Bảo tồn văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long

Làng chài Vung Viêng, một trong những làng chài cổ lâu đời trên vịnh Hạ Long.
Làng chài Vung Viêng, một trong những làng chài cổ lâu đời trên vịnh Hạ Long.
TP - Đứng trước nguy cơ mai một những nét văn hóa độc đáo của làng chài trên vịnh Hạ Long, UBND TP Hạ Long vừa  quyết định đầu tư để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của làng chài trên vịnh.

Theo đó, UBND TP Hạ Long ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND nhằm bảo tồn, phát huy bền vững, tránh làm mai một giá trị văn hóa tiêu biểu của ngư dân làng chài; tạo sản phẩm du lịch độc đáo nhằm tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút và kéo dài thời gian tham quan của khách du lịch trên Vịnh Hạ Long; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng ngư dân và khách du lịch trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long.

Nội dung Kế hoạch tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, giá trị di sản văn hóa vật thể gồm: con thuyền (thuyền nan, thuyền ba vách, thuyền buồm) - phương tiện đi lại, kiếm sống và là ngôi nhà di động của ngư dân vạn chài Hạ Long; ngư cụ truyền thống (lao đâm cá, mai đào sá sùng, xỉa ngán, búa đánh hà, lờ…) – những phương thức đánh bắt sơ khai, đơn giản mà hiệu quả của ngư dân vạn chài Hạ Long; nhà bè với các đồ dùng hàng ngày của ngư dân vạn chài Hạ Long; lớp học của con em ngư dân khi chưa di dời các nhà bè trên vịnh Hạ Long.

Giá trị di sản văn hóa phi vật thể gồm: hát giao duyên của ngư dân làng chài Hạ Long – một kho tàng ca dao, dân ca, phong tục tập quán; tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống.

Kinh phí thực hiện dự kiến trên 1.698 tỷ đồng, nguồn chi trích từ nguồn thu phí tham quan vịnh Hạ Long. Thời gian thực hiện từ quý II năm 2018, tại khu vực Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long và khu tái định cư Cái Xà Cong, phường Hà Phong, TP Hạ Long.

Cụ thể, tại khu vực Cửa Vạn, sẽ trưng bày, giới thiệu cho khách du lịch đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần, phương thức kiếm sống của ngư dân Hạ Long giai đoạn trước và sau khi di dời tại Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn; chiếu phim tư liệu tái hiện đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân Hạ Long; truyền dạy, trình diễn hát giao duyên, hát đám cưới, hò biển phục vụ khách du lịch; tái hiện mô hình lớp học nổi của con em ngư dân Hạ Long để giới thiệu cho khách du lịch; trình diễn tổ hợp đan lờ, đan lưới, sửa chữa ngư cụ; trải nghiệm sản phẩm “Một ngày làm ngư dân trên vịnh Hạ Long”.

Tại khu tái định cư Cái Xà Cong, phường Hà Phong, trưng bày bộ ảnh theo chủ đề “Những đổi thay, tiếp biến văn hóa của ngư dân làng chài xưa và nay”. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.