Bảo tàng cải lương: Ai kẻ vào ra?

TP - Thông tin về dự án Bảo tàng Cải lương Nam bộ do nghệ sỹ Linh Huyền là chủ đầu tư được nhiều khán giả cổ vũ, động viên. Bởi cải lương chưa từng có bảo tàng và có lẽ đây cũng là loại hình sân khấu đầu tiên ở Việt Nam được xây bảo tàng riêng. 

Chi phí xây dựng bảo tàng dự trù khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền khổng lồ (với cá nhân) khiến không ít người chột dạ nhớ đến vụ xây nhà thờ tổ của nghệ sỹ Hoài Linh mà lo lắng cho người có tâm với cải lương. Họ nhắc cô: Để có nhà thờ tổ, Hoài Linh đã chạy show miệt mài, có khi đổ bệnh. Và cũng chỉ có cái tên ăn khách như Hoài Linh, nghệ sỹ hải ngoại đầu tiên được phong danh hiệu NSUT, mới đủ khả năng “kiếm tiền như máy”.

Nhưng kể cả nghệ sỹ Linh Huyền sẽ thành công trong việc huy động vốn để xây dựng Bảo tàng Cải lương thì một câu hỏi đặt ra sau đó: Làm gì với Bảo tàng Cải lương?  Chắc chắn bảo tàng nào cũng mong muốn đón khách  tham quan, Bảo tàng Cải lương không ngoại lệ. Ai sẽ mua vé để tham quan Bảo tàng Cải lương Nam bộ? Hiện trạng bảo tàng xuống cấp, vắng khách là câu chuyện không mới. Có người ví von bảo tàng Việt Nam đang “hôn mê sâu”. Hơn trăm bảo tàng trải khắp đất nước, trong đó không ít bảo tàng được đầu tư lớn (vài ngàn tỷ đồng) nhưng vẫn thưa vắng kẻ vào ra. Những bảo tàng hút khách hiện nay không nhiều.

Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sỹ Việt Nam, cũng do tư nhân bỏ tiền đầu tư  đã chính thức mở cửa để đón khách tham quan. Đây là nơi trưng bày hơn 100 bức tượng sáp của nhiều thế hệ nghệ sỹ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Không chỉ có những “cây đa cây đề” như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Văn Khê… bảo tàng tượng sáp nghệ sỹ Việt Nam còn có cả những tên tuổi “hot” trên thị trường hiện nay … Tuy nhiên, có một thông tin kém vui, các nghệ nhân, những người có công cho ra đời nhà trưng bày, sau một tháng mở cửa đã kêu lỗ nặng. Bởi mỗi ngày họ chỉ đón khoảng 100 khách tham quan với giá vé 100 ngàn đồng, số tiền thu được không đủ bù chi phí. Một khán giả bình luận “chua” nhưng được sự hưởng ứng của nhiều người: “Người thật còn chẳng muốn xem ở đó mà coi tượng sáp”. Không ít người  nói: “Cho vào miễn phí có khi không  đi”. Tại sao nhà trưng bày tượng sáp nghệ sỹ Việt Nam ế khách? Vì tượng chưa đẹp, vì để lọt những nhân vật gây mất cảm tình với công chúng? Hay vì vẫn còn thiếu nhiều nhân vật giải trí đang ăn khách hiện nay?... Những băn khoăn trên đều có phần đúng song chưa phải đáp án chính xác. Ngay cả có dựng tượng sáp nhân vật lôi kéo nhất hiện nay trong giới giải trí là Sơn Tùng M-TP, chắc bảo tàng cũng vẫn không tấp nập hơn. Đây là một thực trạng không chỉ diễn ra ở ta mà ở Mỹ cũng vậy. Bảo tàng trưng bày tượng sáp các tổng thống và phu nhân Mỹ đã buộc phải đấu giá bộ sưu tập và chuyển đổi mục đích sử dụng cũng chỉ vì ế khách.

Quay lại câu chuyện dự án Bảo tàng Cải lương Nam bộ. Cùng chung hoàn cảnh với tuồng, chèo, cải lương cũng  đang “đói” khán giả.  Sân khấu thực còn đang ảm đạm, bảo tàng mở ra tại thời điểm này là một thách thức không nhỏ. Nhưng biết đâu với thiết kế độc đáo, đẹp mắt bảo tàng lại trở thành một địa điểm lí tưởng để chụp ảnh cưới như một bảo tàng ngoài Hà Nội?

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.