Bí ẩn ngày Lê Anh Xuân hy sinh…

TP - Ngày 24/5/1968, nhà thơ Lê Anh Xuân hi sinh trong một trận càn của địch ở vùng ven Sài Gòn khi anh mới 28 tuổi. Mỗi năm, vào ngày này, gia đình lại giỗ anh và ôn lại những kỷ niệm về con người mãi mãi ở tuổi thanh xuân ấy. 
Bí ẩn ngày Lê Anh Xuân hy sinh… ảnh 1

Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng và di ảnh em trai – nhà thơ Lê Anh Xuân. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Bao năm tháng đã qua, nhưng Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng vẫn nhớ những kỷ niệm hồi nhỏ với người em trai Ca Lê Hiến (Tên thật của Lê Anh Xuân). Bà bùi ngùi kể: “Lúc nhỏ, chị em tôi học ở Đà Lạt. Tôi lớn tuổi hơn, nhưng học cùng lớp với em. Trong lớp còn có Xuân Lan là em gái của nhà văn Anh Đức, người sau này là người yêu, vợ chưa cưới của em tôi. Trong lớp, em tôi bao giờ cũng là người học rất giỏi”.

Đạo diễn Ca Lê Hồng kể: “Em tôi học rất giỏi, nên được cử đi nước ngoài học tiếp. Nhưng em tôi quyết định trở vào Nam. Trước khi đi, Em còn viết thư cho vợ chồng tôi, nói nguyện vọng vào Nam để làm việc, cống hiến. Cả gia đình chúng tôi đều lo cho em, chiến trường đang vô cùng ác liệt, nhưng em đã lớn nên đó là quyết định cần được tôn trọng”.

Trong hồ sơ đi B của Ca Lê Hiến hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia có tờ ghi nguyện vọng của nhà thơ: “Hiện nay chuyên môn của tôi là giảng dạy môn Lịch sử thế giới cổ đại ở Trường Đại học Tổng hợp nhưng về miền Nam tôi có thể dạy các môn khoa học xã hội, cả Văn, Sử... Ngoài chuyên môn ra, tôi có khả năng tham gia công tác báo chí hoặc sáng tác thơ. Ngoài công tác giáo dục, tôi rất muốn được tham gia công tác về văn học nghệ thuật ở miền Nam, tôi có thể đi bất cứ nơi nào Đảng cần đến. Nguyện vọng và quyết tâm của tôi là được về miền Nam, về lại quê hương tôi” (Tờ 25- Hồ sơ 1429, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, TTLTQG III).

Bà Ca Lê Hồng vẫn còn giữ lá thư Ca Lê Hiến gửi cho mình trước khi lên đường, thư viết rằng: “Em biết rồi đây những khó khăn thử thách mới rồi sẽ đến, thậm chí có thể hy sinh nữa nhưng không vì thế mà làm giảm sút quyết tâm…”.

Những người viết lách thường có một “công thức” là “đi khổ, viết sướng”, nghĩa là những chuyến đi thực tế gian khổ sẽ đem lại nhiều cảm xúc, nhiều sự hiểu biết sâu sắc về cuộc đời và do đó có được những tác phẩm hay. Với Lê Anh Xuân, sống và viết tại chiến trường dường như càng khiến cho ngòi bút của anh tỏa sáng.

Lê Anh Xuân lặn lội về gặp chị gái của mình ở Bến Tre. Bà Ca Lê Du từng kể: “Dịp Hiến về, đồn bốt giặc giăng đầy, đêm đến, chúng tôi đi phá. Lần chúng tôi đi phá lộ cho giao thông đứt đoạn, Hiến bảo tôi: Chị Ba ơi, chị Ba dắt em đi phá với! Thấy em hăng hái quá, tôi đã đưa em đi cùng”.

Đọc những trang nhật ký của Lê Anh Xuân, có thể thấy sự sống với cái chết cách nhau trong gang tấc. Nhưng anh vẫn tràn đầy năng lượng, hy vọng và niềm tin.

“Ngày 6/12/1966. Làm bài thơ “Chào Đông Xuân” để kịp đăng báo. Tối gác, khoảng 4 giờ sáng B52 dập.  Ngày  14/12/1966 Nghe tin giặc oanh tạc vào nội thành Hà Nội. H (tức Hiến, tên thật của nhà văn Lê Anh Xuân - PV) xúc động quá. Căm thù giặc Mỹ nghẹn cả cổ. Không biết ba má và mấy em, XL (Xuân Lan) có sao không? H lo quá”.

Bí ẩn ngày Lê Anh Xuân hy sinh… ảnh 2 Nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác trên chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Chiến dịch Mậu Thân, cấp trên có chủ trương hạn chế anh em văn nghệ sĩ vào chiến trường, tránh nguy hiểm. Lê Anh Xuân gặp Lê Văn Thảo nhờ tìm mọi cách vào nội thành. Nhà văn Lê Văn Thảo kể: “Lê Anh Xuân tới gặp tôi và nói: Tôi mới tới, nghe trong nội thành chiến đấu rất gian khổ. Tôi ở vòng ngoài thấy không yên tâm, ông có cách nào cho tôi đi vào thực tế trong đó”.

Những trang nhật ký cuối cùng trong tháng 5/1968 của Lê Anh Xuân đã ghi lại khoảnh khắc ở Long An, cửa ngõ Sài Gòn. Ngày 12/5, Lãnh súng không có bao. Lau súng. Đêm pháo bắn đỏ hướng Đức Huệ. Ngày 13/5. Ngủ bên bờ kênh BL, Pháo bắn, mưa ướt. Ngày 14/5, Ẩn dưới khóm tràm nhỏ tránh trực thăng. Trên đầu không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Ăn bánh tét trừ cơm. 15/5, Trực thăng rà sát, qua vườn dừa, lội qua nhiều rạch, cánh trực thăng rơi, ướt hết đồ, chạy muốn đứt hơi.

Theo nhà văn Lê Văn Thảo thì Lê Anh Xuân hy sinh trong một trường hợp rất hy hữu. Anh đã bị chết ngạt trong hầm bí mật khi địch vào càn.

Nhật ký Lê Anh Xuân, ngày 24/5/1968, kết thúc bằng nét chữ của nhà văn Lê Văn Thảo: “Hôm nay là ngày Hiến hy sinh. Khoảng trưa. Hiến không còn nữa. Hiến chết dưới HBM (hầm bí mật). Lạ thật. Đến tối, Thảo và anh em đã chôn Hiến ở ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, Cần Đước”.

Nhiều người nói rằng nhà thơ đã bị ngạt do chưa có kinh nghiệm nằm hầm?

Nhưng vào năm 1968,  Lê Anh Xuân đã vào Nam được mấy năm, kinh nghiệm hoạt động không phải ít. Ngày hôm trước, anh vẫn còn đi nhận hầm của mình. (Nguyên tắc bí mật nên hầm ai người đó biết).  Nhật ký của Lê Anh Xuân viết: “Ngày 23/5/1968 (thứ Năm). Sáng ra nghe lính vào. Mõ đánh. H và Thảo ra tát HBM (hầm bí mật) sình. Chú Tám Nghệ ra dắt đi hầm khác”.

Việc nhận hầm bí mật và được hướng dẫn thông hơi là những điều cơ bản nhất đối với một người hoạt động bí mật. Vậy vì sao Lê Anh Xuân vẫn bị chết ngạt?

Người anh hùng

Nhiều người đoán rằng địch đã đóng quân ngay trên hầm của Lê Anh Xuân. Nhà thơ không thể hé mở nắp hầm thông khí. Cũng có người thắc mắc tại sao Lê Anh Xuân không bung nắp hầm để nổ súng (anh vừa được phát súng ngắn)? Nhưng theo nhà văn Lê Văn Thảo thì “Lê Anh Xuân không nổ súng để đảm bảo bí mật cho đoàn công tác”.

Cho đến nay, câu hỏi về nguyên nhân Lê Anh Xuân hy sinh trong hầm vẫn còn đó, cùng với những dòng ghi của Lê Văn Thảo trong nhật ký Lê Anh Xuân: “Hiến chết dưới hầm bí mật. Lạ thật”.

Năm 2001, Lê Anh Xuân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2011, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Thơ Lê Anh Xuân có các tập: Tiếng gà gáy (1965),  Hoa dừa (1971), Tuyển thơ Lê Anh Xuân (1981)... Bài thơ Dáng đứng Việt Nam viết năm 1968, không lâu trước khi anh hy sinh. Bài thơ có những câu:

“Anh chẳng để gì lại cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Anh là chiến sĩ  Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước”

(Dáng đứng Việt Nam)

Bà Ca Lê Hồng tâm sự: “Xuân Lan, người yêu của em trai tôi - tuy nay có gia đình riêng nhưng vẫn thường ghé thắp hương cho em tôi. Chính Xuân Lan là người đã khắc dòng chữ “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” trên mộ em tôi ở nghĩa trang liệt sĩ.

Bí ẩn ngày Lê Anh Xuân hy sinh… ảnh 3

Những trang nhật ký chiến trường của Lê Anh Xuân

Năm nay, cũng như mọi năm bà Ca Lê Hồng và gia đình lại làm giỗ cho người em tài hoa. Bà Hồng nói: “Mỗi lần giỗ, lại đọc nhật ký của em tôi, rồi không cầm được nước mắt”. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.