Bớt rào cản nhờ chính sách visa mới?

Thu hút khách quốc tế nhờ chính sách visa cởi mở hơn. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Thu hút khách quốc tế nhờ chính sách visa cởi mở hơn. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Nhiều chuyên gia nhận định rào cản đầu tiên khi thu hút khách quốc tế vào Việt Nam là chính sách visa thiếu hợp lý. Một số quy định này sẽ được xóa bỏ, điều chỉnh trong thời gian tới.

Gỡ rào cản

Ngành du lịch chịu tác động cũng như sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách visa được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Bộ Công an vừa công bố Dự thảo lần 2 của Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Một trong những quy định về visa khiến doanh nghiệp và chuyên gia du lịch ta thán thời gian qua là khoản 1 Điều 20 về điều kiện nhập cảnh của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ban hành năm 2014: “Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”.

Bộ Công an giải thích, sở dĩ có điều khoản quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh VN lần trước ít nhất 30 ngày là để hạn chế lợi dụng chính sách miễn thị thực đơn phương vào Việt Nam: Một số đối tượng đến làm việc nhưng không thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Soi chiếu dưới góc độ du lịch, các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều nhận thấy khó hút khách qua chính sách visa này. Thực tế, nhiều du khách tới Việt Nam du lịch, xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam du lịch tiếp là điều không thể. Họ phải chờ ít nhất 30 ngày kể từ ngày xuất cảnh Việt Nam.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia cho rằng gỡ bỏ được rào cản này, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển khách của Đông Nam Á, thậm chí nối chuyến tới châu Âu và châu Úc.

“Khách xa đến Việt Nam thường có xu hướng tham quan liên tuyến 3-5 quốc gia. Trường hợp khách chọn các điểm tham quan thiên về văn hóa trước, sau đó du lịch nghỉ dưỡng biển thì quy định 30 ngày nêu trên chính là hạn chế rất lớn. Ví dụ, khách bay tới TPHCM tham quan thành phố và miền Tây rồi xuất cảnh sang Campuchia xong muốn quay về Phú Quốc nghỉ dưỡng, khi này họ phải chờ ít nhất 30 ngày là điều vô lí”, ông Hoàng Đại Ngãi, Phó Giám đốc Khối thị trường nước ngoài Cty Vietravel nói.

“Ðối thủ của chúng ta là Indonesia, cách đây 4 năm họ có lượng khách quốc tế tương tự Việt Nam - 10 triệu. Họ coi tháo gỡ visa là chủ đạo để hút khách, lập tức chỉ vài năm đã miễn hơn 170 nước, kết quả tăng trưởng 60-70%. Nếu xem visa như vé vào chợ, ta giữ tư duy cũ chăm chăm thu tiền vào chợ, người bán (chính là doanh nghiệp du lịch, ngành nghề dịch vụ) sẽ vắng khách”.

Ông Nguyễn Tiến Ðạt, Phó Giám đốc Cty TransViet

Sau quá trình lấy ý kiến và lắng nghe đóng góp, ban soạn thảo dự thảo luật 2019 đề xuất: Nghiên cứu, sửa đổi quy định về điều kiện đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực. Cụ thể, thay quy định trên bằng quy định rút gọn hơn: Người nước ngoài chỉ cần hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực. Đối với người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng.

Miễn visa còn rụt rè

Chính phủ vừa qua nỗ lực cởi mở chính sách visa, miễn 24 thị trường và tiếp tục mở rộng. Sau khi miễn thị thực cho 5 nước châu Âu, lượng khách trung bình hằng năm tăng gần 20%. Tuy thế phải thừa nhận chính sách visa của ta khó cạnh tranh với các nước trong khu vực, chưa nói tới các điều kiện du lịch khác để hút khách: Malaysia miễn thị thực cho 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore 158, Philippines 157, Thái Lan 60. Đặc biệt thời gian miễn của họ 30-90 ngày.

Dự thảo Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn giữ nguyên thời gian miễn thị thực cho những trường hợp được đơn phương miễn thị là không quá 15 ngày. Quy định này vẫn được xem là chưa đủ thông thoáng đối với khách quốc tế.

Miễn thị thực đơn phương không quá 15 ngày là điểm hạn chế lớn trong thu hút khách quốc tế thị trường xa. “Kỳ nghỉ đông hoặc kế hoạch du lịch của khách ở thị trường này thường kéo dài hơn 2 tuần. Vì thế quy định miễn đơn phương 15 ngày làm khó cho khách muốn kéo dài kỳ nghỉ. Hơn nữa Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó địa phương phải tập trung phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ Bắc vào Nam để khách có thể trải nghiệm hơn 15 ngày”, ông Hoàng Đại Ngãi nêu.

Đồng quan điểm, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Cty Lữ hành Hanoitourist phân tích quy định chỉ miễn đơn phương không quá 15 ngày khiến không tận dụng hết điều kiện hút khách. Khách Pháp, Đức, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… nằm trong diện miễn thị thực đơn phương thường du lịch cả tháng. Nếu ở quá 15 ngày, họ buộc phải xuất cảnh, hoặc xin thị thực theo quy định, như thế khác nào miễn mà không miễn.

MỚI - NÓNG