“Bát” chợ Trung thu

TP - Chẳng cứ Trung thu người ta mới đưa trẻ lên Hàng Mã (Hà Nội) chơi. Tuy nhiên, đến lúc liền kề Rằm tháng tám mới thấy hết cái đa màu, đa sắc. 

Nhốn nháo, nhộm nhoạm

Chạng vạng đứng nút Hàng Đường - Hàng Mã thấy hoa cả mắt. Lắm thứ nhấp nháy cam xanh vàng tím, đèn lồng đỏ treo cao… vừa vừa, nguyên cái đầu sư tử to vật vã đủ một chú nhóc ngồi lọt thỏm. Người thì đông vô kể, chen chúc lần bước. Ô tô bị cấm còn xe máy rúc vô tư. Tắc lại càng tắc. 

“Bát” chợ Trung thu ảnh 1

Sặc sỡ toàn đồ Trung Quốc 

Vào “chợ” vài bước đã nghe nhốn nháo có vụ đánh nhau. Đường chật chỉ nhìn từ xa, người hiếu kỳ len tới nơi thì kẻ bị đánh đã chui tọt vào nhà vệ sinh còn hai vị khách nữ đang đứng xoa tay. Chị mặc áo xanh vẫn hằm hè: “Không bán thì thôi. Bỏ tiền chứ phải xin nó đâu?”. Cô áo đen, đeo kính, dắt con hung hăng hơn: “Không hiểu đánh cho hiểu”. 

Đó là trường hợp khách “gấu” hơn chủ. Chủ cao thủ hơn khách cũng có. Một anh chàng xăm kín hai tay giới thiệu cây chùy cao su tương câu: “Phang vào đầu thằng khác đã lắm”. Ông chủ tóc dài, cơ bắp, mắt gườm gườm. Xem chừng khó mặc cả. Khó tính phải kể đến bà cụ ngồi đầu phố, lăm lăm cán chổi nhựa, không hài lòng là chọc chân khách xua đi. Chụp ảnh tạo dáng không mua đã đành. Đứng lâu chút mà ngó quanh quất cũng bị cán chổi nhắc nhở. 

Nhiều nhà có con nhỏ ngại lên Hàng Mã mỗi độ Trung thu. Đứng chẳng có chỗ, lấy đâu chỗ chạy chỗ chơi cho các con. Các em bé bố mẹ phải bế cõng, anh chị lớn tự đi, nhìn hàng thì ít nhìn chân nhìn lưng người ta thì nhiều. Chưa kể xe máy được len vào phố, trẻ con dễ phải hít khói còn có nguy cơ bỏng “bô”.

Phố đã tắc lại bị chia đôi bởi những người bán hàng rong. Họ xếp hộp xốp thành một hàng dọc tim đường. Đồ Trung thu cắm trên nắp hộp xốp cho tiện di chuyển. Bán hàng kiểu này bị cấm nên hễ xe của phường thò đầu tới thì nhộm nhoạm vô cùng.

Kẻ bưng người đội dạt sang hai bên ké vào các hiệu hợp pháp. Nhìn chủ hiệu lo lắng hộ đối thủ chợt đặt câu hỏi liệu có phải chiêu “chia để trị”, tăng diện tiếp xúc khách. Ai chả nghĩ mua đồ rong rẻ hơn. Có một lúc mà xe phường qua lại mấy lần, dẹp loạn theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa.

Trăm người bán, vạn người xem

Bà cụ cán chổi đầu phố có lẽ đã quá mệt với đám nam thanh nữ tú cứ sà vào chụp ảnh tự sướng rồi đi không, chẳng mua ủng hộ người già. Cách vài bước còn cụ khác già hơn, ngồi bệt giữa gốc cây và cột biển tên phố với mớ trống ếch trống lắc tay chỏng chơ, chưa ai hỏi mua.

Chị Hòa cuối phố dài giọng: “Đông… toàn xem thôi. Nhất là thanh niên. Hôm nào cũng chật ních mà bán được mấy đâu em?”. Các bạn trẻ thích bát phố, chụp ảnh là chính theo thói quen mỗi độ Trung thu. 

“Bát” chợ Trung thu ảnh 2

Mặt nạ kinh dị. Ảnh: Trung Dũng

Chợ Trung thu, người lớn nhiều hơn thiếu nhi song hàng bán được phần nhiều nhờ các bé. Kính không tròng thời trang, gậy sao phát sáng, mũ tai thỏ mũ bướm gắn đèn, súng bắn xà phòng… giá một vài chục nghìn là vừa cho phụ huynh rút ví. “Toàn đồ Tàu” - chồng chị Hòa chen vào khi được hỏi về nguồn gốc. Anh quan niệm giờ đồ ăn còn độc nữa là đồ chơi. 

Qua tìm hiểu được biết đèn ông sao của Việt Nam bán cũng ổn. Nhất loại mini giá rẻ, chất lượng đúng “hàng mã”. Các loại đèn khác (đèn lồng cá chép, đèn kéo quân) thì cắc bụp. Đầu lân sư chỉ treo cho hoành tráng. Ít người mua.

Anh Phong ở Trương Định dừng lại bảo con gái đang ngồi trên vai tạo dáng cho vợ chụp ảnh rồi nói: “Con anh nó thích. Cái gì cũng đòi”. Theo anh Phong thì cả năm mới có một dịp, phải cho con lên chơi. Thằng cu lớn đòi mua cái kích (một loại vũ khí thời cổ) bằng cao su nhưng chị vợ cấm. “Toàn đồ bạo lực. Mặt nạ kinh dị hình như ở đằng kia” - vẫn anh Phong.

Rẽ sang Chả Cá mới tìm được hàng bày mặt nạ ma kinh dị. Người lớn nhìn còn hãi nữa là. Kinh doanh lấy lợi làm đầu không khéo làm biến dạng ý nghĩa đêm Trung thu. 

Đi trên phố thấy nao nao khi nghe tiếng trống ếch. Trăng chưa tròn, đành ngắm bong bóng xà phòng dưới ánh đèn và hệ thống dây điện chằng chịt vậy.

MỚI - NÓNG