Bùi Xuân Phái qua lời bà vợ

Bùi Xuân Phái qua lời bà vợ
TP - Thời đó, kinh tế eo hẹp song sáng nào Bùi Xuân Phái cũng được một cốc cà phê do chính tay vợ pha, còn bà chỉ uống cà phê “sái”. Bà Nguyễn Thị Sính, vợ của cố danh hoạ đã bước sang tuổi 87 nhưng còn khỏe mạnh, minh mẫn, vui vẻ kể lại kỷ niệm với người chồng quá cố.

> Họa sỹ Việt kiều về Hà Nội vẽ phố
> Ta còn em, Hà Nội phố

Chồng là ưu tiên số 1

Những nghệ sỹ có tài thường khá đa tình. Hỏi vợ Bùi Xuân Phái điều này, bà cười: “Ông Phái nhà tôi ngoan, tốt lắm, không như thế đâu. Các cô cũng thích ông ấy lắm, thường qua nhà rủ ông ấy đi xem phim. Tôi cũng cho ông ấy đi, không làm ầm ĩ lên, thành ra ông ấy tôn trọng tôi”.

Bà Nguyễn Thị Sính tiết lộ: Bùi Xuân Phái có thú thích tặng tranh, tặng từ bạn bè tới người ngoại quốc, cứ ai mê tranh, ông lại tặng. Triển lãm đầu tiên và cuối cùng của Bùi Xuân Phái diễn ra năm 1984, chính từ sau triển lãm đó tranh của Bùi Xuân Phái bắt đầu bán được. Đặc biệt sau khi ông mất, tranh càng bán chạy. “Nhờ tranh ông ấy để lại mà gia đình mới thoát nghèo”, vợ ông cảm kích nói.

Cố danh hoạ lấy vợ năm 31 tuổi. Ông hơn bà bảy tuổi. Họ có bốn người con nhưng chỉ có người con trai duy nhất Bùi Thanh Phương nối nghiệp cha, hiện nay anh là hoạ sỹ tự do.

Bà Sính nguyên là nữ y tá của Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba. Bà có tiếng tiêm giỏi, chính nghề tiêm đã trở thành “cần câu cơm” trợ giúp đắc lực kinh tế gia đình: “Lương hai vợ chồng có hơn một trăm đồng, nhà sáu miệng ăn, đủ thế nào được. Tôi phải làm thêm, vì mình có tay nghề, tôi đi tiêm theo đơn”.

Hai vợ chồng danh hoạ không bao giờ thảo luận về kinh tế gia đình: “Mỗi kỳ nhận lương của ông ấy, tôi đều để lại cho ông ấy một phần nhỏ để chi tiêu riêng. Thỉnh thoảng ông ấy cũng kiếm được từ việc làm ngoài, như vẽ bìa sách, minh hoạ báo, tôi chia đôi số tiền, ông cầm một nửa, tôi cầm một nửa”.

Bùi Xuân Phái dùng số tiền vợ chia để chiêu đãi bạn bè “khi thì bát bún thang, lúc thì bát phở, cốc cà phê”. Mọi sự chi dùng trong gia đình hoạ sỹ không phải lo lắng: “Tôi bảo ông ấy không phải sắm thứ gì, từ cái tăm cũng là tôi tới cái… quần đùi của ông ấy, cũng là tôi nốt”.

Chuyện may quần áo mới cho Bùi Xuân Phái rất vui. Ông ngại đi ra hiệu may nên bà thường mang quần áo cũ của ông đến hiệu may quen biết ở phố Bát Đàn, bảo họ cứ may theo cỡ đó, kiểu dáng đó là được. Mỗi khi gia đình túng bấn, vợ danh hoạ lại chạy đến chị gái ở gần Bờ Hồ, xin tiền chị, Bùi Xuân Phái không biết điều này: “Tôi quấy rầy ông ấy làm gì. Bởi nếu có tiền thì ông ấy đã đưa cho tôi”.

Thêm một tiết lộ từ bà: “Ông ấy không biết nấu ăn, từ quần áo, giặt giũ đều đến tay tôi hết. Dù rất yêu con nhưng ngay khi chúng còn nhỏ, ông cũng không biết chăm con, không biết cho con ăn”. Suốt vài chục năm bên nhau, hai vợ chồng không một lần to tiếng, cũng có một số lần giận nhau nhưng nhanh chóng làm hoà. Bùi Xuân Phái biết uống rượu nhưng không nghiện. Vợ ông thường mua cho ông chai rượu để ông tiếp bạn bè. Ông chỉ uống để vui, bà chưa từng chứng kiến ông say một lần nào.

Với một số bạn bè, Bùi Xuân Phái thuộc hàng “sợ vợ”. Lí giải điều này, bà cười: “Vì vui đâu thì vui, cứ bữa cơm lại chạy về ăn với tôi, buổi tối không mấy khi vắng mặt ở nhà. Tôi muốn ông về ăn cùng gia đình cho vui, lại nóng sốt, điều độ. Đêm, ông ấy thường thức khuya để vẽ, tôi phải giục đi ngủ. Được cái ông ấy hay nghe lời vợ”.

Ngược lại, bà chiều ông hết mực: “Người ta cứ tưởng nhà nghèo thì ông Phái khổ. Nhưng tôi chiều ông ấy lắm, có gì ngon cũng phần, phần ông ấy đầu tiên, rồi đến các con, cuối cùng mới đến mình. Ưu tiên chồng số một. Khi tắm, tôi xách nước vào cho ông ấy, mùa đông, đun nước pha sẵn, chuẩn bị quần áo rồi mời ông ấy vào tắm. Nên khi ốm nặng, được vợ tắm cạn, lau mặt mũi, tay chân cho, ông ấy thích lắm, trông tươi tỉnh hẳn”.

Người mẫu “bất đắc dĩ”

Trong số các danh hoạ ở Việt Nam, có lẽ Bùi Xuân Phái là người chăm chỉ đưa vợ vào tranh nhất. Ông có một số tranh phụ nữ khoả thân, tò mò hỏi vợ cố danh hoạ: “Những bức tranh đó có bóng dáng của bà không?”. Bà cười: “Có chứ. Điều này khách ngoại quốc hỏi nhiều rồi. Hồi đó ông ấy và bạn bè thường thuê chung người mẫu, rồi cắt người đứng ở ngoài canh trong khi vẽ.

Nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện thuê mẫu, nên đôi khi tôi cũng thành “người mẫu bất đắc dĩ”.Bà không nhớ nổi chồng đã vẽ bao nhiêu bức chân dung về mình: “Có lần ông ấy vẽ cô Nguyệt, cô ấy ở cửa hàng tranh, hay bán tranh cho ông ấy. Ông ấy vẽ mạnh tay, vẽ tung hoành, phá phách, đẹp lắm. Tôi bảo lúc nào ông vẽ tôi một bức phá phách nhé, chứ các tấm khác chân phương quá. Ông ấy đồng ý nhưng mấy năm bận bịu không lúc nào vẽ được. Rồi ông ấy ra đi”.

Bùi Xuân Phái là người chồng rất tình cảm, ông có thói quen cứ đi xa nhà lại viết thư cho vợ: “Ông ấy viết thư hay lắm, tiếc là tôi không giữ được. Thư ngắn thôi nhưng nắn nót lắm. Ông ấy viết thư nhiều đến mức ông đưa thư phải buồn cười, hỏi tôi, sao ông ấy viết thư khoẻ thế. Tôi cũng viết trả lại nhưng không viết được nhiều như ông ấy đâu. Ông thường hay kể các sự việc diễn ra với ông ấy. Vì ông ấy coi tôi như bạn nên khi ông ấy mất tôi buồn lắm, có lúc cứ tưởng như chồng vẫn còn sống”.

Trong mắt vợ, danh hoạ khá hài hước. Nhắc đến tính cách này của chồng bà vẫn còn buồn cười: “Nằm ngủ ông ấy hay kể chuyện tiếu lâm, vui lắm”. Danh hoạ có thói quen sáng tác về đêm, khi các con đã ngủ: “Khi ông ấy vẽ, tôi cứ đứng yên mà xem, không được nói gì. Nói thì ông xoá ngay tranh đó, vẽ lại từ đầu, cho nên tôi không bao giờ dám động”. Hỏi bà thích nhất tác phẩm nào của chồng, bà trả lời: “Tôi yêu ông ấy nên tác phẩm nào của ông tôi cũng đều yêu cả”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.