Bi kịch nhỏ

Nỗi đau tột cùng của thân nhân 9 em học sinh xấu số.
Nỗi đau tột cùng của thân nhân 9 em học sinh xấu số.
TP - Báo chí mấy ngày qua ngập cảnh tang thương ở xã Nghĩa Hà, Quảng Ngãi. 7 trong số 9 đứa trẻ, trước khi chết đuối đều sống với ông bà bởi bố mẹ phải tha phương cầu thực.

Lo cho con được miếng cơm manh áo đã khốn đốn lắm rồi đâu có dạy dỗ bảo ban canh chừng được, để chúng lớn lên như cỏ dại “khôn sống mống chết”. 9 đứa dại dột rủ nhau tắm sông, có người can nhưng không đủ quan tâm để cấm cản và rủ người khác cùng cấm cản dẫn đến bi kịch chấn động cả nước.

Ngẫm ra trăm sự cũng tại cái nghèo, cái khó. Đã là người Việt Nam ai chẳng từng nếm mùi nghèo khó. Không đủ ăn nhưng ngày xưa đẻ rất khiếp, mỗi nhà 5 đến chục đứa con. Có lời giải thích nguyên do một phần vì “có biết cách kế hoạch đâu”. Có chuyện vui rằng xã ấy làng nọ đẻ rất nhiều bởi đêm nào “tàu cũng vào ga”. Tàu hú còi, tỉnh giấc, không biết làm gì.

Nuôi còn khó nữa là dạy, mà cứ đẻ lấy được. Cuộc sống của một gia đình Việt Nam bao đời nay thường chỉ loay hoay vật lộn mưu sinh là chính, lo cái ăn cái mặc cho từng ấy con người trong nhà đã đủ chết, còn tính gì đến những chuyện cao siêu.

Phụ nữ Việt khi gặp nhau hay nói chuyện chồng con, chợ búa. Tầng lớp trung lưu trở lên mới có thêm đề tài làm đẹp và những thứ tương tự, nhưng rồi cũng vẫn quay về chợ búa, chồng con. Một phụ nữ Nga tỏ ra kinh ngạc trên một tờ báo: “Sao phụ nữ Việt Nam chỉ biết chồng, con, bếp, chợ. Thế các bạn đọc sách xem phim, làm đẹp, thư giãn lúc nào? Chúng tôi chỉ nấu ăn một ngày nhiều nhất một lần, thậm chí hai ngày một lần, còn phụ nữ Việt bữa nào cũng vào bếp thì thời gian đâu để sống”.

Khảo sát PAPI 2015: “18% người dân chọn đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất của đất nước mà Nhà nước cần tập trung giải quyết”, thấy còn dưới hình dung.

MỚI - NÓNG