Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 5)

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 5)
TP - Phạm Xuân Ẩn không biết chắc tương lai của mình sẽ ra sao, nên ông quyết định ở lại OCC học tiếng Tây Ban Nha để đề phòng khi cần thiết, ông sẽ trốn sang Nam Mỹ hoặc Cuba.
Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 5) ảnh 1
Ông Phạm Xuân Ẩn (thứ 2 từ bên phải) cùng ông Thị trưởng và hai người bạn thân

>> Kỳ 4

Phạm Xuân Ẩn cũng rất lo ngại đến những sự kiện diễn ra ở quê hương. Ông mới nhận được một lá thư của Mills Brandes nên biết ở quê nhà chính quyền Ngô Đình Diệm đang thực hiện một chiến dịch đàn áp hàng loạt những người có cảm tình với Việt cộng và những người cộng sản nằm vùng.

Phạm Xuân Ẩn tự hỏi chẳng biết có ai trong gia đình, bạn bè của ông bị bắt trong những cuộc càn quét này của chính quyền Diệm hay không? Những người bị bắt đang bị tra tấn trong những bức tường của nhà tù Côn Sơn.

Điều mà Phạm Xuân Ẩn sợ nhất là có ai đó đã tiết lộ ông là một đảng viên cộng sản. Nếu điều đó xảy ra, ông có thể sẽ không bao giờ được trở về nước và gia đình ông sẽ phải chịu đựng những điều tồi tệ nhất do cảnh sát của chế độ Diệm mang lại.

Tháng 1 năm 1958, em trai của Phạm Xuân Ẩn bị bắt. Sau này, ông nhớ lại: “Được tin đó, tôi rất buồn. Tôi đã mất liên lạc với những người cộng sản, tất cả những người lãnh đạo trực tiếp của tôi đều đã bị bắt; em trai tôi cũng bị bắt. Sau khi em tôi được thả ra, chú ấy đã viết cho tôi một lá thư được mã hóa”.

Thư của người em trai Phạm Xuân Ẩn viết dưới dạng kể chuyện ngày Tết. “Tết sắp đến rồi mà em chẳng biết kể chuyện gì với anh. Lúc này đây em biết anh thích những câu chuyện ngày xưa vì anh thích nói chuyện phiếm về trên trời, dưới đất để làm cho ngày Tết vui vẻ hơn. Em sẽ kể cho anh nghe một câu chuyện ngày xưa”.

Sau đó là một đoạn được mã hóa dưới dạng một câu chuyện “Ngày xưa, có một ông già rất nghèo và cuộc sống gặp nhiều lam lũ. Ông nuôi hai người con trai. Hai con trai ông thích vào rừng chơi và đốn củi để lấy tiền chăm sóc cha.

Một hôm, hai anh em vào rừng thì người em bị một con quỷ bắt mất. Người anh trốn thoát nhờ được một con chó và một con vẹt chỉ đường thoát ra khỏi cánh rừng. Người em vẫn bị con quỷ giam cầm và sắp bị ăn thịt. Người anh mất em thì buồn lắm.

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 5) ảnh 2
Tách cà phê có hình ông Ẩn ngồi viết bài trên máy chữ – Kỷ vật quý nhất của ông Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: Larry Berman

Người anh nhớ em mình nhiều đến mức anh cùng với con chó và con chim vẹt trở lại cánh rừng nơi em mình đã bị bắt. Nhưng chỉ có mỗi con chim vẹt trở về nhà một mình”.

Phạm Xuân Ẩn đã giải thích về bức thư cho tôi thế này: “Khi tôi chuẩn bị đi sang Mỹ, tôi có một con chó và một con chim vẹt. Một người phụ trách đơn vị tình báo của tôi có một đứa con gái nhỏ tuổi. Tôi đã bảo với người phụ trách này đưa con chó và con vẹt về nhà cho con gái của ông nuôi bởi vì tôi sắp đi học ở Mỹ”.

Sau khi đọc lá thư của em trai, Phạm Xuân Ẩn  nghĩ: “Ồ, thật tồi tệ, em đã bị bắt. Mình không biết phải làm thế nào. Nếu về nước lúc này, mình cũng sẽ bị bắt. Nhưng nếu ở lại Mỹ thì ở đến bao giờ?”.

Phạm Xuân Ẩn không biết chắc tương lai của mình sẽ ra sao, nên ông quyết định ở lại OCC học tiếng Tây Ban Nha để đề phòng khi cần thiết, ông sẽ trốn sang Nam Mỹ hoặc Cuba.

Những ý nghĩ như vậy cứ lởn vởn trong đầu Phạm Xuân Ẩn. Ông quyết định vào ngày nghỉ hè đầu tiên lái xe lên vùng bờ biển Monterey để thăm một số người bạn Việt Nam đang học ở Trung tâm Ngoại ngữ của Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Bộ Quốc phòng.

Ngày ấy, Trung tâm này có tên gọi là Trường Ngoại ngữ Quân đội. Nhiệm vụ của Viện nghiên cứu này là cung cấp mọi dịch vụ về ngoại ngữ để hỗ trợ cho các yêu cầu của lực lượng an ninh quốc gia.

Trước đó ít lâu, Phạm Xuân Ẩn mua một chiếc xe hơi Ford Mercury màu xanh đậm đời 1947 đã qua sử dụng với giá 250 USD. Ross Johnson và Pete Conaty nhớ lại: Phạm Xuân Ẩn bao giờ cũng tuân thủ một cách nghiêm ngặt mọi điều trong sách hướng dẫn sử dụng xe.

Chẳng hạn như sau khi khởi động máy thì để cho động cơ chạy không tải một lúc khoảng năm phút cho nóng máy. Mỗi khi lên xe, Phạm Xuân Ẩn  cho nổ máy rồi ngồi chờ  đến khi  cảm thấy động cơ đã đủ nóng, ông mới bắt đầu cho xe chạy.

Vào mùa thu năm đó, Phạm Xuân Ẩn trở lại làm việc cho tờ báo Barnacle của nhà trường. Lee Meyer đã chuyển sang trường Đại học Nam California. Tổng biên tập mới là một người bạn thân của Phạm Xuân Ẩn tên là Rosann Rhodes.

Thời Lee Meyer còn làm Tổng biên tập, Rosann phụ trách việc biên tập trang ba. Ngoài ra, Rosann Rhodes còn làm cho tờ Globe-Herald and Pilot của Costa Mesa.

Pete Conaty giờ được bổ nhiệm từ chức biên tập viên thể thao lên biên tập viên tin. Ross Johnson trở thành trợ lý biên tập phóng sự. Rich Martin chuyển sang làm biên tập viên thể thao.

Riêng Phạm Xuân Ẩn vẫn giữ nguyên công việc cũ là biên tập viên trang hai. Đây là nhóm bạn bè rất gắn bó với nhau, đồng thời là những người xuất sắc trong công việc làm báo. Rhodes, Martin, và Ẩn được đi dự hội nghị các biên tập viên ở Sacramento và được chụp ảnh chung với Thống đốc Edmund  G. Brown.

Bên cạnh cuộc tranh luận về việc các nam sinh viên có nên hay không mặc quần soóc Bermuda trong khu học xá, một trong những đề tài khác nóng bỏng trong năm 1959 ở trường OCC là sinh viên có nên tự dọn sạch chỗ ngồi sau khi sử dụng?

Lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong suốt thời gian cộng tác với tờ Barnacle, Phạm Xuân Ẩn đứng tên một mình trong bài xã luận mang tựa đề “Dọn rác đi”. Ông bắt đầu bài viết của mình bằng câu nói của Napoleon trước khi thất bại: “Sau tôi sẽ là một trận đại hồng thủy”.

Câu nói này đã được dùng làm đề bài thi hết trung học phổ thông ở Paris. Phạm Xuân Ẩn viết: “Nhiều thí sinh đã trượt chỉ vì họ hiểu lầm câu nói của Napoleon. Những thí sinh này cho rằng Napoleon là ích kỷ, không biết quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra đối với nước Pháp sau khi ông qua đời.

Thế nhưng, ý nghĩa thực sự trong câu nói của Napoleon chính là điều tiên đoán của Hoàng đế Pháp về những mất mát lớn lao đến với nước Pháp sau khi ông qua đời. Hoàng đế Napoleon trên thực tế đã biết lo đến tương lai của nước Pháp và những người sẽ lên cầm quyền sau khi ông mất”.

Các sinh viên OCC không hề nghĩ gì đến những người vào phòng ăn sau mình. Họ sẽ phải ngồi xuống bên chiếc bàn ăn như thế nào sau khi mình đứng lên.

“Trên thực tế, khi các sinh viên đến ăn sáng hoặc ăn trưa tại Trung tâm Sinh viên hay tại các tiệm ăn nhẹ, khi đứng lên, họ đều để lại phía sau một đống rác bừa bãi trên bàn. Họ không cần quan tâm đến việc sau khi họ đứng lên thì ai sẽ tới ngồi ăn tại cùng chiếc bàn đó”.

Phạm Xuân Ẩn lập luận nhằm bênh vực ba người phụ nữ làm nhiệm vụ thu dọn tại nhà ăn trong suốt mười lăm tháng qua. “Một số sinh viên nghĩ rằng làm như vậy tức là họ đã tạo việc làm cho những người phụ nữ làm nhiệm vụ thu dọn này.

Họ coi đó là một giải pháp để góp phần vào việc giảm thất nghiệp, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng và kích hoạt một dòng chảy thu nhập bằng cách xả rác ra bàn. Chúng tôi cho rằng những người đó chắc phải là những sinh viên hạng A của một trường về ngụy biện và duy lý”.

Sau đó, Phạm Xuân Ẩn đặt vấn đề các sinh viên đó sẽ cảm thấy thế nào khi họ không thể tìm được chỗ ngồi bên chiếc bàn ăn nào sạch? Và ngược lại, họ sẽ cảm thấy như thế nào khi tìm được một chỗ ngồi bên bàn ăn tốt và sạch sẽ trong nhà ăn?

Những người đến nhà ăn sau họ xứng đáng để được hưởng “ân huệ” này. Để thực hiện được điều ấy, Phạm Xuân Ẩn kêu gọi những sinh viên nam hãy tỏ ra “ga-lăng” dọn bàn sau khi ngồi ăn cùng với phụ nữ và những người phụ nữ thấy hành động đó của người bạn nam hãy bày tỏ sự đánh giá cao và cũng nên cùng dọn sạch bàn theo những bạn nam của mình.

Cuối cùng, ông đưa ra kết luận: “Chúng ta chỉ còn bốn tuần nữa là kết thúc khóa học. Chúng ta không muốn trượt trong cuộc sát hạch đơn giản này trước khi phải đương đầu với những cuộc sát hạch khác khó khăn hơn”.

Số cuối cùng trong năm 1959 của báo Barnacle có một bài viết đầy xúc động và sâu sắc của Phạm Xuân Ẩn để chia tay với cộng đồng của ông. Phạm Xuân Ẩn đã nhận được một món quà quí từ những người bạn của ông làm việc trong tờ báo Barnacle.

Đó là một chiếc cốc uống cà phê có in hình Phạm Xuân Ẩn đang ngồi đánh máy chữ viết bài bên chiếc bàn của ông. Dưới bức hình có chữ ký của tất cả các nhân viên tòa soạn báo Barnacle.

Chiếc cốc uống cà phê đó luôn được đặt ở vị trí nổi bật trong phòng ăn của Phạm Xuân Ẩn. Khi tôi đến thăm nhà ông hồi tháng 10/2006 để bày tỏ sự kính trọng của tôi sau khi Phạm Xuân Ẩn đã qua đời, tôi vẫn thấy chiếc cốc, đó là kỷ vật cá nhân duy nhất không liên quan gì đến quân sự trên bàn thờ của gia đình ông.

Bài báo cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn được mở đầu bằng lời trích dẫn nhà văn Pháp Anatole: “Cuộc ra đi dù có mong muốn nhất thì bao giờ cũng để lại phía sau một chút sầu. Và tôi chia sẻ một cách sâu sắc những cảm xúc này của ông”.

Đối với Phạm Xuân Ẩn, việc phải nói lời chia tay với các bạn của ông ở OCC khó khăn hơn rất nhiều so với khi nói lời chào gặp mặt. “Mặc dù tôi rất mong trở về để được nhìn thấy Tổ quốc của mình nhưng sao ý nghĩ về việc phải xa Trường Orange Coast College, nơi khởi nguồn việc học của tôi ở Hoa Kỳ, đã gợi một nỗi buồn không thể tả nổi trong tâm trí tôi”.

Phạm Xuân Ẩn cám ơn sự phóng khoáng của các nhân viên làm việc trong khoa vì tất cả những gì họ đã làm để giúp cho việc học tập của ông, cũng như chăm lo sức khỏe cho ông; cám ơn những phụ nữ nhiệt tình làm việc tại nhà ăn và tiệm ăn nhẹ vì đã nấu những bữa ăn để ông cảm thấy ngon miệng; cám ơn các nhân viên làm việc trong ký túc xá và giảng đường vì lòng tốt của họ.

Phạm Xuân Ẩn giải thích rằng những nhân viên này lúc nào cũng vui vẻ “mỗi khi tôi tới thùng thư để xem có thư từ người mẹ thân yêu của mình hay không”.

Phạm Xuân Ẩn cám ơn những nhân viên trực điện thoại vì họ luôn an ủi ông mỗi khi không có lá thư nào từ quê hương cho ông. Yêu quí nhất là “những bạn học cùng lớp, cùng trường đã khắc sâu vào trong ký ức của tôi, tràn ngập tấm lòng tôi tình bạn hữu của họ”.

Phạm Xuân Ẩn đặc biệt tỏ ra buồn khi nghe tin tòa nhà ký túc xá của trường đã bị dỡ bỏ chỉ một năm sau khi ông về nước. Bởi vì “Ký túc xá đó đã thay cho căn nhà của mẹ tôi. Chính tại đó, tôi đã học được tiếng Mỹ thực hành của giáo sư H. L. Menken, thưởng thức nhạc Hi-Fi, nhạc Rock-n-Roll, làm bài tập ở nhà với chiếc radio và tiếng ồn quen thuộc của chiếc lò sưởi.

Và cũng chính tại nơi đó, tôi đã hít căng lồng ngực mình bầu không khí hài hước với các bạn cùng ký túc xá. Hy vọng mỗi năm được trở lại thăm Orange Coast khiến tôi mơ ước mình có đôi cánh như những con chim nhạn di trú bay về với Orange Coast mỗi khi mùa xuân về để làm tổ dưới mái nhà Trung tâm Tư vấn.

Đây là nơi tôi đã nhận được những lời khuyên quí báu. Thay vì nói lời tạm biệt, tôi chỉ muốn nói lời chúc may mắn trước khi lên đường và hy vọng được gặp lại tất cả các bạn nhiều lần, nhiều lần nữa”. 

* Đầu đề do Tiền phong đặt.

--------------------------

(Còn nữa)

Nguyễn Đại Phượng
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh

MỚI - NÓNG