Bối rối với Lưỡng cực

Bối rối với Lưỡng cực
TP - Khán giả đến với triển lãm mang tên Lưỡng cực của họa sĩ người Việt ở Đức, Khải Đoàn (mở cửa đến 5-6 tại Viện Goethe Hà Nội) sẽ nhận được những cảm xúc đúng như tên gọi. Những cảm xúc hẳn như quả bóng nảy từ thái cực này sang thái cực khác.

Đập vào mắt khán giả khi bước vào phòng triển lãm là Chúa. Nhan đề được đặt cho một hình vuông to gồm 64 hình vuông nhỏ, mỗi hình vuông nhỏ lại gồm 64 ô vuông nhỏ hơn. Tất cả đều được khảm xà cừ. Không phải vô tình mà cạnh của mỗi ô vuông nhỏ đúng bằng 8mm- số 8 tượng trưng cho vô cực. Nếu bức tranh không có một cái tên oách đến thế, nó chỉ đơn giản là một hình trang trí đẹp. Khải Đoàn (họ Đoàn tên Khải) giãi bày: “Không phải Chúa thì sao Khải bỏ tiền ra mua ốc xà cừ! Xà cừ đắt hơn vàng.” (cười).

Khải nghiên cứu về Công giáo, và biết rằng Chúa là khái niệm lưỡng cực. Chẳng hạn Chúa không chỉ thưởng mà còn phạt. Ngoài ra: “Lòng tin của Khải cũng lưỡng cực. Đôi khi cầu nguyện không thành, mình tức, không tin nữa”.

Tính lưỡng cực không chỉ thể hiện trong từng tác phẩm mà còn giữa các tác phẩm. Ở vị trí đắc địa nhất phòng trưng bày, có một cực khác: Vẻ ngoài, mô tả cục gì như chất thải rắn song lại đặt trong một khung cảnh vàng son. Khải diễn giải: “Hào quang trong bộ tranh này làm bằng vàng thật. Khải muốn dùng chất liệu rất đắt để tả một vật mà người ta không muốn nghĩ tới, không nói ra. Hai cái đó tương phản tối đa. Khi làm bộ tranh này, cảm xúc của Khải cứ bay qua bay lại từ cực này tới cực kia.” Người xem hẳn bối rối khi đứng trước Vẻ ngoài! Cũng giống như khi họ ở một hoàn cảnh tréo ngoe trong cuộc sống khiến hệ giá trị trong họ bị đảo lộn.

Một bộ tranh khác cũng liên quan tới “đầu ra” của người, tên là Vào và ra, vẽ mấy cái cầu tiêu của sông nước Nam Bộ. Nhìn qua, người thành phố văn minh có thể nhún vai nhưng có lẽ họ nên nhìn lại. Không chỉ vì cảnh cầu tiêu vào sơn mài trở nên mỹ miều, mà vì: “Từ đời nào rồi tổ tiên làm cái này ở nông thôn, không hại gì…”, họa sĩ nói. Chưa chắc con cá bây giờ mình ăn đã tốt hơn con cá này. Cá nuôi bằng hóa chất, ăn vào bệnh tùm lum”. Vậy nên chất thải không hẳn là cái gì đó xấu xa. Nó đơn giản là một mắt xích không kém phần quan trọng trong vòng quay của sự sống.

Có sự kết hợp hai hình thức nghệ thuật lưỡng cực- sơn mài và trình diễn trong tác phẩm Sơn và mài. Bức tranh được miêu tả “giống như bàn nhậu bị nổ” không được tác giả ưng ý lắm nên liên tục sửa sang trong 5 năm qua. Và nó sẽ còn tiếp tục được Khải đem ra mài ngay tại phòng triển lãm. Màn trình diễn của anh thể hiện hai hành động lưỡng cực: Xây và phá.

Ở Đức, Khải có một công ty quốc tế về quảng cáo. Anh mất 3 năm để thực hiện triển lãm đầu tay Liên doanh. Nhưng phải 5 năm sau, Lưỡng cực mới hoàn thành. Tuy nhiên sự sắc bén của một nhà thiết kế quảng cáo vẫn tiếp tục in dấu vào sơn mài, tạo cho người xem những hứng khởi mới trước một dòng tranh tưởng đã cũ.

Một nhân vật xuất hiện trong cả hai lần triển lãm của Khải: Bà nội. Lần đầu Khải tạc tượng bà bằng gỗ, phủ sơn mài, và cho tượng đi đôi ván trượt tuyết. Lần này cả bà và cháu cùng xuất hiện dưới dạng bào thai trong một bức tranh, nằm trong bộ Gần gũi và xa lạ. Năm nay bà đã 95. Về Việt Nam, Khải luôn ở nhà bà nội. Anh thấy bà già đi, nhưng tính tình lại… trẻ ra. “Giờ bà như con nít. Nhõng nhẽo. Ăn phải đút. Đi đâu phải dẫn đi”, Khải kể. Thì cũng như ông cháu Khải, vừa tây vừa ta, vừa làm nghệ thuật vừa kinh doanh..., bà cũng lưỡng cực vậy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG