'Bóng đá - lễ hội tuyệt nhất trong các lễ hội ở Việt Nam'

Tranh: Đỗ Đức
Tranh: Đỗ Đức
TP - “Ba mùa” là tên bộ phim của đạo diễn Tony Bùi, miêu tả Sài Gòn có ba mùa: mùa nắng, mùa mưa, mùa hy vọng. “Giấc mơ Chapi” của Trần Tiến lại ca ngợi “mùa tình yêu”. Với nhiều người Việt bây giờ, ngoài chuyển động thời tiết, thì dường như có một mùa đặc biệt trong năm: mùa bóng đá - là các trận đấu có đội tuyển quốc gia và U22, U23 Việt Nam. “Bóng đá - lễ hội tuyệt nhất trong các lễ hội ở Việt Nam” - du khách nước ngoài kinh ngạc miêu tả.

VUI BUỒN SƯỚNG KHỔ VÌ BÓNG BÁNH

Phút bù giờ trận bán kết SEA Games 30, cầu thủ xuất sắc nhất U22 Campuchia đá hỏng pen. Có lẽ không hẳn vì thủ môn ta quá tài mà lúc đó cậu tiền đạo suy sụp quá rồi, đá không nổi sau 4 pha cháy lưới.

Thì cứ suy từ mình - chỉ là người xem, người ngoài cuộc mà còn khó giữ bình tĩnh huống hồ. 10 phút đầu trận gặp Thái đã xơi 2 nhót, thật là chết lặng, run như giẽ, vừa “giận tím người” (giận thủ môn, và “tím người” là một trend dạo này - với ảnh chế toàn thân ai đó phủ một màu tím bầm) vừa lo thắt ruột. Cầm cốc nước không vững. Nghe chị con cài nhài về ngoại hình cầu thủ, mọi khi hưởng ứng lắm song lúc ấy tôi cáu kỉnh nạt nộ “Im đi, suốt ngày anh này anh nọ đẹp giai, sốt cả ruột!”.

Trận gặp Thái trên sân nhà vòng loại World Cup 2022, tôi ngồi xem ở quán cà phê ven hồ Trúc Bạch, ly ca cao và bịch bỏng ngô trước mặt. Lo âu hồi hộp về thế trận nên trong vô thức, tôi cứ bốc lấy bốc để, xơi hết bịch bỏng lúc nào không biết, mà 20 nghìn bạc bỏng thì nhiều lắm!

Anh chàng bình luận viên hôm đá Thái ở SEA Games giọng cứ thỉu đi. “Không thể tin điều gì đang diễn ra”- anh chán nản, với diễn biến 10 phút 2 quả. Vốn trường hơi song trận gặp U22 Singapore cũng thế, giọng anh cứ thỉu, lả đi, trong bối cảnh đội nhà mãi không ghi nổi bàn vào lưới đội yếu.

Chi phối cảm xúc,  tâm trạng, tâm tính người ta đến thế - chỉ có thể là bóng đá. Chuyển trạng thái kiểu quay ngoắt. Đạt đến tột độ vui buồn. Chỉ có thể là bóng đá. Điềm đạm như nhà văn Xuân Đức mà nghe đâu thổ lộ là cả ngày 10/12/2019 đi ra đi vào không biết làm gì, chỉ mong đến tối để thưởng thức trận chung kết SEA Games 30. Hihi.

“Bóng đá, liều thuốc chữa trầm cảm duy nhất bây giờ” - có người nhận định như vậy. Trên các trang mạng bóng đá và kênh YouTube phát lại các trận bóng, thường xuyên thấy bình luận kiểu này của fan Việt: “Mỗi khi buồn nản tôi ngồi xem lại những trận đấu này, hết buồn. Có ai như tôi không”. Hay là: “Cầu vồng tuyết của Quang Hải tuyệt thật đấy, AFC chọn làm biểu tượng U23 châu Á là phải, nhưng cho đến tận bây giờ nó vẫn không khỏa lấp được nỗi buồn thua trận chung kết Thường Châu của tôi”...

NGUỒN CẢM HỨNG LỚN

Kết thúc lượt đi vòng loại lần 2 của World Cup 2022, Việt Nam dẫn đầu bảng G. Có “fan cứng” đưa lại bức ảnh những quả cầu đá giằng nhau bằng sợi xích ở sân Mỹ Đình, hóm hỉnh: “Cảm ơn người hùng thầm lặng đã ám chúng tôi suốt bao năm qua”.

Riêng thể hình thể lực mà nói, ngày xưa, vừa vào trận chúng ta đã nghe các ông bình luận viên ca ngợi đội bạn hết lời, may ra chỉ lờ Lào, Campuchia, Đông Ti-mo còn thì khen tuốt. Cứ đối thủ ngoại là khen. Bây giờ thì sao: “Tình huống bóng bổng là vũ khí lợi hại của chúng ta”, và nhìn trên sân thấy thể hình quả là lừng lững thật (đa số cầu thủ U22). Mỗi khi kiếm được quả phạt góc thì “yên tâm vãi”, hy vọng tràn trề. (Vãi: tiếng lóng của dân mạng). Nhất là dầy mình chắc vỏ như Tiến Linh, Thành Chung, Quế Ngọc Hải…, thoạt nhìn đã đầy uy lực, cộng với thần thái khá đáo để thì “chả sợ bố con thằng nào”.

Khả năng truyền cảm hứng của các tuyển thủ quốc gia hoặc U23 bây giờ, đáng kinh ngạc. Hoàng Đức được tiền bối - danh thủ Hồng Sơn tấm tắc “mềm mại như một dải lụa”, vê bóng lắm lúc như Zidane huyền thoại. Hùng Dũng thì bóng ở đâu là thấy người ở đấy, sợ thật. Một “người hùng tên Dũng” (người hùng góp phần kiến tạo chiến thắng của đội tuyển và U22 Việt Nam).

Ghi bàn chốt hạ thắng thua trận gặp Indonesia vòng bảng SEA Games, Hoàng Đức được dân mạng chế cái ảnh khoanh tay: “Hoàng Đức - nhận khoan cắt bê tông”. Duyên thế chứ. (Chả là Indo hôm đó triệt để sử dụng chiến thuật đổ bê tông).

Một Hà Đức Chinh chân sút vào, đánh đầu vào, chưa chạm bóng cũng vẫn vào (cú hattrick gặp U22 Campuchia), nên là được ưu ái chế ảnh ngồi hì hụi… vắt cam trong khi Văn Toản cũng “bóp nát quả cam lúc nào không biết”. Nhìn những ảnh này, đố không cười!

“Trọng Hoàng vừa giành huy chương vàng môn chạy marathon 10 nghìn mét anh em ạ” - trên trang Troll bóng đá, một fan cập nhật tình hình huy chương SEA Games trong ngày, khi U22+2 của Việt Nam đang đá. Còn Đình Trọng đang dưỡng thương cũng tranh thủ trêu đàn anh Hoàng “bò”: “Chúc mừng anh Hoàng yếu nhé” (vì chiến quả huy chương vàng bóng đá).

Thế nên tôi từng viết rằng nếu không xem bóng đá và đọc bình luận bóng đá mà chỉ xem phim Việt Nam, dễ tưởng người Việt vô duyên nhạt nhẽo nhất thế giới, chả biết đùa là gì!

Bùi Tiến Dũng và Văn Toản bóp tim người hâm mộ ở mấy trận vòng bảng SEA Games, lập tức xuất hiện ảnh chế hai thủ môn đứng cạnh nhau với chú thích: “Ai cũng có thể sai lầm. Tối nay dù thủ môn nào bắt chính thì chúng ta vẫn ủng hộ hết mình. Với điều kiện có gói bỉm bên cạnh”. Hihi.

Ra tận Mỹ Đình chắc chắn xem không rõ bằng qua ti vi, nhưng ai cũng biết, không khí sân bãi nó khác đấy. Chẳng hạn không phải ai, lúc nào cũng hài lòng về phong độ của Công Phượng nhưng ra sân mới biết hấp lực của “họa mi”. Theo Facebooker Lã Hồng Nguyên em trai bạn tôi: “Có ở trên sân mới thấy, cứ Phượng có bóng là cả sân đứng dựng cả lên chờ hắn đi qua tất cả đội bạn rồi ngã lăn quay”. Haha.

Một fan khác chắc không ý thức được độ buồn cười khi góp chuyện mình xem ở quán xá: “Tuấn Anh bị đối phương cho đo ván nằm sân, cả quán đứng dậy chửi! Tuấn Anh lồm cồm bò dậy, tất cả vỗ tay như Việt Nam vừa ghi bàn!” Một fan khác đế: “Quả ông ấy ôm chân hú hồn. Chả sợ gì chỉ sợ mỗi cái ôm chân của ổng” “Giống tui, lúc đó tui ngồi cắn phập ngón tay, con bồ bảo anh căng vậy, không sao đâu”… Yêu thương, thấp thỏm như thể người nhà người cửa của mình vậy.

Người sinh động Park Hang Seo đương nhiên thường xuyên chiếm diễn đàn, là nguồn cảm hứng không cạn của cổ động viên. Chả thế mà khi có tin đồn đồng hương muốn ông về quê nắm một đội, lập tức có lời bàn: “Để dẫn Việt Nam lên tốp đầu châu Á đi đá WC rồi hãy đòi người, mà đòi cũng không về đâu. Có không giữ, mất đừng tìm”. Và: “VFF không ký hợp đồng trọn đời với ngài Park thì ký với ai nữa hở giời!”…

Báo giấy báo mạng cũng thỏa sức câu view giật tít rất bóng bánh: Tiến Linh Đức Chinh pressing mạng xã hội. Và nếu bình luận viên VTV phô độ dí dỏm với  kiểu bình luận: “Tiến Linh ghi bàn đầu tiên, bắt đầu mở tài khoản cá nhân” (để đựng rổ bàn thắng trận gặp Lào) thì danh thủ Trần Công Minh tỏ ra không kém cạnh khi mô tả Hà Đức Chinh: “một pha kiến tạo thành bàn cho đồng đội với file đính kèm là những sản phẩm tuyệt hảo sau đó”. File đính kèm kia đấy. Sinh động, sinh sắc hơn hẳn ngày thường, nhỉ.

MÙA VUI NHẤT NĂM

Một ngày cuối tháng 11/2019, Trọng Hoàng đăng lên trang cá nhân bức ảnh chân dung rất đẹp của mình, mũi thẳng miệng nét, đẹp hơn trên ti vi nhiều, và dòng trạng thái hài hước: “Tôi 22 tuổi bồi hồi dự SEA Games lần cuối”.

Xem lại băng Trọng Hoàng ở hai kỳ SEA Games trước, trẻ trung nhưng tủi hổ vì thất bại, mới thấy hạnh phúc hôm nay ngọt ngào thế nào. Hải Quế cũng vậy, rất trẻ trung sáng láng ở những kỳ SEA Games và AFF Cup trước nhưng vừa chạy vừa gào khóc như “Em bé Napal” Kim Phúc. Vì thảm bại. Nom vô cùng xúc cảm.

Hai chục năm không xem bóng đá nội, đến hai năm lại đây thì không bỏ sót trận quốc tế nào của tuyển Việt Nam và U22, U23 - hẳn nhiều người giống tôi. Đọng lại một mùa vui bóng đá 2019, là vô số hình ảnh khó quên: Đôi đầu gối nát bươm của Trọng Hoàng (và vẻ e thẹn của cầu thủ đã ba chục xuân xanh này, cứ lấy tay che che đậy đậy khi các phóng viên ảnh dòm lom lom vào nó); hoặc dáng như bay của Hoàng Đức khi “hạ sát” Indonesia - một “dải lụa mềm mại” thật. Cú ghìm bóng bằng đầu của Hà Đức Chinh để chuyền dọn cỗ cho Tiến Linh mở tỉ số trận gặp Campuchia mà không ấn tượng à - cũng như nụ cười dễ thương của Chinh trong cả trận ấy - ghi bàn đến phát nhàm, đến nỗi lại bị chế ảnh tiếp: “Chúng mày đừng chuyền cho tao nữa” (nói với đồng đội). Hoặc màn ăn mừng của Đỗ Hùng Dũng trong trận chung kết để đời; pha cứu bàn thua trông thấy của Văn Toản - Thành Chung cuối trận đó, khiến chiến thắng gần như hoàn hảo. (Chưa hoàn hảo lắm là vì tiểu xảo của Đoàn Văn Hậu với Evan Dimas và chiếc thẻ đỏ không đáng có của thầy Park). Rồi “xen” phá phạt đền của Đặng Văn Lâm trong trận chiến với Thái Lan cũng như cái ôm của thủ thành này với Đoàn Văn Hậu sau khi Hậu dùng toàn bộ chiều dài 1 mét 85 của mình để lao ra, bò ra cản trái bóng. Đương nhiên không thể thiếu những cuộc trình diễn nghệ thuật của Quang Hải, nhất là cú ngả người sát đất “quạt” bóng vào lưới Malaysia - nói là bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, không ngoa. Cũng chưa bao giờ tua đi tua lại một clip nhiều lần đến thế, đọc vô số bài phân tích về nó, xem có phạm lỗi hay không mà lại mất đứt 1 bàn thắng (của Bùi Tiến Dũng, trận gặp Thái Lan)…

Trước kia từng có sự gay gắt phản đối gọi cầu thủ công trạng lớn là “anh hùng dân tộc”, rằng bóng đá dù sao cũng chỉ là trò chơi. Sau khi đã mất niềm tin kéo dài, giờ đây người hâm mộ dần tin thì phải, khi các cầu thủ nói họ đá vì tinh thần dân tộc, niềm tự hào dân tộc. Huấn luyện viên trưởng của họ cũng xác nhận như thế.

“Nhiều cầu thủ của mình có vẻ không biết hát quốc ca, hay sai nhạc và không đều, mỗi người một kiểu. Khán giả cũng thế. Tôi thấy cầu thủ Indonesia hát quốc ca chuẩn nhất, lại hát rất nhiệt tình, quốc ca của họ cũng rất hay. Tôi thuộc nhạc quốc ca Indonesia và hầu hết các nước Đông Nam Á. Chắc tôi phải nhắc VFF dặn dò các cháu kỹ hơn”.
Nhà báo thể thao kỳ cựu NGUYỄN LƯU

Cũng trước kia, tâm lý - tinh thần là yếu huyệt của Việt Nam, chỉ gặp Thái đã cóng, chưa nói các ông kẹ châu lục. Hồng Sơn - đại biểu thế hệ vàng thập kỷ 90 cũng thú nhận trên sóng quốc gia, rằng trước các trận gặp Thái, anh và đồng đội khó ăn khó ngủ, bồn chồn. Giờ thì mọi người thấy đấy, có biết sợ, bạt vía là gì đâu  từ đội trẻ đến đội tuyển, và có thất sắc tí nào đâu khi bị dẫn bàn.

Cữ này năm ngoái, tôi với Nguyễn Việt Hà (nhà văn) đoán trên báo Tiền Phong Tết: Ngài Park sẽ ở lại Việt Nam ít nhất 5 năm. Quả nhiên hợp đồng gia hạn 3 năm chứ không phải 2. Năm 2019, tôi còn đoán đúng nhiều thứ nữa: Tên của hai cầu thủ trên 22 tuổi bổ sung đội hình dự SEA Games (trong khi đầy chuyên gia đoán Hải Quế được chọn, nhiều fan còn đoán Công Phượng hoặc Văn Toàn, Đặng Văn Lâm…). Hoặc đội hình xuất phát một số trận, trong đó trận gặp Thái tôi xui cô bạn Cẩm Vinh dự cuộc thi của báo Tuổi Trẻ để ẵm giải khuyến khích (gửi chậm hơn người giải nhất, nhì, ba ít phút nên chỉ được khuyến khích). Trận bán kết tôi cá với cô con gái tỉ số 3-0 và thua chị ấy. Chị đoán trúng phóc 4-0. Chị này còn có một “niềm” thắc mắc: “Sao năm nay tất cả các trận đấu của tuyển và U22, U23 đều không phát bài hát Việt Nam ơi của Minh Beta? Mất cả hứng!”.

Lại một mùa vui bóng bánh đi qua. Trước các trận đấu, tôi vẫn “có kiêng có lành” không dám xơi mực tươi, mực nướng. Kim Anh bạn tôi còn hèn hơn, bim bim mực cũng quyết không xơi. Dù hèn đến đâu, nếu mùa bóng bánh 2020 chúng tôi không dám dự liệu rằng U23 Việt Nam sẽ lọt tốp dự Olympic Tokyo, còn đội tuyển vào vòng loại thứ 3 WC và bảo vệ được danh hiệu vô địch AFF Cup, thì mình hóa ra chỉ là fan phong trào mà thôi?

Không lễ hội nào bằng lễ hội bóng đá?

Có một kênh khá đông người vào tên là Kyty, đưa 10 luận điểm chứng minh người Việt yêu bóng đá nhất thế giới (còn báo Mỹ nhận định Việt Nam đứng thứ 5 sau Brazil, Đức, Tây Ban Nha, Anh). Kênh này (của người Việt) trích dẫn một nghiên cứu du lịch cho thấy gần đây du khách nhiều nước truyền tai nhau rằng: Nếu bạn định du lịch Việt Nam, hãy chọn thời gian có các trận bóng của tuyển và U23 Việt Nam và nếu đến đúng thời điểm có trận chung kết, bạn sẽ được tận hưởng không khí vui sướng hạnh phúc hơn tất cả các lễ hội của Việt Nam. 
Kênh này đưa trang cá nhân của hơn chục cầu thủ Việt kiều và thông tin: Từ đầu 2018 đến nay, họ đều tăng đột biến lượng theo dõi. Đơn giản vì cổ động viên yêu bóng đá Việt nên yêu cả những người con của bóng đá Việt. Và trích dẫn lời một cổ động viên Đức bình luận: “Người Việt ăn mừng ngôi Á quân (U23 châu Á)  giống như ăn mừng vô địch WC vậy. Họ có thể thua trận đấu nhưng dân tộc họ đã chiến thắng”. Một cổ động viên Hà Lan phát biểu: “Từ nay tất cả các trận đấu của  Việt Nam tôi sẽ luôn theo dõi, ủng hộ. Không đất nước nào có thể so sánh với họ về tình yêu bóng đá”…
Nói chung  Kyty sát thực tế ra phết. Đã bảo là mùa vui nhất năm mà lỵ! Tuy vậy, nếu không muốn “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, có lẽ chúng ta cần điều chỉnh mình ít nhiều: Bớt quá khích và kiêu ngạo (những gì xấu của tao là thuộc về mày, những gì tốt của mày thuộc về tao). Tránh kích động dẫn đến mất điểm, ví dụ của năm qua khá nhiều đấy, vào trang cá nhân của trọng tài Oman để khủng bố chẳng hạn (trong khi trước đó lại nồng nhiệt thái quá với ông này); rồi quen tật khiêu khích trêu chọc đối thủ, khiến trang chủ của bóng đá Thái Lan phải chặn IP Việt Nam “cho lành”. Vân vân. Nhất là phải tuyệt đối tránh những cái chết lãng xẹt vì đi bão khiến cho, như đã nói, ngày vui ngắn chẳng tày gang. 

'Bóng đá - lễ hội tuyệt nhất trong các lễ hội ở Việt Nam' ảnh 1 "Với Hà Đức Chinh thì Campuchia chỉ đơn giản là một loại trái cây giải khát" (Ảnh chế sau trận Chinh lập hattrick vào lưới Campuchia)

Ngày trước, anh chàng Dâu Tây tức Joe Ruelle- một blogger người Canada nói tiếng Việt, từng viết cay xè: “Nghe Tạ Biên Cương bình luận, tôi chỉ muốn ăn lá ngón”. Theo năm tháng, Tạ Biên Cương vẫn giữ vẻ vô tư nồng nhiệt đồng thời dần bớt những câu lố, thỉnh thoảng có lập ngôn ra trò. Hôm tôi xem ở quán ven hồ Trúc Bạch trận U22 Việt Nam đá Campuchia, cả quán cười bò khi Tạ Biên Cương dõng dạc: “Xin giới thiệu với bóng đá khu vực Đông Nam Á cặp song sát của U22 Việt Nam- Tiến Linh và Đức Chinh”. Chị con tôi  - thiếu nữ 16 tuổi, cười to nhất!

'Bóng đá - lễ hội tuyệt nhất trong các lễ hội ở Việt Nam' ảnh 2
'Bóng đá - lễ hội tuyệt nhất trong các lễ hội ở Việt Nam' ảnh 3
'Bóng đá - lễ hội tuyệt nhất trong các lễ hội ở Việt Nam' ảnh 4 Chùm ảnh chế vui nhộn và cảm động trên trang Troll Bóng Đá
'Bóng đá - lễ hội tuyệt nhất trong các lễ hội ở Việt Nam' ảnh 5 Người sinh động Park Hang Seo và học trò là nguồn cảm hứng “vô tận” của các fan, họa sĩ Đỗ Đức là một. Ông vẽ rất nhiều tranh vui chủ đề này. Bức 3 thủ môn trên kia là do ông khoái chí nghe tôi kể chuyện có fan than thở sau trận gặp Indo và Thái: "Bây giờ ba ông bắt một lúc, may ra yên tâm" 
MỚI - NÓNG