Bao giờ phim Việt “thật” hơn ?

Bao giờ phim Việt “thật” hơn ?
Buổi tối, khi cơm nước đã xong, những công việc lỉnh kỉnh sau đó cũng hoàn tất, cả gia đình có thể cùng ngồi trước ti vi. Chắc chắn, sẽ có nhiều khán giả màn ảnh nhỏ muốn xem phim Việt.
Bao giờ phim Việt “thật” hơn ? ảnh 1
Phim Vòng xoáy tình yêu

Ngay những người khó tính luôn đòi hỏi thật cao, vẫn có nhu cầu xem phim Việt. Không thể bắt người Việt đang sống trên đất Việt lại cứ phải xơi toàn món Tàu hay món Hàn. Chính vì thế, khi có một phim Việt mới, người ta ngồi trước màn hình, với một niềm hy vọng (mơ hồ nhưng dai dẳng) biết đâu sẽ có một phim hay!

Nếu ấn tượng ban đầu không được như ý, người ta lại tiếp tục tự dỗ dành mình: kiên nhẫn một tí, hãy ráng chờ đoạn tới! Cứ thế... cho đến khi kết thúc phim, và khán giả cáu sườn lên...

Tính cách giả: Nhiều vấn đề được xây dựng một cách phi lô-gích hay quá đơn giản, nghèo những chi tiết đời sống đắt giá, thiếu những bộc lộ tâm lý sâu sắc trong những tình huống thuyết phục, nhân vật không hiện lên như những con người sinh động đầy hấp dẫn, không màng tới bất kỳ quy luật tối thiểu nào mà chỉ minh họa cho những ý định chủ quan, những khuôn mẫu giả tạo trong đầu tác giả.

Một khi khán giả không thể bị nhân vật chinh phục, làm sao họ có thể tin vào câu chuyện xảy ra trên màn ảnh, để tiếp thu bất cứ cái gì mà những người làm phim định mang tới?

Nhân vật Na trong Vòng xoáy tình yêu là một điển hình cho loại tính cách không thật đó. Trước sự sống chết của chính mình, trước tương lai của cả cuộc đời mình, đầu óc của bất kỳ con người bình thường nào cũng phải vận động để tìm cách tự vệ. Không thể có thứ tính cách bất-di-bất-dịch-trong- mọi-hoàn-cảnh quá phi lý theo kiểu cô Na này, hệt như cái máy đã được lên dây cót, cứ thế mà vận hành, không thèm suy nghĩ, không cần khôn ngoan.

Ngôn ngữ giả: Không thiếu những phim Việt (ngay những phim tương đối thành công) có những lời thoại khiến khán giả cứ tưởng đang nghe đọc văn mẫu. Những đối thoại chỉ có trong sách vở, hoàn toàn không xuất hiện trong đời thực.

Nhân vật thuộc loại ít học hay tâm lý đơn giản lại sử dụng thứ ngôn ngữ quá văn hoa phức tạp. Chỉ trong văn mẫu dạy trẻ em, người ta mới sử dụng loại câu có đủ các thành phần, nhằm luyện cho trẻ viết đúng. Trong đời thực lời thoại ngắn gọn hơn, dễ hiểu hơn và nhất là tự nhiên hơn. Chính những đối thoại giả này góp phần vào diễn xuất không đạt của diễn viên. Diễn viên không thể nói năng một cách bình thường như ngoài đời, mà phải học thuộc lời thoại để trả bài.

Diễn xuất giả - hóa trang giả: Quá nhiều phim Việt khiến khán giả kinh ngạc trước sự tùy tiện và thô thiển trong diễn xuất và hóa trang của diễn viên.

Nếu trong phim có cảnh đang ngủ, thì dù mặc đồ ngủ nhưng nữ diễn viên mặt mũi vẫn đầy son phấn như sắp đi dạ hội. Sau những cảnh xô xát cật lực, ngoại hình của nhân vật hầu như chẳng suy suyển mảy may: tóc không lệch lấy một sợi, quần áo vẫn phẳng phiu như lúc mới mặc vào. Đánh nhau thì bên này chưa động thủ, bên kia đã biết hướng để tránh. Trói người thì chỉ quấn lấy lệ một vòng dây lỏng lẻo, chỉ cần cựa quậy là dây bung ra, thế mà nhân vật rất lực lưỡng vẫn cứ nằm im chịu trận. Bắt bớ thì kẻ đi bắt chỉ sợ làm đau đối tượng, ra tay rất đỗi dịu dàng gượng nhẹ, kẻ đi bắt chưa kịp giở chân thì người bị bắt đã tự động lên đường trước...

Muốn vượt qua những lỗi thô thiển đầy dẫy mà ai cũng nhận ra này, những nhà làm phim Việt phải rút ra rất nhiều bài học, để tránh mắc lại các lỗi cũ trong những phim sẽ làm. Tất nhiên với điều kiện chính họ phải thực sự có nhu cầu hoàn thiện.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.