Bê bối tấn công tình dục của Roman một lần nữa hâm nóng dư luận

Nữ diễn viên Adèle Haenel đứng lên bỏ về ngay khi Roman Polanski được gọi tên ở giải Đạo diễn xuất sắc
Nữ diễn viên Adèle Haenel đứng lên bỏ về ngay khi Roman Polanski được gọi tên ở giải Đạo diễn xuất sắc
TP - Sự kiện đạo diễn Roman Polanski được trao giải Đạo diễn xuất sắc tạo nên làn sóng phẫn nộ, tại lễ trao giải điện ảnh César của Pháp cuối tuần qua. Bê bối tấn công tình dục của Roman một lần nữa hâm nóng dư luận.

Viện Hàn lâm điện ảnh Pháp trao giải Đạo diễn xuất sắc cho Roman Polanski nhờ phim J’accuse (Tôi tố cáo). Bộ phim trước đó nhận 12 đề cử, nay nhận được ba tượng vàng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản chuyển thể xuất sắc và Phục trang xuất sắc. Kết quả của những thành viên Viện Hàn lâm được xem là “không đếm xỉa” tới cáo buộc vị đạo diễn 86 tuổi từng bị buộc tội tấn công tình dục trẻ vị thành niên.

Như thường lệ, Roman Polanski vắng mặt tại lễ trao giải. Trước đó, ông tuyên bố không xuất hiện vì lo lắng xảy ra phản ứng tiêu cực. Đúng dự đoán, khi ông được gọi tên nhận giải Đạo diễn xuất sắc, nữ diễn viên Adèle Haenel đứng lên rời khỏi khán phòng, vung tay đầy tức giận và hét lên “thật hổ thẹn”. Đạo diễn Céline Sciamma và nữ diễn viên Noémie Merlant cũng theo chân cô rời khỏi lễ trao giải. Adèle Haenel là nạn nhân của vụ tấn công tình dục rúng động điện ảnh Pháp thời gian qua. Trước lễ trao giải, nữ diễn viên này tuyên bố: “Vinh danh Polanski chẳng khác nào nhổ nước bọt vào các nạn nhân”.

Roman Polanski bị cáo buộc tấn công tình dục trẻ vị thành niên ở Mỹ, ngoài ra cũng bị năm phụ nữ khác tố cáo tội cưỡng ép. Không khí căng thẳng bao trùm giải thưởng César. Bên ngoài khán phòng Pleyel tại Paris, nhóm biểu tình hơn 200 người tiến sát khu vực thảm đỏ và hét vang “Polanski kẻ hiếp dâm, phim ảnh tội lỗi”. Sophie Tissier- một trong những người hoạt động vì nữ quyền tham gia phản đối Polanski nói: “Tôi thấy suy sụp, thấy ghê tởm và bị sốc. Tôi nghĩ rằng, họ không lắng nghe phụ nữ”. 

Nhóm người ủng hộ hành động của nữ diễn viên Adèle Haenel lấy làm tiếc vì thiếu tiếng nói ủng hộ từ nghệ sỹ. Gần 2h sáng sau lễ trao giải, nhóm người chống Polanski vẫn tập trung bên ngoài nơi diễn ra tiệc chiêu đãi của BTC giải thưởng César. Nhóm người phẫn nộ vì “thế giới điện ảnh không bị trừng phạt”. Họ không bằng lòng vì Viện Hàn lâm “quá thỏa hiệp” khi vẫn bỏ phiếu cho Polanski bất chấp lỗi lầm của ông. Những người biểu tình bên ngoài khán phòng trao giải César thậm chí còn kêu gọi “bỏ tù” đạo diễn 86 tuổi.

Nam diễn viên Jean Dujardin (thủ vai Đại tá Picquart) trong Tôi tố cáo được đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc, đăng tải bức ảnh trường quay bộ phim Roman Polanski trên Instagram. “Tôi chỉ đơn giản muốn nhắc lại rằng Tôi tố cáo là nhan đề bài báo rất nổi tiếng của Émile Zola, tôi hy vọng điều này không làm phiền ai”. Nữ diễn viên Fanny Ardant nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc lại không ngại bênh đạo diễn bị la ó. “Tôi rất quý Roman Polanski, tôi vui cho ông”, cô nói. Một vài diễn viên khác dù không lên tiếng thẳng thắn bênh Polanski, nhưng lại cho rằng nghệ sĩ tới lễ trao giải thưởng điện ảnh để được vui vẻ. 

Bộ trưởng Văn hóa Franck Riester xuất hiện tại lễ trao giải, trước đó nói với Franceinfo rằng trao giải cho Roman Polanski có thể “trở thành biểu tượng xấu so với những nhận thức cần thiết trong cuộc chiến chống lại tấn công tình dục và bất bình đẳng giới”. Phát ngôn này khiến nhà sản xuất Tôi tố cáo tức tối, liền gửi thư cho các thành viên đoàn làm phim tẩy chay lễ trao giải thưởng César. Dù không ủng hộ hành động trong quá khứ của Roman Polanski, nhưng Bộ trưởng Pháp nêu quan điểm: “Thật phức tạp trong vấn đề của Roman và phim Tôi tố cáo, không nên nhầm lẫn giữa tác phẩm và nghệ sĩ. Một tác phẩm nghệ thuật cần được bảo vệ. Tôi là người đảm bảo cho quyền tự do sáng tạo và tự do tiếp cận tác phẩm nghệ thuật”. 

Bộ phim Tôi tố cáo của Roman Polanski xoay quanh vụ Dreyfus. Đại úy Alfred Dreyfus là người Pháp gốc Do Thái sau 12 năm được tuyên bố vô tội, tuy nhiên vụ án tạo nên sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp giữa một bên ủng hộ và phe chống Dreyfus-người bị buộc tội làm lộ tài liệu bí mật của Pháp cho người Đức. Bản án năm 1895 chính là sự sai lầm tư pháp, bắt nguồn từ nỗi lo sợ gián điệp và sự căm thù của người Pháp đối với quân Đức. Émile Zola viết bài báo có tựa đề Tôi tố cáo gây ra chuỗi khủng hoảng chính trị và xã hội ở Pháp vào năm 1898. Vụ việc chỉ khép lại vào năm 1906 khi bản án cuối cùng của Tòa phá án Pháp-tòa án cấp cao nhất trong hệ thống tư pháp nước Pháp - minh oan và phục hồi danh dự cho Dreyfus.

Giải thưởng Phim xuất sắc tại lễ trao giải César lần thứ 45 thuộc về Những người khốn khổ của đạo diễn Ladj Ly. Phim từng đoạt giải thưởng Hội đồng giám khảo tại Cannes 2019. Phim cũng được đề cử hạng mục Phim quốc tế xuất sắc tại Oscar 2020.
Ký sinh trùng của điện ảnh Hàn thắng giải Phim nước ngoài xuất sắc, vượt qua phim của các đạo diễn lừng danh khác như Quentin Tarantino, Pedro Almodovar, anh em Dardenne hay Todd Philips.


MỚI - NÓNG