Bodypainting từ vẽ người đến vẽ trâu

Bodypainting từ vẽ người đến vẽ trâu
TP - Nhìn vào cội nguồn lịch sử văn hóa Việt, có thể  đặt ra vấn đề, phải chăng chính cha ông chúng ta tiên phong trong lĩnh vực này với thuật xăm mình và tục nhuộm răng đã có từ nhiều nghìn năm trước.
Bodypainting từ vẽ người đến vẽ trâu ảnh 1
Một tác phẩm body Painting của Ngô Lực  Ảnh: N.L

Còn hiện nay, với giới họa sĩ trẻ, tạo hình từ cơ thể sống đang dần trở thành một lĩnh vực sáng tạo và thậm chí là một nghề. Ở TP Hồ Chí Minh, Cty ANZ Event, Cty Táo Xanh đủ lực lượng để cung cấp các nhân tượng (human statue) theo yêu cầu.

Những lao động trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình này đóng vai trò là chất liệu sống để sáng tác, họ mặc y phục bó sát cơ thể, được hóa trang toàn thân bằng một loại mỹ phẩm đặc biệt sau đó tạo dáng để thăng hoa xác phàm thành tác phẩm điêu khắc sống.

Ở Hà Nội, từ trước năm 2000 đã có một số hoạ sỹ đi tiên phong trong loại hình body painting. Họ vẽ lên cơ thể người mẫu nude hoàn toàn, nhưng chỉ là để chụp hình lại làm tư liệu chứ hoàn toàn không được triển lãm. Trong số này có Phương Vũ Mạnh và cũng chính anh là một trong những người đang thử sức trong lĩnh vực vẽ trên thân trâu.

Trong cuộc thi trang trí trâu năm 2009, anh đoạt giải nhất với tác phẩm được vẽ đồng thời trên trâu mẹ và nghé con. Theo anh, tác phẩm này thể hiện tình mẫu tử và sự hoà hợp của đất trời, hòa hợp truyền thống với hiện đại...

Tham dự hoạt động này (đến nay là 2 năm liên tiếp), chúng tôi thấy vẽ trên thân trâu đòi hỏi một kỹ năng đặc biệt, vì trâu không quen với màu vẽ, lại sợ người lạ nên càng di chuyển liên tục khiến quá trình làm việc khá khó khăn.

Bởi vậy, mỗi con trâu được một người chủ chịu trách nhiệm điều khiển, chăm sóc (thậm chí dọa nạt nếu cần), để trâu phối hợp với họa sĩ tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Nhưng cũng có những chú trâu bướng bỉnh, hung dữ, như thử thách lòng kiên trì của con người. Năm nay, họa sĩ Ngô Lực đã phải loay hoay suốt mấy tiếng đồng hồ mới “dỗ dành” được trâu hợp tác với mình, nhưng vừa bôi được màu nền lên kín phần thân thì trâu nằm ịch xuống đất, vậy là phải lựa góc vẽ cho phù hợp “tính khí” trâu.

Bodypainting từ vẽ người đến vẽ trâu ảnh 2

Nhưng kết thúc khá có hậu, tác phẩm của anh vẫn lọt vào top 10 được trao giải. Ngô Lực cũng là một họa sĩ vừa tổ chức mấy cuộc bodypainting rất có tiếng vang tại TPHCM. Vẽ người như chưa đủ, anh còn tổ chức vẽ trên... người nhựa (ma-nơ-canh).

Khác với cuộc thi đầu tiên (năm 2009) vẫn còn ít họa sĩ tham gia, mỗi người có thể vẽ đến vài con; năm 2010, số lượng trâu chỉ có 30, nhưng số họa sĩ thì nhiều hơn (có khá nhiều hoạ sĩ nước ngoài).

Lúc này, hoàn cảnh cộng với sự vui tay đã tạo thành nhóm tác giả cùng phát triển ý tưởng khá ăn ý và nhịp nhàng (như nhóm “tứ quái” Phạm Tuấn Tú, Nguyễn Hồng Phương, Đỗ Hiệp, Nguyễn Song phối hợp vẽ bức tranh liên hoàn ngũ hổ trên một chú trâu).

Với nhiều họa sĩ, đầu trâu là phần vẽ công phu nhất, được coi như “bộ mặt” tác phẩm nên từ sừng, tai, mắt, mõm trâu đều phải trau chuốt từng nét cọ, không khác công việc “make up” cho diễn viên lên sân khấu là mấy.

Có họa sĩ còn thấy đuôi trâu cũng có thể sử dụng như một chiếc cọ vẽ đặc biệt, họ nhúng phần lông đuôi vào hộp màu rồi để chúng tự do vung vẩy theo thói quen xua ruồi muỗi, những vệt màu ngẫu hứng hiện lên như tác phẩm trừu tượng…

Một trong những “bí quyết” vẽ trâu thành công là không nên ham con to béo, vì trâu “trưởng thành” đã dạn dĩ, khôn ngoan, có nhiều phản ứng gây khó khăn cho người vẽ.

Bodypainting từ vẽ người đến vẽ trâu ảnh 3
Họa sĩ Lê Nguyên Mạnh tại Lễ hội Tịch điền năm Canh Dần 2010  Ảnh: Phạm Tuấn Tú

Họa sĩ Lê Thông lần nào cũng chỉ chọn một “thiếu nữ trâu” vừa đủ độ ngoan ngoãn, dễ bảo để thể hiện nét bay bổng với màu phơn phớt tím của mây trời và mướt xanh của đồng lúa đương thì con gái…Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng (có tác phẩm “Thành phố hòa bình” lọt vào top 10 được chọn trao giải tại hội thi vẽ trâu 2010) chia sẻ kinh nghiệm:

“Da trâu màu tối và lại xù xì nên không thể vẽ trực tiếp như lên toan mà phải sơn lót một lớp màu trắng, khi vẽ lên màu mới trong, mịn và sáng. Vẽ trâu luôn mang lại cảm hứng sáng tạo đặc biệt vì phải lựa theo thân hình và chuyển động của trâu mà phóng bút thật nhanh, thật chuẩn xác”.

Sau khi hoàn thành tác phẩm trên trâu, nguồn cảm hứng vẫn dạt dào, Nguyễn Xuân Hoàng còn thể hiện ý tưởng nghệ thuật lên chính những gương mặt của bạn bè cùng có mặt ở hội thi khiến không khí càng thêm phần nhộn nhịp. Phần vẽ lên mặt người cũng hấp dẫn không kém vẽ trâu, nhiều ống kính máy ảnh chớp sáng lia lịa, ghi lại những khoảnh khắc xuất thần hiếm có.

Bodypainting từ vẽ người đến vẽ trâu ảnh 4

Cuộc thi vẽ trâu đã diễn ra hai lần liên tục vào các Tết năm Sửu và năm Dần 2009 - 2010 trong khuôn khổ lễ hội Tịch điền ở Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà  Nam). Lễ  Tịch điền là một truyền thống tốt  đẹp được lưu truyền từ  thời vua Lê Đại Hành.

Vào ngày mùng 7 tháng giêng năm Đinh Hợi (987), nhà vua đã  đích thân xuống ruộng cày ba đường mở đầu cho một mùa vụ  gieo trồng mới. Chú trâu (bao giờ cũng phải là trâu đực) nhà vua chọn để cày được trang trí hoa văn hay những biểu tượng mang ý nghĩa tốt đẹp.

Cuộc thi này, thú chơi này không chỉ thu hút giới làm nghệ thuật mà còn được công chúng rất quan tâm. Người đến xem cùng hồi hộp lo lắng khi trâu “chống trả” họa sĩ, tưng bừng vui sướng khi chú trâu mình “kết” được giải cao.

Người nuôi trâu cũng cảm thấy vui vẻ ngay cả khi trâu nhà mình không được giải. Lắng lại đôi phút để nghe một mục đồng an ủi họa sĩ: “Thôi để đến năm sau lại vẽ tiếp. Sang năm trâu quen hơn sẽ đứng yên cho mà vẽ, chắc chắn sẽ đoạt giải cao nhất”. 

Cuộc thi bắt đầu từ sáng, giờ ra đồng, đến khoảng giữa trưa, họa sĩ “gác cọ” cho trâu nghỉ. Người và trâu đứng cạnh nhau cùng thưởng thức bữa trưa ngay tại ruộng. Buổi chiều, sau khi chỉnh sửa những nét vẽ cuối cùng, tác phẩm hoàn thiện được “dắt” lên sân khấu để Ban tổ chức chấm giải.

Thi vẽ trâu không có giải nhất, nhì, ba như các cuộc thi thường thấy mà chỉ chọn các chú trâu đẹp nhất trao giải đồng hạng. Tiền giải thưởng cũng không cao, đủ để họa sĩ “bo” cho người giữ trâu một phần và mời anh em… không được giải uống cốc bia chia vui.

Cuối ngày, đàn trâu đủng đỉnh theo nhau trở về làng, dọc con đường đi giữa cánh đồng mới được cày vỡ, dọc những lối phố mới mọc, mang về chút hương xưa từ thời “Thiên trường vãn vọng„ (Trần Nhân Tông): Trước xóm sau thôn tựa bóng lồng / Bóng chiều man mác có dường không / Mục đồng sáo vẳng trâu về hết / Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng ...

Lễ hội Tịch điền ở Đọi Sơn được “phục dựng” từ năm Kỷ Sửu (2009), không thể thiếu phần thi trang trí trâu, vẽ trên thân trâu nhằm tôn vinh một giá trị mang tính văn hóa lâu đời “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Chất liệu thể hiện chính là trâu và màu acrylic. Các họa sĩ (Việt Nam và nước ngoài) gửi phác thảo trên giấy tới Ban tổ chức để chọn duyệt những bức vẽ sẽ được thể hiện trên trâu thật.
MỚI - NÓNG