Biệt điện Lệ Xuân thành khu trưng bày tài liệu quý

Biệt điện Lệ Xuân thành khu trưng bày tài liệu quý
TP - Trong ba biệt thự của Biệt điện Lệ Xuân (Đà Lạt), tài liệu được trưng bày theo 2 chuyên đề lớn: Lưu trữ Việt Nam từ 1962 đến nay và miền Trung Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Biệt điện Lệ Xuân thành khu trưng bày tài liệu quý ảnh 1
Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản trong kho chuyên dụng

Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Biệt điện Lệ Xuân là vùng cấm đối với người dân. Thế nhưng từ tháng 12 năm nay, Biệt điện với những công trình kiến trúc độc đáo và Khu trưng bày tài liệu lưu trữ quý hiếm của quốc gia sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa – lịch sử kỳ thú chào đón du khách trong và ngoài nước.

Ngày 22/11, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV Phạm Thị Huệ cho biết, vừa hoàn tất việc trùng tu Biệt điện Lệ Xuân ở số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt và xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng hiện đại nhất nước trong khuôn viên Biệt điện với tổng kinh phí hơn 53 tỷ đồng.

Biệt điện tọa lạc trên đồi thông thơ mộng gồm 3 biệt thự lộng lẫy (Bạch Ngọc, Hồng Ngọc, Lam Ngọc), hòn non bộ, hồ bơi nước nóng, vườn hoa cây cảnh...

Đặc biệt, vườn hoa do kỹ sư Nhật Bản thiết kế và xây dựng có hồ sen hình địa đồ Việt Nam. Khi hồ được bơm đầy nước, bản đồ tuyệt đẹp sẽ hiện ra. Biệt thự Lam Ngọc có hầm trú ẩn và đường hầm thoát hiểm với nắp hầm làm bằng loại thép đặc biệt, đạn bắn không thủng.

Biệt điện từng là nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng bậc nhất của chế độ cũ bởi sự xa hoa, lộng lẫy cùng danh tiếng, quyền uy của chủ nhân (vợ chồng “ông cố vấn” Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân).

Sau năm 1963, Biệt điện Lệ Xuân trở thành Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên và mấy chục năm nay là nơi lưu trữ tài liệu quý hiếm quốc gia.

Trong 3 biệt thự của Biệt điện, tài liệu được trưng bày theo 2 chuyên đề lớn: Lưu trữ Việt Nam từ 1962 đến nay (nhằm phục dựng lại toàn bộ lịch sử của ngành lưu trữ Việt Nam) và miền Trung Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có những mảng đặc sắc, ấn tượng như Mộc bản triều Nguyễn, Ngô Đình Nhu – nhà lưu trữ Việt Nam…

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã chọn 6 tác phẩm Mộc bản đặc sắc trong số hơn 30 ngàn tấm Mộc bản triều Nguyễn (đang được bảo quản công phu, nghiêm ngặt tại kho lưu trữ trong Biệt điện) để chế tác một số phiên bản nhằm đưa ra trưng bày trong tủ kính cho du khách thưởng lãm.

Đó là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược dùng để in sách mà tất cả nội dung khắc trên đó đều đã được Hoàng đế “Ngự lãm”, phê duyệt.

Mộc bản triều Nguyễn là dạng tài liệu đặc biệt của Việt Nam và hiếm có trên thế giới, là tài liệu quý đã được ghi trong bộ nhớ ký ức nhân loại của UNESCO. 

Mảng tài liệu trưng bày về Ngô Đình Nhu tạo sự ngạc nhiên thú vị, bởi lâu nay, nhiều người chỉ biết Ngô Đình Nhu là linh hồn của Tổng thống Ngô Đình Diệm chứ ít ai biết rằng “ông cố vấn” còn là nhà lưu trữ xuất sắc. "Ông cố vấn" đã để lại dấu ấn không nhỏ trong lịch sử lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938 – 1946.

Theo Tiến sĩ Đào Thị Diến (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I), Ngô Đình Nhu là người Việt Nam duy nhất tốt nghiệp trường Cổ tự học Quốc gia danh tiếng của Pháp.

Trong thời gian làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Ngô Đình Nhu được Giám đốc Paul Boudet đánh giá là Lưu trữ viên - Cổ tự trẻ đầy triển vọng, có văn hóa rộng và khả năng nghề nghiệp hoàn hảo.

Chỉ 6 ngày sau khi Việt Nam làm lễ tuyên bố độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký sắc lệnh cử nhân vật này làm Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc.  

MỚI - NÓNG