôi không thật sự bật hẳn lên so với các đề cử Phong cách pop-rock nổi bật: Thu tình yêu (Lưu Thiên Hương), Hát một ngày mới (Lê Minh Sơn), 12 giờ (Nguyễn Duy Hùng)… nhưng xét về tổng thể, đây là một bài hát trọn vẹn về nội dung và hình thức.

Kể cũng đáng tiếc cho Chiếc áo cho em (Lưu Thiên Hương) hay Những khi ta buồn (Võ Thiện Thanh) không gây được ấn tượng với người nghe ngay từ chương trình tháng.

Sức hút của tác phẩm tùy thuộc rất nhiều vào ca sĩ, mà đòi hỏi đầu tiên khi công diễn một bài hát mới là phải hát cho vững nhạc, rõ lời. Một số ca sĩ tham gia BHV 05 còn chưa làm được điều này.

Hai giải do khán giả bình chọn đều nói lên mối quan tâm tới phong cách dân gian- đương đại. Ngọc Khuê xứng đáng nhận giải Ca sĩ “được lòng” khán giả sau một thời gian lăn lộn với dòng nhạc của cô.

Tuy nhiên, phần trình diễn hoàn chỉnh và gây ấn tượng nhất của BHV 05 có lẽ là Tùng Dương trong Mưa bay tháp cổ, trong đó anh đã ứng dụng được lối hát truyền thống.

Tác giả duy nhất có giải cho chính mình, chứ không phải cho bài hát của mình là Giáng Son. Lưu ý đây không phải Nhạc sĩ (tiêu biểu) của năm mà là Nhạc sĩ ấn tượng. Ấn tượng rõ nhất về tác giả này là nữ tính.

Có lẽ đó cũng là điểm tách biệt Giấc mơ trưa khỏi một số sáng tác cùng màu của Dương Thụ.

Bài hát với giai điệu dìu dặt, e ấp gợi được không khí buổi trưa làng quê- hy vọng sẽ mở đầu cho những thành công của cô trên con đường tìm về với truyền thống.   

MỚI - NÓNG