Bữa tối cùng Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ

Bữa tối cùng Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ
TP - Cuối tháng 1/2016, đào đàn Phạm Thị Huệ dẫn chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Nhiều lần gặp tại các sự kiện ca trù nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng chúng tôi có dịp hàn huyên cùng bậc thầy đàn đáy cuối cùng của ca trù. Tất nhiên người chơi đàn đáy vẫn còn nhưng từng tham dự các hình thức trình diễn cổ truyền của ca trù chỉ có ông, người vừa từ trần ngày 22/3. Trước đó ít lâu, ông được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân.

Nửa thế kỷ nghỉ đàn

Chưa đầy 15 năm cuối đời, ông Đẹ đã dạy khoảng 100 học viên nhưng ông khẳng định chỉ có hai thành nghề là Phạm Thị Huệ và Phạm Đình Hoằng. Mặc dù bây giờ có nhiều phương tiện hiện đại có thể rút ngắn thời gian học nhưng không có tài và tâm huyết cũng khó lòng theo được, như Phạm Thị Huệ cũng phải 9-10 năm mới thành ngón đàn. Gốc gác của ca trù có 40-50 làn điệu, ông cho biết, mỗi làn điệu đi kèm một bài đàn riêng. 

Cuối tuần vẫn có đôi ba người địa phương tới nhà ông học đàn. “Họ vẫn đến đấy. Tôi cũng dạy vài anh nhưng tay chân cứng chả tiếp thu được gì. Có học mới biết nó khó”, ông bảo. “Cái khó của việc học đàn đáy là không có nốt. Tự ca bằng mồm, nhớ bằng óc. Lúc mới đàn, mồm quên thì tay cũng tịt”. Có nghĩa trước khi học đàn, người học phải biết ca đàn - là những từ như “tung tung tếnh tàng dếnh dếnh…”.

Ông Đẹ là đời thứ 5 trong gia đình có truyền thống ca trù. Nhưng đời thứ 6 lại không có cơ hội theo nghề. Ông giải thích: “Tôi nhỡ thời, 60 năm không cầm đến cây đàn còn dạy được ai nữa”. Con cháu đi làm hết. Ông tính từ mốc 1946 đến 1995. Nhưng thực tế sau 1946, hát cửa đình dù tan rã do chiến tranh, ca quán vẫn phát triển. Ông Đẹ vẫn có thời gian đàn ca quán ở Hà Nội, Hải Phòng đến 1954. 

Ông tỏ ra ngạc nhiên về mình, sau hơn nửa thế kỷ nghỉ chơi đàn đi làm ruộng “mà làm sao cái óc vẫn cứ đựng được ca trù”. “Mà lại còn sáng tạo nữa chứ”, Huệ cười đế thêm. Chị kể: “Ông không có biểu hiện gì của người già, giá cả các mặt hàng từ nhỏ nhất tính rất nhanh, ai nợ ông cũng nhớ luôn”. Chả là nhà gần trường tiểu học nên con gái cụ kê cái bàn nhỏ ở cổng nhà, bán mấy thứ bánh trái vặt vãnh. Ông khoe mình vẫn bán chịu mà không cần sổ sách, đứa nào lén lút lấy đồ không trả tiền, ông phát giác ngay. Tất nhiên ông sẽ bảo: “Lần này ông tha nhé…”.

Đời nghệ sĩ

Mọi người gọi ông là nghệ nhân nhưng ông tự coi mình là nghệ sĩ: “Đời nghệ sĩ cũng vất vả lắm, cơ hàn. Tôi học đàn từ 11-12 tuổi. 15 tuổi đã đi kiếm tiền được. Trước tôi cứ đàn hát ở nông thôn thôi, nhưng về sau nghĩ vất vả quá. Cũng giời mưa tầm tã thế này, toàn đi bộ, bấy giờ làm gì có giầy dép gì. Ngồi đàn ở các cửa đình còn phải lấy chăn chiên quấn cho đỡ muỗi… Chán tôi mới lên thành phố”. Khi đó, ông vừa hai mươi, lên chơi nhà ông chú ở Ngã Tư Sở - Hà Nội rồi ở mấy tháng chơi đàn ở các tiệm cô đầu. 

Khoảng cuối những năm 1930, khi ca trù còn đang thịnh, ông còn có 2 năm đàn ở Hải Dương - lúc đó có khoảng 20 nhà hát chia thành hai dãy phố. Quan viên thường là chánh phó tổng ở làng mỗi khi lên phố thì vào nghe hát, thỉnh thoảng cũng có một người Pháp. Đàn ở Hải Dương mỗi “mảnh” ông được hào rưỡi tức bằng 6 bát phở. Để được nhiều, ông gọi bát phở 3 xu trước, rồi ăn thêm 2 xu nữa. 

Ở Hà Nội hay Hải Phòng khá hơn. Mỗi canh hát quan viên dăm ba ông góp lại mua trọn bằng 2 đồng bạc Đông Dương, đào kép được 1 đồng tương đương 80 bát gạo. “Tôi lấy bà hai ở Hải Phòng. Đi đàn hát với nhau, gặp nhau. Bấy giờ mảnh đàn được 5 hào. Chầu hát của nhà hát có cả cô đầu rượu thì người ta gọi vợ chồng mình đến hát...”. Nhưng ông không chịu “thống kê” có bao nhiêu vợ - “kể ra nó lôi thôi”. Chỉ biết các bà đều đi hát và ông theo đệm đàn. Như thế có nghĩa là ông có “lộc cô đầu”. 

Một canh hát dài bao lâu là điều đào Huệ quan tâm. Ông đáp: “Có hát mấy đâu. Vào cho họ nghe một hai câu, mình lại xin phép chạy sang nhà khác chơi mảnh khác. Họ thì ngồi đấy với cô đầu, uống rượu…”. Cô đầu đây chính là cô đầu rượu, chứ đào hát lúc bấy giờ theo ông đã rất hiếm. Ở Hải Phòng, ông hay đàn cho 4 nhà, nhiều nhất là ở nhà của hai chị em bà Bảo. Bà Bảo cũng học đàn đáy nhưng không thành nghề đàn. 

Dạo còn khỏe, hàng tuần ông vẫn lên đàn cho CLB Ca trù Thăng Long ở Hà Nội. Lúc chúng tôi đến thăm, ông đã nghỉ. Mỗi lần đi con rể lại phải bỏ công bỏ việc hộ tống, cũng lách cách. “Ai không muốn đi chơi! Học trò đưa đi chỗ nọ chỗ kia chơi bời ăn uống, tội gì. Nhưng giờ tuổi già như chuối chín cây. Có gì lại phiền phức, học trò lại đâm lo nghĩ”, ông nói. “Thỉnh thoảng học trò cho đồng nào tiêu đồng đấy, lương lậu có đâu”. Khi đó ông vừa được nhận bằng Nghệ nhân Ưu tú kèm 10 triệu đồng. 

Cây đàn đáy luôn được ông dựng đầu giường, góc bàn thờ để tiện chơi: “Cứ phải dựng cây đàn đấy, lúc nào buồn hay suy nghĩ cái gì cầm cái đàn là tịt hết.” Đó chính là bí quyết để ông giữ sức khỏe ở tuổi U100. Bệnh duy nhất ông từng mắc là cao huyết áp. Khi đó con giai trưởng là bác sĩ ở Sơn Tây (khi đó đã ngoài 70) phải lôi lên xe ông mới chịu, vì quan điểm của ông là “không đi đâu hết, cứ sống chết ở cái đất này”. Mươi ngày điều trị ở nhà con, khỏi ông lại về Hải Dương.
Dễ hơn đàn đáy…

Ông không uống rượu, nhưng nghiện thuốc lào. Mỗi khi nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền về chơi, mời thuốc lá. Nếu ông thèm, làm một hơi là bị ho ngay. Trong bữa cơm tối ấy, ông được phần riêng những miếng thịt ba chỉ. Ông thanh minh: “Miếng nạc nó bã…” chứ không phải vì hàm răng rụng mất một số. Một cô trong nhóm mới trêu: “Con biết gu của cụ nửa nạc nửa mỡ rồi!”. Ông đáp: “Cô nào vừa Tây vừa ta thì đẹp!”. Đến lúc này thì ông “thổ lộ” số các bà đi qua đời mình đếm hết một bàn tay hẵng thừa rồi cười: “Các cậu cố gắng học tập nhé. Đàn đáy thì khó nhưng cái môn ấy thì dễ thôi!”.

Bữa tối cùng Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ ảnh 1  Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ cùng đào đàn Phạm Thị Huệ và đào nhí Huệ Phương
 Ảnh: N.M.Hà

Năm 2005, nghệ nhân Phó Thị Kim Đức tìm đến nhà cụ Đẹ, thử ngay tay đàn ông bằng một bài bản khó là Tỳ bà hành. Cuộc đối thoại giữa các bậc thầy có thể diễn ra mà người ngoài không hay biết. Ví dụ bà ra một khổ phách để ông phải theo. Hay ông chơi một khổ đàn lẩn đi, bà không để ý, trượt phách như chơi… Một thời gian khá dài, ông đệm cho ca nương Bạch Vân rồi đến Phạm Thị Huệ. Nhưng ăn ý nhất vẫn phải là cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Nhớ tiếng hát của bà, thỉnh thoảng ông lại mở đĩa. Sinh thời bà cũng vậy mỗi khi lâu không gặp bạn đàn. “Cụ Chúc cũng yêu nghề đến mức con cháu trong nhà không thân bằng người trong nghề,” đào Huệ kể. Theo chị thì ông Đẹ bà Chúc “chưa nói đã hiểu nhau”. Còn ông chỉ nói: “Chỉ có trong nghề mới biết cái hay của nhau”.

Chị Huệ cho biết có một học trò người Thụy Điển đến học ông đã chơi được đàn đáy. Còn ông kể vừa tài trợ cho lớp học ca trù của trường cấp hai 25 bộ phách. Một cô giáo trong trường đứng lớp dạy vài câu Hồng hồng tuyết tuyết. Còn đàn chính ông đứng ra đệm. Không biết trong lớp măng non ấy, có cháu nào biết chúng sẽ không bao giờ gặp trong đời người thứ hai như ông thầy đàn đấy.

Ông Đẹ cũng phải vượt qua nhiều gian truân để học hết Sơ học yếu lược (tương đương tiểu học bây giờ). “Cả làng có mỗi tôi với con ông Trưởng Bạ là đi học. Nghèo đến thế. Cơm có đâu. Tôi với anh bạn làng dưới trưa toàn phải nhịn, độc lấy quả si ăn, ở trường giồng cây si to mà. Có được bát cơm ăn đi học bấy giờ là nhất!”. Với bằng cấp đó, ông Đẹ có thể xin đi dạy học được ngay (quan lại quen biết cũng nhiều vì họ suốt ngày đi nghe hát”, ông kể. “Nhưng bấy giờ ông bà tôi đi hát cũng lắm tiền…”. Cũng may nhờ đó mà có một Nguyễn Phú Đẹ kéo dài thêm đời sống của ca trù. 

MỚI - NÓNG