Bi hài quanh những “đứa con bị đánh cắp”

Y Ban, nữ nhà văn có tác phẩm được in ra… đĩa.
Y Ban, nữ nhà văn có tác phẩm được in ra… đĩa.
TP - Mới đây, lại ồn ào vụ sách giấy bị công khai vi phạm bản quyền bằng hình thức audio book (sách nói). Nhiều người dự đoán, câu chuyện bản quyền sách rồi sẽ linh đình không kém câu chuyện bản quyền âm nhạc vừa qua.

Nhưng nhiều nhà văn Việt Nam lại tỏ ra không để tâm lắm đến câu chuyện này, bởi họ đã quen với chuyện “đứa con” của mình thường xuyên bị “đánh cắp”. 

Tức nhưng… kệ thôi

Nhà văn, nhà phê bình Văn Giá từng kể, tác phẩm đã in của mình bị một đơn vị kinh doanh sách rút ruột rồi thay bằng bìa khác, biến thành cuốn sách mới, ngang nhiên bày bán ngoài thị trường. Đến khi bị Văn Giá phát hiện, những kẻ “đánh cắp” mới cho người mang đến tặng anh mấy cuốn sách, coi như “làm hòa”, tránh những chuyện ầm ĩ không cần thiết. Thì thôi, Văn Giá cũng đành cho qua. Không cho qua còn biết làm gì?

Nhưng câu chuyện của Văn Giá chẳng phải hy hữu. Nhà văn Y Ban cũng từng phát hiện tác phẩm của mình ẩn dưới dạng đĩa. “Thượng đế” có thể mua về để nghe. Biết vậy nhưng cũng chẳng mất sức làm ồn lên hay kiện cáo gì? “Kiện cáo tốn kém lắm”, tác giả “đàn bà xấu thì không có quà” thấy vậy. Tốn kém mà cũng chẳng biết có đi đến đâu? Đằng đẵng theo các vụ kiện vừa mất thời gian, tiền bạc, vừa hao hụt năng lực sáng tạo, đành chép miệng: Coi như là “miễn phí” cho một số độc giả yêu Y Ban mà chưa có điều kiện mua sách!

Ở lĩnh vực thơ ca, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cười khi nhắc đến câu chuyện bản quyền, vì bà bị “đánh cắp” quá nhiều lần, không nhớ nổi. Phan Thị Thanh Nhàn viết cả thơ và văn xuôi, theo quan sát của bà: “Thơ dễ bị “ăn cắp” hơn. Ra hiệu sách cứ thấy in thơ tình, thơ học trò… nhiều lắm, mở ra thấy ngay thơ của mình cũng nằm trong đó nhưng chẳng bao giờ được tặng sách hay gửi nhuận bút. Những lúc ấy, đành rút ví mua lại “đứa con bị đánh cắp”. Hỏi tác giả “Hương thầm” đã hoặc có ý định xử lí những kẻ “ăn cắp” trắng trợn không? Phan Thị Thanh Nhàn lắc đầu: “Chả xử lí được gì.

Ngày xưa tôi có nhờ chị Lam Luyến (nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - từng giữ vị trí giám đốc Trung tâm bản quyền văn học của Hội Nhà văn Việt Nam-PV)  nhưng chị chẳng đòi được đồng nào. Rồi sau đó, tôi có nhờ Thu Huệ (Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam- PV). Thu Huệ đòi được giúp tôi 2 lần. Một lần từ vụ sách giáo khoa của NXB Giáo dục, tôi được họ trả 4,5 triệu đồng gì đó, lần khác được vài trăm ngàn đồng”. Rồi bà lại quay sang lĩnh vực báo chí: “Bây giờ mà kể các nơi đăng “trộm”  truyện và  thơ của tôi thì nhiều quá. Có một bạn ở Thái Bình bảo tôi gửi thơ để đăng nhưng chẳng thấy hồi âm trở lại.

Một bạn ở Thanh Hóa bảo báo đã ra, thơ tôi đã in nhưng không thấy gửi báo, nhuận bút. Tôi cũng chẳng buồn hỏi, vì nhuận bút ở báo địa phương có đáng bao”. Phan Thị Thanh Nhàn vẫn tiếc nhất là tiền bản quyền trong sách giáo khoa: “NXB Giáo dục in bán cho học sinh toàn quốc được biết bao nhiêu tiền mà không trả cho tác giả, chỉ trả an ủi có một lần. Tôi có nhiều bài được đưa vào sách giáo khoa: Làm Anh, Nàng tiên ốc, Võ Thị Sáu…”. Bà cười như mếu: “Ở các nước nhà văn sống được bằng văn chương nhưng nước mình có ai sống được bằng nghề văn đâu?”.

Khi phóng viên đùa: “Nhưng vẫn thấy Phan Thị Thanh Nhàn đi du lịch suốt?”. Tác giả “Hương thầm” tiết lộ: “Tôi đi du lịch suốt ngày vì… bán nhà to mua nhà nhỏ đó chớ!”.

Hỏi nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, tác giả của rất nhiều bài thơ thất tình “hạng nặng”, đồng thời cũng một thời có vai trò quan trọng ở trung tâm bản quyền văn học của Hội nhà văn Việt Nam, mới hay nhà thơ cũng từng bị “ăn cắp” tác phẩm một cách ngoạn mục: “Có người còn sửa bài thơ của tôi rồi gửi dự thi, được giải thưởng cơ. Ở trong Đà Lạt ấy”. Tác giả “Gửi một tình yêu” bật mí, bài thơ bị đánh cắp mang tên “Cánh cửa nhớ bà”. Chị không xử lí vì: “Làm thì cũng bung bét ra. Chuyện đó cũng cách đây 7,8 năm rồi”. Lam Luyến tỏ ra không tin tưởng ở tương lai sáng sủa của vấn đề bản quyền văn học: “Nói chung bản quyền âm nhạc còn nhúc nhích được chút còn bản quyền văn học gần như thất thu hoàn toàn”.

Bi hài quanh những “đứa con bị đánh cắp” ảnh 1 “Nên bỏ ý nghĩ, anh làm thơ, làm văn, tôi đăng cho anh, anh đã sướng lắm rồi” (Mai Văn Phấn).

In cho sướng thế, kêu gì?

Mai Văn Phấn - tác giả của giải thưởng Cikada cho rằng: “Ở Việt Nam, vi phạm bản quyền quá nhiều. Nhất là dịp tết bất thình lình thấy thơ mình trên báo, mà chẳng ai hỏi mình gì cả, chẳng gửi báo biếu gì cả”. Nhưng hiện nay, Mai Văn Phấn ít phải đối phó với nguy cơ những “đứa con” của mình lưu lạc trên báo hơn, vì bạn bè anh đông, làm báo nhiều. Anh cũng đã chấm dứt hợp đồng với một nhà xuất bản nước ngoài, bây giờ tất cả các tác phẩm của anh đều được đưa lên trang web cá nhân: “Có đầy đủ các bản tiếng Anh, trừ một cuốn đang được một trường đại học ở Mỹ kinh doanh nên tôi không dám đưa lên. Nhưng hay ở chỗ, từ khi tôi đưa lên đến giờ, bạn bè ở nước ngoài, ai muốn lấy bài thơ nào của tôi đều hỏi tôi cả, không có chuyện người ta tự động đăng lên đâu”. Mai Văn Phấn khẳng định: “Người nước ngoài đã hình thành thói quen bản quyền từ gốc”.

Anh kể câu chuyện ngoài lề: “Có một văn nghệ sỹ ngoại quốc gửi cho tôi một bức ảnh đẹp, vì tôi thấy đẹp nên tôi đưa lên cùng một bài thơ của tôi. Không ngờ người ấy tỏ ra khó chịu, bởi cho dù người ta đã gửi bức ảnh cho tôi thì bản quyền vẫn thuộc người ta. Tôi muốn đăng hay sử dụng đều phải hỏi người ta. Có choáng không? Nhưng ngẫm kỹ, thế mới đúng”.

Với nhà thơ Lương Ngọc An, có vẻ anh gặp may chăng, khi những “đứa con” sinh ra chưa một lần bị “đánh cắp”. Tuy nhiên anh cho rằng có hai cách nghĩ xung quanh vấn đề vi phạm bản quyền văn học: “Người mới viết, chưa nổi tiếng, chắc sẽ thích khi “được ăn cắp”, vì như vậy sẽ có thêm người biết đến mình. Còn khi ý thức được mình là ai và người ta dùng tác phẩm của mình để làm gì thì lúc đó sẽ cần minh bạch”.

Theo Lương Ngọc An: “Hiện nay nhiều người, nhiều nhà xuất bản làm tuyển tập vẫn nghĩ theo cách thứ nhất, nên tùy tiện lắm. Thậm chí còn cho đó là sự ban ơn cho tác giả nữa”. Về vấn đề này, nhà thơ Mai Văn Phấn đồng quan điểm với nhà thơ Lương Ngọc An: “Ở Việt Nam có tình trạng thế này, có ai đó đứng ra làm một cuốn sách về tình yêu thì cứ thấy bài thơ nào phù hợp là lấy và in lên.Người ta cũng gửi sách biếu nhưng làm như thế thì không chuyên nghiệp. Nên bỏ ý nghĩ, anh làm thơ, làm văn, tôi đăng cho anh, anh đã sướng lắm rồi, còn làm “giá”.

MỚI - NÓNG