Bến lạ Đặng Đình Hưng

Tiết mục đặc biệt trong chương trình “Đặng Đình Hưng - một bến lạ” ở Viện Pháp, Hà Nội, tối 20/1. Ảnh: Toan Toan
Tiết mục đặc biệt trong chương trình “Đặng Đình Hưng - một bến lạ” ở Viện Pháp, Hà Nội, tối 20/1. Ảnh: Toan Toan
TP - Tại cuộc ra mắt tập thơ họa Ðặng Ðình Hưng - một bến lạ tối 20/1 ở L’Espace (Hà Nội), trong khán phòng, nhiều người phải đứng suốt hai tiếng đồng hồ. Vì sức hút của một nhân vật vẫn còn mờ tỏ, chưa lộ sáng hoàn toàn và cũng vì đến đây, họ chắc chắn được nghe tiếng đàn của người con trai lừng danh cùng câu chuyện anh kể về cha mình - Ðặng Ðình Hưng.

“THẾ NÀY MÀ LÀ THƠ À”

Đặng Đình Hưng - một bến lạ gồm 6 tác phẩm thơ, 21 tranh Đặng Đình Hưng và nhiều bài viết về thơ và người Đặng Đình Hưng. Theo một trong các diễn giả tối 20/1- nhà thơ Hoàng Hưng thì Đặng Đình Hưng vẽ trên 300 tranh nhưng chỉ từng xuất bản một tập 24 bức. “Sinh thời thơ ông chỉ xuất hiện một lần trên tạp chí Cửa Việt - bài Khóc Mỵ Châu. Ông qua đời, gia đình in tập thơ đầu tiên - Bến lạ năm 1991, tập Ô mai năm 1993. Việc xuất bản này gây chấn động bởi sự độc đáo khác lạ” - Hoàng Hưng thông tin. Và: “Khi Đặng Đình Hưng in tập đầu tiên, có người bảo thế này mà là thơ à. Lúc bấy giờ người ta đề cao “nghĩa” trong khi Đặng Đình Hưng lại đề cao chữ. Vì ông cho rằng bản thân chữ đã có nghĩa rồi, nó là một cơ thể sống, và khi những chữ ấy phối với nhau theo một nhạc điệu nào đó, sự sắp xếp nào đó, thì nó đã mang ý nghĩa rồi. Quan niệm này bây giờ còn khó chấp nhận nữa là hồi đó!”.

Bến lạ Đặng Đình Hưng ảnh 1 Ảnh: Nguyễn Đình Toán

PSG.TS Đỗ Lai Thúy- một diễn giả khác, cũng đề cao tiếng thơ lạ Đặng Đình Hưng. Ông khẳng định “Với những nhân vật như Đặng Đình Hưng, phải có khoảng cách, độ lùi mới có thể nhìn thấu”. Đỗ Lai Thúy so sánh thơ và người Đặng Đình Hưng với các nhà thơ cùng thời hoặc đồng cảnh ngộ: “Trước đó, phương pháp sáng tác chủ yếu của thơ Việt Nam là tư tưởng phải đi trước, nghĩa phải có trước, sau đó đi tìm lời để phô diễn cái nghĩa ấy. Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng lại đảo lộn công thức đó, tức là chữ đi trước nghĩa. Lê Đạt tự nhận “phu chữ” để nhấn mạnh việc chữ đi trước nghĩa, còn Trần Dần nói làm thơ là “công tác chữ”, làm thơ là gây sự với chữ. Tuy nhiên, giữa họ vẫn có sự khác nhau. Như Trần Dần bắt ép một con chữ phải đẻ ra nghĩa mới, Lê Đạt chủ trương một con chữ phải phát ra nhiều nghĩa. Còn Đặng Đình Hưng mang đến độc đáo cho thơ bằng khía cạnh nhạc sĩ”.

Theo Đỗ Lai Thúy, “Những người đến với thơ ca từ âm nhạc và hội họa thì có sự thuận lợi bởi họ dễ dàng đi đến ngôn ngữ đích thực trong thơ. Chúng ta biết thơ có hai ngôn ngữ, một là ngôn ngữ mà ai cũng hiểu - “ngôn ngữ tiêu dùng” theo cách gọi của Lê Đạt; hai là ngôn ngữ do nhà thơ sáng tạo, nó nằm trong bài thơ và tương tác với các chữ khác trong bài thơ ấy, nó đẻ ra ý nghĩa mới mà không phải ai cũng chấp nhận, cũng hiểu được. Các nhạc sĩ và họa sĩ sẽ dễ nhận ra điều đó hơn”.

Sau khi phân tích ba tác phẩm tiêu biểu của Đặng Đình Hưng: Ô, Bến lạ Ô mai, Đỗ Lai Thúy kết luận: “Trong thơ tự do Đặng Đình Hưng, quan trọng nhất là nhịp điệu chứ không phải vần điệu. Kết cấu tác phẩm của ông cũng bị chi phối bởi âm nhạc”.

“TÔI THI CHUNG KẾT CHOPIN ÐÚNG NGÀY BỐ NHẬP VIỆN LAO”

Trong trang phục đen và phong cách giản dị, NSND Đặng Thái Sơn đáp ứng sự trông đợi của khán thính giả tối 20/1 bằng hai bản đàn, một song tấu với Đặng Hữu Phúc, do nhạc sĩ này soạn dựa trên cảm hứng thơ Đặng Đình Hưng; hai là bản Adagio của J.Bach để tưởng niệm cha nhân chẵn 30 năm ông ra đi.

Bến lạ Đặng Đình Hưng ảnh 2 Đặng Thái Sơn và cha. Ảnh: Tư liệu gia đình

Hồi ức về cha, người con nổi tiếng thỉnh thoảng gọi mình là “thằng bé” nghe rất kiểu dân Hà Nội hóm hỉnh. Ông thoạt tiên giải thích cái tên của mình- một phần lý do đệm Thái vì là họ mẹ ông - Thái Thị Liên. Và kể những chuyện khác:

“Thời gian đen tối nhất của bố tôi là năm 1980. Ngày bố nhập viện vì lao nặng là ngày tôi thi chung kết Chopin ở Ba Lan. Thật khó tưởng tượng. Sau vinh quang đó thì rất được ưu ái, cứu cả nhà. Bố từ chỗ chờ chết trước hết vì không có tiền, thì sau đó được những điều kiện tốt nhất có thể. Hai bác sĩ đầu ngành là Hoàng Đình Cầu và Tôn Thất Tùng lo ca mổ, bố tôi sống thêm 10 năm với hậu vận tương đối thoải mái. Còn tôi đưa má sang bên kia ở, cũng là cứu má từ Sài Gòn”.

NSND ĐẶNG THÁI SƠN

“Lúc tôi lọt lòng, gia đình sống rất êm ả tại căn phòng ở Tống Duy Tân thuê của một cụ ký. Nhà rất đông anh em - con anh con tôi con chúng ta, tôi là út. Ai cũng học đàn,  đến lượt tôi bố mẹ bảo ầm ĩ quá rồi không học nữa. Nhưng trò đời bố mẹ nói không thì con cứ ứ ừ. Nhà có hai phòng, phòng lớn 22 mét tôi ở với má, bố tôi ở phòng 4 mét. Ăn, ngủ, làm việc, làm thơ, thăng hoa đều ở đấy.

Những người lui tới nhà đều cùng cảnh bố tôi như Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần. Người có chức vụ hơn như bác Đỗ Nhuận, chú Văn Ký, chú Lê Yên. Tôi cảm giác bố hợp với nhạc sĩ hơn vì cái tôi không đụng nhau. Chứ bạn thân như Văn Cao, Trần Dần có khi bẵng đi mấy tuần không thấy, y như rằng lại giận nhau vì văn thơ.

Vào tuổi niên thiếu hình thành nhân cách, thằng bé răm rắp theo lời dạy của bố. Bố tôi dạy làm gì cũng phải chân thật và có sự kiêu hãnh từ bên trong. Tôi nghĩ chính cái kiêu hãnh ngầm đó đã giúp tôi chiến thắng tại cuộc thi Chopin.

Giữa những năm 70 bố mẹ chia tay, tôi sang Liên Xô học. Nói chuyện bố mẹ, nhiều lúc chả hiểu sao ông bà lấy nhau, vì cá tính họ cực mạnh, rất khác nhau, văn hóa khác. Má tôi phương Tây hơn, bố tôi theo truyền thống. Nhưng ngẫm lại chắc họ gặp nhau ở sự chân thật trong cuộc sống và âm nhạc. Và nghĩ lại thì trong việc chia tay có một lý do là để hợp thức hóa việc tôi đi học nước ngoài.

Bố mẹ chia tay đều suy sụp. Vì người làm thơ như bố tôi rất cần hậu phương vững chắc. Má tôi ít ra cũng đảm bảo cơm nước sinh hoạt đều đặn. Mất hậu phương bố tôi suy sụp đến mức như người vô gia cư, tiếp đó là bệnh tật. Má tôi cũng thế, cần cái đầu của bố vì bố tôi tham mưu mọi chuyện, chứ ứng xử xã hội, kỹ thuật giao tiếp của má tôi là zero. Ly hôn má trở về Nam một mình cũng rất khổ vì tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.

Gần đây trên mạng xã hội xì xào bàn tán Đặng Thái Sơn là con ghẻ hay con cưng của chế độ trong đó Đặng Đình Hưng là tâm điểm. Tôi thì chỉ có một lựa chọn, tôi chọn làm con ngoan của bố”.

“Chủ nghĩa tín hiệu tối giản”

Họa sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển 21 tranh bày tại L’Epace tối 20/1, chính là 21 bức in trong sách. Thơ Đặng Đình Hưng cần có người chỉ ra sự độc lạ sẽ dễ tiếp thu hơn, và nay Lê Thiết Cương dẫn giải về tranh ông:

“Về kỹ thuật, Đặng Đình Hưng vẽ như  người viết chữ. Thay vì chấm bút vào lọ mực thì ông chấm bút lông vào pa-lét màu và một nét nhấc lên là thôi, không tô đi dặm lại không vờn tỉa, hoàn toàn tự  nhiên. Viết, vẽ với Đặng Đình Hưng là một. 

Bảng màu của Đặng Đình Hưng rất giản dị, có lẽ chỉ 5 màu: trắng ngà, đen, trắng, chút xanh cỏ úa, chút vàng đất. Cụ dùng cũng rất ít hình. Một vài vạch, vài dấu chấm, một vài dấu phẩy, một vài ngoặc đơn và rất nhiều thứ- giống thơ của cụ- an pha, bê ta. Thế nhưng nếu chúng ta coi âm nhạc là phát triển thì cụ có một thao tác tư duy tạo hình giống như biến tấu trên chủ đề của âm nhạc. Tức là cũng là dấu chấm, là những vạch đó nhưng bằng cách tổ hợp, sắp xếp lại, thường cụ áp dụng mấy thao tác: trên dưới, to nhỏ, ngắn dài, cân lệch, để cho ở bức tranh số hai cũng vẫn những ký hiệu đó nó lại mang một nghĩa mới nghĩa khác, cho nên tôi tạm gọi phong cách hội họa Đặng Đình Hưng là chủ nghĩa tín hiệu tối giản”.

MỚI - NÓNG