Bản sắc Lê Nguyên Mạnh

Khán giả tương tác với nghệ sĩ trong màn trình diễn
Khán giả tương tác với nghệ sĩ trong màn trình diễn
Trên người mặc độc chiếc quần lót, phủ sơn trắng toát từ đầu đến chân, mồm ngậm cá sống, đứng bất động dưới ánh đèn. Hay lần khác, toàn thân phủ sơn xanh lét như người ngoài hành tinh, nằm co quắp trong chảo rau củ quả… Nếu gọi đó là điên. Thì Lê Nguyên Mạnh thuộc tuýp điên có bản sắc.

Khoả thân, sơn kín người và ngậm cá sống

Sáng cuối tuần, cơn mưa rào tầm tã không ngăn được những người yêu quý Lê Nguyên Mạnh và tác phẩm của anh. Phòng trưng bày tầng 1 của Nhà đấu giá Chọn chật cứng người. Khác với sự ồn ào bên ngoài cánh cửa, không gian trong phòng trở nên tĩnh lặng trước màn biểu diễn của nghệ sĩ họ Lê.

Trên bục gỗ đặt chính giữa phòng, Lê Nguyên Mạnh đứng đó, bất động. Trên người mặc mỗi chiếc quần lót, phủ sơn trắng toát từ đầu đến chân, mồm ngậm một con cá sống, ánh mắt vô hồn. Dưới ánh đèn, cơ thể anh như phát sáng. Những vũ nữ mặc đồ lót đen, bên ngoài khoác sơ mi trắng, nhảy múa vòng quanh. Một người đàn ông đầu trọc, mặc áo dài đỏ trong là quần đùi, bê con cá hồi tầm chục cân trên tay, đi đi lại lại… Không gian ma mị, tiếng đàn violon réo rắt, cộng hưởng với mùi cá tanh thi thoảng xộc lên khiến người xem không khỏi ám ảnh, gai người.

Rồi Lê Nguyên Mạnh rời khỏi bục, cầm nắm bút dạ phân phát một vòng cho người xem. Xong, anh lại nằm lên bục. Nằm co quắp, run rẩy, như hấp hối, miệng vẫn ngậm con cá. Tới phần này, người xem được tương tác với nghệ sĩ. Mọi người dùng bút dạ viết, vẽ, ký tên xung quanh chỗ Mạnh nằm. Một số còn vẽ lên người anh. Đến phần này, âm nhạc cũng réo rắt hơn, đẩy phần trình diễn lên cao trào. Kết thúc, Lê Nguyên Mạnh đứng dậy, trên người bong tróc, loang lổ những mảng sơn và cơ thể thì bắt đầu run lên. Có người đoán do anh bị lạnh vì “dám” gần như khoả thân trong phòng điều hoà, có người lại bảo chắc là ý đồ nghệ thuật.

Đây chỉ là một phần nhưng cũng chính là linh hồn của triển lãm “Lê Nguyên Mạnh”, đang diễn ra tại Nhà đấu giá Chọn. Gần 40 tác phẩm tranh của anh với chất liệu acrylic cũng được trưng bày tại triển lãm lần này. Như thường lệ, các tác phẩm hội họa của anh vẫn đi theo phong cách siêu thực đồng hiện, một thế giới đan xen được tạo ra khi lược bỏ dần không gian thực, đưa vào thêm những không gian ảo và được hoàn thành chỉn chu khi phối hợp cùng ngôn ngữ nghệ thuật trình diễn.

Phần lớn các bức tranh đều xuất hiện hình ảnh chú cá như một thông điệp về các vấn đề về môi trường. Đặc biệt, bức tranh nào cũng xuất hiện hình vẽ một cái cây. Hình ảnh này cũng đã xuất hiện nhiều năm nay trong tranh Lê Nguyên Mạnh như một cách nhận diện thương hiệu.

“Điên” hết mình với nghệ thuật

Đây không phải lần đầu tiên Lê Nguyên Mạnh gây “sốc” với màn trình diễn không giống ai.

Năm 2003, trong cuộc trình diễn mang tên “Dễ vỡ”, Mạnh khiến hàng trăm người xem hết hồn với hành động uống nước có mảnh thủy tinh như một sự khẳng định ý chí và khả năng vượt qua giới hạn của con người.

Năm 2007, ở dự án “Sneaky Week 2007” (Tuần lễ luồn lách) do Quỹ hỗ trợ Nghệ thuật châu Á - Arts Network Asia tài trợ, anh sơn trắng kín người, rồi mang sơn trắng ra đường tô lại những vạch sơn chỉ báo giao thông.

Một năm sau, người ta lại thấy anh tự sơn trắng cơ thể từ đầu đến chân, một tay cầm cuộn chỉ trắng, tay kia chỉ đỏ và đi đến đâu lấy chỉ cuốn vào các vật trên đường đến đấy: từ những ngõ chợ bên dòng sông Tô Lịch hôi hám đến Nhà hát Lớn và Bảo tàng Mỹ thuật.

Cũng trong năm 2008, Mạnh cùng 2 nghệ sĩ khác là Lê Anh Hoài và Nguyễn Hồng Phương trình diễn tác phẩm “Đồng CU”. Trong đó, anh vẽ lên người rồi nhập vào các giá ông Hoàng Mười, Cô Bé… nuột như cô đồng chính hiệu. Các nghệ sĩ say sưa với nhạc hát văn, pha trộn nhạc Richard Clayderman và cả nhạc dance vũ trường. Nhảy đồng nhưng có cả đọc thơ ngẫu hứng, rồi múa gươm và dùng súng nước bắn vào khán giả.

Năm 2011, ở tác phẩm “Sự hủy diệt vô hình”, Lê Nguyên Mạnh lại sơn người trắng, cùng Lê Anh Hoài sơn người màu xanh trình diễn giữa đống máy móc, trong nền nhạc world music. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có tác phẩm sắp đặt trình diễn sử dụng những máy móc cơ khí lớn.

Hai tác phẩm sau đó của Mạnh là “Thời đại công nghệ” và “Trí tuệ rác” cũng đều xoáy sâu vào hình ảnh con người và máy móc khi thì vật lộn, chống chọi, khi lại giao hòa. Đặc biệt, ở “Trí tuệ rác”, Lê Nguyên Mạnh còn cùng nghệ sĩ người Đan Mạch đội tivi nhảy múa giữa… bãi rác.

Một lần khác, Mạnh “chơi trội” bằng cách sơn toàn thân xanh lè như người ngoài hành tinh, nằm co quắp trong chiếc chảo to, xung quanh phủ đầy những rau, củ, quả…

Nếu theo dõi quá trình hoạt động của Lê Nguyên Mạnh sẽ thấy màn “ngậm cá” lần này cũng không hề xa lạ. Cuối tháng 4 năm 2016, anh từng sơn trắng toàn thân, miệng ngậm con cá sống, trình diễn cùng nhóm bạn nghệ sĩ tại bờ Nam cầu Tràng Tiền, nhằm phản đối các hành vi tàn phá môi trường biển, kêu gọi cộng đồng chung tay hành động vì môi trường biển, trong thời điểm cá chết trắng biển miền Trung chưa tìm được nguyên nhân. Màn trình diễn gặp chút rắc rối, tuy nhiên, đã kịp gây sự chú ý đặc biệt ủng hộ với những người chứng kiến.

“Đã làm thì không giải thích!”

Lê Nguyên Mạnh sinh năm 1979, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ cách đây 20 năm, Mạnh đã là một trong số những nghệ sĩ ít ỏi tiên phong thực hành nghệ thuật trình diễn, khi chính loại hình này còn rất xa lạ với công chúng. Độc, dị, táo bạo, luôn gây sốc cho người xem nhưng cũng mang ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa góc nhìn về xã hội đương đại luôn là nội dung trong các màn trình diễn nghệ thuật của Lê Nguyên Mạnh.

Khác với những họa sĩ dùng nghệ thuật để trực tiếp bày tỏ quan điểm xã hội, liên hệ với những thời điểm lịch sử nhất định để đối lập với hiện tại, Lê Nguyên Mạnh quan sát vị trí của mình trong xã hội và bằng những kinh nghiệm của bản thân để gián tiếp bày tỏ quan điểm cá nhân.

Nói về Lê Nguyên Mạnh, ông Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Nhà đấu giá Chọn) nhận định: “Ở trong con người Mạnh, có một phần họa sĩ với những mảng màu, và một phần là hình thể uốn lượn dẻo dai của người nghệ sĩ trình diễn. Tất cả dung hòa thống nhất… Cái nhìn của Mạnh là cái nhìn hiện sinh về sự kết nối của quá khứ, hiện tại và tương lai; về con người và vũ trụ. Mạnh đã vượt qua ranh giới của một nghệ sĩ, một họa sĩ đơn thuần”.

Trong thế giới siêu thực của Mạnh, có khi những đứa bé sẽ được lai ghép với xe máy; những đoàn tàu đâm thủng những tòa nhà cao vút tới tận trời; những người đàn bà béo bay lơ lửng cùng những chiếc ô tô… Bởi vậy, mặc dù sống được bằng việc bán tranh nhưng bản thân Mạnh cũng thừa nhận “Tranh của tôi ẩn chứa nhiều khái niệm, xung đột, nên thị trường chưa quen, vì vậy chủ yếu bán cho khách nước ngoài”.

Những người yêu mến Lê Nguyên Mạnh thường không chỉ qua vài ba tác phẩm trông là lạ, chất chất, mà phải thực sự hiểu và đồng cảm với hành trình sáng tạo của anh, con người anh. Mạnh không cố tình tạo ra những thứ khủng khiếp mà chỉ thích làm theo những gì bản thân cảm nhận từ cuộc sống từng ngày, từng giờ, với tâm niệm “nguyên việc bê hết đời sống của mình lên tranh cũng đã sợ không đủ sức, nói gì đến điều to tát”.

Hiện tại, Mạnh đang ấp ủ một dự án dành riêng cho quê hương xứ Thanh. Nơi tuổi thơ anh gắn liền với biển, nơi anh lớn lên cùng những cánh đồng muối dài hút mắt, những bờ cát nóng bỏng chân, và tiếng khóc ai oán của cả làng mỗi khi tàu cá ngoài khơi gặp bão…

Khác với nhiều nghệ sĩ, Lê Nguyên Mạnh không ép mình phải có bao nhiêu triển lãm trong một năm, hay phải theo phong cách, trường phái nào cố định. 4h sáng, khi người người đang say giấc thì Mạnh dậy ngồi vẽ, đến 8h, khi cả nhân loại đổ vào các nhà máy, công sở thì Mạnh đủng đỉnh đi chơi. Mỗi lần bán được tranh, người ta thấy Mạnh sẽ ăn mặc sành điệu, đi nhảy tưng bừng, vui vẻ. Và lại làm trình diễn, rồi tiếp tục phát triển cảm hứng đó đưa vào tranh. Đấy cũng là cách làm nghệ thuật mà Lê Nguyên Mạnh đang theo đuổi.

Hỏi Lê Nguyên Mạnh sợ điều gì nhất, anh bảo, sợ nhất là làm những việc theo kế hoạch định sẵn, chạy theo những con đường đã vẽ trước. Đó cũng là lý do tất cả tranh trong triển lãm lần này đều không đặt tên mà đánh dấu bằng ký tự La Mã. Đó là cách anh tôn trọng những người đến với tranh của mình. “Tôi muốn trao cho họ quyền được đặt tên cho tác phẩm, để họ tự do cảm nhận, tự do sống cùng tác phẩm”, anh nói. Không ấn định cũng không giải thích, Lê Nguyên Mạnh chấp nhận mỗi “đứa con” của mình sẽ được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, kể cả có trượt ra khỏi ý đồ của tác giả. Triển lãm cũng không được đặt tên cụ thể, mà chỉ đề giản dị là “Triển lãm Lê Nguyên Mạnh”. Có lẽ, bởi bản thân anh đã là tác phẩm độc đáo nhất, dị biệt nhất.

Triển lãm Lê Nguyên Mạnh đang diễn ra tại Nhà đấu giá Chọn, 63 Hàm Long, kéo dài đến hết ngày 11/7.

Bản sắc Lê Nguyên Mạnh ảnh 1

Lê Nguyên Mạnh với màn trình diễn ấn tượng tại buổi khai mạc triển lãm

Bản sắc Lê Nguyên Mạnh ảnh 2

Tất cả tác phẩm tại “Triển lãm Lê Nguyên Mạnh” được anh sáng tác trong 2 năm nay

Bản sắc Lê Nguyên Mạnh ảnh 3

Lê Nguyên Mạnh

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.