Búa và máy chữ chơi nhạc giao hưởng

Búa và máy chữ chơi nhạc giao hưởng
TP - Hòa nhạc Toyota xuyên Việt 2011 mang tính hội hè, vui nhộn, hẳn rất phù hợp với các bạn học sinh sinh viên, cũng như những ai đang muốn làm quen với nhạc giao hưởng. Sau Hà Nội, Hải Phòng, chương trình sẽ đến Trung tâm Văn hóa Thông tin Thừa Thiên - Huế vào 13-7 và Nhà hát TPHCM, 16-7.
“Bác thợ rèn” trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Ảnh: N.M.Hà
“Bác thợ rèn” trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Ảnh: N.M.Hà.

Nhạc mục năm nay tỏ ra đặc biệt thân thiện với khán giả. Đó là những khúc nhạc ngắn, khá quen thuộc, tiết tấu rộn ràng như Prelude của vở Carmen (G.Bizet), Overture của vở Orpheus ở thế giới bên kia (Orpheus in the underworld - J.Offenbach), Overture của operetta Fledermaus (J.Strauss II) hay Tritsch Tratsch Polka.

Bản polka Tritsch Tratsch của nhà soạn nhạc Áo J.Strauss II (1825-1899) đặc biệt vui nhộn vì nó nói về thói say sưa tán gẫu của phụ nữ thành Viên. Tritsch-tratsch đôi khi còn được viết là chit-chat rất tương đồng với “chít chát” trong tiếng Việt.

Thú vị hơn, một số bản nhạc giao hưởng sử dụng tiếng động một cách hóm hỉnh cũng được đưa vào nhạc mục. Hai chiếc búa cùng 2 thanh sắt (kích thước khác nhau để tạo thành 2 nốt khác nhau) được đem lên sân khấu chơi cùng dàn nhạc trong Polka Feuerfest của J.Strauss II.

Người chơi nhạc cụ này mặc bộ đồ của thợ rèn, có cả khăn thấm mồ hôi vắt vai. Trong một phiên bản nước ngoài, nhạc công chơi búa còn mang cả bia và bánh kẹp thịt lên sân khấu tranh thủ nạp năng lượng giữa hai lần quai búa.

Trước khi bắt đầu bản polka Đi săn (Hunting) cũng của Strauss II- người nổi tiếng với nhạc khiêu vũ và hài kịch - khán giả không khỏi ngạc nhiên khi một người mặc đồ rằn ri vác súng chạy ra sân khấu bắn lên trần nhà hát. Trong khi bản nhạc diễn ra, người đó còn chạy ra bắn vài lần nữa. Và sau khi tiếng súng nổ ở đoạn kết, một con vịt rơi xuống thật. Chú vịt tất nhiên là bằng bông sau đó được tung xuống khán giả.

Nếu búa có thể thành nhạc cụ thì máy chữ cũng đảm nhiệm tốt vai trò “lĩnh xướng” cùng dàn nhạc trong bản Bài ca người đánh máy (Typewriter song) của nhà soạn nhạc Mỹ Leroy Anderson (1908-1975). Tiếng lạch xạch của máy chữ cực kỳ hòa hợp với dàn dây (hơn là dàn kèn trong một bản chuyển soạn khác). Tiếng chuông mỗi khi chuyển dòng càng chứng tỏ tính nhạc của máy chữ là rất cao.

Một tác phẩm nữa của người chuyên viết ngắn L.Anderson là Mèo nhảy valse (Watlzing cat) cũng được giới thiệu. Quả thực nghe bản nhạc này sẽ hình dung ngay ra tên gọi của nó. Dàn dây không chỉ biết kêu meo meo mà còn có khả năng diễn tả vũ điệu vui nhộn giữa mèo và… chuột. Tác phẩm không thể thiếu đoạn kết khi một số nhạc công góp giọng bằng tiếng chó mèo. Cả người chơi nhạc và người nghe đều được nhiều lần cười thoải mái như thế trong suốt chương trình.

Không chỉ được vui vì những sáng tạo thú vị trong âm nhạc, khán giả còn tha hồ cười các vị nhạc trưởng dễ thương trong phần tập làm chỉ huy dành cho khán giả. Một anh kỹ sư công nghệ thông tin làm khán giả không nhịn được cười vì anh vung đũa rất hạn chế nhưng cái mông quay về phía người xem lại cứ vô thức lắc theo nhịp sôi động của bản nhạc. Một em bé người Nhật nhỏ xíu cũng mạnh dạn lên chỉ huy dàn nhạc. Vì hôm đó chính là ngày sinh của bé, nên dàn nhạc đã chơi tặng bé giai điệu chúc mừng sinh nhật.

Cây solist được hòa nhạc Toyota xuyên Việt giới thiệu năm nay là Đỗ Phương Nhi, sinh năm 1998. Cô bé con nhà nòi (bố mẹ đều là nghệ sĩ vĩ cầm) đã trình bày thành công Introduction et rondo capriccioso- tác phẩm chứa đựng những thách thức kỹ thuật vốn dành cho những nghệ sĩ bậc thầy của nhà soạn nhạc Pháp Saint-Saens (1835-1921). Vừa bản lĩnh, vừa hồn nhiên, Đỗ Phương Nhi đã chinh phục được khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhi đã phải nhiều lần ra sân khấu để nhận những tràng vỗ tay và hoa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG